39. Nguyễn Kiên
(1935-1914)
Anh Keng cưới vợ tháng mười
Những đứa con lại ra đời tháng năm
Trong làng kháo chuyện rì rầm
Vụ mùa chưa gặt thóc đã nằm đầy kho
Xuân Sách
NGUYỄN KIÊN
Nhà văn khiêm nhường
TRẦN HIỆP
NVTPHCM- Mấy chục năm chơi với nhau chưa một lần anh nói hay về mình mà chỉ ca ngợi bạn bè. Anh là một nhà văn thực sự khiêm nhường…
Cuối năm 2013 tôi bị ốm nặng tưởng không qua khỏi, anh Nguyễn Kiên còn gọi điện thoại động viên tôi cố gắng vượt qua. Gần Tết Nhâm Ngọ tôi nhúc nhắc đi lại được nên gọi điện thoại thăm anh thì vợ con anh cho biết anh bị cấp cứu vào viện. Sau đó tôi thường xuyên giữ liên lạc với gia đình anh cho đến rằm tháng Giêng thì có tin anh bị nặng hơn phải chuyển đến cấp cứu tích cực… Thế mà hôm nay… Mất anh, tôi không chỉ mất một bạn văn nhiệt tình chu đáo mà gần 50 năm qua tôi coi anh như một người ruột thịt.
Tôi quen anh Nguyễn Kiên trong tình huống khá đặc biệt. Năm1967, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ, nhất là ở Thanh Hóa diễn ra không chỉ ác liệt mà quá khốc liệt. Từ sau thất bại nặng nề trận đầu đánh phá cầu Hàm Rồng không thành, phải nộp mạng 47 máy bay hiện đại các loại, giặc Mỹ như tên khùng đánh phá vào khắp các vùng đất Thanh Hóa, nhất là suốt dọc đường số Một từ khe Nước Lạnh đến Dốc Xây, mà điểm tập trung là cầu Hàm Rồng, bến phà Ghép, cầu Đò Lèn, ngày nào đêm nào cũng có thương vong hầu hết là những người già, trẻ em, học sinh, nhiều xóm làng tan nát vì bom đạn Mỹ. Dạo ấy đang nổi lên tấm gương anh dũng hy sinh của anh hùng liệt sĩ Mai Xuân Điểm và tập thể cán bộ công nhân bến phà Ghép anh hùng không quản mưa bom bão đạn băng mình cho phà chở xe pháo qua sông. Là phóng viên báo địa phương chuyên viết về chiến đấu và giao thông vận tải nên tôi trở thành “thổ công” của những địa danh đang nóng bỏng ở đây.
Mùa hè năm năm ấy không chỉ nóng vì chiến tranh mà còn nóng gay gắt vì thời tiết khắc nghiệt, không khí khá oi nồng ngột ngạt, tôi đang làm việc với lãnh đạo ty Giao thông vận tải thì nhân viên hành chính đưa một thanh niên dắt xe đạp vào và giới thiệu đây là nhà văn Nguyễn Kiên đi thực tế ngành giao thông vận tải. Tôi nhìn qua nhà văn và thầm nghĩ: “Tác giả truyện ngắn “Anh Keng” đây rồi.” Được đi thực tế với các nhà văn trung ương là dịp may, tôi tình nguyện làm hướng dẫn viên cho anh Kiên, Với việc này tôi cũng đã quen làm trong các chuyến cùng đi với các anh Võ Huy Tâm, Nguyễn Bao, Thép Mới, Xich Điểu, cụ Huyền Kiêu… Anh Kiên rất ít nói, đến đâu anh cũng dành cho tôi hỏi còn anh thì nghe và ghi chép. Hai anh em hai cái xe đạp cọc cạch dưới trời nắng chang chang, anh Kiên xắn cao hai tay áo nên phỏng rộp, da bóc đi từng mảng, tôi bảo anh bỏ tay áo xuống, anh cười và nói: để thế khi về Hà Nội cho em nó thương. Chúng tôi lội khắp ba bến phà Ghép trong tình hình chốc chốc lại có một trận bom, thật ra là bom đạn tránh mình chứ mình không biết đâu mà tránh bom đạn. Xong công việc trò chuyện với cán bộ, công nhân và nhân dân hai đầu các bến phà, chúng tôi lại lọc cọc đạp xe lên Vĩnh Lộc, quê hương của các chúa Trịnh và anh hùng Cần Vương chống Pháp Tống Duy Tân, cũng là quê hương của anh hùng liệt sĩ Mai Xuân Điểm để được trò chuyện với bố mẹ anh, vợ con anh và thăm ngôi mộ của anh cất ngay dưới chân núi Đa Bút lịch sử. Nguyễn Kiên nhỏ bé, gầy gò, tôi tưởng anh đi nhiều sẽ mệt mỏi lắm, nhưng không, đến nơi dựng xe là anh lao vào việc không chỉ quan sát rất kỹ từng khuôn mặt, từng khung cảnh mà anh còn ghi chép khá tỉ mỉ, nhiều lúc anh ngồi thừ ra suy nghĩ về những gì anh vừa thấy vừa nghe.
Một đêm nghỉ lại nhà tôi ở gần bến phà Ghép, thấy dân làng ở đây bất chấp bom đạn và đã có nhiều người hy sinh nhưng bà con vẫn bám đất sản xuất và phục vụ giao thông vận tải, anh thốt lên: Liệu người nước ngoài có hiểu được chí khí dân mình? Anh hùng tuyệt vời! Đêm ấy, vợ chồng tôi và anh Kiên chỉ chợp mắt được đôi chút vì bom đạn đì đùng suốt đêm. Sáng hôm sau, trước khi đi anh Kiên hỏi vợ tôi: Chị có thiếu thốn gì cứ nói, về Hà Nội nếu có thể mua được tôi sẽ gửi vào. Vợ tôi nghĩ mãi mới nói nhỏ nhẹ: Thời chiến cái gì cũng thiếu, nhưng rồi cũng xoay xở được, nhưng có vài thứ xoay không ra. Về Hà Nội, nếu có thể được anh gửi cho em xin vài cái kim và một cuộn chỉ để vá quần áo cho các cháu, chúng lăn lê lên hầm xuống hầm cả ngày quần áo rách bươm cả.
Cũng như các lần đi thực tế với các nhà văn khác, lần này anh Kiên trò chuyện với tôi nhiều điều bổ ích về công việc của một nhà văn mà chủ yếu là từ kinh nghiệm của các nhà văn mà anh ghi nhận được. Mấy chục năm chơi với nhau chưa một lần anh nói hay về mình mà chỉ ca ngợi bạn bè. Anh là một nhà văn thực sự khiêm nhường. Sau chuyến đi thực tế ấy, anh Nguyễn Kiên viết được tiểu thuyết “Chân sóng”, tôi viết được truyện ký “Người bến thép”. Chúng tôi trở nên bạn bè thân thiết từ đấy, anh in được cuốn sách nào cũng đem đến cho tôi và tôi in được tác phẩm nào cũng đem đến biếu anh. Có một kỷ niệm tôi không thể quên: Lần đi thực tế ấy không lâu tôi nhận được giấy báo của bưu điện mời đến nhận bưu phẩm. Đó là hai cuộn chỉ, một trắng, một đen và một tá kim khâu. Không chỉ vợ tôi mà cả tôi nữa thật sự xúc động về sự chu đáo của anh, nhà văn Nguyễn Kiên mà tôi hằng quý mến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét