44. Nguyễn Thế Phương
(1930-1989)
Đi bước nữa rồi đi bước nữa
Phấn son mưa nắng đã tàn phai
Cái kiếp đào chèo là vậy đó
Đêm tàn bến cũ chẳng còn ai.
Xuân Sách
Nhà văn Nguyễn Thế Phương mà tôi biết
16-06-2007 11:38
Thái Thi
Nhà văn Nguyễn Thế Phương (1930-1989), tên thật là Nguyễn Xuân Phê, sinh ra ở làng Bình Lâm, một làng khá đẹp, có ngọn núi mà cái tên cũng đẹp - Hoa Lâm, bên bờ bắc sông Lèn phía dưới cây cầu.
Tôi có bốn năm công tác cùng nhà văn Nguyễn Thế Phương ở Ty Văn hoá Thanh Hoá (ngày ấy chưa gọi là Sở).
Đầu năm 1964 anh từ Hà Nội về. Đương nhiên lãnh đạo Tỉnh và Ty muốn “khai thác” anh cho một công việc hữu ích, hữu lợi với quê hương: công việc văn hoá, đào tạo những cây bút sáng tác văn hoá. Điều đó cũng đã có trong ý tưởng của anh. Thế là Tập san Người bạn Văn hoá ra đời. Đây là một trong vài Tập san địa phương có sớm nhất ở miền Bắc lúc bấy giờ. Chưa dám gọi là Tạp chí Văn nghệ, bởi lẽ lực lượng người sáng tác văn học ở Thanh Hoá chưa đủ sức có tác phẩm để “nuôi” cả một Tạp chí chuyên ngành, phải có cả phần văn hoá “gánh” cho sự thiếu hụt của văn học. Và lại để thêm vào đó hai từ Người bạn cũng là nhằm tạo ra được tình cảm gần gũi với khá nhiều người vừa bắt đầu cầm bút đối với tập san.
Đầu năm 1964 anh từ Hà Nội về. Đương nhiên lãnh đạo Tỉnh và Ty muốn “khai thác” anh cho một công việc hữu ích, hữu lợi với quê hương: công việc văn hoá, đào tạo những cây bút sáng tác văn hoá. Điều đó cũng đã có trong ý tưởng của anh. Thế là Tập san Người bạn Văn hoá ra đời. Đây là một trong vài Tập san địa phương có sớm nhất ở miền Bắc lúc bấy giờ. Chưa dám gọi là Tạp chí Văn nghệ, bởi lẽ lực lượng người sáng tác văn học ở Thanh Hoá chưa đủ sức có tác phẩm để “nuôi” cả một Tạp chí chuyên ngành, phải có cả phần văn hoá “gánh” cho sự thiếu hụt của văn học. Và lại để thêm vào đó hai từ Người bạn cũng là nhằm tạo ra được tình cảm gần gũi với khá nhiều người vừa bắt đầu cầm bút đối với tập san.
Ở Thanh Hoá, cho đến những năm đầu thập kỷ 60, người viết số đông là giáo viên; đã vậy lại có hiện tượng lệch, toàn là người làm thơ, ca dao, hò vè. Mà thơ thì cũng đang ở mức “phong trào” là chính thôi.
Việc đầu tiên mà Nguyễn Thế Phương bắt tay vào làm là mở trại sáng tác. Nói “bắt tay vào làm” là nói đúng nghĩa đen của mấy tiếng ấy. Mở trại sáng tác nhằm khảo sát thực lực của từng người đã ít nhiều có sáng tác được dùng trên các báo chí. Và cũng để từ đây mà khai thác nguồn bài vở cho những tập đầu Người bạn Văn hoá. Lúc này, sau những năm thôi dạy tiếng Trung Quốc, tôi vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm khoa Văn, đang suy tính về lại ngành Giáo dục hay tìm một nơi nào đó trong hoặc ngoài tỉnh dung nạp được công việc văn chương của mình, thì được mời đi dự trại sáng tác này. Kết thúc trại, thu hoạch của tôi vào loại khả quan, được hai bài thơ và một bài bút ký về vùng cói Nga Sơn. Cả ba bài ấy lần lượt được dùng ở Người bạn Văn hoá rồi ở Đài Tiếng nói Việt Nam và Tuần báo Văn nghệ.
Rồi sau đó không lâu, một buổi sáng Nguyễn Thế Phương tới nhà riêng gặp tôi ngỏ ý muốn xin tôi về công tác ở tập san. Dĩ nhiên là tôi nhận lời ngay. Còn gì sung sướng hơn là được làm công việc mà mình yêu thích. Thơ là nỗi đam mê, là ám ảnh da diết từ thời tôi còn là học trò cấp 3 (Trung học phổ thông). Về với anh vừa làm biên tập, vừa được đi đây đi đó, tiếp xúc với cái hiện thực muôn mặt của đời sống xã hội rất cần cho cảm xúc sáng tác.
Trước ngày về lại quê hương, Nguyễn Thế Phương đã nổi tiếng với truyện ngắn Đào chèo, Người bạn cũ và tiểu thuyết Đi bước nữa. Và như vậy, là cho tới lúc này, ở Thanh Hoá mới độc nhất có anh là nhà văn (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam). Những người viết trẻ chúng tôi coi anh là “của quý hiếm”, là người thầy trong nghề. Nhưng anh lại vô cùng đáng yêu. Anh dung dị lạ lùng, rất dễ gần gũi với tất cả. Anh đẹp trai lắm, đôi mắt kính cận nhiều đi-ốp không hề làm mất đi ánh nhìn đằm thắm tình cảm và nhân hậu. Và nụ cười nữa, nụ cười tươi tắn làm sao!
Công việc mở trại sáng tác được tổ chức đều đặn mỗi năm. Lần thì ở ngay nơi cơ quan sơ tán, lần thì ở một huyện xa có “vấn đề” cho người viết thâm nhập lấy tư liệu cho văn, cho thơ. Dĩ nhiên là bao giờ anh Nguyễn Thế Phương cũng phải làm trại trưởng, phụ trách chung và dành nhiều thời gian cho các cây bút văn xuôi trong trại. Đến khi đi thực tế thì anh cũng đi với những cây bút văn xuôi.
Những ai đã từng dự các trại sáng tác những năm ấy hẳn không thể nào quên hình ảnh Nguyễn Thế Phương - một nhà văn có tên tuổi không ngồi chờ cho chúng tôi làm xong mọi công việc chuẩn bị và đến giờ khai mạc thì ra đọc một diễn văn hay nói dăm câu ba điều “chỉ giáo” các “môn sinh”. Cũng như xe đạp của mỗi chúng tôi, xe đạp của anh cũng chở trên poóc-ba-ga những rổ rá, nồi xoong, rau củi mang đến địa điểm mở trại cho nhà bếp. Việc làm ấy khiến mọi người yêu mến anh hơn, quý trọng anh hơn. Một nhà văn đã thành danh có tấm lòng với các cây bút trẻ như thế đấy.
Không sợ là quá lời khi nói rằng nhà văn Nguyễn Thế Phương vừa là “cây cột cái” vừa là linh hồn của tập san, cho tập san đứng vững và ra tương đối đều đặn, nhặt kỳ với những sáng tác, những bài viết có vóc dáng, có cốt cách.
Có Nguyễn Thế Phương ở đây, các nhà văn nhà thơ làm việc ở Trung ương, Hà Nội và các tỉnh bạn có thêm lý do để lui tới. Do vậy, nhiều người viết trẻ chúng tôi có dịp được gặp gỡ các anh các chị ấy, được nhận cho hồn mình thêm chất men say nghề nghiệp, cho ngòi bút mình thêm kinh nghiệm sống và viết. Tập san cũng phong phú hơn về nội dung do có sự bổ sung bài vở của các nhà văn, nhà thơ lớp đàn anh đàn chị mỗi khi về thâm nhập thực tế và viết ở Thanh Hoá.
Nguyễn Thế Phương trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngay sau khi công bố hai truyện ngắn Người bạn cũ và Đào chèo. Hai truyện ngắn đủ để khẳng định một tài năng.
Nhưng không lâu sau đó, lúc vừa tuổi ba mươi, anh đã có tiểu thuyết Đi bước nữa (và được tái bản tới 5 lần) thì anh đã tự chứng tỏ với người đọc là một nhà tiểu thuyết thực thụ rồi. Đỉnh cao về thành tựu sáng tác của anh phải nói đến tiểu thuyết Nắng.
Khi trở về Thanh Hóa, Nắng mới chỉ hơn sáu chục trang khởi thảo. Tới lúc Ty Văn hoá sơ tán lến làng Vạn Lộc (thuộc huyện Đông Sơn) thì mới là lúc anh động bút trở lại. Anh viết đều đặn vào các đêm. Ban ngày khi công việc chung giãn rồi, anh là Ông thợ cày văn. Quả là thế, gần anh mới cảm thấu được hết nỗi nhọc nhằn của lao động, nhà văn viết tiểu thuyết. Thật là đáng sợ với người làm thơ! Nhưng hiếm có đêm anh thức trắng. Muộn nhất là 12 giờ đêm anh nước trà rồi buông màn… Tôi hỏi, anh nhỏ nhẻ: “Thứ lao động này, lao động của thơ của cậu cũng vậy thôi, hao tổn tâm lực lắm. Ăn uống lại kham khổ. Phải biết giữ sức cho bền mà làm, không thì ngoẻo sớm, dở dang hết”. Oái oăm thay, vậy mà bệnh tật lại bắt anh phải bỏ bút lúc chưa tròn 59 tuổi!
Tôi được anh cho đọc bản thảo Nắng, qua từng phần mỗi khi viết xong. Nắng mới bộc lộ được trọn vẹn tài hoa của Nguyễn Thế Phương, cho tới lúc ấy. Cái ngày anh chia tay với tôi để quay ra Nhà xuất bản Văn học thì bản thảo Nắng hoàn chỉnh đã nằm trong cái túi dết vải bạt đeo bên hông. Gần bốn năm ròng ra anh mới cày xong thửa ruộng Nắng ấy. Mà rất có thể khi đã an cư tại Hà Nội anh còn phải cày lại phần này phần kia của thửa ruộng lớn ấy.
Đọc Nguyễn Thế Phương, tôi nhận ra thành công nổi bật của anh là ở xây dựng hình tượng người phụ nữ. Hình tượng nào cũng đẹp, đẹp chân thực chứ không hề có dụng ý tô hồng điểm lục. Anh neo được vào lòng người đọc những Bích (Đào chèo), Hoan (Đi bước nữa), Phấn (Giáp trận), và đặc biệt là Anna Dâng (Nắng) những hình tượng người phụ nữ rất Việt Nam và cũng rất đặc trưng cho người phụ nữ Thanh Hoá.
Nhớ lại, lần vào Đồng Nai anh Lê Tân và Đỗ Minh Dương ở báo Đồng Nai giới thiệu cho tôi gặp Bí thư Tỉnh uỷ lúc đó là chị Hai Liên. Chị Hai Liên rất mê đọc văn học. Những năm trước 1975 chị hoạt động trong vùng đồng bào Công giáo. Trong câu chuyện, chị cho biết về những ngày được Trung ương gọi ra Hà Nội tiếp thu các chủ trương mới, chị được đọc hai tiểu thuyết về đề tài Công giáo, có Nắng của Nguyễn Thế Phương. Theo chị, chị thích Nắng hơn. Tôi hỏi nguyên do, chị nói: Viết như Nắng có sức thuyết phục lắm với đồng bào Công giáo. Vì chân thật, phản ánh đúng suy nghĩ, tâm tư của họ, không vì lẽ gì mà nống lên chỗ này chỗ nọ…
Nên chi, tôi đồng tình với nhà văn Nguyễn Khắc Trường khi anh thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam đọc lời chào mừng Đại hội Văn nghệ Thanh Hoá lần thứ VI (tháng 7-2001) trong đó có một ý: Thanh Hoá là nơi sản sinh nhiều nhà văn, nhà thơ cho đất nước… Có Nguyễn Thế Phương mà tài năng đã thể hiện nổi bật qua tác phẩm, đặc biệt là tiểu thuyết Nắng; rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng về anh…
Nhà văn Nguyễn Thế Phương tên thật là Nguyễn Xuân Phê, sinh ra ở làng Bình Lâm, một làng khá đẹp, có ngọn núi mà cái tên cũng đẹp - Hoa Lâm, bên bờ bắc sông Lèn phía dưới cây cầu. Cái làng và cây cầu đã cho anh những tư liệu chủ yếu để xây dựng các tác phẩm thời chống Mỹ. Cụ thân sinh anh là một giáo viên tiểu học thời Pháp thuộc, có lòng yêu nước…
Cái tên gọi thường ngày cũng là bút danh Nguyễn Thế Phương có lai lịch thú vị. Người anh ruột của anh là Nguyễn Xuân Phương, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 làm một viên chức nhỏ đã tham gia hoạt động yêu nước bí mật, một trong những người lập ra Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở huyện nhà, huyện Hà Trung. Sau ngày ông Phương mất, cụ thân sinh anh lấy tên Phương đặt cho Nguyễn Xuân Phê, coi như Phê là người thay thế cho anh vậy… Nhưng tới khi nhà văn Nguyễn Thế Phương mất đi thì chẳng có ai thay thế được!
Hội Văn học - Nghệ thuật Thanh Hoá ra đời khi Nguyễn Thế Phương đã quay ra Hà Nội. Nhưng tôi vẫn luôn nghĩ rằng, anh với công sức khá lớn đã nhen nhóm, gây dựng nên một lực lượng sáng tác văn học khá mạnh (nhất là văn xuôi) cho quê hương, cũng chính là một người góp phần quan trọng vào việc thành lập Hội sau đó bẩy năm (1974). (Văn nghệ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét