Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Dịch thơ cổ: Nguyễn Trãi 22

LÀM TRONG THỜI KỲ ĐOÁN LÀ SANG TRUNG QUỐC (15 BÀI)

Bài 11
寄友
Ký hữu (II)

亂後親朋落葉空,
Loạn hậu thân bằng lạc diệp không,
天邊書信斷秋鴻。
Thiên biên thư tín đoạn thu hồng. 
故園歸夢三更雨,
Cố viên quy mộng tam canh vũ,
旅舍吟懷四壁蛩。
Lữ xá ngâm hoài tứ bích cùng (1)
杜老何曾忘渭北,
Đỗ lão (2) hà tằng vong Vị Bắc (3),
管寧猶自客遼東。
Quản Ninh (4) do tự khách Liêu Đông.
越中故舊如相問,
Việt Trung (5) cố cựu như tương vấn, 
為道生涯似轉蓬。
Vị đạo sinh nhai tự chuyển bồng.
                                阮廌
                           Nguyễn Trãi
Ghi chú
1. "Nguyễn Trãi toàn tập" ghi là "bích trùng"
2. (hay lão Đỗ) Đại thi hào Đỗ Phủ đời Đường, đồng thời với Lý Bạch. Được mệnh danh Lão Đỗ để phân biệt với nhà thơ trứ danh Đỗ Mục (gọi là Tiểu Đỗ vì trẻ hơn).
3. Bờ bắc sông Vị. Sông này phát nguyên từ núi Điểu Thử, huyện Vị Nguyên, tỉnh Cam Túc, chảy qua tỉnh Thiểm Tây rồi đổ vào sông Hoàng Hà. Tác giả ngụ ý tình bạn giữa Đỗ Phủ và Lý Bạch, dựa theo hai câu thơ sau đây của Đỗ trong bài Xuân Nhật Hoài Lý Bạch: "Vị Bắc xuân thiên thụ, Giang Nam nhật mộ vân" (Cây cảnh trời xuân bờ Vị Bắc, Ánh mây chiều muộn đất Giang Nam) ý nói có thần giao cách cảm, Đỗ nhìn bờ Vị Bắc nhớ Lý, hẳn Lý cũng nhìn mây đất Giang Nam mà nhớ Đỗ.
4. Tác giả đề cập khí phách của Quản Ninh, dân đất Ngụy thời Tam Quốc. Thiếu thời, đang cùng ngồi học chung chiếu với bạn là Hoa Hâm, bỗng một hôm Hoa Hâm bỏ chạy ra đường nhìn xem kẻ giàu sang cưỡi ngựa đi qua nên Quản Ninh cắt đôi chiếc chiếu, không chịu ngồi chung nữa. Cuối đời Hán, Quản Ninh tỵ loạn 37 năm ở Liêu Đông, từ chối mọi chức do hai vua Văn Đế và Minh Đế ban cho ông.
5. Kinh đô nước Việt ngày xưa thuộc tỉnh Triết Giang (Trung Quốc), sau bị nhà Hán thôn tính. Tác giả ngụ ý nhắc đến quê hương Việt Nam lúc bấy giờ khi đang ở nước ngoài (?).

Dịch nghĩa
Gửi bạn (II)

Sau loạn lạc bà con bạn bè thưa thớt như lá rụng
Bên trời vắng bóng chim hồng mùa thu đưa thư
Suốt ba canh mưa ta mộng về vườn cũ
Ngâm thơ trong quán khách, tiếng dế rộn bốn phía tường
Đỗ lão có bao giờ quên bờ bắc sông Vị?
Quản Ninh còn tự mình làm trú khách Liêu Đông
Giá có ai ở đất Việt Trung xưa hỏi thăm
Xin hãy nói lý do sự sống đổi dời mãi như cỏ bồng.

Dịch thơ
Sau loạn thân bằng lá sạch không
Bên trời thư tín bặt thu hồng
Vườn xưa mưa mộng ba canh suốt
Quán khách thơ ngâm bốn vách trùng
Lão Đỗ đâu quên bờ bắc Vị
Quản Ninh còn nhớ khách Liêu Đông
Việt Trung ai hỏi xin thưa giúp
Cuộc sống vần xoay mớ cỏ bồng.
                      Đỗ Đình Tuân dịch

Bài 12
舟中偶成
Chu trung ngẫu thành (III)

佩劍攜書膽氣粗,
Bội kiếm huề thư đảm khí thô,
海山萬里片帆孤。
Hải sơn vạn lý phiến phàm cô. 
途中日月三冬過,
Ðồ trung nhật nguyệt tam đông quá, 
客裡親朋一字無。
Khách lý thân bằng nhất tự vô. 
異境每驚新歲月,
Dị cảnh mỗi kinh tân tuế nguyệt,
扁舟重憶舊江湖。
Biển chu trùng ức cựu giang hồ.
四方壯志平生有,
Tứ phương tráng chí bình sinh hữu, 
此去寧辭我僕痡。
Thử khứ ninh từ ngã bộc phô (1)?
                                  阮廌
                           Nguyễn Trãi

Ghi chú
1 Rút từ câu: "Ngã bộc phô hĩ" 我僕痡矣 (Ðầy tớ ta mệt rồi) trong Kinh Thi, chối "không" là dịch ý, vì tác giả tự nói. "Nguyễn Trãi toàn tập" phiên âm là "ngã bộc bô".

Dịch nghĩa
Ngồi trong thuyền ngẫu nhiên thành thơ (III)

Ðeo gươm, cắp sách kể cũng to gan lớn mật,
Biển núi muôn dặm, với cánh buồm trơ trọi!
Trên đường đi, tháng ngày trôi quá ba đông rồi,
Nơi đất khách, chẳng có tin nào của bà con, bạn bè.
Giữa cảnh lạ, rất e ngại mỗi khi sang năm mới,
Trong thuyền nhỏ, lại như thú chơi sông hồ thời xưa.
Tráng chí bốn phương, vốn ta sẵn có,
Chuyến này, không lẽ vì đầy tớ ta mệt, mà từ chối?

Dịch thơ
Cắp sách đeo gươm gan cũng to
Nước non nghìn dặm cánh buồm trơ
Đường đi ngày tháng vừa ba tháng
Đất khách tin không thấy một tờ
Cảnh lạ càng e năm mới đến
Trong thuyền lại thấy thú giang hồ
Bốn phương tráng sĩ bình sinh có
Tớ mỏi can chi phải chối từ.
                      Đỗ Đình Tuân dịch

Bài 13
題 廬氏家譜
Đề Lư thị gia phả

積慶原來自有基
Tích khách nguyên lai tự hữu ky (cơ),
蓄宏發鉅可先知
Súc hoành phát cự khả tiên tri.
詩書浚澤芳逾遠
Thi thư tuấn trạch phương du viễn,
忠孝傳家訓永貽
Trung hiếu truyền gia huấn vĩnh di
水木必從原本始
Thủy mộc tất tùng nguyên bổn thủy,
皇金何用子孫遺
Hoàng kim hà dụng tử tôn di.
焚香一讀公家譜
Phần hương nhất độc công gia phả
肅肅令人起敬思
Túc túc linh nhân khởi kính ty (tư).

Dịch nghĩa
Đề gia phả họ Lư
 

Giữ được phước trước nay vẫn có nguồn gốc, nguyên do
Phước dày lớn phát ra có thể đoán trước được
Nền thì thư thấm nhuần, hương thơm vượt xa
Sự trung hiếu gia truyền còn lại mãi mãi
Nước và cây hẳn phải từ cội nguồn đầu tiên
Bạc vàng lưu lại cho con cháu để làm gì?
Khi đốt hương đọc gia phổ của ngài
Khiến lòng cung kính của con người (tôi) khởi dậy.
 

Dịch Thơ
Giữ phúc nguyên do có gốc nền
Phúc dày có thể đoán ra xem
Thi thư nhuần thấm hương thơm mãi
Trung hiếu thuần phong tục nối truyền
Cây nước thuận theo nguồn gốc trước
Bạc vàng để lại phỏng làm nên ?
Đốt hương mở đọc trang gia phả
Cung kính trong lòng tự khởi lên.
                  
Đỗ Đình Tuân dịch

Bài 14
藍關懷古
Lam Quan hoài cổ
 

行盡千山與萬山
Hành tận thiên sơn dữ vạn sơn,
蒴風吹起滿藍關
Sóc phong suy khởi mãn Lam Quan (1).
君王曾此思忠諫
Quân vương tằng thử tư trung gián (2),
瘴海遙觀匹馬還
Chướng hải diêu quan thất mã hoàn (3).

Ghi chú 1.Cửa ải ở huyện Thương thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. 2. Lời can ngăn của người tôi trung. Tác giả ngụ ý về Hàn Dũ, quan nhà Đường dưới thời vua Hiển Tông (Trung Quốc), không được vua nghe lời can gián còn bị giáng chức và bắt đi làm thứ sử ở Triều Châu là nơi xa xôi. Hàn Dũ có bài thơ Tự Vịnh, trong đó có hai câu: "Vân hoành Tần lãnh gia hà tại, Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền" (Mây giăng ngang núi Tần, nhà ở nơi đâu? Tuyết che lấp ải Lan, con ngựa không chịu tiến bước). Tựa đề bài thơ của Nguyễn Trãi gợi ý ải Lam này. 3. Con ngựa (một mình) trở về. Ý nói người trung thần bị đày ải có thể chết và con ngựa sẽ trở về không.

Dịch nghĩa
Nhớ Lam Quan xưa
 

Đi mãi tận nghìn non vạn núi
Ngọn núi bắc nổi lên khắp ải Lam Quan
(Bởi vì) nhà vua thời ấy chẳng nghe lời can gián của kẻ trung
(Nên từng) có cảnh con ngựa không người cưỡi trở về từ quan ải xa và vùng biển độc địa.
 

Dịch thơ
Đi hết nghìn non hết vạn non
Ào ào gió bắc khắp Lam Quan
Nhà vua từng nhớ lời can thật
Lam chướng xa trông thấy ngựa hoàn.
                         Đỗ Đình Tuân dịch

Bài 15
贈孔顏孟三氏子孫教授太平
Tặng Khổng, Nhan, Mạnh tam thị tử tôn giáo thụ Thái Bình
 

人生十慮九常乖
Nhân sinh thập lự cửu thường quai,
盛世誰知有棄才
Thịnh thế thuỳ tri hữu khí tài.
坡老昔曾儋耳去
Pha lão (1) tích tằng Đam Nhĩ khứ,
長庚亦向夜郎來
Trường Canh (2) diệc hướng Dạ Lang lai.
文章自古多为
Văn Chương tự cổ đa vi luỵ,
詩酒從今且放懷
Thi tửu tòng kim thả phóng hoài.
會待金雞開赦日
Hội đãi kim kê (3) khai xá nhật,
五雲深處睹蓬萊
Ngũ vân (4) thâm xứ đổ Bồng Lai.

Ghi chú 1. (già Pha) Tô Đông Pha (1037-1101), văn học gia, thư hoạ gia đời Bắc Tống, làm quan đến chức Binh bộ thượng thư, nhưng rồi từ quan, ông bầu rượu ngâm thơ. Có lần bị tội đày ba năm đến quận Đam Nhĩ, nay thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). 2. Một tên riêng của Lý Thái Bạch, thi bá đời thịnh Đường. Từng bị phát vãng đến vùng bộ lạc Dạ Lang (năm 758) nay thuộc Quỳ Châu vì tội theo Vĩnh Vương Lân (con vua Huyền Tông) làm phản. 3. (gà vàng) Nói về sao Thiên kê, mỗi lần xuất hiện lấp lánh thì có ân xá, một hiện tượng được các đế vương xưa thể theo. 4. năm mây: Chỉ nơi vua ở và cũng ngụ ý điềm tốt lành. Hai câu kết ý nói chờ được đến ngày ân xá thì cũng “lên tiên” (chết) mất rồi.

Dịch nghĩa
Tặng con cháu ba họ Khổng, Nhan, Mạnh dạy học ở Thái Bình
 

Sinh ra ở đời, tính mười điều thường sai đến chín
Buổi thịnh ai biết được chuyện bỏ sót (quên) kẻ tài năng
Pha lão xưa từng đi đày tại Đam Nhĩ
Trường Canh cũng đã phải đến vùng Dạ Lang
Từ xưa văn chương vốn gây nhiều hệ luỵ
Nay ta lại càng trở lại với thơ rượu
Chờ mong ngày mở hội đại xá kim kê
Tại xứ ngũ vân xa thẳm thấy cảnh bồng lai.
 

Dịch thơ
Trên đời mười tính chín thường sai
Đời thịnh ai hay có khí tài
Pha Lão đã từng Đam Nhĩ đọa
Trường canh cũng trải Dạ Lang đầy
Văn chương tự cổ gây nhiều họa
Thi tửu xưa nay dễ gặp tai
Chờ được kim kê ngày đại xá
Thân này chắc đã gửi Bồng Lai.
                
Đỗ Đình Tuân dịch

10 giờ 15 phút
Ngày 16/6/2012
Dịch xong thơ Nguyễn Trãi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét