Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

1- HẬU VỆ, LÍNH TĂNG, SĨ QUAN, BÍ THƯ... VÀ THƯỜNG DÂN- 2

Gặp nhau rồi, còn một chuyện làm tôi ngớ ra là hắn đã cưới vợ, lại là N.- một hoa khôi của lớp C mới ác chứ. Thực ra, ở lớp này hồi cuối cấp 3 cũng đã có một số đôi có tình ý với nhau, nhưng giữa hắn với N. có thấy biểu hiện gì đâu. Vợ hắn thì cũng chẳng có gì xa lạ với tôi, tôi còn biết N. từ hồi cấp 2 cơ vì năm lớp 6, huyện CL tập trung đội tuyển Toán để bồi dưỡng đi thi tỉnh. Có 10 đứa tất cả, trong đó có nhõn một đứa con gái là cái N.. N. cao ráo, có gương mặt khá xinh, lại học giỏi nên đã lọt vào mắt xanh của khối anh, thậm chí là cả một số thày giáo trẻ chưa vợ nữa (sau này, khi gặp lại nhau, một thày giáo ở HN đã công nhận điều đó). Thế mà không hiểu do duyên số hay cái gì đó lại rơi vào tay cái thằng cả ngày chẳng nói một câu này. Đúng là “mèo mù vớ cá rán”. Lúc đó, N. đang học năm cuối của ĐH Nông nghiệp, khoa Thú y.

Rồi thì mấy tháng sau tôi mới được gặp N.. Y thị đang làm luận văn tốt nghiệp nên được nghỉ. Và thế là thị bê tất cả tài liệu lên chiêu đãi sở của Trường SQTG để tác nghiệp. Lại đang có chửa đứa con đầu nữa chứ, bụng to vượt mặt trông tất tả lắm. Dạo ấy, hắn đang khá bận nên hắn nhờ tôi ra kẻ vẽ giúp các thứ bảng biểu phục vụ cho việc bảo vệ LV của N.. Thế là tôi phải bò ra mất mấy ngày mới hoàn chỉnh được hơn chục bảng kẻ cho vợ hắn. N. còn bắt tôi đọc và sửa luận văn hộ. Khổ, mình có chuyên môn quái gì về cái món chăn nuôi thú ý này đâu. Nhưng rồi nể bạn, tôi cũng đọc và sửa cho hắn được ít lỗi chính tả. Tháng sau, N. bảo vệ thành công LA tốt nghiệp. Tháng sau nữa thì tòi ra một thằng cu. Vợ chồng hắn đặt tên con là Nam để kỷ niệm những ngày hắn chinh chiến ở CT miền Nam. Sau đó, N. được phân về Trại giống ở Chí Linh. Chồng sĩ quan, vợ kỹ sư công tác tại quê nhà. Cuộc đời hắn nghe chừng khá viên mãn.

Nhưng rồi sự ổn định ấy cũng không được lâu. Quãng cuối năm 76, đầu năm 77, hắn được điều đi “tăng cường cấp huyện” tận miền Nam. Đây là một chủ trương lớn của Nhà nước hồi ấy- đưa sĩ quan QĐ tăng cường cho chính quyền các vùng mới giải phóng. Chẳng biết người ta căn cứ vào cái gì mà lại điều hắn đi về Phòng Thủy lợi huyện Cần Đước, Long An. Chúng tôi chia tay nhau khá bịn rịn.

Tôi thì không biết những ngày công tác tại đó hắn có làm được việc gì ra hồn không, chỉ biết riêng về uống rượu thì hắn “lên mồm” khiếp. Hồi ở TSQ, hắn bị đau dạ dày, có liên hoan gì đó cũng chỉ dám cầm chén rượu lên nhấp môi rồi đặt xuống. Thế mà, chỉ sau 1 năm đi tăng cường cấp huyện về quê gặp nhau, hắn uống như hũ chìm. Kể ra, thành tích đi tăng cường thế này cũng là lớn đấy chứ.

Ngồi nói chuyện với nhau, tôi tỷ mẩn hỏi: “Thế ở trong ấy, mày làm những việc gì”. Hắn cười: “Thì chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các xã làm TL chứ còn làm gì nữa”. Tôi bảo: “Mày thì biết quái gì mà chỉ đạo với hướng dẫn”. Hắn lại cười khùng khục: “Thì đúng như thế. Mình có học gì về món đó đâu. Nhưng mà phải có võ. Cứ xuống một xã làm tốt, bảo họ báo cáo thật tỷ mỷ, cụ thể. Thế là mình nắm được những điểm chính rồi từ đó mà mô- li- phê ra mà chỉ đạo xã khác”. Thì ra là thế.

Nhưng rồi cái sự nghiệp của anh cán bộ Thủy lợi huyện cũng chẳng được dài lâu. Năm 77, bọn Pôn Pốt đánh các tỉnh BGTN của ta. Những năm tiếp theo, chiến tranh BGTN ngày càng dữ dội, các cán bộ đi tăng cường cấp huyện lại được rút về đội ngũ. Hắn được điều về tỉnh đội Tây Ninh.

Tuy nhiên, lần này thì “cóc đã mở miệng”. Hắn cùng một số đồng đội lên tận BCHQS tỉnh và BTL quân khu có ý kiến: “nếu gọi về QĐ thì phải điều về đơn vị cũ. Còn nếu điều về tỉnh đội thì chắc chắn sẽ không hoàn thành nhiệm vụ”. Cùng với hắn còn khá đông anh em ở các QBC khác cũng có ý kiến như vậy. Chắc là vì thế nên đùng một cái, hắn được đưa về học chỉ huy bay ở Tân Sơn Nhất.

Thông minh, có văn hóa, lại đã ở lính xe tăng, được học SQXT nên trong khóa đào tạo đó, hắn tỏ ra xuất sắc nhất. Vì vậy, sau khi mãn khóa, trong khi các đồng đội bị điều đi các sân bay nhỏ lẻ như Trà Nóc, Thành Sơn v.v… thì hắn lại được ở lại TSN mới oách chứ. Xem ra, cái vị trí này cũng có tương lai bởi sân bay TSN lúc đó cũng đã khá sầm uất, nếu làm tốt thì vừa có thu nhập khá, lại có cơ hội phát triển. Cái gì chứ trước mắt là nếu được đi tranh thủ có thể đi nhờ máy bay được. Thực tế là đã có 2- 3 lần hắn đi nhờ máy bay QS về Gia Lâm.

Nhưng sự đời không đơn giản như vậy. Tình hình kinh tế nước nhà đi vào giai đoạn khó khăn. Vợ hắn ở nhà một nách con thơ, một nách mẹ già, lại còn việc cơ quan nên khá vất vả, đồng lương lại eo hẹp. Hắn thì khá hơn nhưng lại ở xa, tích cóp lương cả năm chỉ dồn cho một chuyến đi phép là hết (mặc dù thường là được đi nhờ máy bay quân sự). Thế là bài toán hợp lý hóa gia đình được đặt ra một cách quyết liệt: “Hoặc là hắn phải về với vợ, hoặc là vợ hắn phải vào Nam với hắn”.

Gặp nhau, hắn cũng cho tôi biết tình hình và tham khảo ý kiến. Với tôi, tôi ủng hộ phương án 1- N. phải vào Nam với hắn. Có mấy căn cứ để tôi nghiêng về phương án này: Một là, hắn ở ngành HK, lại ở TSN nên rất có tương lai. Hai là, miền Nam đang rất thiếu cán bộ có chuyên môn nên vợ hắn vào sẽ xin việc dễ dàng. Mà đúng là như vậy thật, hắn mới sơ bộ liên hệ mà một trường ĐH Nông lâm trong đó đã đồng ý nhận vào làm cán bộ giảng dạy ngay. Bản thân hắn cũng thấy đó là hợp lý, vợ hắn cũng xuôi xuôi. Tưởng mọi việc sẽ thuận rồi song lại gặp một lực cản khác: Đó chính là bà mẹ già của hắn. Bà quyết không rời khỏi quê hương, bản quán. Nhà có hai anh em, anh lớn đã hy sinh ở chiến trường miền Nam, chưa biết nằm ở đâu. Mẹ thì già yếu, còn hắn là con trai duy nhất không lẽ bỏ đi cho sướng thân mình. Và thế là sự việc quay ngoắt đi 180 độ, hắn quyết định xin phục viên về quê.

Thật tình là tôi tiếc cho cái quyết định ấy của hắn. Nếu hắn ở lại TSN và đưa vợ vào thì cuộc đời hắn chắc sẽ đỡ lầm than hơn. Nhưng mà ai biết trước được mọi việc. Biết đâu rồi vào đó lại khổ hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét