Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

MẤY Ý GIAO LƯU

Mấy ý giao lưu với trò cũ
khóa học:1968-1971


Từ năm 1991, các em học sinh khóa 3 của Trường phổ thông cấp 3 Chí Linh (khóa học: 1968-1971), đã tổ chức họp khóa kỷ niệm 20 năm ngày ra trường. Ngày ấy các em tổ chức tại Hội trường Khách sạn Công đoàn trong Côn Sơn, tôi có làm một bài thơ gồm sáu câu lục bát. Bài ấy còn được hai câu hay, sau này nó gia nhập vào bài thơ dài Nhớ rừng Sao Đỏ:
Những ngôi trường lá ven đồi
Bạch đàn kín mái, tiếng cười đầy sân.
Hay bởi nó gợi lại được chân thực cảnh lớp học nằm dưới rừng bạch đàn của năm học 1970-1971, nhà trường mới rời từ nơi sơ tán Đồi Thông về Sao Đỏ. Khu lớp học gồm ba ngôi nhà lá, làm theo thế gọng bừa. Ngôi chính giữa gồm chín gian chia làm ba phòng học. Hai ngôi “gọng bừa” cân đối hai bên, mỗi ngôi gồm sáu gian chia làm hai phòng học. Khóa ấy gồm có ba lớp 10, được bố trí học ở ngôi nhà chính giữa. Nếu tính chiều véc tơ từ đường 18 vào, thì lớp 10A do thày Nguyễn Duy Tư làm Chủ nhiệm học ở ba gian đầu. Lớp 10B do thày Đỗ Đình Tuân làm Chủ nhiệm học ở ba gian giữa. Cuối cùng là lớp 10C do thày Nguyễn Trọng Tân làm Chủ nhiệm học ở ba gian trên cùng. Ngay phía trước ngôi nhà chính vẫn còn có mấy gian nhà nhỏ của một đội xây dựng do ông Lung phụ trách. Nhưng ít thời gian sau thì đội xây dựng của ông Lung cũng chuyển đi và mấy ngôi nhà cũng tháo dỡ. Mùa ôn thi, Tổ Văn và Tổ Toán đều cho ra Báo Bảng. Báo Văn thì ra các đề, hướng dẫn phân tích đề và hướng hình thành các đáp án đồng thời cũng cung cấp những tư liệu cần dùng cho các đề như thế hoặc tương tự...Báo Văn do thày Đỗ Đình Tuân biên soạn, còn thày Nguyễn Trọng Tân viết bảng đẹp thì phụ trách lên khuôn. Báo Toán thì cũng giới thiệu các đề toán và hướng dẫn cách giải. Tuần nào tôi cũng thấy thày Nguyễn Văn Hùng hí húi cùng với thày Nguyễn Trọng Tân lên khuôn báo Văn và Báo Toán. Tuy chỉ là báo bảng: Bảng đen, phấn mầu thôi nhưng nhờ tài nghệ của hai thày mà số báo nào trông cũng bắt mắt. Mỗi kỳ báo ra là học sinh lại xúm xít nhau đọc đọc ghi ghi tạo nên một không khí học tập khá sôi nổi. Nhưng có một điều phiền là hễ gặp trời mưa là báo Văn, báo Toán lại bị xóa sạch. Các thày lại phải lên khuôn lại khá mất công và vất vả.
Thấm thoát từ ngày ấy đến nay đã 40 năm rồi. Ngày 1/5 năm nay(2011), các em lại tổ chức gặp mặt kỷ niệm 40 năm ngày ra trường. Thày trò bầu bạn gặp nhau quen quen lạ lạ đều đã đổi khác đi nhiều. Tuy vẫn thày thày trò trò nhưng đều đã già nua tuổi tác cả rồi. Có em còn già hơn cả thày không thể nào nhận ra được nữa. Trong lời tự nhận xét của Ban liên lạc Hội khóa, các em có tự đánh giá rằng: “Bốn mươi năm qua, mỗi người bay đi một phương trời, mỗi người sống một số phận riêng, sự thành công trong cuộc sống cũng mỗi người mỗi khác, chẳng ai giống ai, nhưng không thành công cũng thành nhân, tất cả các em đều đã thành người tử tế...tình thày trò, tình bầu bạn vẫn luôn được vun đắp và giữ gìn nguyên vẹn như xưa”. Đây là những ý đã bám riết lấy tâm trí tôi và làm tôi thật sự xúc động. Khi được các em mời phát biểu giao lưu tôi cũng chỉ xoáy vào cái ý này và trao đổi lại, đại ý rằng: Nếu trong các em “Không thành công cũng thành nhân”, “Tất cả các em đều thành người tử tế” thì phải nói rằng các em đã ĐẠI THÀNH CÔNG. Bởi tất cả các nhà tư tưởng lớn đều cho rằng nhiệm vụ cơ bản và quan trọng nhất của giáo dục là dạy dỗ người ta biết làm người. Bản thân Khổng Tử cũng cho rằng: dạy làm người mới khó, chứ dạy làm nghề không khó. Nhưng tôi cũng phải nói thêm rằng mỗi thành công trong giáo dục đều là kết quả tổng hợp của toàn xã hội, trong đó có gia đình, có xã hội, có bản thân các em...Đội ngũ các thày chỉ đóng góp được một phần. Nhưng dù là một phần thì chúng tôi cũng rất phấn khởi, rất tự hào vì “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.
Đúng 11 giờ thì chuyển sang phần liên hoan. Các em bảo các thày cứ ngồi tại chỗ để các em sẽ thay nhau đến chạm cốc chúc các thày. Thày trò vùa ăn uống, vừa mạn đám đủ thứ. Tình cờ lại có lúc trao đổi về thơ. Tôi có nảy ra một ý rằng: Chính trị, đạo đức, tôn giáo...đều mượn thơ vì biết thơ có cánh. Nhưng riêng thơ thì tôi nghĩ không cần mượn gì cả. Thơ càng trở về với thơ, càng thuần khiết là thơ thì thơ càng hay và càng có ích.
Vội ghi lại mấy ý để tiếp tục suy nghĩ thêm.

2/5/2011
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét