55. Thu
Bồn
(1935-2003)
Chim Chơ rao cất cánh ngang trời
Tình như chớp trắng cháy liên hồi
Đám mây cánh vạc tan thành nước
Mà đất ba dan vẫn khát hoài.
Xuân Sách
Nhà thơ Thu Bồn trong ký ức những người cùng thời
Hà Đức Trọng có thơ đăng ở báo Quân đội Nhân dân và tạp chí Văn nghệ Quân đội từ 1957, nhưng phải đến cuối 1964, bút danh Thu Bồn, tên dòng sông quê hương, mới được chú ý, khi ký dưới Trường ca Bài ca chim Chơ rao. Báo Văn nghệ số 84 ra ngày 4-12-1964, đã trân trọng ra một phụ trương in kiểu tờ gập bản trường ca được nhà thơ Thanh Hải, trong Đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam lần đầu ra thăm Miền Bắc mang ra. Gần ngàn câu thơ kể về cuộc chiến đấu hào hùng của đồng bào Kinh - Thượng ở Tây Nguyên đã thổi bùng lên một niềm tin lớn vào thắng lợi. Ngay trong cùng số báo có bài bình của nhà thơ Hoàng Trung Thông: Bài ca chim Chơ rao, một khúc hát trữ tình cách mạng, một bản trường ca về những con người chiến đấu của Miền Nam. Số báo sau, nhà thơ Nông Quốc Chấn có bài: Một bản hùng ca của những con người thép. Cũng năm 1964, Nhà xuất bản Văn học in thành sách, rồi được dịch sang tiếng Trung, cùng thời với Những bức thư từ tuyến đầu Tổ quốc, cho đến nay vẫn là một hiện tượng hiếm trong văn học hai nước.
Từ đó, hành trình chiến đấu và sáng tạo của nhà thơ là một con đường lớn,
với những tác phẩm có vóc dáng vạm vỡ, một nguồn cảm hứng giàu có bắt nguồn
trực tiếp từ hiện thực cuộc chiến đấu mà nhà thơ vừa là người chiến sĩ. Trong
văn học kháng chiến, hiếm có tác giả nào nhận được sự đánh giá và nhận xét của
những người làm cán bộ quân sự và chính trị về con người và tác phẩm như Thu
Bồn.
Nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả Đất nước
đứng lên, Rừng Xà nu, người lãnh đạo trực tiếp của nhà thơ trong những năm
chống Mỹ đã viết: Tất cả những ai từng gặp Thu Bồn đều có cảm giác như không phải
cuộc sống lôi cuốn anh, mà chính anh lôi cuốn cuộc sống ào ào đi theo mình
trong một cơn lũ sóng ào ào, vội vã, cuống quýt, cứ như lúc nào cũng sợ thiếu,
cũng sợ muộn, lúc nào cũng sợ không đủ, không kịp… Ở chiến trường, Thu Bồn sống
ào ạt, lao động ào ạt, viết ào ạt, yêu ào ạt. Ngay cả trong tình yêu nữa anh
như lúc nào cũng sợ không kịp, không đủ. Trong lao động-lao động giữa chiến
tranh và sau này, trong hòa bình, anh nổi tiếng mạnh mẽ và tháo vát. Có lần,
anh một mình dựng một căn nhà giữa rừng, mà là một căn nhà hai tầng hẳn hoi, cứ
như một căn biệt thự giữa Hà Nội!... Đi chiến đấu, Thu Bồn bao giờ cũng đòi có
mặt ở mũi nhọn nhất… Và chính ở những ngày tháng khó khăn, gian khổ nhất ở
chiến trường, anh viết Bài ca chim Chơ
rao nổi tiếng. Xuân Mậu Thân, trước đoàn quân hàng ngàn người sắp bước vào
cuộc Tổng tấn công, anh đọc như thét vang:
Đà Nẵng gọi ta như mẹ gọi con
Như người yêu gọi người yêu xa cách.
Ông Phạm Đức Nam, nguyên Chủ tịch tỉnh Quảng Nam biết Thu Bồn qua mấy thời
kỳ kháng chiến và xây dựng viết: Cuộc đời Thu Bồn luôn rực sáng, càng rực sáng
hơn ở những bước ngoặt lịch sử đất nước, ở những thời điểm cam go nhất, quyết
liệt nhất, hy sinh cao nhất của cuộc chiến tranh, nhất là thời kỳ đánh Mỹ và
thời kỳ trước đổi mới của nước ta, cả thời Thu Bồn sống, chiến đấu ở nước bạn
Campuchia. Chính ở những bước ngoặt đó, anh là người đi tiên phong mở đường và
bao giờ cũng để lại những tác phẩm ghi dấu mốc lịch sử đó một cách chói sáng… Quảng
Nam - Đà Nẵng thường là nơi bắt đầu những cuộc chiến đấu đẫm máu trong lịch sử
giữ nước. Nơi đây luôn đi đầu, không dao động, không run sợ bất kỳ một thế lực
độc ác lớn nào trên thế giới. Tôi nói điều này để nói lên tầm vóc con người Thu
Bồn, tầm vóc thơ ca Thu Bồn. Không có những đối đầu dữ dội, quyết liệt ghê gớm
đó, sẽ không có Thu Bồn, không có thơ Thu Bồn. Thu Bồn trở thành một biểu tượng
anh hùng sáng đẹp của quê hương mình… Thu Bồn ngày nay vẫn y như Thu Bồn ngày xưa
đánh Mỹ. Thơ Thu Bồn mạnh hơn một binh đoàn. Đó là bài thơ Đà Nẵng gọi ta, Thu Bồn viết trước cuộc xung trận vào Đà Nẵng Mậu
Thân 1968.
Bộ trưởng Hoàng Minh Thắng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, từng là Bí thư Quảng
Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN) kể lại: Được biết Thu Bồn trở vào chiến trường rất sớm.
Nhưng mãi đến năm 1965, khi về Quân khu tổng kết phong trào du kích chiến tranh
tại Đại hội chiến sĩ thi đua Quân khu, tôi mới gặp Thu Bồn ở vùng căn cứ Trà My.
Chúng tôi quen nhau, thân nhau trong thời gian họp ở Quân khu, tối tối mắc võng
nằm kể chuyện quê nhà tôi mới biết Thu Bồn sinh ra ở làng Thanh Quýt, thoát ly
từ rất sớm, vào thiếu sinh quân lúc tròn 12 tuổi, vừa làm giao liên, vừa là
chiến sĩ đánh giặc. Anh kể cho tôi nghe về anh, từ thời niên thiếu đến lúc
trưởng thành, từ anh giao liên đến với viết văn, làm thơ, làm báo trong kháng
chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, đã trải qua những gian truân nhọc nhằn… và rồi
ở anh, cái đọng lại nhiều nhất, âm vang lớn nhất: Một nhà thơ - Một Hiệp sĩ thơ
tài hoa (Ông còn thuộc nhiều bài thơ của Thu Bồn). Quả nhiên đúng, Thu Bồn là
nhà thơ lớn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thơ anh như tiếng kèn
xung trận, có tác dụng động viên sức mạnh toàn quân, toàn dân đánh thắng giặc
Mỹ xâm lược.
Ông Hồ Nghinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, một lãnh đaọ kỳ cựu và có uy
tín cao ở QN-ĐN thì tâm sự: Thu Bồn lạ lắm! Thơ Thu Bồn hay lắm! Mình ca ngợi
Thu Bồn liệu có làm phiền ai không? Mình nhớ hồi 1962, mình và Thu Bồn tiếp
giới học sinh, sinh viên nội thành Đà Nẵng do Lê Công Cơ đưa lên Ôray. Khi mới
tới, họ thấy Thu Bồn không nói, mà chỉ làm liền tay mọi thứ, để hướng dẫn họ ổn
định chỗ ở, họ tưởng anh là giao liên, hay nhiều lắm là trạm trưởng ở đây. Khi
biết đó là nhà thơ Thu Bồn ở miền Bắc vào, họ ồ lên sung sướng, thán phục. Bởi
khi còn ở trong thành, họ đã chép và chuyền tay nhau đọc bài thơ của Thu Bồn: Hôn mảnh đất quê hương. Họ coi Thu Bồn
như một thần tượng. Mà coi Thu Bồn là Thần tượng là phải. Cao lớn, đẹp trai,
nói dẻo, đọc thơ rất hay, con kiến dưới lỗ cũng bò ra nghe. Họ sống với nhau
không nhiều nhưng đầy kỷ niệm. Họ bu quanh Thu Bồn. Họ chép thơ Thu Bồn. Họ học
thuộc thơ Thu Bồn… Ảnh hưởng của Thu Bồn với lớp học sinh sinh viên cách mạng
ngày ấy rất ghê gớm. Thu Bồn là số 1. Là số 1 đó nghe.
Những năm tháng đó, thơ Thu Bồn cũng được tuổi trẻ đô thị chuyền tay nhau
đọc, chép trong những cuốn sổ tay hồng
của học trò bên cạnh thơ yêu nước của các nhà thơ trẻ đô thị… Bài thơ Tre xanh, Mẹ Việt Nam, và sau này bài Gửi lòng con đến cùng cha viết ngày Bác
Hồ mất được chép chuyền nhau trong các dịp hội họp, mít tinh. Có khi là biểu
ngữ trong các cuộc biểu tình, như hai câu: Cho
con núi rộng sông dài/ Cho con lưỡi kiếm đã mài ngàn năm.
Khẩu khí thơ Thu Bồn đặc biệt lợi hại khi xuất hiện trước đám đông, trước
hàng quân, trong hội trường, hay cả những ngày hội thơ quốc tế ở nhiều nước sau
khi Bài ca chim Chơ rao được trao
Giải Bông sen của Hội Nhà văn Á-Phi, cùng đọc thơ với A. Nexto, Tổng thống Ăng
gô la, các nhà thơ nổi tiếng hùng biện: K. Si mô nôp, Gam da tôp, trước bà Thủ
tướng Ấn độ Indira Găngđi. Trường ca
Campuchia hy vọng viết từ 1977, trước khi Campuchia được giải phóng khỏi
bàn tay Khơme đỏ, được coi như có tính tiên tri, được Thủ Tướng Hun-xen đọc và
đánh giá cao. Đặc biệt, trong một bài diễn văn quan trọng khi vượt đại dương,
sang thăm Cu Ba, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã trích một đoạn thơ trong Trường ca
này để nói về vị trí hai nước Việt Nam - Cu Ba:
Ngọn sóng qua đây thành lưỡi búa
Ngọn gió qua đây thành mũi lao
Cánh chim qua đây thành con tuấn mã
Tờ giấy qua đây thành trang sử đỏ
Quân thù nghe nói, mặt xanh như tàu lá
Chân ngựa vấp chân người, ngựa ngã
Bè bạn qua đây, con tàu nặng
Bè bạn qua đây, con sóng lặng.
Đánh giá đúng mức vị trí và đóng góp của nhà thơ, trong điếu văn đọc ở tang
lễ tháng 6-2003 tại TP Hồ Chí Minh, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn
Việt Nam có nói: Nhắc đến Thu Bồn, người ta nhắc đến một tài năng vạm vỡ, một
sinh lực tràn đầy, một người triệt để trong ý nghĩ và hành động, một người luôn
phát quang để vượt lên phía trước… Thu Bồn là nhà thơ tài hoa, một người dồn
đúc nhiều tài năng trong một tài năng… Thu Bồn là một trong những nhà văn xuất
sắc nhất của thế hệ các nhà văn chống Mỹ, là nhà văn hàng đầu của mảng văn học
chiến tranh nhân dân và quân đội cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn
Thu Bồn là một mẫu mực về tấm gương chiến đấu, sáng tạo vì Tổ quốc, vì nhân
dân. Những tác phẩm nổi tiếng của anh sẽ còn mãi với bạn đọc Việt Nam nhiều thế
hệ.
Mặc dầu được đánh giá cao như vậy, nhưng như bao người cựu chiến binh khác,
cuộc sống Thu Bồn những năm cuối, nhất là sau mấy lần bị tai biến, gặp nhiều
khó khăn. Không một lời than trách, nhưng khi đọc hai câu thơ: Hộ khẩu tôi nhập cuộc với tình yêu/ Thành
phố hỡi! Đừng gọi tôi là “tạm trú”. Có đồng chí lãnh đạo địa phương đã rơi
nước mắt. Không chỉ với riêng Thu Bồn, mà với bao nhiêu văn nghệ sĩ đã gắn bó
máu thịt với chiến trường, đã viết nên bao nhiêu tác phẩm góp sức làm nên chiến
thắng, làm rạng danh bao nhiêu chiến công của các chiến trường, họ chưa nhận
được những hình thức khen tặng đúng mức, thiếu những công trình để lưu dấu
những kỷ niệm về những năm gắn bó máu thịt với quân dân địa phương mình.
Với nhà thơ Thu Bồn có lẽ xứng đáng với một Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn
học nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội.
Nhà văn Ngô
Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét