Những năm 1971-1972, các đài kỹ thuật của ta ở khu vực Đường 9 - Bắc Quảng Trị thường thu được một câu hỏi về xe tăng với tần suất khá dày trên đài địch: "Hổ Chột ở đâu?".
Vậy Hổ Chột là ai và tại sao lại được phía bên kia quan tâm đến thế? Xin thưa, đó chính là một biệt danh do phía bên kia đặt cho đồng chí Đào Huy Vũ, lúc đó là Thượng tá, quyền Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp (TTG).
Từ thày giáo làng trở thành Tư lệnh xe tăngĐào Huy Vũ sinh năm 1924 trong một gia đình nông dân ở xã Xuân Canh, Đông Anh, Hà Nội. Nhờ tư chất thông minh và có lòng hiếu học nên ông học rất giỏi và đã có bằng certificat của Pháp khi còn rất trẻ.
Có tý chữ nghĩa ông được bổ làm "hương sư" - thày giáo làng ở ngay tại quê mình. Những ngày tháng đó ông đã được cách mạng giác ngộ và rất tích cực tham gia vào phong trào "Thanh niên cứu quốc" ở địa phương.
Tháng 8.1945 ông nhập ngũ và lập tức tham gia vào đoàn quân Nam tiến vào chiến đấu ở địa bàn Buôn Mê Thuột. Tiếp đó, ông tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường cả ở Việt Nam và Thượng Lào. Kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp ông là Trung đoàn phó của một trung đoàn bộ binh.
Hòa bình lập lại, ông được chọn về bồi dưỡng văn hóa, ngoại ngữ tại Trường Văn hóa Quân đội. Tháng 8.1956, ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn Đoàn cán bộ - chiến sĩ sang đào tạo về xe tăng tại Trung Quốc.Tháng 10.1959, khi Trung đoàn xe tăng 202 được thành lập, ông được bổ nhiệm chức vụ trung đoàn trưởng. Tháng 6 năm 1965, khi Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp được thành lập, ông được giao nhiệm vụ Quyền Tư lệnh binh chủng (không có Tư lệnh).
Vậy là sau một hành trình 20 năm đầy biến động, vị hương sư Đào Huy Vũ đã trở thành người đứng đầu Binh chủng Tăng - Thiết giáp - một trong những binh chủng hiện đại của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN).
Những người đã từng ở bên cạnh ông cho biết, dù đi đâu, làm gì... lúc nào bên mình ông cũng có một vài cuốn sách, không sách chuyên môn thì sách ngoại ngữ... Nhờ vậy, chỉ sau khi về nước khoảng 2 năm ông đã có thể đọc hiểu được các tài liệu kỹ, chiến thuật chuyên ngành bằng tiếng Nga.
Từ kinh nghiệm thực tế trận mạc kết hợp với những kiến thức đã thu lượm được trong học tập và tự học, tự nghiên cứu... ông cho rằng: Với đặc điểm tình hình địch, địa hình, đường sá... Việt Nam, tác chiến xe tăng không thể áp dụng máy móc các hình thức chiến thuật như của bạn mà cần có những thay đổi nhất định mới đạt hiệu quả cao.Trên cơ sở đó, ông cùng các đồng sự đã sáng tạo nên một cách đánh riêng có của TTG Việt Nam có rất nhiều khác biệt với nước bạn và đã được kiểm nghiệm qua một số cuộc diễn tập thực binh. Cách đánh đó cũng được chứng minh là phù hợp trong các trận chiến đấu của xe tăng sau này.
Bám sát chiến trường, kịp thời rút kinh nghiệmLà người chỉ huy cao nhất binh chủng song ông không chịu ngồi yên ở Sở chỉ huy mà thường xuyên bám sát đơn vị cơ sở, bám sát chiến trường... để đúc rút ra các bài học kinh nghiệm cần thiết, ngõ hầu hoàn thiện cách đánh của TTG Việt Nam và phổ biến rộng rãi đến khắp binh chủng.
Đầu năm 1967, để chuẩn bị đưa xe tăng vào miền Nam tham chiến ông đã dẫn một đoàn cán bộ vào khu phi quân sự để nghiên cứu chiến trường cũng như nghiên cứu các phương án hành quân sao cho hiệu quả nhất.
Tháng 3.1968, ông trực tiếp đi cùng Đại đội 6 vào Đường 9 để bổ sung lực lượng cho Tiểu đoàn 198 và nghiên cứu chiến trường ở khu vực Khe Sanh.
Tháng 12.1969, ông lại cùng Tiểu đoàn 195 sang Lào giúp bạn tác chiến ở Cánh đồng Chum.Chính trong chuyến đi này, ngày 17.02.1970 ông đã bị thương khi bom đánh trúng Sở chỉ huy chiến dịch ở Noọng Pẹt. Bom đạn quân thù đã lấy đi của ông một con mắt và từ đó ông được các chỉ huy phía bên kia tặng cho cái hỗn danh "Hổ Chột".
Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 cũng như trong các chiến dịch sau này các đài kỹ thuật của ta thu được trên làn sóng vô tuyến điện bọn địch thường xuyên hỏi thăm nhau: "Hổ Chột ở đâu?". Lúc đầu cũng không ai hiểu được đó là mật danh hay mật hiệu gì.Một thời gian sau, qua điệp báo cũng như phân tích tình hình mới hiểu đó là mật danh chỉ "tướng xe tăng" Đào Huy Vũ.
Nói cho công bằng, sự "quan tâm" sâu sát như vậy của đối phương đối với ông cũng không phải là không có lý. Bởi vì lập luận của chúng là: "xe tăng đã tập trung ở đâu thì Quân giải phóng sẽ đánh lớn ở đó".Và đúng là như vậy! Trong cuộc Tổng tiến công chiến lược 1972, Quảng Trị được chọn là hướng chủ yếu và có đến 2 Trung đoàn TTG (202 và 203) tham chiến ở đây. Cũng vì vậy, được sự đồng ý của trên, Bộ Tư lệnh TTG đã thành lập Bộ Tư lệnh tiền phương bên cạnh Bộ Tư lệnh mặt trận B5 và do ông trực tiếp chỉ huy.
Mùa Xuân năm 1975, ông lại một lần nữa "xuất tướng". Bộ Tư lệnh TTG tiền phương do ông lãnh đạo luôn có mặt bên cạnh BTL chiến dịch Huế- Đà Nẵng, BTL cánh quân Duyên hải và BTL cánh Đông trong chiến dịch Hồ Chí Minh.Với sự tham mưu đắc lực của ông và các đồng sự trong Bộ Tư lệnh TTG tiền phương, việc sử dụng TTG trên hướng Quân đoàn 2 cũng như cánh quân Duyên hải và cánh quân phía Đông có hiệu quả rất cao.
Những năm cuối của cuộc đời binh nghiệp ông về Học viện Quốc phòng làm Chủ nhiệm khoa TTG với hàm thiếu tướng. Những kiến thức, kinh nghiệm của ông đã góp phần không nhỏ vào công cuộc đào tạo nên các thế hệ cán bộ lãnh đạo- chỉ huy của quân đội ta.
Nguồn: http://soha.vn/ho-chot-cua-bo-doi-xe...8165525704.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét