Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

1- HẬU VỆ, LÍNH TĂNG, SĨ QUAN, BÍ THƯ VÀ... THƯỜNG DÂN- 3

Về quê đầu những năm 80, đời sống cả nước đang gặp nhiều khó khăn, vợ chồng hắn cũng không là ngoại lệ. Đã thế, vợ lại tòi ra một thằng cu nữa, mấy năm sau ra tiếp một thằng nữa cho đủ bộ ba. “Tam nam bất phú”, các cụ đã tổng kết rồi. Tôi lẩn thẩn lo cho hắn.

Nhưng không ngờ đời hắn lại khởi sắc mới hay chứ. Là đảng viên, cựu SQ, văn hóa ngon lành, đầu óc sáng láng hắn tham gia vào công tác ở địa phương. Chỉ sau mấy năm công tác, hắn đã được tín nhiệm bầu vào đảng ủy rồi trúng cử bí thư đảng ủy xã quê hương. Đang thời nhập nhoạng, các quan xã cũng có chút quyền hành và quyền lợi nhất định, hắn cũng được chia một mảnh đất ven đường và làm được nếp nhà nho nhỏ để rời khỏi cái làng Bát Giáo quanh năm lụt lội. Tất nhiên, không thể so được với các quan xã thời nay nhưng kể ra cũng không đến nỗi vất vả cho lắm. Công việc thì nhàn hạ, thu nhập cũng kha khá, lại có chút quyền hành… ở xã khối thằng mơ. Cũng thời kỳ này, hắn làm trung tâm để tập hợp hội đồng ngũ xe tăng CL 12.71 lại với nhau. Cái hội đó từ bấy đến nay vẫn duy trì đều phải nói công lao hắn rất to lớn. Mới chưa đầy 40 tuổi, mấy thằng bạn lính ngồi với nhau hể hả bảo: “Cứ như thế này, có khi mày còn lên huyện, lên tỉnh ấy nữa chứ”.

Nhưng… lại có một chữ nhưng. Ấy là nhưng không ai học hết chữ ngờ. Đang thuận buồm, xuôi gió thì mọi việc lại đổ bể. Hết cuộc thanh tra này đến cuộc thanh tra khác tới tấp dội về xã hắn. Thì ra, khối chính quyền xã này đã làm khá nhiều việc trái quy định, nhất là những việc liên quan đến đất đai. Hắn là bí thư đảng ủy, tuy không phải là người ra quyết định nhưng có trách nhiệm liên đới, không thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của đảng. Mà thực ra, cái chính là hắn cả tin, cả nể kiểu lính tráng với nhau trong khi đó kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước lại mù mờ nên mấy thằng đàn em nó qua mặt. Thế rồi đình chỉ công tác để điều tra. Dạo đó, hắn gầy tọp đi và bệnh đau dạ dày lại tái phát. Cuối cùng thì hắn bị kỷ luật cách hết các chức vụ. Gặp nhau, hỏi thăm, hắn cười khùng khục: “May không phải ra tòa”. Có điều, hắn bị kỷ luật đấy nhưng bà con, anh em vẫn quý mến chứ không ghẻ lạnh với hắn.

Lại một lần nữa hắn về làm dân nhưng lần này là làm dân thật sự. Tài sản tích góp cho đến lúc ấy cũng chẳng có bao nhiêu mà ba cái tàu há mồm thì lớn nhanh khủng khiếp. Thằng lớn mới học cấp 3 mà đã cao trên 1,8 m. Hai thằng kia cũng lộc ngà, lộc ngộc. Cả nhà trông vào mỗi suất lương của bà kỹ sư thú y nhưng cũng đang trong tình trạng thiếu việc làm vì các doanh nghiệp chăn nuôi của NN cũng đang thất bát. Bụng đói, đầu gối phải bò, hắn lăn lưng ra “bới đất, lật cỏ” .

Tuy nhiên, cái loại nông dân nửa mùa như hắn có cày thật lực cũng chẳng thể nào đáp ứng đủ cho ba cái tàu há mồm kia. Nào là ăn, mặc, học hành… mà chỉ trông vào mấy sào ruộng vụ được, vụ mất thì chỉ có đói. Thế là hắn xoay đủ cách.

