Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

BA CHÌM, BẢY NỔI, CHÍN CÁI LÊNH ĐÊNH- 2

Đúng là « buồn ngủ lại gặp chiếu manh ». Tháng 4.76, hắn gặp lại hai đồng đội cùng quê, cùng nhập ngũ là Tặng và Tuyền. Hai anh bạn này là quân của B2, hiện đang làm quân quản ở SG đi phép ra. Cũng chẳng nhiều nhặn lắm song hai anh bạn này cũng có một số thứ quà có giá trị cho gia đình. Thấy vậy, hắn càng quyết tâm đi miền Nam hơn và quyết định sẽ theo hai anh bạn này đi. Tất nhiên, hai đồng đội ủng hộ quyết tâm của hắn.

Tuy nhiên, thời gian này việc đi lại giữa hai miền Nam- Bắc còn hết sức khó khăn và bị kiểm soát hết sức chặt chẽ, không có giấy đi đường hợp pháp thì không thể đi được. Riêng đối với bộ đội việc đi lại vẫn dựa vào hệ thống các trạm quân vận nên bắt buộc phải có giấy tờ. Hắn đang bí thì lại gặp một :manh chiếu » khác. Trong lần theo 2 anh bạn ra đăng ký đi ở trạm T32 của tỉnh, hắn nhận ra chính trị viên trạm này chính là một đồng đội cũ ở 559 khi xưa. Người đồng đội cũ đồng ý cấp cho hắn một giấy đi đường như một quân nhân trả phép. Thế là hắn quay về chuẩn bị đồ đạc và tức tốc lên đường. Nhưng không may cho hắn, cái manh chiếu này lại là manh chiếu rách. Chẳng biết vì đấu đá nhau gì đó, ông trạm trưởng phát hiện ra việc làm giấy tờ khống của ông chính trị viên nên người đồng đội cũ không thể giúp gì cho hắn.

Hắn suy nghĩ lung lắm. Đã chào bố mẹ và bà con để đi giờ lại quay về cũng nhục. Mà cứ đi nhỡ bị bắt thì cũng gay… Cuối cùng hắn quyết định: “Cứ đi tới. Đến đâu hay đến đó”.

Đoạn đường đi tàu hỏa từ HN vào Vinh đối với hắn không có gì khó khăn cho lắm vì tàu đông người, chẳng ai kiểm soát cho hết được. Tuy nhiên, từ Vinh trở vào thì không đơn giản chút nào vì từ đây trở đi là các trạm quân vận bằng ô tô. Hàng ngày, trước khi lên đường từng xe đều kiểm tra quân số theo danh sách đã đăng ký trước ở trạm cho nên rất khó lọt. Vốn sáng ý và khá linh hoạt nên hắn đã tìm ra bài đi trộm. Đồ đạc thì hắn gửi hai anh bạn cầm cho. Còn hắn cứ lảng vảng đâu đó, đợi đến khi chiếc xe cuối cùng chuẩn bị xuất phát hắn mới hớt hải chạy đến vò đầu, bứt tai phân trần: “Tôi đi xe số …, đồ đạc để cả trên đó rồi. Vừa mới đi vệ sinh một lát mà bọn nó đã chạy mất. Cho đi nhờ với”. Đồng đội với nhau, thấy tình cảnh vậy ai chẳng động lòng. Mà cái mặt của hắn cũng có vẻ đáng tin nên cứ như thế, sau gần nửa tháng hành quân hắn cũng vào đến miền đất hứa của mình: Thành phố Sài Gòn.

Vào đến SG, nơi hắn tá túc đầu tiên là khu vực biệt thự Ly Lan. Đây vốn là dinh cơ của một ông chủ sản xuất và nhập khẩu dược phẩm người Pháp, có vợ là người Việt. Ông chủ đã cùng con di tản trước 30.4, chỉ còn bà chủ ở lại trông nom cơ nghiệp và hiện là nơi đóng quân của đơn vị Tặng, Tuyền. Thấy hắn vào có bảo lãnh của 2 đồng đội, lại là cựu binh nên cũng chẳng ai có ý kiến gì. Hắn nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống của đơn vị. Thấy anh em làm vệ sinh hay tăng gia sản xuất hắn cũng hăng hái tham gia. Ngoài ra, hắn cũng theo một số người đi gỡ các tấm kính cửa sổ và tủ các loại đem bán kiếm đồng ra, đồng vào. Đến một nơi xa lạ, không giấy tờ, không một xu dính túi… mà có chỗ nương thân như vậy với hắn kể ra cũng ổn.

Nhưng cuộc sống yên ấm ấy kéo dài không lâu. Chỉ chừng một tháng sau, đơn vị của Tặng, Tuyền được lệnh di chuyển về căn cứ cũ để xây dựng vùng kinh tế mới. Không phải quân số đơn vị nên đương nhiên hắn không thể đi theo. Vả lại, đã bỏ quân đội, bỏ quê vào đây để tìm đường “cứu nhà” mà bây giờ lại đi theo một đơn vị quân đội đi xây dựng khu kinh tế mới thì có mà điên. Mặt khác, sau một thời gian tháo dỡ kính đem bán cũng dắt túi được ít tiền, hắn quyết định sẽ tự đi tìm kế mưu sinh giữa cái thành phố rộng lớn và vô cùng bát nháo sau giải phóng này.

Rời biệt thự Ly Lan, hắn gia nhập đội quân vô gia cư đầy nhung nhúc ở khu vực chợ Bến Thành. Vốn đã có kinh nghiệm dạo ở Ly lan rồi nên sau một vòng dạo quanh phố phường, hắn phát hiện thấy một khu cư xá của sĩ quan Mỹ ở sau Nhà hát Thành phố hiện đang hoang phế không người quản lý và nhanh chóng kết luận đây sẽ là nguồn thu của mình. Thế là, hàng ngày với những dụng cụ không lấy gì phức tạp lắm hắn đến đó tháo dỡ kính cửa, la- va- bô, vòi nước và tất cả những thứ gì có thể lấy được đem xuống giấu vào một chỗ. Đợi lúc thuận lợi, hắn thuê xích- lô chở tới Ngã Bảy để bán. Buổi tối, cũng như mọi người vô gia cư ở đây, hắn tá túc tạm ở một mái hiên nào đó, có khi còn ngủ ngay tại công viên trước cổng chợ. Thu nhập từ nguồn này không lớn song vì không mất vốn nên hắn cũng dành dụm được một số tiền và dự định sẽ tìm thuê một căn nhà và tìm một công việc ổn định nào đó để làm vì chẳng chóng thì chày, những thứ vô chủ ấy sẽ hết.

Nhưng Trời chẳng chiều người. Vào một đêm cuối tháng 5, khi hắn giật mình thức dạy thì chiếc ba lô mà hắn vẫn gối đầu khi ngủ đã không cánh mà bay. Hắn đau hơn hoạn vì trong cái ba lô đó là tất cả tài sản cũng như giấy tờ của hắn. Đúng là chó cắn áo rách. Hắn thật sự trắng tay theo tất cả các nghĩa của từ này.

Tiếp đó là những ngày cực kỳ thê thảm của đời hắn mà dẫu có giàu trí tưởng tượng nhất hắn cũng chưa bao giờ nghĩ tới mình sẽ phải trải qua. Ở quê, dẫu nhà nghèo đến bữa vẫn còn bát cơm độn mà ăn, đêm xuống cũng còn mái nhà che mưa, che nắng; lúc vui, lúc buồn còn có người mà chia sẻ, động viên… Ở chiến trường, dẫu gian khổ, ác liệt vẫn luôn có đồng đội bên cạnh, lúc thiếu đói còn có thể liếm củ rừng, rau dại mà ăn… Còn hắn ở đây, tứ cố vô thân, không nhà, không cửa, cũng chẳng có tiền. Muốn về quê cũng không được vì tiền không có, giấy tờ cũng không. Mà còn mặt mũi nào để về quê nữa chứ. Lúc ra đi đã hứa hẹn bao điều phải thế này, thế khác mới về. Chẳng còn cách nào khác, Hắn thất thểu đi xin việc làm thuê, việc gì cũng làm cho các tiểu thương cũng như nhà dân quanh chợ Bến Thành kiếm bữa cơm độ nhật.

Cũng may nhờ phúc của cha mẹ cho hắn sức khỏe, lại được rèn luyện mấy năm liền trong quân đội nên gian khổ, đói khát đến mấy hắn vẫn chịu đựng được. Chỉ có điều mỗi khi đêm xuống, nằm vắt tay lên trán hắn mới thấm thía nỗi sầu khổ của kiếp nghèo. Lại nữa, ngay cả những kẻ vô gia cư nghèo kiết ở đó cũng coi hắn như một con chiên ghẻ. Họ lấy làm lạ không hiểu tại sao một anh bộ đội Bắc Việt mà cũng rơi vào cảnh như họ. Thế là tự nhiên họ nghi kỵ và xa lánh hắn. Chẳng có ai nói chuyện hay tâm sự với hắn mà chỉ dành cho hắn những ánh mắt nghi ngại… Trong những đêm như thế hắn đã bật khóc nhiều lần.

(Còn nữa)

2 nhận xét:

  1. Cảm phục N.X.T quá! Cám ơn N.K.N rất nhiều!

    Trả lờiXóa
  2. Bây giờ thì anh chàng "theo 2/3 con gái" ở Trường Cấp III Chí Linh ngày ấy trông lại "ngon" hơn anh chàng "được 2/3 con gái ở trường theo". Chẳng riêng gì bài bạc ăn nhau về cuối, cuộc đời vốn chẳng thể biết kết cục mỗi người sẽ thế nào, cho tận đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Dù sao thì N.X.T cũng đã sống rất thật với chính mình, với đời và anh đã được đền đáp xứng đáng. Tuyệt diệu nhất là anh có những 4 nàng công chúa và một chàng hoàng tử, niềm hạnh phúc không nhiều người có được...

    Trả lờiXóa