Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Cây xương rồng







Khoảng hơn mười năm trước đây, vào những năm cuối của thế kỷ trước, lão vẫn còn khỏe lắm. Chẳng mấy lúc lão yên chân yên tay. Suốt ngày lão tha thẩn ngoài vườn, đào chỗ nọ, đắp chỗ kia, rồi đo đất, chăng dây, ngắm cây, đánh luống…Mà ngay cả những lúc lão ngơi chân ngơi tay, thì đầu óc lão lúc nào cũng nghĩ đến vườn. Nhiều đêm dậy sớm, lão chỉ mong cho trời chóng sáng để ra  vườn thực hiện ngay cái phương án mà đêm qua lão vừa nghĩ ra. Những lúc làm vườn như thế lão thấy ham mê và quên cả mệt. Nhiều bữa vợ con lão gọi về ăn cơm lão cũng phải làm cố cho xong chỗ dở rồi mới chịu về. Nếu biết tính lão thế, hoặc cứ lẳng lặng đợi chờ, hoặc cần thì cứ việc ăn trước đi thì không sao. Nhưng nếu ra giọng khằn khò thì lão lại rất dễ nổi đóa. Chẳng đã có lần, trong trường hợp tương tự, bà vợ lão bực dọc nói “ Làm lụng thì cũng phải có giờ có giấc. Để chờ nguội cả cơm canh. Bảo mãi rồi mà sao ông vẫn không chừa được cái tính ấy đi ?”. Thế là lão quát thượng lên ngay:
- Muốn nóng thì ăn trước đi, ai bắt chờ ?
- Nhưng mà không ai ăn thế được !
- Không ăn được thì câm đi, lằng nhằng cái gì ?
- Tôi không câm !
Thế là lão sôi máu, lão vớ luôn cái đài quẳng ra ngoài sân. Mọi người lúc ấy mới mắt tròn mắt dẹt. Chỉ có anh nạn nhân nhà đài là tỏ ra không sợ vẫn cứ léo nhéo nói. Một lúc lâu sau vẫn chẳng thấy ai ra nhặt vào, mà cái đài thì vẫn cứ “lắm mồm”. Lão bèn vớ luôn con dao ra cứ nhè cái đài mà băm: “ Này thì léo nhéo này, léo nhéo này !”. Thế là cái đài cũng  câm bặt. Bà vợ lão chẳng rõ là khinh hay nhẫn nhịn mà chẳng nói chẳng rằng. Nhưng cái mặt thì xị ra làm không khí gia đình càng nặng nề, căng thẳng.
Mọi trưa thường cứ cơm nước xong là lão lên giường nằm khểnh. Lão mở đài ra nghe hát dân ca rồi buồn ngủ lúc nào thì ngủ. Nhưng hôm nay không có tiếng đài nữa, lão thấy thiếu vắng và không sao ngủ được. Lão có thói quen nghe đài từ lâu rồi. Cứ vừa làm vừa nghe, vừa nghỉ vừa nghe, thậm chí vừa nghĩ cũng vừa nghe. Bây giờ thiếu tiếng đài, lão thấy thiếu vắng và trống trải quá. Thế là lão lại lẳng lặng đạp xe đạp đi mua một chiếc đài khác. Thấy thế vợ con lão có vẻ khoái chí nhưng cũng chỉ dám nhắt nhỉ nhau rúc rích ở trong buồng. Lão cũng biết là vợ con lão đang cười thầm về cái tính điên điên khùng khùng của lão. Nhưng thấy thế tự nhiên lão cũng phì  cười… chả rõ là lây cười hay lão tự cười mình? Nhưng dù sao thì  sau những tiếng cười ấy không khí trong nhà cũng nhẹ bớt đi.
Những năm ấy lão thấy lão sao mà khỏe thế: ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc chưa thấy mệt. Lão nghĩ cứ cái đà này lão có thể vẫn sẽ còn khỏe lâu. Người hàng xóm thấy lão làm việc nhiều thường khuyên lão “Làm vừa vừa thôi không ốm lại chả bõ”. Tuy không phản ứng gì nhưng lão không tin và không nghe. Lão nghĩ lao động chỉ có khỏe người ra chứ ốm người làm sao được? Với lại mình làm do mình thích, chứ có ai bắt buộc gì đâu. Chẳng hơn là đi tụ vạ ngồi lê đôi mách sinh lắm chuyện?
Nhưng có lẽ tuổi già, tuổi già mới là một nguy cơ thực sự. Bởi một hôm, lão cũng chẳng mang vác nặng nề gì, chỉ đơn giản cúi xuống bốc nắm thóc trong chum vứt ra sân cho gà ăn mà rồi thấy “đánh nhằng” một cái chói ở ngang lưng. Thế là đau, đau lắm. Lão phải đi nằm. Nằm yên thì không sao, nhưng cứ giở mình là lại đau. Thế nên mỗi lần muốn giở mình lão cứ phải xoay xở thật rón rén. Vậy mà lão vẫn không thể nào tự ngồi dậy được. Mỗi lần cần đi lại là vợ lão lại phải dìu lão đi. Thấy lão có vẻ đau nặng, vợ lão định đưa lão đi nằm viện. Nhưng lão không chịu đi vì lão nghĩ sún lưng là chuyện thường chỉ cần nghỉ ngơi ít ngày là tự khỏi. Lão đã thấy ối người bị như thế rồi nhưng có phải đi viện đâu?
