Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

2- BA CHÌM, BẢY NỔI, CHÍN LÊNH ĐÊNH:

Hắn người làng Nội, cùng học lớp A với tôi trong 3 năm cấp 3. Về hoàn cảnh gia đình nhà hắn thì có thể nói là thuộc loại nghèo đến mức không thể nghèo hơn được nữa. Do nghề nghiệp lái xe bò, lại thích tụ tập bạn bè nên tôi cũng có nhiều dịp đi khắp nơi trong huyện, kể cả những hang cùng ngõ hẻm… song khó có thể tìm thấy ngôi nhà nào tồi tàn như thế. Đó là một ngôi nhà vách trẫy (có nơi gọi là dứng, nhứng) đã bị mưa gió làm xói lở hết dưới chân, mái rạ thì bạc phếch, ngắn tũn và lỗ chỗ thủng, nền nhà và sân đều bằng đất nện lồi lõm, khấp kha khấp khểnh… Bên trong tất nhiên chẳng có gì đáng giá ngoài mấy chiếc giường tre. Đó cũng chính nơi trú ngụ của gần chục con người vì nhà hắn đông anh em lắm, bố mẹ hắn khá yêu nhau nên có với nhau đến 9 mặt con ! Đông con như thế vào cái thời gạo châu, củi quế thì nghèo cũng là điều dễ hiểu. Với 9 cái tàu há mồm đủ mọi lứa tuổi ấy chỉ chạy ăn cho chúng cũng đã hết hơi, nói chi đến tích lũy làm giàu. Cũng may, thời ấy đi học không phải đóng học phí và hàng chục loại phí như bây giờ nên anh em hắn vẫn được đến trường.

Tuy vậy, có một điều lạ là dù nhà nghèo như thế song anh em hắn khá phổng phao chứ không đến nỗi gày còm, ốm yếu. Vì vậy, khi mới vào lớp 8 hắn cao hơn tôi cả một cái đầu. Người hắn cũng béo tốt, mập mạp, nếu đem cân chắc phải gấp rưỡi lão bọn tôi. Nước da thì trắng trẻo, khuôn mặt khá thư sinh. Nhìn hắn không ai nghĩ hắn lại xuất thân từ một gia đình nghèo như vậy. Vừa mới nhập học, căn cứ vào điểm chác trên học bạ và có lẽ cả cái vẻ bề ngoài của hắn, thày Tư chủ nhiệm cử luôn hắn làm « Lớp phó phụ trách học tập ». Hắn hãnh diện lắm và nhiều khi cứ hay « thể hiện » trước bạn bè. Tôi còn nhớ như in hôm hắn thể hiện về cách « đóng thùng » áo sơ mi cho chúng tôi xem. Ở cái bờ hồ dưới chân đồi, hắn cho áo vào trong quần rồi vươn vai, miệng bảo : « Phải rướn người lên thế này này… » thì cái áo lâu ngày vải đã mục nên « xoạc » một phát từ nách xuống đến thắt lưng. Hắn chẳng còn biết nói sao nữa, mặt cứ thộn ra như thằng ăn trộm bị bắt quả tang.

Còn một đặc điểm nữa là hắn rất mê gái. Nói như thằng M- đại tá công an cùng lớp thì: “Thằng K. thì đứa con gái nào chả yêu nó. Ít nhất cũng phải 2/3 con gái ở cái trường này yêu thằng K. Còn hắn thì đứa nào nó chả yêu, ít nhất nó cũng phải yêu đến 2/3 con gái ở trường này. Cứ nhìn thấy em nào xinh xinh một tý là nó yêu ngay ».

Tuy nhà nghèo vậy song phải nói hắn rất thảo với bạn bè. Còn nhớ lần em H. miền Nam đi đâu đó ghé qua làng hắn. Hắn mời vào nhà chơi bằng được, giữ lại nhà ăn cơm. Chẳng có gì đãi bạn, hắn bóp cổ chết ngoéo con gà mái duy nhất đang nằm ấp trên ổ để vặt lông.

Theo kế hoạch của năm học 1970-1971 thì khóa học chúng tôi sẽ thi TNPT vào các ngày 20, 21, 22/5/1971 (không nhớ thật chính xác nhưng nếu có lệch cũng chỉ 1-2 ngày). Nhưng đùng một cái, quãng mồng 10 gì đó, một loạt học sinh nhận quyết định nhập ngũ vào ngày 13.5. Đợt đó, lớp tôi cũng có gần chục bạn phải đi, gồm Đào Bá Trang- lớp trưởng, Vũ Công Phương, Dương Văn Thuận, Bùi Văn Đức, Lưu Văn Thiệp, Nguyễn Văn Điệp… và hắn. Tất nhiên, theo chính sách của NN thì bọn hắn sẽ được đặc cách tốt nghiệp nhưng nghĩ ra cũng thấy tội tội. Chả gì cũng mất 10 năm học phổ thông, còn đúng 1 tuần nữa sẽ đến ngày thi mà vẫn bắt con người ta đi. Vì vậy, mặc dù đang cao điểm ôn thi TN song cả lớp tôi nhất trí bỏ hẳn một ngày rồng rắn kéo nhau đến nhà bọn chúng để tiễn chân. Trong đợt này, một số cặp có cảm tình với nhau đã mạnh dạn ra công khai. Riêng hắn, mặc dù là kẻ đa tình, yêu thật nhiều đấy song lại chẳng có ai yêu lại.

Sau mấy tháng huấn luyện ngoài Bắc, bọn hắn được bổ sung vào chiến trường. Hắn cùng một số bạn bè được đưa về trung đoàn 42 của BTL 559. Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên khá thú vị : chính ủy trung đoàn này là cán bộ miền Nam tập kết, gia đình ông hiện sống ở Chí Linh và có con gái lớn là T.H học sau bọn tôi 2 lớp. TH cũng thuộc loại xinh và khá nối tiếng ở trường. Hồi tháng 8.71, khi về phép hắn tình cờ gặp T.H ở Bến Bình. Mặc dù H chẳng biết hắn là ai song hắn vẫn kéo nàng lại nói chuyện. Hắn xin địa chỉ quê hương của em để « nếu có điều kiện anh sẽ ghé thăm ». Chuyện tào lao như vậy song thật tình cờ là khi vào chiến trường hắn lại làm lính ở trung đoàn của bố T.H.

Có điều may là mấy năm ở chiến trường hắn đều nằm ở đường dây 559 nên tuy có ác liệt, gian khổ song cũng không phải trực tiếp tham gia chiến đấu. Có sức khỏe, lại quen lao động từ ngày còn ở nhà, hắn thường xuyên hoàn thành tốt nhiệm vụ và nhiều lần được khen thưởng. Có một chuyện mà đến giờ thiếu tướng ĐVN vẫn thường xúc động nhắc lại : « Nếu không có hắn thì tao chưa chắc đã sống được đến bây giờ ». Số là, trên đường hành quân từ vùng Ngã Ba BG ra Khe Sanh N bị sốt rét nặng. Vì nhiệm vụ gấp nên cấp trên quy định : «Ai không theo kịp sẽ gửi lại các trạm ». Đang ở chiến trường vùng sâu, được hành quân ra gần miền Bắc là thấy đường sống. Thế mà bị gửi lại các trạm giao liên thì cầm bằng ngỏm, nếu không cũng chẳng biết ngày nào ra được. Hắn liền tổ chức cho mấy anh em cùng xã chia đồ của N ra để mang . Riêng hắn mang cái ba lô của N. Thế là, một ba lô sau lưng, một ba lô trước ngực suốt mấy trăm km lại còn kèm sát N để động viên.

Vì những thành tích như vậy, tháng 8.1974 hắn được cử ra Bắc học Trường trung cấp kỹ thuật Thông tin. Tháng 8.75, trong đợt phép đầu tiên của mình, tôi gặp hắn ở Sao Đỏ. Trông hắn chững chạc trong bộ quân phục với đôi quân hàm học viên đỏ rực thấy « oách » phết.

3- Cứ ngỡ con đường trước mặt hắn đã rộng mở và cứ thế mà đi theo thì hắn lại tự ngả sang một ngã rẽ khác. Cuối năm 75, hắn quyết định xin ra quân. Mặc dù đơn vị cũng giáo dục, giải thích nhiều lần song hắn vẫn kiên quyết không thay đổi ý định nên tháng 1.76, hắn có quyết định xuất ngũ.

Sau này, trong một lần gặp nhau hắn giải thích cái động cơ xin ra quân của hắn hồi đó là để « vực dậy kinh tế gia đình ». Nói nôm na là nghĩa vụ cứu nước đã hoàn thành, bây giờ phải nghĩ đến « cứu nhà ». Tìm hiểu kỹ thêm thì tôi được biết, cuối năm 75 thằng em của hắn bị tai nạn chấn thương cột sống nặng. Bố mẹ thì đã già yếu, có thằng lao động chính lại nằm liệt giường… nên hoàn cảnh gia đình đã nghèo lại càng khó khăn hơn. Nghĩ rằng với sức vóc và khả năng của mình có thể vực dậy cái gia đình nghèo khó này, hắn kiên quyết xin về. Có lẽ, do đã được đi đây đi đó nhiều hơn, tầm mắt được mở rộng hơn… hắn đã có điều kiện so sánh và thấy rằng nhà mình quá nghèo, hắn đã thấm thía hơn cái cực khổ của những người nghèo nên quyết tâm phải thoát nghèo. Và cái khát vọng thoát nghèo này không chỉ xuất hiện trong thời điểm đó mà còn đeo đuổi hắn đến suốt cả cuộc đời.

Ra quân rồi, hắn cày thật lực. Bất kể công việc gì hắn đều không nề hà. Từ việc làm ruộng ở nhà cho đến đi rừng lấy củi, lấy nứa… rồi bốc vác, đóng gạch thuê v.v… hắn làm tất. Dần dần, hắn nhận ra một điều nếu cứ làm những công việc thế này thì cái khát vọng thoát nghèo mà hắn ôm ấp mãi mãi chỉ là một ước mơ xa vời. Hắn suy nghĩ lao lung muốn tìm một con đường khác mà vẫn bí rì rì.

Thời gian này là quãng thời gian ta đang giảm quân sau giải phóng miền Nam. Bộ đội được cho xuất ngũ hàng loạt. Gặp lại nhiều bạn bè, nghe họ kể chuyện về sự giàu có phong phú ở các đô thị miền Nam. Lại thấy phong trào « miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng » đang rộ lên. Trong đầu hắn hình thành một ý nghĩ : « Để cứu nhà, cần phải vào miền Nam ».

(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét