Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

BỘ ĐỘI GIẢI PHÓNG NHIỀU TƯỚNG THẾ LÀM GÌ CHẢ THẮNG

Ngày 29/3/1975, sau 22 giờ tiến công thần tốc và dũng mãnh, 
quân ta đã giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN).


Đã khoác lên mình bộ quần áo màu xanh của anh bộ đội, chắc chắn bất kỳ người lính nào cũng muốn được chỉnh tề trong bộ quân phục cùng với quân hàm, quân hiệu sáng ngời. Tuy nhiên, cái ước mơ tưởng như đơn giản ấy lại không hề dễ dàng đối với người lính thời chiến.


Những đôi quân hàm thời chiến
Để phân biệt cấp bậc, vị trí của mỗi người trong quân đội hầu hết các nước trên thế giới đều có hệ thống Quân hàm. Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) cũng không ngoại lệ. Hệ thống quân hàm của QĐNDVN thường có 17-18 bậc (tùy theo từng giai đoạn). Cụ thể:
Cấp binh sỹ có 2 bậc: Binh nhì và binh nhất
Cấp Hạ sĩ quan có 3 bậc: Hạ sĩ, Trung sĩ, Thượng sĩ.
Sĩ quan cấp úy có 4 (5) bậc: Thiếu úy, trung úy, thượng úy, đại úy. Có giai đoạn có bậc chuẩn úy.
Sĩ quan cấp tá có 4 (3) bậc: Thiếu tá, trung tá, thượng tá, đại tá. Có giai đoạn không có cấp thượng tá.
Sĩ quan cấp tướng có 4 bậc: Thiếu tướng, trung tướng, thượng tướng, đại tướng.
Bộ đội Giải phóng nhiều tướng như thế làm gì chả thắng! - Ảnh 1.
Các cấp bậc này thường phù hợp với chức vụ mà quân nhân đó đang giữ hoặc niên hạn mà quân nhân đó phục vụ trong quân đội. Để thể hiện cấp bậc và quân binh chủng, chuyên môn nghiệp vụ của mỗi người trên quân phục của quân nhân sẽ được mang cấp hiệu và phù hiệu binh chủng.
Cấp hiệu đeo trên vai áo với số lượng sao và gạch khác nhau tùy theo cấp bậc. Phù hiệu binh chủng là một miếng nỉ, của lục quân là màu đỏ, không quân màu xanh da trời, hải quân màu xanh nước biển thẫm, biên phòng màu xanh lá cây, trên có gắn hình biểu tượng binh chủng hoặc chuyên môn nghiệp vụ và đeo ở ve áo.
Trường hợp mang phù cấp hiệu kết hợp thì gắn cả sao, vạch và biểu tượng binh chủng trên miếng nỉ và đeo ở ve áo. Tuy nhiên, bộ đội ta thì cứ quen gọi cái cặp phù cấp hiệu này là quân hàm.
Nhìn chung, ngoài tác dụng phân biệt cấp bậc thì quân hàm còn làm tăng thêm vẻ đẹp và sự oai nghiêm của bộ quân phục. Đặc biệt là quân hàm gắn trên các bộ đại lễ của quân nhân nhiều nước được chế tác rất cầu kỳ và rất giàu tính mỹ thuật.
Bộ đội Giải phóng nhiều tướng như thế làm gì chả thắng! - Ảnh 2.
Lữ đoàn xe tăng 203. Ảnh: QĐND.
Tuy nhiên, trong thời chiến thì số phận các đôi quân hàm này thường rất hẩm hiu, nhất là đối với chiến sĩ các binh chủng kỹ thuật.
Kết thúc giai đoạn huấn luyện tân binh thường là rất ngắn ngủi, chỉ vừa kịp biết vài động tác điều lệnh đội ngũ và kỹ chiến thuật bộ binh... mới được nhận đôi quân hàm cấp bậc binh nhì với một ngôi sao bạc bằng nhôm gắn trên một "miếng tiết" (miếng nỉ) màu đỏ tươi.
Tuy nhiên, rồi cũng chỉ "diện" được vài buổi là chuyển sang học kỹ thuật binh chủng, suốt ngày lấm láp dầu mỡ, bụi bẩn chả lúc nào được đeo. Họa hoằn lắm được ngày nghỉ thì vội vàng móc ra đeo vào bộ quân phục rồi chạy ra phố chụp lấy kiểu ảnh gửi về nhà.
Có cậu muốn thể hiện rõ mình là lính xe tăng đã phải "thó trộm" của nhà bếp một cái thìa rồi kỳ cạch cắt gọt, mài giũa mất mấy buổi trưa mới được hình chiếc xe tăng để gắn lên quân hàm. Và đến lúc đi chiến trường thì những đôi quân hàm ấy sẽ nằm gọn dưới đáy ba lô như một kỷ vật đời lính mà thôi!
Ở chiến trường không những chẳng bao giờ dùng đến những đôi quân hàm này mà ngay cả hệ thống quân hàm cũng bị xóa bỏ.
Thay vào đó là hệ thống chức vụ mà quân nhân đó đang giữ. Chẳng hạn: trung đội bậc phó (tương đương thượng sĩ), trung đội bậc trưởng (tương đương chuẩn úy) v.v... nên càng có lý do nhấn sâu thêm những đôi quân hàm xuống đáy ba lô.
Bộ đội Giải phóng nhiều tướng như thế làm gì chả thắng! - Ảnh 3.
Xe tăng Quân Giải phóng tiến về Đà Nẵng 29-3-1975. Ảnh: Xuân Quang
Giải phóng sao nhiều "tướng" thế?