Lão nhớ lại ngày trước, ông cụ thân sinh ra lão khi về già thỉnh thoảng cũng đau lưng. Mỗi lần bị đau, ông cụ thường bảo lão ra bờ rào chặt một khúc xương rồng, gọt gai cứng đi, cho vào bếp nướng lên thật nóng rồi gắp ra gói vào trong cái khăn tay hay quần áo cũ. Ông cụ để gói xương rồng lên giường rồi nằm đè chỗ lưng đau lên chườm. Những lúc ấy, ông cụ thường vừa khẽ rên đều đều vừa xuýt xoa kêu “Dễ chịu quá ! Dễ chịu quá!...”.
Nhưng bây giờ thì lấy đâu ra xương rồng? Thành thử vợ lão thường chỉ lấy dầu gió xoa bóp đấm lưng cho lão thôi. Đến hàng tuần sau lão mới khỏi. Thấy buồn chân buồn tay lão lại bắt đầu sờ sịt ra vườn. Đầu tiên còn gượng nhẹ làm thử. Cũng không  thấy có triệu chứng tái phát, thế là lão lại làm như thường, lại xúc đất, lại gánh nước…Nhưng rồi thỉnh thoảng bỗng nhiên lão lại bị một lần như thế và chu kỳ ấy cứ tái phát mau dần. Nhưng lần gần đây nhất thì lão đau quá. Không thể nào ngồi hoặc đứng được. Mọi việc ăn uống, vệ sinh cá nhân đều phải thực hiện ở tư thế nằm. Lần này thì lão hoảng thật sự. Lão lo không khéo cái lưng của lão đã hỏng hẳn rồi. Lão có thể sẽ không đi lại được hoặc sẽ thành một lão gù. Thấy tình hình của lão có vẻ nghiêm trọng, vợ lão mời bác sĩ đến nhà. Ông bác sĩ vừa hỏi vừa sờ ấn các đốt sống của lão và bảo lão bị thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm. Đợt ấy, lão phải tiêm mấy mũi vào lưng và uống cũng kha khá nhiều thuốc. Sau đợt điều trị tại gia ấy, ông bác sĩ khuyên lão phải kiêng mang vác nặng, chịu khó đi bộ và tập thể dục đều.
Từ lần ấy, lão không ngồi lâu được nữa. Ngồi một lúc đứng lên là thấy đau và cưng cứng cái lưng. Phải lừa lựa một lúc thì cái lưng mới thẳng lên được. Lão làm đủ cách để hòng cho cái lưng của lão dẻo lại: nào lắc lưng, nào “suối nguồn tươi trẻ”, nhưng không hiểu sao lão càng tập lại càng đau. Đầu tiên lão cũng nghĩ do chưa quen hoặc chưa đủ độ để có hiệu quả. Nhưng tập mãi vẫn thấy đau. Có lẽ bây giờ chỉ có cách chườm nóng là dễ chịu thôi…lão nghĩ vậy và bỗng nhớ tới những rặng cây xương rồng. Những rặng cây xương rồng ba cạnh, hoa vàng, từ ngày nảo ngày nào lại tự nhiên hiện về ám ảnh lão. Một thứ cây mà trước đây ở làng lão sao sẵn thế. Không nhà nào là không có một bờ rào cây xương rồng. Nhất là ở phía đường cái trâu bò hay đi lại. Hàng năm mọi nhà cứ phải phạt bớt đi. Nhựa trắng cứ chảy ra tong tong, mùi nồng nồng xông ngay vào mũi. Lão nhớ nhất là rặng cây xương rồng nhà bà Lâm. Nó lâu năm nên bên trên thì rườm rà chà chạnh. Nhưng phía dưới gốc già thì gai đã lì đi và trống hoác. Thế là bọn lão hay rủ nhau chui vào vườn lấy trộm ổi xanh và lá dứa ra ăn. Nhưng cũng đã lâu lắm rồi người ta không còn trồng cây xương rồng làm bờ rào nữa. Cảnh làng lão bây giờ khác lắm. Những con đường bê tông đã thay thế những con đường lầy lội phân trâu, bờ xương rồng, bóng tre và bụi duối… Những dấu tích của một thời nghèo khó nhưng nặng tình nặng nghĩa, thiết thao bao kỷ niệm đã dần càng lùi xa…Bởi thế lão cũng không hy vọng gì gặp lại được rặng cây xương rồng để dùng lại một bài thuốc dân gian chữa cái lưng hay đau cứng của lão. Lão cũng đã đi tìm nhiều  bài thuốc mới để thay thế: nào chườm cám rang, nào chườm lá láng, nào gạch nung lá ngải… Nhưng trong thâm tâm lão vẫn muốn được chườm bằng cây xương rồng nướng. Một bài thuốc mà ngày xưa ông bố lão vẫn thường dùng.
Một hôm lão sang nhà  hàng xóm chơi. Lúc đi, lão thấy một tốp bộ đội đang tíu tít chặt cây, phát cỏ dọn vệ sinh giúp dân phố. Khi về lão thấy những vạt cây xấu hổ hai bên đường, dưới lòng khe  đã được phát sạch và kéo gọn thành đống. Mắt lão bỗng dưng sáng lên khi thấy bên bờ khe hiện ra một cụm cây xương rồng non tơ và mập mạp. Đúng là loài cây xương rồng ba cạnh, hoa vàng, nhựa nồng trắng ngày xưa đây rồi. Tiếc là nó lại mọc ở mãi phía bên kia bờ khe sâu và hoắm lão không thể xuống được. Lão đành đứng ở bên đường sung sướng nhìn ngắm nó như ngắm nghía một người bạn cũ đã rất lâu không gặp.
20/12/2012
Đỗ Đình Tuân

1 nhận xét:

  1. Tre pheo thì đã xa rồi
    Xương rồng xa nữa ; Buồn ơi là buồn
    Con cò rồi cũng xa luôn
    Còn những gì nữa sẽ "chuồn" khỏi ta ?

    Trả lờiXóa