Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

Điểm diện nhà văn, nhà thơ 36: Xuân Thủy

36. Xuân Thủy
    (1912-1985)

Xoắn mãi dây tình thơ bật ra
Paris thì thích hơn ở nhà
Đông y ắt hẳn hơn tây dược
Xe tải không bằng xe Vonga
Trên đời kim cương là quý nhất
Thứ đến tình thương dân nghèo ta
Em chớ chê anh già lẩm cẩm
Còn hơn thằng trẻ lượn Honđa.
                       Xuân Sách

Xuân Thủy, vị Chủ tịch đầu tiên của Hội nhà báo Việt Nam

Ông may mắn vừa là học trò, vừa là đồng chí thân cận, giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều lĩnh vực. Ông được phân công phụ trách báo Cứu Quốc để tập hợp toàn dân kháng chiến. Ông đi vào lịch sử Hội Nhà báo Việt Nam là vị Chủ tịch đầu tiên của Hội và làm trọn 2 nhiệm kỳ liên tiếp từ năm 1950 đến năm 1962. Ông là nhà báo Việt Nam đầu tiên tham gia BCH Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) và được bầu làm Phó Chủ tịch năm 1957, và được nhận phần thưởng báo chí quốc tế của tổ chức này.
Cuộc đời của nhà báo- nhà cách mạng Xuân Thủy luôn gắn liền với báo chí: hoạt động cuối cùng, tác phẩm cuối cùng của ông là tập hồi ký Những chặng đường báo Cứu Quốc.Trong hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Xuân Thuỷ đã đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước, để lại những dấu ấn đặc biệt trong hoạt động Quốc hội, trong hoạt động Mặt trận thông qua báo chí, trong hoạt động ngoại giao, đặc biệt trong thành công của cuộc đàm phán hòa bình tại Pari để chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Ông còn là nhà thơ có nhiều đóng góp cho nền thơ ca cách mạng nước nhà. Trên lĩnh vực báo chí, ông là nhà báo lớn, tiêu biểu cho lớp nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam, là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam, là người thầy, người đồng nghiệp thân thiết của những người làm báo Việt Nam.
Nghiệp làm báo của đồng chí Xuân Thủy bắt đầu cùng lúc với thời điểm ông giác ngộ và tham gia cách mạng khi ngoài 20 tuổi. Ông hiểu rõ và dùng báo chí như là một thứ vũ khí để hoạt động cách mạng. Từ những năm 1930 của thế kỷ trước, ông gửi bài đăng ở những tờ báo có bạn đọc đông đảo là người lao động như Nông cổ mím đàm, làm thông tin viên của báo Trung Bắc Tân văn. Do tham gia kêu gọi chống thuế, ông bị giặc Pháp bắt giam ở Hỏa Lò. Ra tù ông bị quản thúc ở Phúc Yên. Bị địch theo dõi, cho người đến khám nhà, lục soát thấy báo chí yêu nước, ông lại bị Pháp bắt và đưa lên giam tại nhà tù Sơn La. Trong nhà tù của thực dân, năm 1939 Xuân Thủy cùng với các bạn tù cũng là nhà báo như Tô Hiệu, Trần Huy Liệu ra báo Suối Reo, tố cáo tội ác thực dân và động viên tinh thần đoàn kết đấu tranh của anh em tù nhân, truyền bá kiến thức và kinh nghiệm đấu tranh, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Năm 1944 ra tù, ông được Đảng cử phụ trách Báo Cứu Quốc do Bác Hồ sáng lập - một trong những tờ báo cách mạng bí mật phổ biến nhất lúc bấy giờ- cơ quan của Tổng bộ Việt Minh. Đây là tờ báo hàng ngày, tích cực tham gia đấu tranh chính trị, làm rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp và các thế lực phản động, vận động quần chúng đoàn kết, góp công góp của bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, tham gia kháng chiến giữ vững nền độc lập dân tộc. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông theo tờ báo lên chiến khu Việt Bắc. Ông đã viết hàng nghìn bài trên mặt báo trong thời kỳ chống thực dân Pháp, những bài xã luận và bình luận, lời văn hùng hồn, tha thiết.
Về sự cống hiến của nhà báo Xuân Thuỷ, Tổng Bí thư Trường Chinh viết: "Tôi và anh Xuân Thuỷ làm việc với nhau từ những ngày sôi động trước Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, bắt đầu từ những trang Báo Cứu Quốc ở một ngôi chùa cổ ven sông Hồng. Chúng tôi kết gắn với nhau từ đấy và suốt cả chặng đường cách mạng sau này. Ông Xuân Thuỷ được Đảng phân công phụ trách Báo Cứu Quốc từ thời kỳ hoạt động bí mật và suốt cả thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chúng ta có báo Cứu Quốc Trung ương, lại có báo Cứu Quốc địa phương ở khắp các Liên khu kháng chiến. Đó là tờ báo hàng ngày duy nhất của Đảng và nhân dân ta trong thời kỳ này. Chỉ riêng việc ra báo đều đặn suốt 3.000 ngày trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, gian khổ, thiếu thốn cũng có thể nói, đó cũng là một kỳ tích của nhân dân ta. Báo Cứu Quốc là niềm tự hào của Báo Đại đoàn kết ngày nay và cũng là niềm tự hào chung của báo chí cách mạng nước ta".
Lịch sử báo chí còn ghi nhận nhà báo Xuân Thủy là người phụ trách khóa đào tạo lớp nhà báo đầu tiên cho kháng chiến. Theo sáng kiến của Hồ Chủ tịch, Tổng bộ Việt Minh mở lớp đào tạo cán bộ viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng. Nhà báo Xuân Thuỷ là người lãnh đạo chung và trực tiếp giảng bài. Lớp học được tổ chức tại xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, kéo dài 3 tháng, từ 4 tháng 4 đến 6 tháng 7 năm 1949. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh nhận xét: “Khóa thứ nhất trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm
thành công. Tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân.”
Nhà báo Xuân Thủy không những là một cây bút sắc sảo, giàu kinh nghiệm mà còn là một trong những người có công đầu trong việc đặt nền móng xây dựng Hội Nhà báo Việt Nam. Ngay sau khi Cách mạng tháng 8 thành công, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Xuân Thủy đã trực tiếp gặp và giao nhiệm vụ cho các đồng chí Trần Kim Xuyến, Chu Văn Tích, Trần Lâm lập Đài Phát thanh quốc gia và Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam. Và cũng chính từ mùa thu cách mạng năm ấy, với những trọng trách được giao, đồng chí Xuân Thủy là người trực tiếp tổ chức và chuẩn bị mọi mặt đặt nền móng cho sự ra đời Hội Nhà báo Việt Nam.
Ngày 27/12/1946, Đoàn báo chí Việt Nam- tổ chức tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay được thành lập dưới sự chỉ đạo của đồng chí Xuân Thủy. Đến đầu năm 1947, Đoàn báo chí kháng chiến được thành lập do Xuân Thuỷ trực tiếp phụ trách. Hơn ba năm sau, ngày 21/4/1950, Hội Nhà báo Việt Nam được thành lập tại đại hội đầu tiên của những người làm báo Việt Nam ở xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đại hội thông qua Điều lệ và bầu nhà báo Xuân Thuỷ làm Chủ tịch Hội. Lần đầu tiên ở nước ta có một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của những người làm báo, lúc đó có tên gọi là Hội những người làm báo Việt Nam và đến Đại Hội 2 tháng 4 năm 1957 đổi tên thành Hội Nhà báo Việt Nam như tên gọi ngày nay. Trên khu đất lịch sử ấy của chiến khu Thái Nguyên, thế hệ nhà báo hôm nay đã xây dựng Bia kỷ niệm, Nhà trưng bày di tích lịch sử địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, khánh thành vào ngày 21/4/2010 để ghi nhớ công lao của thế thệ đi trước, đặt nền móng vững chắc cho Hội ngày nay.
Ngày đầu thành lập Hội mới có 300 hội viên, với vài chi hội ở Liên khu 3, 4, 5 và Nam Bộ. Hội đã trưởng thành vượt bậc, nay có trên 19.000 hội viên, làm việc tại hơn 800 cơ quan báo chí, sinh hoạt trong hơn 270 tổ chức cơ sở, với 63 Hội Nhà báo tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, 18 Liên Chi hội và 190 chi hội cơ sở của các cơ quan báo chí Trung ương. Hội Nhà báo Việt Nam vinh dự được thay mặt giới báo chí cả nước nhận những phần thưởng cao quý do Đảng và Nhà nước phong tặng: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng, bức trướng của Ban Bí thư Trung ương Đảng mang dòng chữ "Báo chí cách mạng Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước". Công đầu trong thành tích này thuộc về đồng chí Xuân Thủy.
Những ngày cuối cùng của đời mình, đồng chí Xuân Thủy vẫn gắn liền với báo chí, với Hội Nhà báo. Ðể chuẩn bị kỷ niệm Ngày nhà báo Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam, đồng chí Xuân Thủy đã hẹn hàng trăm nhà báo trong khối Mặt trận đến gặp mặt. Nhưng không may, ngày 18/6/1985, đồng chí Xuân Thủy đã ngã bệnh trên bàn làm việc của mình và ra đi mãi mãi, với các bài báo viết dở cho tập sách "Những chặng đường Báo Cứu quốc".
Sự nghiệp và kinh nghiệm của nhà báo, nhà cách mạng Xuân Thủy cho phép chúng ta hôm nay có quyền tự hào về truyền thống cách mạng Việt Nam, về đóng góp to lớn của cá nhân đồng chí Xuân Thủy. Nụ cười và tác phong lịch lãm cùng trí tuệ, bản lĩnh của một nhà cách mạng lão luyện, một nhà báo tài năng sẽ mãi mãi lưu giữ trong thế hệ chúng ta và các thế hệ mai sau với lòng trân trọng.
Năm nay Nhà báo Xuân Thủy tròn trăm tuổi. Ông đã đi xa gần ba mươi năm, song sự nghiệp của ông để lại vẫn được các thế hệ nhà báo kế tiếp nhau giữ gìn và phát triển. Với Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Xuân Thủy mãi là vị Chủ tịch đầu tiên, người thầy, người bạn, người anh gần gũi và thân thiết.
Bài phát biểu của đồng chí Hà Minh Huệ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét