Đầu
những năm bẩy mươi của thế kỷ trước, trong phong trào sinh viên Hà Nội có một
sáng kiến phát động nữ sinh viên viết
thư động viên bộ đội ngoài mặt trận. Theo phong trào, tất cả nữ sinh đều nhiệt
tình hưởng ứng. Ai nấy đều hăm hở viết. Nhưng
khốn nỗi viết cho một đối tượng không cụ thể thành thử nhiều “cô nàng” đành cắn
bút chứ không biết viết gì. Thị cũng vậy. Thị cứ thừ mặt ra cắn bút phân vân
mãi. Viết nghiêm túc khô khan thì không thể gọi là thư mà viết thân tình tếu
táo thì lại e là “vô duyên”. Thế nên loay hoay mãi mà Thị cũng chẳng viết được
gì. Thị nhìn sang các giường bên thì thấy người nào cũng đang căng thẳng cả. Lúc
ấy có một bạn ở giường bên quay sang hỏi nhỏ thị “ Mày viết chưa ? Viết thế nào
?”. Thị lắc đầu “ Tao chưa viết được gì cả”. Cả phòng bỗng nhốn nháo:
-Tao
cũng thế !
-Tao
cũng thế !
-Cứ
tưởng viết thư dễ, sao hôm nay lại khó viết
thế nhỉ ?
-Dễ
là dễ khi viết cho người quen, còn hôm nay mình viết cho ai mình có biết đâu ?
-Đề
nghị cấp trên gợi ý thôi, cứ thế này không viết được đâu!
Họ
đi xin ý kiến “cấp trên” thật và được “cấp trên” gợi ý như sau: “Cứ xem như
viết cho một người anh thân thiết của mình đang ở ngoài mặt trận ấy”.
Thị
là chị cả trong nhà. Thị không có anh trai nào cả. Nhưng “gợi ý” trên cũng làm
Thị “bừng sáng”. Thị nghĩ đến một anh phụ trách
của Thị thời Thị còn đang quàng khăn đỏ. Bởi anh đã hớp hồn Thị bằng tài
kể chuyện của mình. Ngày ấy Thị mê anh kể chuyện lắm. Cứ sau mỗi lần sinh hoạt đội,
bọn Thị lại xúm lại xung quanh anh đòi anh kể chuyện. Và lần nào anh cũng kể.
Anh kể như đọc thuộc lòng cả những đoạn văn xuôi vừa bay bổng, vừa sâu sắc
trong các vở bi kịch của Sêc pia. Cho tới giờ Thị vẫn còn nhớ như in cả dáng
hình và giọng điệu của anh khi anh kể chuyện Ô ten lô cho bọn Thị nghe. Ngày
anh đi bộ đội, bọn Thị đã ngơ ngẩn nhớ anh đến hàng tháng. Một năm sau lại có
tin anh báo tử. Cả làng Thị đến dự lễ truy điệu anh. Trong buổi lễ truy điệu ấy
Thị đã bật khóc òa lên như một đứa con nít…
Bây
giờ Thị cứ coi như anh còn sống và Thị viết thư gửi cho anh. Và Thị viết trơn tru một mạch không vấp váp đoạn nào. Khoảng một tháng sau thì Thị nhận được thư
phúc đáp. Đó là một anh bộ đội có tên là Trần Tâm. Như thư anh kể, anh cũng
là một sinh viên tình nguyện “gác bút nghiên” lên đường ra trận. Anh đề nghị được
kết bạn với Thị và sẽ tâm sự trao đổi với nhau qua những cánh thư. Từ đó cứ đều
đặn hàng tuần Thị lại nhận được lá thư của anh. Anh viết thư hay lắm. Bức thư
nào cũng tự nhiên bay bướm và dào dạt chất thơ. Thị đọc thư anh rất kỹ và nhiều
bức Thị đọc đến thuộc lòng. Qua những cánh thư ấy Thị đã dõi theo bước đường
anh đi…Rồi đến một bức thư anh nói trên đường hành quân vào Nam anh đã đi
qua cạnh trường Thị. Giữa đêm khuya, anh chỉ thấy những tòa nhà im lặng sừng sững
dưới ánh trăng. Anh rất muốn ghé thăm mà không thể. Ở bức thư này sau tên Thị anh đã thêm cái mở ngoặc và chua thêm một từ
tiếng Nga “Maiagena”. Sau này Thị đi hỏi và mới biết cái từ tiếng Nga ấy có
nghĩa là “vợ của anh”.Cũng từ đó, Thị vắng thư anh.
Thị cũng đoán biết là anh đã vào sâu trong tuyến lửa. Thị bỗng bâng khuâng buồn,
bâng khuâng nhớ đến một người dù chưa hề gặp mặt. Những lúc ấy Thị thường giải
khuây bằng cách mở lại những bức thư cũ của anh ra đọc. Nhưng càng đọc Thị lại
càng mong nhớ anh hơn.
Một
năm sau Thị mới nhận được lá thư của anh. Thị mừng lắm, vội mở ra. Lần này
là cả một bài thơ dài kín ba mặt giấy. Bài thơ có tựa đề là “Lá thư gửi em”:
Anh lại viết cho em lá thư dài tâm sự
Trời phương Nam đêm nay khó ngủ
Cũng mơ màng theo nét bút anh biên
Ở quê hương chắc em đã lên đèn
Sau vất vả của một ngày lao động…
Lời
lẽ của bài thơ tràn đầy yêu thương và mơ mộng. Và anh kết thúc bài thơ bằng một
đoạn thơ chảy bỏng khát vọng sum vầy sau chiến thắng:
Và mai đây sau niềm vui chiến thắng
Anh sẽ về say đắm bên em
Dưới trời thu xanh ngắt màu xanh
Anh cùng em vui mùa lúa trổ
Nhà mới dựng lên mái hồng ngói đỏ
Đêm sum vầy bát ngát ánh trăng soi...
Bài
thơ đã làm Thị vui sướng vô cùng và Thị càng
mong ngày anh trở về. Nhưng càng mong càng mất. Từ đó Thị bặt hẳn tin anh và niềm
hy vọng được gặp mặt anh, dù chỉ một lần, cũng mòn mỏi dần theo năm tháng... Mãi ngoài ba mươi tuổi Thị mới
đi lấy chồng. Theo lời khuyên của cha mẹ, Thị đem tất cả những bức thư của anh
đốt đi. Ngọn lửa đã thiêu rụi tất cả những dấu tích về anh, một con người tuy Thị
chưa hề gặp mặt, nhưng có một thời Thị thấy gắn bó và thân thiết đến thế ?
16/12/2012
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét