Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

SỰ KIỆN 30.4.1975- LỊCH SỬ KHÔNG CHẤP NHẬN SỰ NGOẮT NGOÉO, MÙ MỜ (1)

Mới chỉ xảy ra 40 năm mà sự kiện “Ai là người bắt và thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh- Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ngày 30.4.1975” vẫn còn rất mù mờ và tốn không biết bao giấy mực của báo chí, đồng thời cũng tạo nên một dư luận rất không hay về độ chân thực của lịch sử nước nhà.


Tuy vậy, cho đến giờ vẫn chưa có một kết luận cụ thể, rõ ràng về sự kiện này. Ai là người bắt giữ Tổng thống (TT) Dương Văn Minh và nội các? Ai là người đã đưa ra quyết định đưa TT Dương Văn Minh ra Đài phát thanh? Ai dẫn giải TT Dương Văn Minh ra Đài? Tại Đài phát thanh, ai là người soạn thảo văn kiện tuyên bố đầu hàng cho TT Dương Văn Minh?...  Đó là ông Bùi Văn Tùng- nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 hay ông Phạm Xuân Thệ- nguyên trung đoàn phó Trung đoàn BB 66 hay là một ai khác? Nếu cứ để thời gian trôi qua và các nhân chứng sống lần lượt qua đời thì sự việc chỉ càng thêm mù mờ, rối rắm mà thôi. Trong lúc vẫn còn một số nhân chứng sống sự việc này cần được làm cho sáng tỏ ngay! Không lẽ để đến hàng trăm năm sau con cháu chúng ta sẽ phải tốn rất nhiều công sức và tiền của nghiên cứu để tìm ra sự thật mà câu trả lời không quá khó với chúng ta ngay bây giờ?

Theo dòng sự kiện
 Giở lại những trang báo sau ngày 30 tháng Tư năm 1975 cùng rất nhiều hồi ức, ghi chép... về các sự kiện xảy ra tại dinh Độc Lập (ĐL) cũng như Đài phát thanh Sài Gòn ngày đó đâu đâu cũng chỉ thấy nói: “Trung tá chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 Bùi Văn Tùng đã tổ chức bắt Dương Văn Minh tại dinh ĐL, đưa ông ta ra Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng và chính ông là người thay mặt Quân giải phóng tiếp nhận đầu hàng của Tổng thống VNCH. Chính quyền VNCH từ trung ương đến địa phương nhanh chóng tan rã, các đơn vị quân đội VNCH cũng lần lượt buông súng đầu hàng”... Với những thành tích đó, ngày 17 tháng Năm năm 1975 tại Phòng khánh tiết dinh Độc Lập ông đã được thay mặt đại diện 5 cánh quân đón nhận cái ôm hôn thắm thiết của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.

Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ôm hôn chính ủy Bùi Văn Tùng.

Mọi chuyện tưởng như đã rõ như ban ngày nhưng không phải vậy! Năm 1985, trên một số báo đài xuất hiện các bài trả lời phỏng vấn của ông Phạm Xuân Thệ- nguyên đại úy trung đoàn phó Trung đoàn BB 66 (năm 1975) cho rằng chính ông mới là người bắt giữ TT Dương văn Minh, đưa ông ta sang Đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng. Chỉ đến khi việc đã gần xong ông Bùi Văn Tùng mới xuất hiện và tham gia vào đoạn cuối của câu chuyện.
Hãy nghe ông Thệ kể: “…Tôi đến cửa, toàn bộ nội các của họ đứng dậy chào. Vẻ mặt ai cũng bồn chồn lo lắng, có người lúng túng sợ sệt. Tổng thống Dương Văn Minh chậm rãi: “Biết quân giải phóng đã vào thành phố, nội các chúng tôi đang chờ các ông để bàn giao”. Tôi nói dứt khoát: “Các ông phải đầu hàng vô điều kiện. Yêu cầu tất cả xếp hàng đôi ra khỏi ngôi nhà này”. Tổng thống Dương Văn Minh khẩn khoản: “Chúng tôi xin được ở đây. Ra ngoài bây giờ không an toàn”. Tôi ra lệnh: “Các ông phải ra ngay đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện”. Sau đó tôi đưa ông ta ra đài phát thanh.
Phạm Xuân Thệ
Tôi thảo bản tuyên bố: “Tôi – Dương Văn Minh – tổng thống chính quyền Sài Gòn, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trước sức mạnh của quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi kêu gọi chính quyền từ trung ương đến địa phương giải tán toàn bộ, trao lại cho quân giải phóng miền Nam Việt Nam”. Ông ta phản đối chữ “tổng thống”, đòi đổi thành “đại tướng”, tôi không chịu: “Đã nhận chức tổng thống mới một ngày hay một giờ ông cũng là tổng thống”.Văn bản đang được soạn thảo thì trung tá chính ủy Bùi Văn Tùng mới xuất hiện, và sau đó cùng tiếp tục thảo và hoàn chỉnh lời tuyên bố đó.
Tiếp đó là một loạt cuộc tranh luận, đối chất và dư luận bị phân hóa thành 2 luồng trái ngược nhau. Sự căng thẳng đến mức Ban Tuyên giáo TƯ phải chỉ đạo Viện Lịch sử quân sự (LSQS) tổ chức nghiên cứu để kết luận về vụ việc này. Sau một thời gian nghiên cứu tư liệu, gặp gỡ nhân chứng, tổ chức hội thảo... Viện LSQS đã đưa ra một bản kết luận có rất nhiều khác biệt so với những gì người ta từng biết trước kia.
Trích kết luận của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Cuộc Hội thảo về Sự kiện 30.4.1975 tại dinh ĐL đã được Viện LSQS tổ chức ngày 19.10.2005 với sự tham gia của một số nhân chứng. Kết thúc Hội thảo, Viện LSQS đã đưa ra kết luận với các nội dung chủ yếu như sau:
...
2 – Về việc bắt Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các chính quyền Sài Gòn ở dinh Độc Lập và áp giải Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu sang đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng:
Trong mũi tiến công thọc sâu bằng sức mạnh tổng hợp của quân đoàn 2 (gồm Lữ đoàn xe tăng 203, Trung đoàn bộ binh 66 và các lực lượng phối hợp) vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, Đại đội 4 xe tăng (thuộc Lữ đoàn 203) là đơn vị tiến công, đột nhập vào dinh Độc Lập đầu tiên và đồng chí Bùi Quang Thận là người thực hiện việc kéo cờ giải phóng trên nóc Dinh.
Cùng lúc đó, một số cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 do Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ chỉ huy tiến vào dinh Độc Lập, lên tầng 2 bắt Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các ở phòng họp và áp giải Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu sang đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng.
3 – Về việc thảo lời tuyên bố đầu hàng và tuyên bố chấp nhận sự đầu hàng của Dương Văn Minh:
Tại đài phát thanh đồng chí Phạm Xuân Thệ cùng các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 tổ chức soạn thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh. Văn bản đang được soạn thảo, thì Trung tá Bùi Văn Tùng – Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 xuất hiện. Từ đó, bộ phận cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 dưới sự chỉ đạo của đồng chí Bùi Văn Tùng tiếp tục soạn thảo và hoàn chỉnh lời Tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc vào máy ghi âm để phát trên đài phát thanh.
Riêng lời Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh do đồng chí Bùi Văn Tùng soạn thảo và trực tiếp đọc trên đài phát thanh”.

Với kết luận này thì ông Phạm Xuân Thệ là nhân vật chính xử lý mọi việc ở dinh ĐL và cả ở đài phát thanh, còntrung tá Bùi Văn Tùng thì không hề có mặt tại dinh Độc Lậpvà chỉ như một người vô tình ghé qua Đài phát thanh nhưng chỉ do có quân hàm cao nên được tham gia vào đoạn cuối của sự kiện mà thôi!

Lịch sử cũng được viết lại
Sự thay đổi không chỉ diễn ra trên mặt báo mà còn đi vào chính sử, làm thay đổi cả sách lịch sử của một số đơn vị liên quan.Xin mời các bạn xem 2 đoạn văn mô tả sự kiện trưa 30.4.1975 của cùng một cuốn sách viết về lịch sử Lữ đoàn xe tăng 203 song được in ở 2 thời điểm khác nhau: 1990 và 2000 thì sẽ rõ người ta đã viết lại LS thế nào. 

Cuốn in năm 1990 viết: “... Lúc ấy là 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cùng thời gian đó Phó trung đoàn trưởng 66 Phạm Xuân Thệ cùng đồng chí trung tá Bùi Văn Tùng Chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 và một số cán bộ, chiến sĩ xe tăng, bộ binh, công binh, pháo binh, vệ binh của binh đoàn, một số chiến sĩ biệt động Sài Gòn tiến thẳng vào phòng họp bắt toàn bộ bọn đầu sỏ ngụy quyền trung ương...
Dương Văn Minh và toàn thể nội các ngụy hiểu rất rõ sức mạnh áp đảo của CM, chúng chỉ có một con đường đầu hàng vô điều kiện”(Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 xuất bản 1990, tr 132).
Cũng cuốn này còn trích từ cuốn “Binh đoàn Hương Giang”- NXBQĐND in năm 1985, tr 201: “Các đồng chí Nguyễn Tất Tài lữ đoàn trưởng, Bùi Văn Tùng Chính ủy Lữ đoàn 203 xe tăng và cán bộ chiến sĩ binh đoàn vinh dự là những người trong đội hình của lực lượng thọc sâu tiến vào dinh Độc lập đầu tiên, thay mặt anh em bắt TT Dương Văn Minh đến máy ghi âm đọc bản tuyên bố xin hạ vũ khí đầu hàng vô điều kiện QGP miền nam Việt Nam. Quân đội ta lập tức công bố đã chiếm dinh ĐL, bắt sống toàn bộ nội các và TT ngụy”(sách đã dẫn- tr 133).
Song vẫn sự kiện trên trong cuốn Lịch sử Trung đoàn xe tăng 203 in năm 2000 thì viết: “Lúc ấy là hơn 11 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975, chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Cùng thời gian đó trung đoàn phó Trung đoàn BB66 Phạm Xuân Thệ cùng một số  trong lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 và biệt động thành tiến vào phòng họp bắt TT Dương Văn Minh cùng toàn bộ những nhân vật chủ chốt của nội các chính quyền SG. Ngay sau đó đồng chí Phạm Xuân Thệ cùng một sốcán bộ, chiến sĩ áp giải TT Dương Văn Minh đến đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng.

Trong lúc đồng chí Phạm Xuân Thệ và các đồng chí cán bộ Trung đoàn 66 soạn thảo nội dung Lời tuyên bố đầu hàng thì đồng chí Bùi Văn Tùng chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 đến. Mọi người cùng tham gia soạn thảo tiếp để Dương Văn Minh đọc trên đài phát thanh. Vì chữ đồng chí Thệ khó đọc. Dương Văn Minh không đọc nổi, đồng chí Thệ Phải đọc cho Dương Văn Minh chép lại” (Lịch sử Trung đoàn xe tăng 203- NXB QĐND- 2000, tr145).

Như vậy, chỉ trong vòng 10 năm mà lịch sử của một đơn vị đã được thay đổi rất nhiều. Vậy đâu là sự thật?

            (Xin lưu ý, từ năm 1995 ông Phạm Xuân Thệ là tư lệnh Quân đoàn 2, phó bí thư  đảng ủy quân đoàn và Chủ tịch Hội đồng KHQS của quân đoàn)

NKN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét