EM BÁN VÉ SỐ
Em bán vận may cho người
Gặp em chẳng thấy nụ cười mang theo
Bước chân rạc cả phận nghèo
Lần tìm các quán có nhiều người “vô”
Quay cuồng con số đề, lô
Chiêm bao, thơ giải người xô kiếm tìm
Còn em vẫn cứ lặng im
Tay chìa vé số, em tìm người mua
Em đi bán những chát, chua
Cho người ham mộng khi chưa biết giàu
Bán buồn cho kẻ khổ đau
Mất nhà ra ở chân cầu cùng em
Bới trong bạc tỷ em tìm
Vài đồng lãi mọn để em qua ngày
Bao nhiêu con số rủi, may
Theo chân em bước tháng ngày nổi trôi.
Chắc đời em mãi thế thôi.
May thì người hưởng, đói thời em mang
Nắng soi qua những cành bàng
Khẳng khiu thân trẻ lỡ làng - bước đi
Hồ Đình Bắc
Đó là nét lai lịch trích ngang bằng thơ của nhân vật trữ tình mà tác
giả sẽ có những cảm nhận kế tiếp. Lịch sử của những thương nhân có lẽ
ta chỉ bắt gặp một lần người “buôn vua” một lần người “buôn những linh
hồn chết”, nay ta lại gặp một lần “em bán vận may”.
Người bán hàng là thần dân, khách hàng là thượng đế.
Người bán hàng “chẳng thấy nụ cười”lại dám coi thường Thượng đế. Bởi em
nghèo! Em đâu có được trái tim hứng khởi để mà vui. Nụ cười là niềm vui
của những tâm hồn thanh thản. Nơi bán hàng để mưu cầu cuộc sống là chợ
đầu mối, chợ phiên ở huyện, ở tỉnh…Em lại bán hàng – vé số ở các quán,
nơi nhiều kẻ say sưa với mộng làm giầu. Em phải “lần tìm” vì đâu có
những bước chân mạnh giỏi như kẻ giầu sang cho nên đó chỉ là “những bước
chân rạc” mà thôi.
Nơi em đặt chân để “vô” là những nơi đầy cạm bẫy, đỏ
đen của bao kẻ quay cuồng. Những chiêm bao mộng mơ muốn ăn không của
người khác. Nhũng kẻ chờ mong phút chốc trở nên ông hoàng bà chúa. Nếu
đúng là như vậy thì cuộc đời này vui biết chừng nào, làm gì còn “đời là
bể khổ”. Những con số “đề, lô”không biết nói nhưng trong tay những kẻ:”
Quay cuồng con số đề, lô/ Chiêm bao thơ giải người xô kiếm tìm” lại là
những lưỡi gươm oan nghiệt, những chén thuốc độc ngọt ngào giết hại bao
người và giết hại ngay chính tác giả của con số ấy. Vì thế mà:
“Còn em vẫn cứ lặng im
Tay chìa vé số em tìm người mua”
“Tay chìa vé số” là một tu từ hoán dụ gây xúc động cho
người đọc, đây là cảnh người nghèo không đi xin bố thí của kẻ khác. Bàn
tay kia muốn dùng sức lao động yếu mềm của mình để kiếm sống. Nếu tôi là
họa sỹ tôi sẽ phác thảo một bức tranh với một bàn tay gầy guộc cùng tập
vé số xòe ra như một bông hoa cuối xuân, cánh hoa là những con số trong
hệ thập phân đang ngả nghiêng, cười cợt. Cảm thương quá đi thôi. Thế
mới biết người xưa nói đúng: người nghèo bao giờ cũng là người có lòng
tự trọng cao cả:”Đói cho sạch, rách cho thơm”. Thơ đã nói được điều đó,
cái nhìn rất tinh của tác giả đã nói được điều đó. Đúng là”Thi trung hữu
họa”(Trong thơ có vẽ).
Người bán vẫn cứ lặng im.Lặng im để mà tìm kiếm. Em biết rằng
có cất lên bất cứ một lời nào cho dù bay bổng hay não nề đến cháy lòng
chăng nữa thì khách hàng vẫn không động lòng trắc ẩn. Kẻ bán người mua,
người mua kẻ bán ở chốn thương trường này thật là kỳ lạ. Bán vé số, em
không còn là bán những con số trên tờ giấy nhỏ xinh mà là bán những cái
sâu thẳm tự đáy lòng. Ta hãy lần theo mạch chảy của hồn thơ mà chiêm
ngẫm:
Em đi bán những chát, chua
Cho người ham mộng khi chưa biết giàu
Bán buồn cho kẻ khổ đau
Mất nhà ra ở chân cầu cùng em
Em bán vận may bao nhiêu người mua nhỉ? Nếu khách hàng
đông đảo thì đâu đến nỗi”rạc cả phận nghèo”. Bán “vận may” hóa ra cũng
là bán những chát chua. Em làm gì có ngọt ngào mà bán, những ngọt ngào
thơm thảo nếu chỉ có một chút trong em thì đâu đến nỗi phải lang thang
phiêu bạt. Những chát những chua mang đi rao bán chẳng có nơi nào dón
tay làm phúc cho em nương tựa. Hố ngăn cách giầu nghèo sao còn mãi trong
ta. Bán chát chua là bán cho những kẻ:” khi chưa biết giầu” cho nên em
còn khổ. Chỉ có thông cảm với em, đứng về phía em lòng ta mới cuộn lên
niềm cảm thương day dứt:
Bán buồn cho kẻ khổ đau
Mất nhà ra ở chân cầu cùng em
Sự hấp dẫn của bài thơ cứ cuốn ta đi mãi. Em bán vế số
kia”bán vận may”, “bán những chát chua”,”bán buồn” những thứ hàng đặc
biệt của trái tim cùng khổ. Nó tựa như bán “răng”bán “tóc” của con người
cùng khổ mà Vich To Huy Gô miêu tả vậy!
Tác giả đã dùng bút pháp “Ba trong một” có “ vận may”, có “chát chua”,
có “buồn” trong một tờ vé số.Vận may chỉ thơm thoang thoảng; còn chát,
chua, buồn thì trĩu nặng. Vì thế mà có bao nhiêu người “ mất nhà ra ở
chân cầu với em”
Em bán vé số, bán vận may cho người để mà kiếm sống bởi vì:
Bới trong bạc tỷ em tìm
Vài đồng lãi mọn để em qua ngày
Bao nhiêu con số rủi, may
Theo chân em bước tháng ngày nổi trôi.
Em vẫn nghèo mặc dù trong tay em có bạc tỷ.Tìm vài đồng
trong bạc tỷ. Thật kỳ lạ! đó là cách nói rất có hồn của lục bát, của tác
giả. Tiền tỷ là ảo ảnh, tìm trong cái ảo để lấy cái thực là việc mò
trăng đáy giếng. Em vẫn cứ khổ. Bao nhiêu con số bấy nhiêu rủi may. Rủi
thì nhiều, may thì ít. Nó thấp thoáng như vó câu qua cửa sổ. Em cứ theo
mãi”vài đồng lãi mọn”trong ảo ảnh bạc tỷ kia để rồi khổ cứ bó chặt em
như chiếc vòng “Kim cô” mà thôi.
Bởi vậy tác giả đã đoan chắc, chúng ta cũng đoan chắc như vậy:
Chắc đời em mãi thế thôi.
May thì người hưởng, đói thời em mang
Nắng soi qua những cành bàng
Khẳng khiu thân trẻ lỡ làng - bước đi
Đời em bán vé số khổ, tương lai em còn khổ:”chắc đời em
mãi thế thôi” Đó là một lời than não nề, một sự thông cảm sâu sắc của
tác giả đối với em. Nếu tác giả phong lưu, nếu những con người giầu có
mà sẵn có tấm lòng nhân ái chắc sẽ là những mạnh thường quân
đối với phận nghèo. Ta tin là như thế. Bài thơ đã chốt lại:
Nắng soi qua những cành bàng
Khẳng khiu thân trẻ lỡ làng - bước đi
Đó là hai hình
ảnh”cành bàng” và “thân trẻ”. Tai sao nắng không soi qua những cành nho,
cành khế mà lại soi qua những cành bàng? Đây là cách liên tưởng bay
bổng của Hồ Đình Bắc. Tuổi trẻ một thời ai chẳng lưu lại hình ảnh cây
bàng, cây phượng. Bao kỷ niêm trong ta bởi vị chua của trái bàng chín
mọng, màu hoa phượng đỏ cháy trời vẫn thắp mãi trong ta khi mùa thi đến.
Lẽ ra em bán vé số ở tuổi học trò phải được “ nắng soi qua những cành
bàng” nắng đậu trên mái tóc tuổi mộng mơ mỗi khi cắp sách đến trường.
Hiên thực của em đã “lỡ làng-bước đi”, chẳng bao giờ em
có những kỷ niệm buổi tựu trường, đó là những kỷ niệm: Buổi mai hôm ấy
là buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm dẫn tôi trên con
đường nhôn nhịp nhập trường.
Bài thơ Lục bát ”Em bán vé số” đã khép lại. Ta phảng
phất nghe như có nhạc, thấp thoáng như có bóng hình. Nhiều thủ pháp nghệ
thuật được sử dụng, nhiều hình ảnh được khái quát. Từ hiện thực cuộc
sống mà hồn thơ được cất cánh. Nét quý trọng mà ta ghi nhận đó là tấm
lòng của tác giả đối với số phận con người - Con người nghèo khó không
nơi ăn chốn ở. Bài thơ chắc sẽ chấn động bao trái tim còn đang mơ hồ
bàng quan trước những cuộc đời còn đầy giông bão./.
Vương Bảo (Hải Phòng)
(03/12/2012)
(Nguồn: lục bát xưa và nay),
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét