Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

SỰ KIỆN 30.4.1975- LỊCH SỬ KHÔNG CHẤP NHẬN SỰ MÙ MỜ, NGOẮT NGOÉO (2)

Mặc dù cuộc Hội thảo đã đưa ra kết luận song cái kết luận này lại gây ra phản ứng dữ dội từ một số nhân chứng và sự không đồng tình, không "tâm phục, khẩu phục" trong dư luận chung.


Cuộc bút chiến, tranh luận vẫn tiếp tục
Ngay sau khi báo chí đưa tin nội dung kết luận của Viện LSQS, từ TP.HCM, đại tá Bùi Văn Tùng đã lập tức phản ứng. Ông cho rằng “kết luận” đó không khách quan, nghiêng về phía Trung tướng tư lệnh Quân khu I Phạm Xuân Thệ và yêu cầu phải tiếp tục làm sáng tỏ sự thật lịch sử.
Tương tự, những người lính trên chiếc xe tăng nổi tiếng 390 cũng đã lên tiếng có ý kiến về công tác tổ chức hội thảo và phản đối “thông báo” của Viện Lịch sử quân sự.
Về công tác tổ chức Hội thảo, các thành viên kíp xe 390 cho rằng ban tổ chức đã có phần thiên vị và để sót một số nhân chứng quan trọng. Cụ thể là: đối với đại diện Lữ đoàn XT 203 ban tổ chức chỉ mời 3 người: ông Bùi Văn Tùng- nguyên chính ủy lữ đoàn; ông Trần Minh Công- nguyên Lữ đoàn phó tham mưu trưởng và ông Bùi Quang Thận- nguyên đại đội trưởng Đại đội XT 4. Trong 3 đại biểu này thì vào trưa 30.4.1975,  ông Công bận chỉ huy việc bố trí lực lượng ở ngoài sân và xung quanh dinh đề phòng địch phản kích; ông Thận thì lên nóc dinh cắm cờ. Hai đại biểu này không hề biết những gì xảy ra trong dinh- đặc biệt là trong phòng khánh tiết nên không thể có ý kiến gì được. Chỉ có duy nhất ông Bùi Văn Tùng là ở trong dinh lúc ấy song đã bị tai biến mạch máu não một lần, trí nhớ giảm sút, nói năng khó khăn. Vậy có thể coi như Lữ đoàn XT203- lực lượng chủ công đánh chiếm và có mặt sớm nhất tại dinh ĐL đã không có đại biểu ở đó.
Trong khi đó, BTC lại bỏ qua những nhân chứng đã có mặt đầu tiên trong dinh ĐL, đã tiến hành những công việc đầu tiên để bắt giữ TT Dương Văn Minh cùng nội các- đó chính là các thành viên kíp xe 390.

Những chiến sĩ trên kíp xe 390 nói gì?
Trung úy Vũ Đăng Toàn


Hãy nghe trung úy Vũ Đăng Toàn- nguyên chính trị viên Đại đội xe tăng 4, đồng thời là chỉ huy xe 390- chiếc xe đã húc đổ cổng chính dinh ĐL kể lại: “Tôi xin khẳng định, sau khi xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập và tiến sát bậc thềm lên xuống của Dinh rồi dừng lại, tôi thấy anh Bùi Quang Thận (đại đội trưởng Đại đội xe tăng 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, trưởng xe 843) cầm cờ chạy tới nơi. Biết đồng đội vào Dinh làm nhiệm vụ cắm cờ, tôi vội xách khẩu AK (bên hông vẫn đeo súng ngắn) chạy theo để yểm hộ.
Hai chúng tôi vừa vào tầng 1 của Dinh đã gặp ông Nguyễn Hữu Hạnh - Phụ tá Tổng thống Dương Văn Minh. Tôi nhớ rõ lúc ấy ông Hạnh mặc quân phục, đội mũ hơi lệch, đeo quân hàm chuẩn tướng.
Ông Hạnh chào rất lễ phép và nói Tổng thống Dương Văn Minh đang đợi quân Cách mạng. Lên đến lầu 2, anh Bùi Quang Thận định lên cắm cờ nhưng không biết đường. Ông Nguyễn Hữu Hạnh cử người đi theo và có một người mặc chiếc áo trắng cộc tay nhận dẫn anh Thận đi lên nóc Dinh bằng thang máy. Còn lại một mình với khẩu AK vẫn lăm lăm trên tay, tôi thấy Nội các của Dương Văn Minh nhốn nháo với thái độ khá sợ hãi.
Lúc này Ngô Sĩ Nguyên (nguyên pháo thủ số 1 xe 390) cũng lên tới nơi. Hai anh em chúng tôi đã dồn Nội các của Dương Văn Minh vào một chỗ, sau đó Nguyên ra đứng gác ở cửa.
Thấy ổn, ông Nguyễn Hữu Hạnh mới vào phòng trong mời ông Minh ra chào. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh chi tiết: Lúc chúng tôi lên, ông Minh không phải đã ngồi sẵn cùng nội các trong phòng khánh tiết, mà ngồi ở phòng bên cạnh.
Khi ông Minh vừa ra thì đại úy Phạm Xuân Thệ (lúc đó là Trung đoàn phó Trung đoàn 66- PV) cùng 2 trợ lý cũng bước vào phòng.
Anh Thệ có nói với tôi anh là trung đoàn phó trung đoàn 66, sau đó bắt tay Dương Văn Minh bằng tay phải, tôi cũng bắt tay Dương Văn Minh bằng tay trái.
Khi mọi người chưa kịp làm gì tiếp thì trung tá Bùi Văn Tùng (sau là đại tá, hiện đã nghỉ hưu- PV) Chính ủy lữ đoàn xe tăng 203 tới. Ông Minh thấy anh Tùng người to cao thì lễ phép chào: “Thưa ông, chúng tôi đợi các ông vào lâu rồi để bàn giao chính quyền”.
Anh Tùng nói: “Các ông là người bại trận. Các ông không còn gì để bàn giao mà chỉ có đầu hàng vô điều kiện”.
Còn pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên thì kể: “Khi anh Bùi Văn Tùng bước vào, anh Thệ chào và nói: “Báo cáo thủ trưởng, tôi là đại úy Phạm Xuân Thệ, trung đoàn phó Trung đoàn 66, sư 304”.
Anh Bùi Văn Tùng hỏi: “Ngoài anh ra còn ai nữa không”. Anh Thệ nói: “Không”. Anh Tùng nói: “Vậy thì mời anh vào đây cùng làm việc với 203”.
Lúc này, trong Nội các có người báo phòng bên có đường phát thanh, nhưng kiểm tra thì thấy bị hỏng. Ông Vũ Văn Mẫu nói: “Nếu đưa chúng tôi sang Đài Phát thanh Sài Gòn thì phải có xe bọc thép đưa đi, nếu không phe đối lập sẽ gây nguy hiểm cho chúng tôi”.
Anh Bùi Văn Tùng nói luôn: “Bây giờ không còn phe đối lập nào ở Sài Gòn nữa, mà toàn là quân giải phóng”.
Pháo thủ Ngô Sĩ Nguyên

Như vậy, trái ngược hẳn với kết luận của Viện LSQS, những người lính đầu tiên có mặt trong dinh ĐL đã khẳng định chính ủy Bùi Văn Tùng đã có mặt tại đây từ khá sớm và đã trực tiếp xử lý các vấn đề cốt yếu nhất để nhanh chóng đưa TT Dương Văn Minh sang đài phát thanh tuyên bố đầu hàng.
Những ý kiến trái chiều
Sự kiện ông Bùi Văn Tùng có mặt tại dinh ĐL và đã tổ chức đưa TT Dương Văn Minh sang đài phát thanh cũng được Thượng tướng Nguyễn Hữu An- nguyên tư lệnh Quân đoàn 2 lúc đó xác nhận trong hồi ký của mình: “... Một cán bộ bảo vệ dẫn chúng tôi tới nơi tập trung nội các ngụy. Nhìn những gương mặt sượng sùng, không thấy Dương Văn Minh, tôi hỏi anh cán bộ bảo vệ, anh cho biết: Phạm Xuân Thệ trung đoàn phó Trung đoàn 66 và Bùi Văn Tùng chính ủy Lữ đoàn 203 đã dẫn Minh đến đài phát thanh kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền đầu hàng. Công Trang (đại tá phó chính ủy quân đoàn- TG) sợ sổng mất Dương Văn Minh, anh nổi nóng hỏi: “Ai giao cho các cậu làm việc đó?”. Tôi phải giật áo Công Trang: “Đằng nào anh em cũng làm rồi, bình tĩnh đợi xem sao...” (Chiến trường mới- NXB QĐND 1995, tr 321).
Thế còn ý kiến của các nhân chứng có mặt tại Đài phát thanh Sài Gòn vào trưa 30-4 thì cũng chia làm hai. Các đồng đội cũ ở trung đoàn 66 bộ binh của trung tướng Phạm Xuân Thệ là thiếu tướng Hoàng Trọng Tình, đại tá Phùng Bá Đam... vẫn cho rằng chính ông Thệ đã tổ chức soạn thảo và chấp bút bản tuyên bố đầu hàng cho tổng thống Dương Văn Minh. Còn các nhân chứng khác cũng có mặt trong khoảnh khắc lịch sử đó như: nhà báo Kỳ Nhân (lúc đó làm việc cho Hãng AP, người chụp bức ảnh duy nhất tại đài phát thanh), sinh viên Nguyễn Hữu Thái, sinh viên Huỳnh Ngọc Chênh… lại khẳng định người làm việc đó là chính ủy Bùi Văn Tùng.
Và cuộc “bút chiến” đã nổ ra khi tạp chí Xưa & Nay (thuộc Hội Khoa học lịch sử VN) thực hiện một chuyên đề dài 12 trang về diễn biến ngày 30-4-1975 tại Sài Gòn. Trong đó, ông Dương Trung Quốc và các tác giả khác đã đưa ra nhiều tư liệu và luận cứ khác, nhằm gián tiếp chứng minh rằng “thông báo” của Viện Lịch sử quân sự là không đầy đủ, không khách quan và chính xác. Không lâu sau đó, tạp chí Lịch Sử Quân Sự (cơ quan của Viện Lịch sử quân sự) “đáp trả” cũng bằng một chuyên đề nhiều trang về sự kiện này.
Mọi chuyện không chỉ dừng lại ở hai tạp chí chuyên ngành. Tại Liên hoan truyền hình toàn quốc 2007, Đài truyền hình TP.HCM (HTV) đã tung ra bộ phim tài liệu lịch sử đáng chú ý, với tựa đề Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4 của đạo diễn Lâm Thành Quí. Với những tư liệu và nhân chứng mới, bộ phim này đã gián tiếp phủ nhận “thông báo kết quả nghiên cứu” của Viện Lịch sử quân sự. Bộ phim được các thành viên giám khảo đánh giá rất cao. Sau đó HTV đã chiếu bộ phim này trên kênh HTV 9 và được dư luận rất đồng tình bởi những lập luận sắc xảo của đoàn làm phim cùng sự thuyết phục của các chứng cứ.
1- “Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975” của HTV9
Và gần đây nhất- năm 2016, đài truyền hình VTV1 đã phát bộ phim tài liệu “Nhân chứng thứ ba”. Trong đó kể lại những gì mà những người thuộc “lực lượng thứ ba”- không thân bên nào kể lại. Tất cả các nhân chứng, vật chứng đều cho thấy vai trò của chính ủy Bùi Văn Tùng tại dinh Độc Lập và Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30.4.1975. Các chứng nhân này cũng gián tiếp phủ định nội dung “Thông báo của Viện LSQS”.
2- “Nhân chứng thứ ba” của VTV1:

 Tuy nhiên, chưa thấy Viện LSQS có động thái gì phản ứng lại trước những luồng dư luận trái chiều đó!
NKN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét