Câu đối là một trò chơi ngôn ngữ mang tính chất truyền thống của Việt Nam nói riêng và những nước đồng văn ở phương đông nói chung (Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản). Trò chơi ngôn ngữ này có nhiều tác dụng trong việc trau dồi ngôn ngữ và năng lực vận dụng ngôn ngữ. Nhưng đã là trò chơi thì cũng chỉ nên vận dụng trong những dịp vui chơi nhất định thôi. Nhân dịp chuẩn bị đón xuân Nhâm Thìn, Tri Ân có sáng kiến thách đối mời cư dân trong xóm góp vui là một ý rất hay. Nhưng ra đối, thách đối thì dễ mà đối lại thì rất khó. Chả thế mà xưa nay có rất nhiều vế đối cả thiên hạ đều phải bó tay. Cho đến tận bây giờ vẫn còn treo lơ lửng đấy coi như những đề toán chưa có lời giải.
Trường hợp thư nhất là giữa Cống Quỳnh và Thị Điểm. Lần ấy Cống Quỳnh đến thì bắt gặp Thị Điểm đang “tắm tiên”. Cống Quỳnh chắc cũng định vào “sí sớn”. Thị Điểm sẵn sàng “chiều ý” Cống Quỳnh với điều kiện đối được vế đối của Thị Điểm: “Da trắng vỗ bì bạch”. Cái ác hiểm của câu đối này là “bì bạch” vừa có nghĩa là da trắng lại vừa là tiếng của bàn tay vỗ vào mông vào đùi bì bạch. Cái ngộ nghĩnh nghịch ngợm của Thị Điểm là vừa vỗ vừa mời Cống Quỳnh mà Cống Quỳnh đành chịu. Cố nhiên Cống Quỳnh là một người có văn hóa và tự trọng, chứ còn với những người không như Cống Quỳnh thì chị em nhà lành chớ có dại mà bắt chước Thị Điểm.
Trường hợp thứ hai là thuộc thời hiện đại. Một cô gái người Củ Chi đã táo bạo chỉ vào cái của một anh nào đấy mà hỏi: “Cô gái Củ Chi, chỉ cu hỏi củ chi?”. Rồi một thày giáo có tên là Trọng vô ý bị người ta phát hiện thấy cũng bị một tay Camera chụp luôn và đưa lên mạng: “Thày giáo Trọng, ngồi trên chõng, để quan trọng ra ngoài”. Tất cả những câu đối ấy tuy cũng có nhiều người đối lại nhưng nhìn chung chưa có lời đối tương xứng được với vế thách. Trong lịch sử duy nhất một lần Mạc Đĩnh Chi gặp trường hợp này mà ông vẫn thoát hiểm. Đó là lần đoàn sứ thần của ông đến Ải Nam Quan thì chiều đã muộn, cửa quan đã đóng, quan coi ải nhà Nguyên chỉ bằng lòng mở cửa cho đoàn sứt hần đi qua với điều kiện ông phải đối được vế đối của hắn ra: “Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan”( Đến cửa quan muộn, cửa quan đã đóng, mời khách qua đường qua cửa quan). Lần ấy Mạc Đĩnh Chi đã nhanh trí mà đối lại rằng: Xuất đối dị, đối đối nan, Thỉnh tiên sinh tiên đối”( Ra đối thì dễ, đối lại mới khó, mời tiên sinh đối trước). Cái khôn của Mạc Đĩnh Chi là đã đối lại bằng cách không đối lại.
Từ trường hợp của Mạc Đĩnh Chi, tôi đề nghị ai muốn thách đối như thế nào đó tùy ý, nhưng phải tự đối được thì hãy nên đi thách người khác. Còn nếu không đối được thì coi như mình tự thua mình. Phần giải thưởng đã hứa phải trao lại cho xóm Tri Ân để chung vui.
Cũng tiện đây mà tôi nói về cái vế thách đối của tôi mời cư dân xóm Tri Ân tham dự: “Tết túng tiền tiêu tìm tớn tác”. Cái hiểm của vế đối này chỉ là các từ phải chung một phụ âm đầu và hình tượng chung gợi ra là một hình tượng hài hước. Cái chung phụ âm đầu có thể mở rộng để đỡ bí cho người dự đối. Chẳng hạn: t = th = tr = ch; l = n; x = s; k = c = q; d = gi = r… Còn đáp án tự đối của tôi với vế thách đối trên gồm có hai đáp án sau đây:
1. Thày thừa thóc thết thấy thung thăng.
2. Gà gầy gân gỡ gặm gay go.
12/12/2011
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét