Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

ĐI GIAO LƯU



                                       Kim Thư hát bài ca mới sáng tác về XÓM TRI ÂN
Thế là ba bà cháu tôi lên xe đi dã ngoại. Hai cháu nội gái ở với bà từ khi chúng còn nằm trong bụng mẹ, nhưng đây là lần đầu tiên, bà nội dám một mình “xách” chúng đi xa. Thật ra lần dã ngoại này là một cuộc giao lưu thơ ca của nhiều quận trong thành phố cùng một số địa phương lân cận, tổ chức tại một làng thuộc Thái Nguyên, cách Hà Nội chừng 70 km. Đội của tôi tham dự nhiều tiết mục, có cả hoạt cảnh về thời chiến, cải lương, hát dân ca quan họ … Đoàn xe đi từ Hà Nội có nhiều xe, người ta đã bố trí cụ thể nhưng ba bà cháu tôi đến muộn nên loạng quạng lại chạy sang xe chở các đội khác. Chẳng sao, rồi cũng tập kết cùng một nơi thôi mà. Mọi khi tôi hay say xe lắm, mà lần này thì không sao, có lẽ vì tôi mải trông hai đứa nhỏ, và băn khoăn lo lo, mình liều lĩnh mang chúng đi mà chưa hề báo cáo gì với ai, nhất là với cô đội trưởng. Tới nơi, mọi người tạm tản vào một căn nhà rộng rãi thoáng đãng. Nghe nói, nơi giao lưu là một nhà khác cách hơi xa, có sân thật lớn. Theo kế hoạch, bọn tôi biểu diễn ngay rồi mới ăn trưa (đặt cỗ sẵn). Tôi không báo cáo đưa cháu đi theo nên biết thân biết phận đèo bòng đủ thứ đồ ăn, bánh trái, sữa hộp để có thể chủ động. Trẻ con thì đột nhiên hứng lên là “đói cơm khát nước” ấy mà, nhất là cô cháu thứ hai đi đâu luôn mồm phải nhai cái gì đó… Tôi đưa hai cháu nội vào một góc nhà, để chúng quản lý hết đồ đạc, rồi tất tả chạy đi ngó nghiêng tìm nơi sẽ biểu diễn, rồi quay đi quay lại xăm xắn chỉ cho mọi người (kể cả thuộc đội khác) những mong tất cả chuẩn bị được kĩ, biểu diễn đỡ cập rập; rồi thỉnh thoảng chợt nhớ đến cháu thì lại lo lo nữa. Đúng là già rồi cứ nhanh nhảu tham việc không phải lối. Bỗng cô đội trưởng thấy tôi chạy xăng xái gọi lại: “Chị Thư, chị đi đâu vội thế? Bọn em tìm chờ mãi mà không thấy chị đến, thế chị ngồi xe khác à? Gọi điện thoại thì chị không mở máy, đến chịu chị thôi!” Tôi lúng túng giải thích:” Chả là chị đem theo hai cháu nội, chúng nó thích đi theo bà, chị cũng muốn cho các cháu biết đây biết đó nên đến muộn, cũng chưa kịp báo cáo với em. Điện thoại thì chị quên xạc điện nên tắt máy thôi mà…” Cô đội trưởng sa sầm nét mặt, nhưng không nói gì. Thôi chết rồi, mình cứ “tự nhiên như ruồi” thế, lỡ ra đi đường có việc gì có phải liên lụy đến trách nhiệm của đội không. Nhưng thôi, kệ, lỡ rồi… Cô đội trưởng bỏ đi chỗ khác, rồi sau đó, tôi có gặp lại đội mình, người thì rủ nhau thay đồ, người thì đi vệ sinh…Lúc này tôi chẳng còn tập trung vào việc tìm đường và “quay đĩa” nữa. Tôi cũng chả thấy ai bảo mình mấy giờ thì tập trung lại ở đâu để sang nơi giao lưu hay cứ tự đi lẻ tẻ. Tôi không hỏi ai cả, vì hơi buồn buồn và tự ái, đành rằng tôi có lỗi tự động đem theo các cháu, nhưng sao cả đội toàn những cô trẻ trung xinh đẹp khỏe mạnh mà không hề có một ai quan tâm hỏi rằng, các cháu bé đâu rồi, vv và vv… Tôi chạy phăm phăm đến nơi giao lưu. Dọc quanh con đường đất nhỏ, tôi liếc mắt lên đồi thấy có bao nhiêu hoa mua tím đua nở. Tôi chợt nhớ đến ngày xưa tôi và MQ học nơi sơ tán cũng giông giống nơi này, nhưng thôi bây giờ mình đang vội, mơ mộng nỗi gì. Tôi tất tả đến nỗi trời hơi lạnh mà chỉ mặc áo cộc thấm hết mồ hôi, và cái quần đen sa tanh đã cũ. Cái áo này bằng vải coton, hàng Việt Nam may, mua từ năm 2000, tức là 15 năm rồi nó không chịu rách không chịu bạc màu… Sang đến chỗ giao lưu, tôi lại định mon men dò hỏi xem lúc nào chương trình bắt đầu để còn chuẩn bị, nhưng ngạc nhiên vì gặp lại khá đủ bạn bè, họ đã súng sính trong trang phục đủ màu sắc, nào là quần trùng áo dài xanh hồng tím vàng, những tấm áo chiếc quần bộ đội gọn gàng lẫn vào màu xanh của núi rừng, áo tứ thân mớ bảy mớ ba nâu vàng yếm đỏ khăn hồng váy đen duyên dáng…trong khi tôi vẫn mướt mải mồ hôi với chiếc quần đen áo tim tím cũ. Một cô em hát cải lương rất hay ấn vào tay tôi một va li kéo bằng bánh xe vừa cười cười vừa bảo:” Chị hôm nay không biểu diễn hả, chị ngồi giữ đồ hộ em nhé…” Tôi thầm nghĩ chắc cô ta thấy tôi quần áo lôi thôi lếch thếch nên tự nghĩ ra thế, chứ có ai bảo hôm nay tôi không biểu diễn đâu, tôi đã được phân làm MC nói lời mào đầu giới thiệu về đội của mình cơ mà, tôi lại còn tham gia tốp nữ dân ca quan họ với ca khúc “Khách đến chơi nhà” nữa!!! Hay là cô đội trưởng bực mình với tôi nên bảo mọi người không cần tôi nữa? Ôi chao, mệt đây….Mệt thế nhưng vẫn phải lo ôm khư khư cái va li, rồi tìm một nơi khuất để đại nó vào đấy. Bởi vì tôi còn phải quay lại đón các cháu chứ, chúng có sợ hãi gì không? Sao bà nội để chúng ở một mình tại nơi xa lạ này ??? Tôi đang thần người ra lo lắng thì kìa tiếng nhạc đã nổi lên rồi. Sân lớn được chia thành hai khoảnh. Một bên đang diễn hoạt cảnh chèo của đội tôi. Một bên đang ngâm thơ. Quái lạ, ai đời giao lưu lại chia thành hai mảng như thế. Hỏi ra thì mới biết, người ta phân đội tôi vào khoảnh thứ nhất, nơi tập trung tiết mục chèo, cải lương và dân ca quan họ. Có chấm điểm trao giải thưởng nữa. Tôi hốt hoảng, nhìn lại mình, vẫn bộ quần áo làng tàng này, không một chút phấn son, mà chẳng biết tiết mục của mình là thứ mấy…Quần áo quan họ và áo dài tôi đều để trong túi đồ các cháu trông giữ (!) Thôi, thì cứ coi như mình không được biểu diễn, tốp dân ca nữ có nhiều người nên không ảnh hưởng, còn mình thì ít ra phải quay lại đón các cháu sang đây cho chúng xem chứ. Thế là tôi lại hùng hục chạy về chỗ cũ. Thật ngạc nhiên chưa, hai cháu nội tôi tắm rửa sạch sẽ, đang mặc hai cái váy trắng toát thêu những bông hồng xinh xinh, (chính tay tôi xếp đồ cho chúng mà tôi vẫn ngỡ ngàng), tay khệ nệ khiêng gói đồ. Các cháu ríu rít khoe, vì đói quá nên đã lục tìm ăn uống đầy đủ các thứ rồi, lại rủ nhau tự tắm và thay quần áo đợi bà trở lại. Tôi ôm choàng cả hai đứa mà mắt cứ cay cay. Tôi bảo chúng đợi bà thay áo dài quần trắng đã. Tôi không đến ngay nơi giao lưu, tôi dắt các cháu đi thẳng lên đồi, nơi có bao nhiêu gốc mua tim tím đầy hoa. Tôi dàn cảnh hai đứa đứng hai bên bà nội, ba đôi mắt long lanh vụt sáng … như nhau. Chợt bé gái lớn thắc mắc làm tôi sững sờ: ” Ôi cảnh đẹp thế này mà không có ai ở đây chụp hình cho bà cháu mình hả bà?” Tôi ngường ngượng xoa đầu hai đứa:”Thì bà cháu mình đi dã ngoại là để xem giao lưu thơ ca cơ mà, có phải lên đây để chụp hình trên đồi hoa đâu?”. Hai đứa cười tít mắt, kéo tay tôi đi trở lại con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo. Và tôi chợt tỉnh, mới biết đó là giấc mơ, không phải sự thật. Tôi đã được quan sát tôi trong mơ rõ ràng đến nỗi có thể ghi lại làm kỉ niệm, đồng thời nhận ra, nếu đó là sự thật, thì tôi phải thay đổi. Tôi sẽ không lăng xăng chạy đi tìm nơi giao lưu, không buồn buồn giận dỗi ai thiếu quan tâm đến cháu mình, không “cầm đèn chạy trước ô tô” lo lắng về việc chung nữa. Tôi phải xác định được rõ tôi muốn gì? Tôi muốn tận dụng cơ hội đưa các cháu đi dã ngoại thì phải tập trung ngay từ phút đầu, lo cho các cháu ăn uống tử tế, ba bà cháu cùng thay quần áo đẹp đẽ, rồi từ từ theo mọi người sang nơi giao lưu một cách thong thả nhàn hạ. Rồi biết đâu đấy, bao nhiêu máy sẽ chụp hộ ba bà cháu những kiểu ảnh ấy chứ, chẳng phải vì bà mà vì hai cháu gái với hai chiếc váy xinh trắng hồng rực rỡ trong một vẻ thanh tao lạ kì. Chứ tôi cứ “lăng xăng” như trong giấc mơ thì “mất cả chì lẫn chài”, vớ vẩn các cháu còn không xem được giao lưu nữa, mà tôi thì cũng không được … diễn (!)…. Tôi mơ và viết, không phải tình cờ. Tôi nghĩ nó có liên quan đến việc tôi tập THIỀN OSHO và dự khóa học “TÌM LẠI CHÍNH MÌNH” của thầy Menis Yousry.
Hà Nội 10/1/2016 Hồ Minh Quang

3 nhận xét:

  1. Em cũng đã từng hết hồn vì vào phòng thi mà không có giấy bút, có lúc không chỗ ngồi, có lúc chậm giờ... Rồi đạo diễn phát sóng thì đến giờ lên sóng mà phim trường chưa có phát thanh viên... Bao lần hốt hoảng, tỉnh giấc rồi còn bần thần toát mồ hôi. Kết quả của nhịp sống căng thẳng, không làm chủ được hành vi của mình, cứ bị cuốn theo theo đủ thứ công việc. Bây giờ mới thật sự là ung dung tự tại, chỉ làm những gì mình thích. Em đặc biệt rút ra một điều: không để mình phải chịu bất cứ sức ép nào. Lâu rồi em không còn những giấc mơ hãi hùng ấy. Chị cũng vậy nhé. Dù trong mơ, 2 cháu của chị vẫn thật đáng yêu.

    Trả lờiXóa
  2. Mới đọc đoạn đầu, em thật mừng vì chị KT đã lại ngồi máy và lên bài cho BLog rồi, nhất là đưa được cả 2 cháu đi chơi xa bằng ô tô mà không bị say xe, hẳn là cái bệnh "Rối loạn lôi đình" của chị chắc là tạm lui, nào ngờ đọc tiếp thì biết chỉ là giấc mơ. Một giấc mơ đẹp chị ạ. Nhưng qua đó em cũng biết chị đang rất thèm muốn được giao lưu thơ văn với bạn bè, nhưng sức khỏe không cho phép. Và em cũng hy vọng chị đang phục hồi qua bài tập của chị. Chi ơi, cố gắng kiên trì nhé. Mọi người Xóm Tri Ân rất nhớ và chờ được đọc tiếp những bài viết của chị.

    Trả lờiXóa
  3. Bà này viết hay thật. Đọc rất cuốn hút, đến cuối biết là giấc mơ, thế là lại phải đọc lại từ đầu.

    Trả lờiXóa