Đầu tiên là nấu rượu, nuôi lợn. May có cô vợ kỹ sư chăn nuôi, thú y nên mấy năm đầu, lợn nhà hắn lớn nhanh, ít bệnh và thu nhập cũng tăng lên, đời sống phần nào được cải thiện. Tuy nhiên, vốn ít, địa thế lại không thuận lợi cho phát triển làm ăn nhớn (mà có khi cũng tại cái đầu chưa dám nghĩ đến nữa) nên cũng chỉ gọi là lấy công, làm lãi mà thôi. Trong khi đó, vừa vất vả lại vừa ô nhiễm nên hắn bắt đầu nản. Lại bị bồi thêm mấy lứa lợn ốm đau, bệnh dịch, tuy không đến nỗi mất trắng song lờ lãi chẳng được bao nhiêu nên hắn bỏ.

Hắn xoay tiếp sang bài tiếp theo là ấp trứng vịt lộn. Món này phải nói lợi nhuận khá cao, phải được 100%. Nghĩa là bỏ ra 1 đồng vốn sẽ thu được 2 đồng. Tuy nhiên cũng khá vất vả vì phải đi mua trứng ở xa về, ấp đến ngày lại phải đi giao trứng. Có điều, địa bàn hắn ở vẫn là nông thôn, mức sống còn thấp, các quán ăn nhậu chưa phát triển như bây giờ… nên phương án này cũng không thành công cho lắm. Mỗi lần trứng đến lứa phải chở đi như bán hàng rong, người ta lại hay chịu tiền, mà ở đó người ta chịu lâu lắm, hỏi đến cứ khất lần chẳng biết đến bao giờ mới đòi được. Rồi có lần đi lấy trứng, gặp mưa, đường đê thì trơn, hắn bị ngã vỡ gần hết xe trứng. Thế là hắn lại một phen phải chuyển giao công nghệ cho một chiến hữu và xoay hướng khác.

Lần này, hắn quyết định nuôi ong. Chí Linh dạo ấy phong trào trồng vải lên khá mạnh, các quả đồi xưa nay chủ yếu trồng bạch đàn, sắn khoai nay đã đều chuyển sang trồng vải. Ngay bản thân nhà hắn cũng có một vườn vải gần trăm gốc. Hắn quyết định chuyển sang hướng này lúc đó là cũng phù hợp. Theo một ông lão (là chú kết nghĩa của tôi) học hỏi kinh nghiệm một thời gian, hắn tự lực đứng ra làm với số vốn ban đầu là vài chục tổ ong mật. Làm món này cũng có lúc vất vả như vào mùa không có hoa vải, phải chở đàn ong đi xa hàng mấy chục km lên mạn Bắc Giang, Lạng Sơn để ong ăn. Tuy có vất vả nhưng không quá lầm than, đôi khi lại thấy có phần thi vị nữa. Và hắn đã trụ lại với nghề này cho đến tận bây giờ. Mỗi khi về thăm hắn, vợ hắn lại dúi cho chai mật ong: “Mật xịn đấy!”.

Thế rồi, Trời không phụ người có công. Ba đứa con lớn lên đều khỏe mạnh. Thằng lớn bây giờ đã là một sĩ quan Thông tin, có nhà ở HN. Thằng thứ hai, hắn cho đi học nghề nấu ăn, bây giờ làm ở TP Hải Dương. Hai thằng này đã có vợ con. Còn thằng thứ ba đang học ĐH Hàng hải. Vợ thì đã nghỉ hưu, mở một cửa hàng nho nhỏ bán thuốc thú y. Cuộc sống có vẻ như đã mát mặt hơn nhiều.

Nhắc lại chuỵện “giá như vào miền Nam có lẽ mày đỡ vất vả hơn”, hắn lại cười khùng khục: “Giày còn có số cơ mà. Biết thế đếch nào được. Có khi còn khốn nạn hơn ấy chứ”.

Chả biết thế nào mà nói trước được thật!

Đến đây thì chắc nhiều bà con đã nhận ra hắn là ai! Còn nếu không thì hắn đây- Phạm Bá Lập, lớp C, thường gọi Lập Nụ:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét