Quảng Trị là chiến trường đẫm máu với lực lượng TTG của VNCH. Ảnh tư liệu.
Thấy xe tăng ta bất ngờ xông tới, địch hoảng sợ tháo chạy về phía Thuận An. Không bỏ lỡ thời cơ, Đại đội 7 vượt lên dẫn đầu đội hình truy kích, bắn cháy 1 chiếc M48 và 1 chiếc M41.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tình hình chung có nhiều biến động mở ra cơ hội thống nhất đất nước.
Để chuẩn bị đón thời cơ tới, Bộ Thống soái tối cao đã quyết định thành lập các binh đoàn cơ động cấp chiến lược. Ngày 24.10.1973, Binh đoàn Quyết Thắng (Quân đoàn 1) được thành lập. Tiếp đó, ngày 17.5.1974, binh đoàn thứ hai - Binh đoàn Hương Giang (Quân đoàn 2) ra đời.
Trung đoàn xe tăng 203 từ biên chế của Quân khu Trị Thiên được chuyển thuộc về binh đoàn Hương Giang, đồng thời được bổ sung quân số, trang bị và nâng cấp thành Lữ đoàn xe tăng 203.
Về trang bị của Lữ đoàn lúc đó chủ yếu là xe tăng chủ lực T-54, T-59, một số ít xe tăng K63-85, xe thiết giáp K63, BTR-50PK. Ngoài ra, còn 6 xe tăng T-34 nằm trong đội hình Đại đội 7, Tiểu đoàn 3.
Già lão, cũ kỹ - cho ở nhà giữ "gôn"
Xe T-34 là loại xe được chế tạo và đưa vào sử dụng từ Chiến tranh thế giới thứ 2. Nó đã có mặt ở Việt Nam ngay từ ngày đầu phôi thai Binh chủng Tăng Thiết giáp.
Do kết cấu cũng như kỹ thuật đã lạc hậu nên T-34 chỉ được sử dụng trong một số trận đánh tại chiến trường Lào và miền Nam Việt Nam những năm 1970-1972. Sau đó, do hỏng hóc nhiều nên trong biên chế Lữ đoàn xe tăng 203 lúc đó chỉ còn vỏn vẹn 6 xe và được biên chế về Đại đội XT7, Tiểu đoàn 3.
Để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu sau này, Lữ đoàn XT203 chủ trương đẩy mạnh xây dựng chính quy, củng cố kỹ thuật và huấn luyện - sẵn sàng chiến đấu nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về sức chiến đấu nên được gom về khu vực Cam Lộ. Lữ đoàn tổ chức xây dựng doanh trại, nhà xưởng, thao trường... khá cơ bản để phục vụ cho chủ trương này.
Trong khi đó, Tiểu đoàn XT1 do tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ chỉ huy đang phòng ngự tại khu vực Cửa Việt ăn ở rất phân tán - 1 đại đội ở bờ Nam, 2 đại đội ở bờ Bắc, lại không có thao trường v.v... nên gặp rất nhiều khó khăn trong huấn luyện cũng như bảo đảm kỹ thuật.
Về phía Việt Nam Cộng hòa (VNCH), sau chiến dịch tràn ngập lãnh thổ Tango City tháng 1.1973 bị thất bại thảm hại có vẻ như đã đuối sức. Vì vậy, tình hình chung khu vực Cửa Việt cuối năm 1973, đầu năm 1974 khá yên ổn, không căng thẳng như trước nữa.
Căn cứ tình hình trên, ngày 17.9.1974, Lữ đoàn xe tăng 203 quyết định rút Tiểu đoàn XT1 từ Cửa Việt về địa điểm tập trung của lữ đoàn. Đồng thời điều Đại đội 7 của Tiểu đoàn 3 trang bị 6 xe T-34 tăng cường cho tỉnh đội Quảng Trị phòng ngự Cảng Cửa Việt.
Tại đây, các xe tăng T-34 được đưa xuống công sự ở Nam Cửa Việt với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chi viện cho bộ binh đánh địch khi chúng có ý định lấn chiếm khu vực này.
Với nhiệm vụ chủ yếu là nằm tại chỗ phòng ngự, ít phải cơ động đi xa nên mặc dù đã cũ song các xe tăng T-34 vẫn đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Mặc dù già lão nhưng không an phận thủ thường
Tháng 3 năm 1975, cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975 được bắt đầu từ Tây Nguyên. Chiến thắng Buôn Mê Thuột và cuộc tháo chạy khỏi Tây Nguyên của Quân đoàn 2 Việt Nam cộng hòa đã làm rung chuyển toàn miền Nam, trong đó có Quân khu 1.
Chiều ngày 19.3.1975, phát hiện thấy địch có dấu hiệu rút chạy, Đại đội xe tăng 7 chủ động đề nghị cấp trên cho đi chi viện bộ đội địa phương Quảng Trị đánh địch. Được cấp trên đồng ý, Đại đội bí mật cơ động vào tập kết ở Phương Lang Đông (Triệu Phong, Quảng Trị).
Ngày 23.3, Đại đội đã phối hợp với Tiểu đoàn bộ binh 3 của Quảng Trị đánh tan Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến 8 và giải phóng quận lỵ Mai Lĩnh, bắn cháy 2 xe tăng M41 và diệt nhiều tên địch.
Trong các ngày 24 và 25.3, Đại đội 7 tiếp tục cùng bộ binh tiến công quận lỵ Hướng Điền. Thấy xe tăng ta bất ngờ xuất hiện, quân địch hoảng sợ tháo chạy về phía Thuận An. Không bỏ lỡ thời cơ, Đại đội XT7 - lúc này còn 4 xe T-34 vượt lên dẫn đầu đội hình truy kích địch, bắn cháy 1 xe tăng M48 và 1 xe tăng M41.
Trong quá trình đánh đuổi địch, nhiên liệu và đạn trên các xe đều đã bị tiêu hao gần hết. Vì vậy 3 xe đã phải dừng lại dồn nhiên liệu và đạn cho 1 xe tiếp tục truy kích địch đến Bắc Thuận An, góp phần giải phóng tỉnh Thừa Thiên Huế ngày 25.3.1975.
Vậy là với tuổi thọ trên 3 thập kỷ, các "lão bà" T-34 vẫn không chịu ngồi yên và đã lập công xuất sắc rồi mới chịu nghỉ hưu!
Nguồn: http://soha.vn/xe-tang-t-34-viet-nam-tuong-da-ve-huu-nao-ngo-van-dung-manh-chien-cong-cuoi-cung-20170325104059543.htm
NKN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét