Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

PHÓ TƯ LỆNH QUÂN ĐOÀN NGỒI SAU THÁP PHÁO XE TĂNG CHỈ HUY CHIẾN ĐẤU- CHUYỆN CHỈ CÓ Ở VN


Chuyện chỉ có ở VN: Phó tư lệnh Quân đoàn ngồi sau tháp pháo xe tăng chỉ huy trận đánh
Ngày 29.3.1975, Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng. Ảnh tư liệu.
Đó là trận hành tiến tiến công đèo Hải Vân của Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn xe tăng 203 cùng với Trung đoàn 18, Sư BB 325 nhằm tiến công Đà Nẵng từ phía Bắc ngày 29.3.1975.
Đà Nẵng - thành phố lớn thứ hai của miền Nam, đồng thời là một căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất với hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc và binh lực rất hùng hậu. Tuy nhiên, nó đã nhanh chóng sụp đổ bởi những đòn điểm huyệt cao tay của Quân giải phóng.
Một trong những đòn điểm huyệt hiểm nhất chính là đòn đánh trực diện qua đèo Hải Vân do đích thân Phó tư lệnh Quân đoàn 2 - Đại tá Hoàng Đan* trực tiếp chỉ huy.
Hải Vân Quan - chốt hiểm lưng trời trấn giữ mặt bắc Đà thành
Đèo Hải Vân là con đèo huyết mạch vượt qua dãy Bạch Mã - một nhánh của dãy Trường Sơn ăn ra sát biển. Với độ cao 500 mét so với mực nước biển nên đỉnh đèo thường xuyên chìm trong mây trắng và có lẽ chính vì vậy nó được mang tên Hải Vân.
Chiều dài đèo là hơn 20 km đường quanh co, khúc khuỷu, hiểm trở nên từ xưa nó đã là một cửa ải khó vượt qua và được mệnh danh là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca:
Đường bộ thì sợ Hải Vân
Đường thủy thì sợ sóng thần Hang Dơi.
Về mặt quân sự, có thể coi đèo Hải Vân là một chướng ngại thiên nhiên không dễ vượt qua bảo vệ mặt bắc cho thành phố Đà Nẵng. Với địa hình như vậy, cộng với hệ thống lô cốt bê tông cốt thép đã xây dựng ở đây từ trước có thể đảm bảo "một chống lại mười" hoặc hơn thế nữa.
Những ngày tháng 3 năm 1975, khi Quân Giải phóng (QGP) giải phóng tỉnh Thừa Thiên Huế, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ thị cho tướng Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân khu 1 "Phải tử thủ Đà Nẵng đến cùng".
Với tướng Ngô Quang Trưởng để giữ được Đà Nẵng thì Hải Vân được coi là một chốt giữ trọng điểm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vì vậy, Trưởng đã giao cho Lữ đoàn Thủy quân lục chiến (TQLC) 468 (theo một số tài liệu là Lữ đoàn TQLC 258).
Đây là một đơn vị mới được cải tổ lại nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng trù bị của VNCH với 3 tiểu đoàn 14, 16, 18 do Đại tá Ngô Văn Định, nguyên lữ đoàn trưởng Lữ đoàn TQLC 258 chỉ huy. Các đơn vị của Lữ đoàn được bố trí như sau:
- Tiểu đoàn 18 đóng quân, lập tuyến án ngữ tuyến phía Bắc đèo Hải Vân
- Tiểu đoàn 16: Ban chỉ huy Tiểu đoàn và đại đội chỉ huy đóng quân ngay trên trên đỉnh đèo, các đại đội chiến đấu án ngữ và chế ngự các cao điểm, khai triển các trung đội trải dài theo Quốc lộ 1 xuống đến chân đèo Hải Vân ở phía Nam.
- Tiểu đoàn 14: hoạt động ở phía Nam đèo Hải Vân..
Cùng với các lực lượng còn lại trong tay như: Sư đoàn TQLC (thiếu), Sư đoàn BB3, Sư đoàn Không quân 1, Liên đoàn biệt động quân 15, Liên đoàn bảo an 914 và 12 Tiểu đoàn pháo... bố trí phòng thủ các mặt khác, Ngô Quang Trưởng đã tự tin tuyên bố "tử thủ Đà Nẵng đến cùng".
Chuyện chỉ có ở VN: Phó tư lệnh Quân đoàn ngồi sau tháp pháo xe tăng chỉ huy trận đánh - Ảnh 2.
Xe tăng Quân giải phóng tiến vào thành phố Đà Nẵng. Ảnh tư liệu.
Sở chỉ huy sau tháp pháo xe tăng (XT)
Về phía ta thực hiện tiến công Đà Nẵng trên 4 hướng: Hướng Tây Bắc, hướng Tây Nam, hướng Nam - Đông Nam và hướng Bắc. Do phải vượt đèo Hải Vân hiểm trở nên hướng Bắc chỉ được coi là hướng thứ yếu.
Lực lượng tham chiến trên hướng này gồm Trung đoàn 18, Sư đoàn BB325 và Tiểu đoàn 4 của Lữ đoàn XT 203. Tuy nhiên, do cầu Thừa Lưu bị phá nên chỉ Đại đội XT 3 trang bị 5 xe tăng bơi nước K63-85 do Đại tá Hoàng Đan - Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 trực tiếp ngồi trên xe để đốc thúc hành quân là đến được Lăng Cô sáng ngày 29.3.1975.
Tại ga Lăng Cô, lực lượng xe tăng và bộ binh bắt liên lạc được với nhau. Đồng chí Nguyễn Đức Huy, Sư đoàn phó Sư đoàn BB325 báo cáo tình hình mọi mặt với phó Tư lệnh Quân đoàn Hoàng Đan.
Nghe xong, Phó tư lệnh Hoàng Đan đã biểu dương chiến công của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 18 rồi thân mật nói: "Tớ mang cho các cậu một đại đội xe tăng", và giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 18 nhanh chóng đánh chiếm đèo Hải Vân, tham gia giải phóng Đà Nẵng.
Kế hoạch tiến công đèo Hải Vân là tiến công trong hành tiến, gặp địch ở đâu đánh ở đấy không chờ trinh sát. Về bố trí đội hình sẽ cho bộ binh ngồi trên xe tăng làm lực lượng đi đầu, số còn lại đi ô tô phía sau.
Khi thấy chỉ huy bộ binh còn chưa biết bố trí chỉ huy thế nào thì phó Tư lệnh quân đoàn chỉ ngay vào mấy chiếc xe tăng: "Bộ đội ở đâu thì chỉ huy ở đó. Bộ đội cưỡi xe tăng thì chỉ huy cũng cưỡi xe tăng. Sở chỉ huy ở đó chứ ở đâu nữa!".
Nói rồi ông trèo luôn lên xe tăng số 724 cùng Tiểu đoàn trưởng XT Phạm Ngọc Bảng và nói lớn: "Sở chỉ huy của tớ ở đây. Còn các cậu ở đâu thì tùy!".Nghe vậy, Sư đoàn phó Nguyễn Đức Huy phân công đồng chí Nguyễn Tiến Lãi, Đại đội trưởng Đại đội 6 ngồi xe tăng đi đầu; đồng chí Trần Minh Thiệt, Tiểu đoàn trưởng ngồi xe tăng thứ hai; bản thân sư đoàn phó ngồi xe tăng thứ ba.
Còn Sở chỉ huy Trung đoàn 18 do đồng chí Phạm Hồng Lẫm, Trung đoàn trưởng, đồng chí Hồ Sỹ Khuyên, Chính ủy cùng một đại đội bộ binh còn lại của Tiểu đoàn 8 ngồi trên xe ô tô bám theo sau.
Theo đúng kế hoạch, kết hợp với hỏa lực của bộ binh xe tăng vừa chạy vừa bắn vào ổ phòng ngự chân đèo Hải Vân, chỉ sau 15 phút một số địch ở trong cửa đường hầm và sườn đèo Hải Vân bị diệt, số còn lại bỏ chạy dạt vào rừng trên đèo Hải Vân.
Xe tăng và bộ binh QGP thừa thắng xông lên, những chiếc xe tăng nặng nề và đã khá cũ kỹ, nhưng dưới bàn tay điều khiển điêu luyện của những chiến sĩ lái xe đã đưa chúng vượt Trường Sơn năm nào dễ dàng vượt qua những đoạn đường hiểm trở của con đèo "đệ nhất hùng quan".
Còn các pháo thủ thì điềm tĩnh và chắc chắn bắn từng phát đạn pháo, từng loạt 12 ly 7 vào những ổ kháng cự dọc đường đèo. Thấy xe tăng xuất hiện và hỏa lực mạnh mẽ của xe tăng, bọn chúng nhanh chóng tan rã và bỏ chạy tản mát vào rừng.
Chuyện chỉ có ở VN: Phó tư lệnh Quân đoàn ngồi sau tháp pháo xe tăng chỉ huy trận đánh - Ảnh 3.
Ngày 29.3.1975, Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng. Ảnh tư liệu.
Gần đến đỉnh đèo, hỏa lực bắn trả của phía VNCH đột nhiên dày đặc và dữ dội hơn hẳn, trong đó có cả pháo chống tăng và nhiều hỏa khí khác. Quan sát cho thấy địch dựa vào các lô cốt bê tông cốt thép để thiết lập trận địa phòng ngự.
Chúng ở thế trên cao, còn QGP đánh từ dưới lên, đường độc đạo lại dốc không thể phát huy tốc độ. Nếu không có cách đánh thích hợp thì khó có thể vượt qua.
Từ phía xe 724, Phó tư lệnh Hoàng Đan nhổm người lên hô lớn: "Cho bộ binh xuống xe, lợi dụng địa hình, địa vật đến gần để diệt địch. Xe tăng tại chỗ dùng pháo và 12ly7 chi viện!". Ngay lập tức, mệnh lệnh được thi hành.
Sau khi bộ binh xuống xe và men theo ta-luy tiến lên, các xe tăng bắt đầu bắn cấp tập vào trận địa phòng ngự của địch. Với hỏa lực của 5 khẩu pháo 85 mm bắn trực tiếp, hầu hết công sự của trận địa phòng ngự bị phá hủy, quân VNCH hoảng sợ bỏ chạy về phía sau.
Lợi dụng lúc đối phương đang hoang mang, bộ binh tràn lên làm chủ đỉnh đèo. Vậy là cái chốt hiểm hóc trấn giữ mặt bắc thành phố đã bị đập tan!Tiếp đó, bộ đội lại lên xe đổ đèo truy kích địch. Đến khoảng 10 giờ ngày 29/3/1975 đội hình đã chiếm được kho xăng Liên Chiểu. Đây là một kho nhiên liệu cực lớn để cung cấp cho toàn bộ Vùng 1 chiến thuật của VNCH.
Bộ binh để lại một tiểu đội canh giữ, còn lại tiếp tục đánh vào thành phố Đà Nẵng. Gần đến cầu Thủy Tú, phát hiện 1 tiểu đoàn địch ra phản kích, xe tăng dùng pháo bắn mãnh liệt vào đội hình địch làm chúng hoảng sợ bỏ chạy tán loạn.
Số lính địch chốt giữ cầu Thủy Tú cũng bỏ chạy theo. Sau này kiểm tra cầu mới phát hiện một khối thuốc nổ lớn đặt dưới trụ cầu chưa kịp điểm hỏa.
Đội hình xe tăng và bộ binh vào đến đầu thành phố thấy ở đây đã có một số lực lượng của các đơn vị bạn - chủ yếu là bộ đội địa phương đang chiến đấu, súng nổ vang dội khắp nơi. Nhân dân cũng nháo nhác chạy ra chật ních các đường phố.
Đội hình chiến đấu tiến vào thành phố rất khó khăn.Trước tình hình đó, Phó tư lệnh Hoàng Đan ra lệnh: "Không vào thành phố mà vượt qua cầu Trịnh Minh Thế để ra đánh chiếm quân cảng, giải phóng bán đảo Sơn Trà".

Lập tức đội hình chiến đấu của XT cùng BB không vào nội thành mà chạy thẳng tới cầu Trịnh Minh Thế và vượt cầu sang bán đảo. Tại đây, họ bắt liên lạc với lực lượng của Quân khu 5 từ phía nam đánh lên và cùng hiệp đồng chiến đấu.
Chuyện chỉ có ở VN: Phó tư lệnh Quân đoàn ngồi sau tháp pháo xe tăng chỉ huy trận đánh - Ảnh 4.
Thiếu tướng Hoàng Đan (ngoài cùng, bên trái khi đó còn mang quân hàm Đại tá) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Lê Trọng Tấn (năm 1976). Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Khoảng 13 ngày 29/3/1975, Trung đoàn 18 và Đại đội XT3 đã cơ động đến quân cảng Sơn Trà - quân cảng lớn nhất của quân lực VNCH.
Phát hiện nhiều tàu địch đang đậu trên bến cảng hoặc vừa rời cảng, các xe tăng của Đại đội 3 vừa chạy vừa bắn làm 1 tàu bị cháy, số còn lại tăng tốc độ chạy ra xa bỏ lại trên bến cảng hàng chục tàu chiến các loại cùng hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp và pháo, súng cối, kể cả pháo 175mm "Vua chiến trường".

Vậy là từ hướng thứ yếu nhưng nhờ áp dụng cánh đánh thích hợp, hướng tiến công trực diện từ phía Bắc vào đã trở thành hướng có mặt sớm nhất giải phóng Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà. Chia tay cán bộ chiến sĩ Đại đội XT3 về Bộ tư lệnh Quân đoàn, Phó tư lệnh Hoàng Đan cười sảng khoái: "Ngồi sau tháp pháo các cậu chỉ huy thích thật đấy!".

Nguồn:  http://soha.vn/chuyen-chi-co-o-vn-pho-tu-lenh-quan-doan-ngoi-sau-thap-phao-xe-tang-chi-huy-tran-danh-20170327114404871.htm
NKN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét