Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2012

Tri ân cuộc đời: hai năm nhìn lại

            Cách đây tròn hai năm, một nhóm “cựu học sinh” thuộc các khóa 3 và khóa 5 của Trường phổ thông cấp 3 Chí Linh ( Trường THPT Chí Linh ngày nay), sinh sống và công tác ở khắp ba miền Trung-Nam-Bắc, có sáng kiến tổ chức một cuộc du lịch và giao lưu gặp  gỡ tại Tuy Hòa và Nha Trang. Các em cũng có mời một số thày giáo cũ , bầu bạn xưa của gia đình và bản thân mà các em có “cảm giác như đang còn mắc nợ” cùng tham dự. Nhưng “cảm giác như đang còn mắc nợ” là cái gì vậy? Nếu đem phân tích ra thì đó chính là một trạng thái kết tủa của tình yêu. Khi con người yêu một đối tượng gì đó thì thường muốn được gần gũi, sẻ chia, muốn làm được một điều gì thật tốt đẹp cho đối tượng mình thương yêu, quý trọng, đam mê. Và nếu chưa làm được thì thấy không yên, cứ canh cánh mãi bên lòng. Xuất phát từ một tình cảm tốt đẹp như thế nên chuyến đi đã được chuẩn bị một cách rất bài bản, chu đáo và kết quả cũng thật mỹ mãn. Để ghi lại những hoạt động của chuyến đi các em còn tổ chức quay phim “Hành trình Tri ân” và  mở trang Blog “Tri ân cuộc đời” để lưu giữ làm kỷ niệm. Mục đích và phạm vi ban đầu  của trang Blog “Tri ân cuộc đời” chỉ khiêm tốn có vậy.
Nhưng kết quả thật không ngờ, sau những bức ảnh, những đoạn băng, những bài thơ, những lời tâm sự…đầu tiên được đưa lên trang blog, thì người nọ gọi người kia, bài nọ gọi bài kia, liên tục nẩy nở, liên tục sinh sôi, thành lớp, thành dòng ngày càng dồi dào, ngày càng phong phú. Cho đến nay Blog Tri ân cuộc đời gần tròn hai tuổi. Tổng cộng đã có 34 tác giả tham gia viết bài. Số bài đã đăng là 1766 bài, trong đó có 13 video  và 1753 bài viết. Người viết nhiều bài nhất là 356 bài. Người viết ít bài nhất là 1 bài. Bình quân mỗi tác giả có 52 bài . Người có số bài viết từ số  trăm trở lên là 5 người. Người có số bài viết trên số chia trung bình 52 là 6 người. Số bài của 11 cây bút chủ công này là 1451 bài chiếm 80,2% tổng số bài.
Các bài viết trên trang Blog còn được rải đều trên nhiều thể loại. Mạnh về truyện ký có Nguyễn Khắc Nguyệt, Minh Hương…Ở hai cây bút này đã tỏ ra không thua kém gì những cây bút chuyên nghiệp. Vân Anh có tố chất viết truyện ký ngắn nhưng chưa đầu tư khai thác. Bài Một chuyến đi của Thanh Dạ rất ấn tượng về tình thày trò nhưng viết chưa kỹ, khai thác chưa triệt để. Hà Phong có Hồi ức của tôi ở trung đoàn 30, phần đầu viết còn hơi lủng củng vậy mà đến những phần cuối viết đã khá trôi chảy. Mạnh về văn nghị luận phê bình có Đỗ Đình Tuân và Vũ Thị Song Thu. Vũ thị Song Thu viết cẩn trọng kỹ càng nhưng viết chưa đều. Thầy Nguyễn Minh Tư độc chiếm mảng thư pháp. Nguyễn Xuân Thảo độc chiếm mảng quay video. Đỗ Đăng Biên và Nguyễn Khắc Nguyệt  là những “nhiếp ảnh gia” rất có tay nghề…
Số đông những cây bút của trang Blog này đi vào thơ. Nhưng thơ vốn là một thể loại tưởng dễ mà cực khó. Đó là lý do mà đa số thơ đăng trên Blog Tri ân cuộc đời còn ở trình độ văn vần, hoặc nhỉnh hơn tí là “thơ tươi”. Thơ tươi tức là loại thơ tự sản tự tiêu, sốt dẻo ăn ngay như rau xanh quả chín. Cũng thơm ngon mát bổ nuôi sống hồn người trong một khoảnh khắc nhất định, nhưng nó chưa  và sẽ không bao giờ thành tượng để thờ trong đình miếu, thành tranh để treo trong các viện bảo tàng được. Thơ hay cũng có nhưng còn ít. Điều đáng  mừng là ai đi vào thơ ít nhiều đều có những thành công nhất định. Những người có lộ chút tố chất làm thơ: lớp già phải kể Tạ Anh Ngôi, Thanh Dạ... lớp trẻ có Nguyễn Hùng Vỹ, Nguyễn Tô Quang, Nguyễn Tô Hà, Nguyễn văn Thế,  …Nhưng ngay cả ở những người có tố chất, làm thơ cũng không hề dễ, không hẳn là bài nào viết cũng thành công. Cho nên đã làm thơ thì phải có tinh thần “làm nhiều lấy ít”. Tôi đã đọc một bài trên báo Người cao Tuổi giới thiệu về một ông già đã làm được 6000 bài thơ mà vẫn đặt mục tiêu viết đủ một vạn bài để chỉ cần có được một bài thành công là đã lấy làm toại nguyện. “Để đời nhớ được một câu / Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành” (Huy Trụ) cũng là nói về cái tinh thần “làm nhiều lấy ít" này. Phải “làm nhiều” là để nuôi dưỡng cái tinh thần “sẵn sàng chiến đấu”, sẵn sàng chớp cơ hôi khi “nàng thơ” xuất hiện là phải “bắt cóc” ngay. Còn “lấy ít” thể hiện cái tinh thần “dũng cảm hy sinh”, dám vứt đi những “sợi tóc”, những “mảnh áo” hay “gấu quần” của “nàng thơ” mà ta vừa “túm hụt”. Nhưng thơ lại cái có cái thế mạnh riêng của nó. So với văn xuôi thì nó nhẹ nhàng hơn. Nhờ thế mà nó dễ kịp thời có ngay, dễ giao lưu trao đổi và cũng dễ lan truyền. Cho nên nó không thể thiếu được và đa số người đi vào thơ cũng là một lẽ tự nhiên.
Hai năm qua, Blog Tri ân cuộc đời đã thật sự trở thành cái “sân đình của làng ảo Tri ân” cho cư dân trong làng ra vui chơi giải trí. Cũng từ  cái sân chơi này đã nuôi dưỡng và nẩy nở biết bao nhiêu những tình cảm tốt đẹp. Đây là nơi mà những người vốn thân quý nhau hàng ngày đem suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng, công việc, cuộc sống của mình ra giao lưu và chia sẻ. Cũng từ hai năm nay, người làng Tri Ân bỗng hình thành một thói quen, hễ cứ ngồi máy lướt mạng thì đầu tiên phải truy cập Tri ân cuộc đời. Không phải trang Tri ân cuộc đời là tuyệt vời siêu sao hơn các trang mạng khác. Nhưng Tri ân cuộc đời là “làng mình” và đọc các bài viết trên Tri ân là được gặp “người làng mình”. Cho nên  Tri ân cuộc đời thường được đọc với một sự chú ý đặc biệt. Và mỗi lần đọc như vậy cũng thường nhận được một niềm vui, một điều bổ ích. Không ít lần còn nảy ra những ý tứ mới. Thế là lại có bài.
Hai năm qua, trang Tri ân cuộc đời đã thức dậy nhiều tiềm năng ẩn chứa của cư dân trong làng. Lớp các thày cô giáo già, do đã tích lũy nhiều nhưng quỹ thời gian còn lại có thể là không nhiều nên hối hả viết hơn. Cả nhóm tác giả  có trăm bài  viết trở lên đều thuộc lớp già này. Tổng số bài của nhóm này là 1018 bài chiểm 58%. Lớp trẻ, tích lũy cũng không ít, nhưng hoặc còn phân tâm, hoặc  đang dọn lối,  cũng có thể do cậy quỹ thời gian tương đối dài dài nên có vẻ vẫn còn đủng đỉnh. Hy vọng sang năm thứ ba, họ sẽ dảo bước hơn.
Có thể nói hai năm qua chúng ta đã làm đẹp cho nhau: thày đẹp hơn trong lòng trò, trò đẹp hơn trong lòng thày, bè bạn đồng ngũ đẹp hơn trong lòng nhau. Chúng ta xứng đáng với nhau hơn và vì thế chúng ta cũng đẹp hơn trong con mắt người đời. Hỏi còn có gì hạnh phúc hơn thế nữa ?
Cuối cùng xin cám ơn “Chương trình 1044” đã dành sự ưu ái đặc biệt cho “Tri ân cuộc đời”.
Xin cám ơn tất cả.
                                                     
Chí Linh - 20/5/2012
Đỗ Đình Tuân

1 nhận xét:

  1. Ng t Quang, Vũ thị song Thu, Ng V Thế " lộ chút tố chất làm thơ" thì có thể đúng, còn Tạ a Ngôi, Thanh Dạ là những tên tuổi đã thành danh trên văn đàn rôi

    Trả lờiXóa