Thành phố Đà Nẵng giải phóng đã được mấy ngày, Đại đội xe tăng 4, Lữ đoàn 203 vẫn nằm lại quanh khu vực Bảo tàng cổ vật Chăm và Trường trung học Sao Mai. Tình hình thành phố đã khá yên ổn, nhịp sống đã trở lại tương đối bình thường, chợ búa cũng đã mở cửa trở lại. Mặc dù chưa đến mức bán mua nườm nượp nhưng cũng khá đông vui, nhộn nhịp.
Tình hình yên ổn như vậy nên sự căng thẳng trong đại đội cũng đã được giảm bớt. Cán bộ chiến sĩ đỡ mệt mỏi hơn và bắt đầu được phép đi thăm thú thành phố - một thành phố vô cùng xa lạ đối với những người lính miền Bắc lúc bấy giờ.
Và đã đi chơi tất nhiên là các chàng bộ đội nhà ta cũng phải chăm chút đến vẻ ngoài của mình một chút. Thế là cái ba lô vùi sâu trong góc tháp pháo được dịp lộn ra, và những bộ quần áo mới nhất còn "thơm mùi chính phủ" được bóc tem đem ra chưng diện. Cả những đôi quân hàm binh nhất, binh nhì cũng được nâng niu cài lên ve áo.
Những đôi quân hàm gần như còn mới tinh vì từ khi nhập ngũ cánh lính xe tăng gần như suốt ngày đêm lấm lem trong bộ quần áo công tác sặc mùi dầu mỡ lăn lộn ngoài bãi tập, vì vậy đôi quân hàm thường mới chỉ được dùng một vài lần khi đi chụp ảnh để gửi về nhà mà thôi.
Bộ đội Giải phóng nhiều tướng như thế làm gì chả thắng! - Ảnh 4.
Ngày 29/3/1975, sau 22 giờ tiến công thần tốc và dũng mãnh, quân ta đã giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN).
Trang phục chỉnh tề rồi, vai khoác AK, cứ từng nhóm hai, ba người một các chiến sĩ đi dạo phố. Thực ra họ cũng chẳng dám đi xa, chỉ loanh quanh vài dãy phố quanh đấy, trong khi đó tai vẫn cứ phải dỏng lên nghe ngóng tình hình để nếu có tình huống gì xảy ra sẽ ngay lập tức về xe.
Tuy nhiên, có một điều không bình thường đã xảy ra! Các chàng lính trẻ hết sức ngạc nhiên trước thái độ của bà con khi gặp họ. Bởi vì từ hôm vào giải phóng Đà Nẵng đến nay họ vẫn chốt giữ xung quanh khu vực này.
Những ngày đó bà con đến tìm hiểu, thăm hỏi rất đông và mỗi chiến sĩ của đơn vị đều trở thành một "tuyên truyền viên bất đắc dĩ", phải giải đáp hàng nghìn câu hỏi của bà con về đủ thứ trên đời. Qua mấy ngày tiếp xúc đó bà con đã bớt nghi ngại và tỏ ra khá thân thiện với bộ đội.
Thế mà hôm nay tình hình lại khác hẳn. Mọi người nhìn các anh bộ đội với một cái nhìn rất lạ, họ nem nép lánh xa mỗi khi các anh tới gần rồi xì xào với nhau điều gì đó, nếu không thể tránh được thì cúi chào rất lễ phép.
Tệ hơn nữa, các chiến sĩ đều làng nhàng tuổi 20 mà họ cứ một điều ông, hai điều ông, khác hẳn với thái độ mấy ngày trước đó.
Thấy tình hình như vậy, các chiến sĩ quyết định quay về. Về đến chỗ đỗ xe cũng thấy khang khác, bác chủ nhà mà mấy hôm nay anh em vẫn xin nước nấu cơm, vẫn vào nhà uống nước cũng tỏ ra khúm núm và xa lạ thế nào ấy.
Mọi chuyện chỉ được sáng tỏ khi các chiến sĩ quyết tâm phải hỏi bằng cho rõ vấn đề. Khi họ vào nhà, bác chủ nhà chắp tay khúm núm "Mời các ông vào xơi nước". Nghe vậy, họ càng ngạc nhiên tợn. Từ hôm vào đây đến giờ cả nhà bác vẫn gọi họ là các anh Giải phóng kia mà, sao hôm nay lại trịnh trọng thế!
Chưa biết vào đề ra sao lại thấy bác xoa hai bàn tay vào nhau, miệng thì xuýt xoa "Nhiều tướng thế này Giải phóng làm gì chả thắng. Mà sao toàn tướng trẻ vậy?". Miệng nói nhưng mắt bác thì cứ nhìn như dán vào ve áo họ.
Các chiến sĩ ngớ ra nhìn nhau một lát và chợt hiểu - đôi quân hàm binh nhất, binh nhì với ngôi sao bạc trên nền phù hiệu đỏ tươi của họ nhìn qua trông giống quân hàm của tướng một sao, hai sao Quân lực Việt Nam cộng hòa. Chính vì vậy bà con tưởng lầm mấy anh lính trẻ đều là tướng.
Và điều đó giải thích tại sao bà con lại có thái độ kỳ lạ vừa rồi. Nhưng làm sao đi giải thích với tất cả mọi người được. Thế là những đôi quân hàm lại được các chiến sĩ ta tháo ra và cất vào dưới đáy ba lô.
Nguồn: http://soha.vn/bo-doi-giai-phong-nhieu-tuong-nhu-the-lam-gi-cha-thang-20170331152613076.htm
NKN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét