NHÂN VẬT
CHÍ
NGƯỜI PHÒ TÁ CÓ CÔNG LAO TÀI ĐỨC
MẠC
ĐĨNH CHI
Ông tên tự là Tiết Phu, người làng
Lũng Động, huyện Chí Linh (Hải Dương), thông minh hơn người, nhưng tướng mạo xấu
xí. Triều Anh Tông đỗ Trạng nguyên. Khi mới đỗ, vua chê xấu, ông bèn làm bài
phú “Ngọc tỉnh liên” để tự ví mình, có câu: “Không phải là bên trong
trống rỗng không có gì, than cho số phận thuyền quyên phần nhiều gặp sự trắc
trở; nếu cái cuống lá của ta vẫn đứng thẳng, thì mưa gió có hại gì”. Trần
Anh Tông xem rồi khen hay, nhấc lên làm Thái học sinh dũng thủ, sung chức Nội
thư gia.
Ông đi sứ nhà Nguyên, người Nguyên
khinh là nhỏ bé, thường triệu vào Phủ tể tướng mời ngồi. Trong phủ có bức
trướng thêu con chim sẻ đậu trên cành trúc. Ông chạy đến xem, người Nguyên cười
là quê mùa. Ông mới kéo xé rách con chim sẻ, mọi người lấy làm lạ hỏi tại sao?
Ông đáp: “ Tôi xem người xưa chỉ vẽ cây mai, chim sẻ thôi. Vì trúc là quân tử,
sẻ là tiểu nhân; nay Tể tướng lấy trúc với sẻ thêu vào bức trướng thế là lấy
tiểu nhân ở trên quân tử. Tôi sợ đạo tiểu nhân lớn lên, đạo quân tử mòn đi, nên
vì thánh triều trừ bỏ”. Mọi người phục là nhanh trí. Khi vào chầu, gặp người
ngoại quốc dâng quạt, ông vâng mệnh làm bài minh, cầm bút viết ngay. Bài minh rằng:
Lưu kim thước thạch thiên
địa vi lô
Nhĩ ư tư thời hề:Y, Chu cự nho;
Bắc phong kỳ thê vũ tuyết tải
đồ,
Nhĩ ư tư thời hề: Di, Tề ngã
phu.
“Dụng chi tắc thành, xả chi
tắc tàng
Duy bã dữ nhĩ, hữu thị phù!”
Nghĩa là nắng chảy vàng đá ra, trời
đất làm lò, mày ở lúc bấy giờ như ông Y, ông Chu là bậc cự nho; gió bấc lạnh
lẽo , mưa tuyết đầy đường, mày ở lúc bấy giờ như ông Di, ông Tề là người chết
đói. Ôi! “Dùng đến thì làm, không dùng đến thì cất đi, chỉ có ta và mày thôi!”.
Người Nguyên càng thêm khen phục.
Thời Minh Tông ông càng được tin dùng hậu đãi. Khi Hiến Tông lên ngôi, cho ông
làm chức Nhập nội hành khiển, Lang trung hữu ty, chuyển sang Lang trung tả ty,
trải đến chức Tả bộc xạ ở hàng quan to. Ông làm quan rất liêm khiết thẳng thắn.
Trần Minh Tông có lần sai người đem 10 quan tiền đến đặt ở cửa; ông vào chầu
liền đem việc ấy tâu lên. Đối với tiền tài không có cẩu thả như thế. Còn lời
thơ thì thanh thoát đáng ngâm. Nhiều bài giọng như thơ đời Đường xưa
TRẦN
NGUYÊN ĐÁN
Ông hiệu là Băng Hồ, là chắt Chiêu Minh vương Trần Quang Khải,
tước Chương Túc quốc thượng hầu. Lúc đầu ông theo Nghệ Tông chạy ra ngoài,
khôi phục được xã tắc, có công dẹp loạn Nhật Lễ, được vua phong chức Tư đồ phụ
chính. Trải triều Duệ Tông, được kiêm coi việc quân Quảng Oai. Thời Phế Đế
trong niên hiệu Xương Phù có Hồ Quý Ly do ngoại thích được cất dùng, lộng quyền
chuyên giữ triều chính. Ông nghĩ mình là bậc tôn thất đại thần, thấy quyền nước
vào tay kẻ dưới, không có chí thi thố
giúp nước nữa, mới xin cáo lão về ở Côn Sơn, lấy trúc đá làm vui. Một hôm ông
gửi bài thơ cho bạn đồng liêu trong đó
có câu:
Kim cổ hưng vong
chân khả giám,
Chư
công hà nhẫn gián thư hi.
Nghĩa là: “Tấm gương hưng vong xưa và nay rõ lắm rồi, các
ông sao nỡ ít gửi thư can vua”. Tấm lòng lo nước thường lộ ra ở những câu
ngâm vịnh. Nhưng việc lúc bấy giờ đã hỏng, không thể làm gì được. Thượng hoàng
thường đến chơi nhà, thăm bệnh và hỏi việc về sau. Ông đều không nói chỉ thưa:
“Bệ hạ nên kính nhà Minh như cha, yêu Chiêm Thành như con, thời nước nhà không việc gì, tôi tuy chết cũng như
còn”. Ông có làm bài thơ Mười giống chim, có câu:
Nhân ngôn ký
tử dữ lão nha,
Bất thực lão nha
liên ái phần!
Nghĩa là:
Gửi con cho lão
quạ già,
Biết là lão quạ
thương là chẳng thương!
Để phúng thích việc Thượng Hoàng gửi
Thuận Tông cho Quý Ly. Ông là người hiền lành nho nhã, có phong độ bậc quân tử
thời xưa. Thường rất thích văn chương. Chỗ ở núi Côn Sơn có động Thanh Hư, Cầu
Thấu Ngọc, đủ cả thắng cảnh nơi rừng núi. Khi ông về hưu, uống rượu ngâm thơ ở
đấy, phóng khoáng, thoải mái. Có Băng Hồ thi tập truyền ở đời.
Lời án: các bậc tể phụ triều
Trần trong thời Anh Tông thường là nhiều danh thần: về dòng tôn thất có người
do công lao danh vọng vào làm tướng; về phái nho học có người do văn chương học vấn lên chức tể, chỉ có tài
là được cất đặt, không câu nệ tư cách. Cho nên bấy giờ các bậc đức tốt tài cao
đều được đưa dùng. Như: Tiết Phu (Mạc Đĩnh Chi), Giới Hiên (Nguyễn Trung Ngạn) là
người trong sạch cao siêu; Thăng Am (Trương Hán Siêu), Mai Phong (Lê Quát) là
người cứng cỏi quả quyết; Đoàn Nhữ Hài, Trần Thì Kiến có tài năng khí phách;
Giáp Sơn (Phạm Sư Mệnh), Kính Khê (Phạm Tông Mại) có phong độ tiết tháo, đều là
anh tài một đời; Tuy về mặt giúp vua trị nước cũng có chỗ chưa được trọn, nhưng
người một đời làm trọn việc một đời, cái phong độ tiết tháo tột vời ấy kể ra
đều đáng chép. Còn như Băng Hồ (Trần Nguyên Đán) gặp phải thời suy, dẫu không
công lao rõ rệt nhưng biết sự cơ lui về, cũng đáng là người hiền, nên phụ chép
vào để xem thêm
NGUYỄN
TRÃI
Ông hiệu là Ức Trai, người làng Nhị
Khê, huyện Thượng Phúc(Hà Đông), là con Nguyễn Phi Khanh, tiến sĩ cuối nhà
Trần, cháu ngoại Trần Nguyên Đán. Ông tuổi trẻ đã văn chương nổi tiếng. Kinh,
sử, bách gia, binh thư thao lược đều am hiểu cả. Năm 21 tuổi ông đỗ Thái học
sinh về khoa Canh Thìn(1400) đời Hồ. Cả hai cha con cùng ra làm quan; ông làm
chức Chính chưởng đài Ngự sử. Không bao lâu người Minh sang Xâm, hai vua Hồ bị
bắt, cha ông cũng bị bắt, ông bất đắc dĩ phải ra hàng. Phụ biết là ông không
chịu ra làm, muốn giết đi, nhưng Thượng thư Hoàng Phúc thấy mặt mũi khác
thường, tha cho và giam lỏng ở thành Đông Quan.
Bấy giờ bề tôi cũ của nhà Trần là
Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung lĩnh quân ở Thuận Hóa, đón dựng vua Trùng Quang,
mưu toan khôi phục. Lê Thái Tổ ở xa cũng hưởng ứng lời chiếu của vua khởi nghĩa
ở Lam Sơn, mấy lần phá quân Minh, thanh thế nghĩa quân dần dần vang dậy. Ông
giận quân Minh tham độc, lòng lo cứu vớt sinh dân, muốn chọn bậc chân chúa để
thờ nhưng chưa biết tìm ở đâu, mới lẻn trốn đi. Đêm ngủ ở quán Trấn Vũ, cầu
mộng, để biết đường lui tới. Nửa đêm hôm ấy thấy thần báo cho biết tên họ Thái
Tổ, ông mới quyết ý đi tìm ở phương tây, lén vào Thanh Hóa, đến hành dinh ở Lỗi
Giang. Ông đến yết kiến, hiến bài sách “Bình giặc Ngô”, Thái Tổ rất
mừng. Đêm hôm trước Thái Tổ cũng chiêm bao thấy thần cho một người tài giỏi ra
giúp. Khi thấy trạng mạo ông giống người ở trong mộng, rất yêu lạ, cho ở ngay
bên cạnh dự bàn việc quân. Ông trải thăng đến Thừa chỉ học sĩ viện Hàn lâm.
Mùa xuân năm Đinh Mùi(1427), ông
được thăng Triều liệt đại phu, Nhập nội hành khiển, Thượng thư bộ Lại, kiêm làm
việc viện Khu mật. Các thư từ đi lại với người Minh và những bài hiểu dụ cho
các thành đều do ông soạn. Khi vua đã tha quân Minh về nước, ông vâng mệnh soạn
bài “Bình Ngô đại cáo”.
Mùa xuân Mạu Thân(1428), định công
ban thưởng, ông được ban họ vua. Mùa xuân Quý Sửu(1433), ông vâng soạn bài
Văn bia Vĩnh lăng.
Đầu đời Thiệu bình Lê Thái Tông, các đại thần bàn cất ông
cùng bọn Trình Thuấn Du vào hầu ở tòa Kinh diên, giúp nên đức cho vua. Lời tâu
lên, vua không thuận. Ông lại vâng mệnh bàn việc nhạc, nhưng không hợp ý với
bọn hoạn quan Lương Đăng. Bèn từ không dự việc nước, xin về làm nhà ở núi Côn
Sơn, huyện Chí Linh, chỉ thỉnh thoảng vâng mệnh vào chầu.
Năm Đại Bảo, Nhâm Tuất (1442), ông
63 tuổi, vì có vợ là Nguyễn Thị Lộ vào hầu vua, dùng chất độc giết vua, triều
đình kết án phải giết ba họ. Bấy giờ có người thiếp của ông đang có mang, trốn
được thoát và dẻ ra Anh Vũ. Đến triều Thánh Tông, vua thương là oan, cho Anh Vũ
làm một chức quan huyện và tuy tặng ông tước Tế Văn hầu. Ông có làm Ngọc
đường thi tập..
Đời truyền rằng trong gò lớn ở làng
ông có con rắn lớn. Chỗ ấy cây cối um tùm, người làng không dám chặt. Người ông
nội của ông thích về phong thủy, mới dựng nhà học trên đó, sai người nhà chặt
cây dọn dẹp, nhỡ giết phải con rắn ấy. Con rắn thành tinh ngầm đem thù oán, mới
đầu thai làm Thị Lộ. Nàng sinh ra dưới sườn có vảy. Ông lúc nhỏ đi đường gặp
nàng ở Vũ Lăng, yêu về tài sắc mới lấy làm vợ. Khi ông lo việc nước, những
chiếu thư, từ mệnh nàng đều được dự nhuận sắc. Thái Tông nghe tiếng vời nàng
vào hầu cho làm Lễ nghi học sĩ. Bấy giờ ông đã già, muốn về dưỡng nhàn ở Côn
Sơn, mấy lần xin không được. Mới lưu nàng lại hầu vua, vua mới cho. Ngày vua đi
đông tuần, nàng hầu đêm, bỗng vua chết một cách bất ngờ. Kịp khi kết tội, lâm
hình, Thị Lộ chạy gieo mình xuống nước, người ta cho là rắn báo oán.
Ông có văn chương mưu lược, gặp được
vua, kinh bang tế thế, làm công thần mở nước thứ nhất. Về già muốn an nhàn, không
có ý tham luyến (địa vị), chỉ vì nghiệp báo của yêu nữ cuối cùng lụy đường công
danh, bấy giờ ai cũng thương tiếc. Nhưng việc đã lâu, lời bàn đã định, phải hay
trái tự nó đã rõ. Lê Thánh Tông làm thơ có câu: “Lòng Ức Trai sáng như sao
Khuê” và vua tự mình chú thích rằng: “Ức Trai tiên sinh, đương lúc Thái
Tổ sáng nghiệp theo về Lỗi Giang, trong thì bàn kế hoạch ở nơi màn trướng,
ngoài thì thảo văn thư dụ các thành; văn chương tiên sinh làm vẻ vang cho nước,
lại được vua yêu tin quý trọng”. Đó là những câu rất khen ngợi ông
Về sau, con cháu ông đông dần, là họ
có danh vọng ở làng Nhị Khê. Đền thờ ông cả huyện thờ cúng, khói hương đến nay
vẫn còn.
ĐỒNG TỒN
TRẠCH
Ông người làng Lôi Dương 1,
huyện Chí Linh Hải Dương. Người ông bác của ông là Đồng Hãng, có tiếng là bậc
tài học, đỗ tiến sĩ niên hiệu Quang Bảo(1554-1561) đời Mạc Phúc Nguyên, làm đến
Thượng Thư rồi quy thuận nhà Lê. Ông nội ông là Đồng Đắc, cũng nối nghiệp đăng
khoa.
Cái học vấn của ông nhờ ở nền nếp
dạy dỗ của gia đình. Năm ông 31 tuổi đỗ Đồng tiến sĩ khoa Bính Tuất (1664), được
thăng Tả thị lang bộ Hộ, tước tử. Năm Ất Tỵ (1665) lại đổi sang Tả thị lang bộ
Công. Năm Kỷ Dậu(1669) lại thăng Đô ngự sử rồi bị bãi.
Năm Quý Sửu (1673) đời Dương Đức, ông
lại được dùng làm Hữu thị lang bộ Hình. Năm Quý Hợi (1683) đời Chính Hòa ông do
chức Thượng thư bộ Hộ, vào làm Tham tụng phủ chúa, tước Nghĩa Trạch hầu.
Năm Tân Mùi (1691), ông 75 tuổi, về
hưu. Sau khi bị bãi rồi lại được khôi phục, phẩm giá của ông càng cao hơn
trước. Ông cầm quyền chính 9 năm, nhà không có của để thừa, ai cũng khen là
trong sạch. Ông về hưu được hơn một năm thì mất, tặng Lại bộ Thượng thư, Thái
bảo, Nghĩa quận công.
Chú thích:
1-Việt sử thông giám
cương mục chép là Triều Dương
TƯỚNG CÓ TIẾNG VÀ TÀI GIỎI
TRẦN QUỐC TUẤN
Ông là con An Sinh vương Trần Liễu
nhà Trần. Tương truyền là “Thanh sơn đồng tử” giáng sinh. Vợ Trần Liễu nằm mộng
thấy một đồng tử mặc áo xanh vào trong bụng; tỉnh dậy rồi có thai sinh ra ông.
Lúc con trẻ có người coi tướng nói
rằng ngày sau có thể kinh bang tế thế. Khi lớn lên dung mạo hùng vĩ, thông minh
hơn người, học rộng các sách tài kiêm văn võ;ông có soạn sách Binh gia diệu
lý yếu lược lại thu góp binh pháp mọi nhà làm ra đồ bát quái cửu cung gọi là
Vạn Kiếp tông bí truyền thư
để dạy các
tướng.
Trong thời Thiệu Bảo (1279-1284), Toa
Đô, Thoát Hoan nhà Nguyên đem 50 vạn binh sang xâm lược, thế rất hung hãn. Trần
Nhân Tông phong ông làm Quốc công và sai Tiết chế các quân thủy, bộ họp quân
của các vương ở Vạn Kiếp. Khi giặc phạm đến kinh sư, chúng dàn thuyền từ sông
Đại Hoàng ngược lên đầy hai bờ sông. Ông bày mưu kỳ, hai mặt giáp đánh và phá
tan được. Rồi đón chém Toa Đô ở Tây Kết, đuổi đánh úp Thoát Hoan ở Vạn Kiếp.
Quân Nguyên tan vỡ phải kéo về nước. Năm Trùng Hưng thư 2(1286), nhà Nguyên lại
cất đại quân sang chiếm nước ta. Vua hỏi ông rằng: “Năm nay thế giặc ra sao?”.
Ông đáp: “Nước ta thái bình lâu ngày, dân không hiểu việc binh, cho nên năm
trước quân Nguyên vào cướp, còn có kẻ ra hàng hay trốn tránh. Nhờ uy linh tổ
tôn, ta đã quét sạch bụi Hồ. Nếu giặc lại đến, quân ta đánh đã quen, quân nó
nhại đi xa. Í thần xem ra tất phá được giặc!”.
Vua bèn sai ông thống đốc tất cả
vương, hầu, tôn thất, điều động binh nhung, khí giới, đóng thuyền lớn thuyền
nhỏ.
Năm thứ , Trấn Nam vương, Bình chương Ô Mã Nhi nhà
Nguyên đem 7 vạn quân sang xâm lược. Quan ở biên giới tâu lên. Vua hỏi ông:
“Giặc đến, làm thế nào?”. Ông thưa rằng:“Năm nay thế giặc dễ đánh. Rồi ông chia
cấm binh giữ các quan ải; giặc đến ông chia đường đánh, phá được. Khi quân
Nguyên lương hết kế cùng, mưu rút về, trước hết ông sai trồng cọc ở sông Bạch
Đằng và phủ cỏ lên trên che đi, để chờ khi quân Ô Mã Nhi kéo về. Ông nhân lúc
triều lên, sai quân ra khiêu chiến, giả cách thua chạy; giặc cho hết quân đuổi theo.
Khi nước rút thuyền giặc vướng vào cọc, quan quân đổ xô ra đánh, thắng to. Quân
Nguyên chết đuối không biết bao nhiêu mà kể, nước sông thành đỏ, bắt sống được
Ô Mã Nhi và chém tướng của nó là bọn Nguyễn Bá Linh.
Ông hai lần phá quân Nguyên, công
lao sự nghiệp nhất đời khét tiếng bên quân địch, họ chỉ gọi là An Nam Hưng Đạo
vương mà không dám gọi tên. Trần Thánh Tông làm bài văn bia ở sinh từ của ông
sánh với bậc thượng phụ 1. Ông tuy ngôi cao chức trọng mà giữ tiết
nhũn nhặn, lòng trung thành rõ rệt. Khi đi hộ giá cầm chiếc gậy đầu có sắt
nhọn, mọi người đều sợ. Ông liền vứt bỏ đầu nhọn, chỉ cầm gậy không, mọi người
đều yên lòng.
Vua cho ông có công lớn, gia phong
Thượng quốc công, cho quyền muốn phong tước cho ai thì phong, nhưng ông chưa
từng phong cho ai; ông thường bảo các nhà giầu nộp thóc cấp cho quân và chỉ cho
chức Giả lang tướng 2. Cẩn thận giữ tiết của người làm tôi là như
thế. Lại thường tiến cử người tài giúp nước. Như Trương Hán Siêu, Phạm Ngũ Lão
đều từ môn khách của ông mà ra, văn chương chính sự đều có tiếng trên đời. Khi
ông bị bệnh Trần Anh Tông đến thăm, hỏi về việc sau này. Ông thưa rằng: “Để cho
sức dân được dồi dào, làm kế vững cỗi bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”.
Sau khi ông mất, vua tặng phong là
Hưng Đạo đại vương. Có đền thờ tôn nghiêm ở Vạn Kiếp huyện Chí Linh. Mỗi khi có
giặc làm lễ cáo ở đền, nếu kiếm trong hòm có tiếng kêu lên thì thế nào cũng
thắng trận. Trong nước hễ cpó đàn bà bị Bá Linh ám ảnh, gọi là ma Phạm Nhan,
người ta thường mang chiếu đổi chiếu của đền về trải giường cho bệnh nhân nằm
thì khỏi ngay. Thoát Hiên Đặng Minh Khiêm có thơ vịnh:
Sinh phùng gia
hấn miễn thâu trung,
Mậu kiến Trùng Hưng
đệ nhất công.
Một hậu dư uy tồi
bắc lỗ,
Ỷ thiên tràng kiếm
dạ minh phong.
Dịch:
Sinh ra gặp lúc trong
nhà có sự hiềm khích,
cố giữ trọn lòng trung,
Dựng lên
công bậc nhất trong thời Trùng Hưng.
Sau khi mất
dư uy vẫn đuổi được giặc Bắc,
Thanh gươm
dài ngất trời đêm thường kêu trong gió
Tiếng thiêng của ông hiển hách, mấy lần được
các triều phong
tặng
Chú thích:
1-Thượng phụ: tức Thái
Công Vọng giúp Chu Vũ vương.
2-Giả lang tướng: chức
lang tướng giả không có thực quyền.
TRẦN KHÁNH DƯ
Ông người huyện Chí Linh Hải Dương,
vì là người tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Lúc quân Nguyên mới
vào cướp, ông thường thừa cơ đánh úp. Trần Thánh Tông khen là trí dũng phong
làm Thiên tử nghĩa nam 1. Sau ông đi đánh người Man ở núi, đại
thắng, được phong Phiêu kỵ đại tướng
quân. Chức Phiêu kỵ nếu không phải là hoàng tử thì không được phong, vì ông là
con nuôi vua nên mới được. Ông được vua yêu, tù tước hầu mấy lần được phong lên
đến Thượng vị hầu áo tía, rồi cất lên làm phán thủ. Sau vì bị tội 2,
ông bị bãi chức lui về cơ nghiệp nhà cũ ở Chí Linh làm nghề bán than.
Trong đời Thiệu Bảo, quân Nguyên
sang xâm chiếm, vua Nhân Tông đi đến đóng ở bến Bình Than. Trông thấy thuyền
than, vua cho gọi đến; ông chèo chiếc thuyền chài, đội nón lá, mặc áo tơi vào
yết kiến. Vua nói: “Kẻ nam nhi lỡ bước khốn khổ đến thế ư?”. Rồi xuống chiếu
tha tội, ban cho áo ngự, cho ngồi bàn việc binh phần nhiều hợp ý vua. Lại cho
làm Phó đô tướng quân. Sau khi dẹp xong giặc, ông lại được phong tước.
Đầu đời Trùng Hưng, ông làm phó
tướng ở Vân Đồn. Khi quân Nguyên lại sang, Hưng Đạo vương ủy ông giữ việc biên
cương. Lúc đầu đánh chưa được lợi, ông đồ rằng thuyền giặc đi qua rồi, tất phải
có thuyền lương đi sau, liền tập hợp số tàn quân chờ đấy. Lát sau, quả nhiên
thuyền của tướng Nguyên là Trương Văn Hổ chở 170000 hộc lương đến. Ông đón
đánh, giặc bị thua to. Đến biển Lục Thủy lại thắng nữa, thuyền gạo đều chìm
xuống biển, bắt được sĩ tốt và lương thực, khí giớirất nhiều. Văn Hổ chỉ thoát
được thân. Quân Nguyên mất lương thực, thiếu ăn, chia đường vào núi kiếm lương,
ngày càng khốn quẫn, chỉ nghĩ đến về không còn chí chiến đấu nữa. Vì thế năm ấy
quân ta đánh thắng giặc mà trăm họ ít bị đau thương. Công ông(so với mọi người)
to hơn cả. Chỉ phải tính vốn tham lam, keo kiệt. Khi mới làm Trấn thủ Vân Đồn,
tục ở đấy quần áo đồ dùng còn bắt chước người Trung Quốc, ông đi duyệt các quân
ở trang, ra lệnh cho quân trấn không được đội nón kiểu phương Bắc mà phải đội
nón Ma Lôi 3 để dễ phân biệt. Khi ấy ông đã sai người mua sẵn nón về
bán lại, mỗi chiếc bán giá đắt gần bằng một tấm vải. Vì thế người Trung Quốc
làm thơ mừng ông có câu: “Gà chó Vân Đồn cũng đều kinh” là mượn ý kính
phục uy danh của ông, kỳ thực là để chê ngầm. Vua cho ông là tướng tài có nhiều
công to nên không hỏi đến việc đó.
Sau khi ông mất, miếu thờ ở bến Linh
Giang, có một chiếc ghế bằng đá dài hai thước, linh dị không ai dám đến gần.
Lời án: Danh tướng nhà Trần như Hưng Đạo vương
không mấy đời có; kiêm cả văn võ, thừa trí dũng, dựng lên công lao sự nghiệp kỳ
vĩ mà giữ vững trung nghĩa cùng một hàng với Quách Tử Nghi. Ông không những là
anh hùng một thời đại mà cho đến các bậc tướng thần cổ kim cũng ít ai bì kịp.
Thứ đến như Chiêu Văn Trần Nhật
Duật mưu mô tài giỏi, độ lượng nhã nhặn, làm việc gì cũng được.
Phạm Ngũ Lão có tài múa giáo, làm
thơ, lập nhiều công to, trước sau giữ trọn danh dự, tiếng tăm rõ rệt. Tóm lại
đều không hỏ là bậc nguyên thần.
Duy Khánh Dư có vết nhỏ tổn đến
danh vọng cũng có khác các ông kia một chút, nhưng cơ mưu liệu địch, có công
phá giặc cũng là kỳ công đáng kể. Cho nên chép phụ vào đây.
Chú thích
1-Thiên tử nghĩa nam:
tức con nuôi vua, ở đây là con nuôi Trần Thái Tôn(Trần Cảnh).
2-Sau bị tội: theo Đại
Việt sử ký toàn thư thì vì ông tư thông với công chùa Thiên Thụy, sắp về làm
con dâu Trần Hưng Đạo.
NHÀ NHO CÓ ĐỨC NGHIỆP
CHU AN
Ông người làng Thanh Đàm (Hà Nội),
tính cứng cỏi, sửa mình trong sạch, giữ vững tiết tháo, , không cầu danh lợi,
chỉ ở nhà đọc sách. Cái học của ông tinh túy chân chính. Chỗ ở gọi là Văn thôn.
Ông dựng nhà học trên gò lớn giữa đầm để dạy học trò, xa gần nghe tiếng, đến
học rất đông. Học trò ông làm nên khá nhiều, thường có người làm chức cao trong
chính phủ.
Trần Minh Tông cho ông có học vấn về
chính đạo, gọi ra cho làm Tư nghiệp Quốc tử giám, dạy thái tử học. Đạo đức ông
làm khuôn mẫu;đương thời ai cũng tôn trọng.
Trần Dụ Tông chỉ thích vui chơi, Trễ
nải chính sự, bề tôi nhiều người không giữ phép, ông can không nghe, mới dâng
sớ xin chém 7 người nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu; người
bấy giờ gọi là sơ “Thất trảm”. Sớ đệ vào không thấy trả lời, ông mới treo mũ từ
quan về làng. Ông yêu phong cảnh núi Chí Linh bèn đến ở đấy, tự đặt tên hiệu là
Tiều Ẩn. Khi có lễ triều hội lớn thì lại về kinh, Dụ Tông trao cho chính sự,
ông từ chối không nhận. Bà Thái hoàng thái hậu 1 Hiển Từ nói: “Bậc
sĩ phu sửa mình trong sạch, dẫu thiên tử cũng không bắt làm bề tôi được. Sao có
thể đem chính sự giao cho người ta?”. Vua sai nội thần mang áo đến ban cho, ông
tạ ơn xong rồi đem cho người khác. Ai cung khen cái phong độ của ông là cao
thượng. Khi Dụ Tông mất, ngôi nhà Trần sắp tuyệt. Nghe tin quần thần đón lập
Nghệ tông lên, ông rất mừng, chống gậy lên yết kiến. Rồi lại xin về làng, phong
chức gì cũng từ chối không nhận. Vua lấy lễ tôn kính, sai quần thần đưa về.
Không bao lâu, ông chết ở nhà.
Về tư cách làm thầy của tiên sinh rất
long trọng mà thái độ cứng cỏi, nghiêm trang. Ngay như Phạm Sư Mệnh, Lê Bá Quát
đã làm chức hành khiển, cũng đều giữ lễ học trò; khi tới thăm hỏi còn lạy dưới
giường, được cùng thầy nói chuyện thì rất vui mừng. Nếu họ có điều gì không
phải, ông trách mắng liền, có khi thét quở không cho vào. Nghiêm nghị đáng sợ
là như thế. Đức vọng của ông rất cao, các bậc công khanh đều hâm mộ.
Lúc ông làm chức Tư nghiệp, Băng Hồ
Trần Nguyên Đán có bài thơ mừng rằng:
Học hải hồi lan
tục tái thuần,
Thượng tường sơn
đẩu đắc tư nhân.
Cùng kinh bác sử
công phu đại,
Kính lão sùng nho
chính hóa tân.
Bố miệt mang hài
quy Hán nhật,
Thương đâu bạch
phát dục Nghi xuân.
Huân hoa chỉ thị
thùy y trị,
Tranh đắc Sào, Do
đắc nội thần.
Dịch:
Làm quay trở lại làn
sóng của bể học 2, để
tục lại thuần hậu,
Nhà quốc học được ông
làm bậc thầy như núi
Thái Sơn như sao Bắc Đẩu.
Học rộng khắp cả kinh
sử, công phu của ông rất lớn,
Kính đạo Lão, sùng đạo
Nho, nền giáo hóa chân chính mới mẻ.
Ngày mà người mang bít
tất vải, dép cỏ về với nhà Hán, 3
Lúc mà bậc tuổi già tắm
cái đạo đức của
Khổng Tử ở sông Nghi. 4
Nghiêu Thuấn chỉ là rủ
áo để trị thiên hạ,
Khó bắt được Sào Phủ,
Hứa Do làm bầy tôi cho mình.
Nơi ông ở là núi Phượng Hoàng, có suối, có đá, cảnh thanh
nhã đẹp đẽ. Lúc rỗi ông đi dạo ở đường thông, ngâm vịnh tùy thích. Ông có quyển
Tiều Ẩn tập lưu hành ở đời. Sau khi chết Trần Nghệ Tông sai quan dụ tế,
ban tên thụy là Văn Trinh. Về sau cho thờ trong văn miếu.
Lời án: ông Văn Trinh học nghiệp
thuần túy, tiết tháo cao thượng, được thời ấy suy tôn, thời sau ngưỡng mộ. Tìm
trong làng nho ở nước Việt ta, từ trước đến nay chỉ có mình ông, các ông khác
thực không thể so sánh được. Nhưng không nên liệt riêng thành một mục đạo học.
Nay đem sự tích ông chép lên đầu bậc danh nho, rồi tìm đến những người sau ông,
gián hoặc cũng có người tiết tháo cao thượng, văn học được đời suy tôn, hoặc ra
làm quan, hoặc đi ẩn mà đều nổi tiếng ở đời, thì đều chép cả sau đây, gọi chung
mục “Nhà nho có đức nghiệp”.
Chú thích:
1-Bà Thái hoàng thái hậu: tức là bà của vua.
2-Làm quay trở lại làn sóng của bể học: chấn
chỉnh cái đạo học đã suy đồi.
3-Câu 5: đời Hán có 4 cụ già, không chịu ra làm
quan ẩn ở núi Thương
Sơn; sau
về với nhà Hán, can Cao Tổ về việc đổi thái tử rồi lại đi ẩn.
4-Sông Nghi: Con sông ở quê hương Khổng tử, ý
nói là nơi nguồn gốc của nho học.
NGUYỄN PHONG
Ông người làng Kiệt Đặc, huyện Chí
Linh(Hải Dương), sinh ra thiên tư thông minh, bảy tuổi biết làm văn, người cha
thử sai làm bài văn tế thần Hậu Thổ 1 ở gò Kim Đôi. Ông làm có những
câu như:
“Trái đất 2 rộng dày,
khí thiêng phương tây chung đúc. Sức chứa đựng không hình dung được, mênh mông
vô cùng, cầu thì tất ứng, cảm thì tất thành”.
Năm 14 tuổi ông đi thi Hương, một
lần đỗ ngay, cùng khoa với cha. Khi vào dự yến thì ông chỉ đứng chứ không ngồi.
Quan trường hỏi, ông thưa: “Tên tôi đứng ở trên tên cha tôi nên không dám
ngồi”. Quan mới cho đổi chỗ. Ông có làm bài thơ Yêu núi:
Ngô hà ái , ái duy
san,
Bất viễn yên hà,
viễn thế gian.
Cử mục hữu thiên
vân ngũ sắc,
Đài đầu mãn địa
thảo hoa nhàn.
Mai trào hiểu tuyết
tri xuân noãn,
Bách lập đông phong mậu tuế hàn.
Lôi vũ bất mê điền
hải chí,
Diệp chu ninh đãi
phiếm trường lan.
Dịch:
Ta yêu gì, chỉ yêu núi
thôi,
Không xa mây khói mà xa
cõi đời.
Giương mắt trông lên
trời có mây năm sắc,
Ngoái đầu xuống thấy
khắp đất đầy cỏ hoa tươi đẹp.
Thấy hoa mai chào tuyết
buổi sớm,
biết khí mùa xuân ấm áp,
Cây bách đứng trước gió
mùa đông,
tuy trời lạnh mà vẫn tươi tốt.
Dù cho sấm mưa, không
quên chí lấp biển,
Chiếc thuyền con còn đợi
gì mà không
lênh đênh giữa sóng cả.
Năm 26 tuổi, ông đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn niên hiệu Thuần
Phúc nhà Mạc(1586), làm Tả thị lang bộ lại, tước Phúc Trì bá. Khi nhà Mạc mất
ngôi, ông vào ẩn ở núi Huyền Đinh. Nhà Lê khi trung hưng triệu mãi, ông bất đắc
dĩ phải nghe theo. Rồi làm đến Thượng thư, tước Tuyền quận công. Sau ông lấy cớ
tuổi già, xin về hưu. Ơr vườn sau, ông đào một cái hồ, giữa hồ đắp một hòn đảo
trồng nhiều cây cỏ, dựng một cái am để thưởng ngoạn. Ông có bài thơ Ngụ
hứng:
Nhất hồ sơn thủy,
nhất mao am,
Thảo mộc ngư long
nhất nhị tam.
Thiên hạ hữu thiên
xuân bất lão
Song tiền thượng ký
giảng Hà Nam.
Dịch:
Một bầu non nước một nhà
tranh,
Có một vài thứ cỏ cây , rồng
cá.
Dưới trời có trời tuổi
xuân không già,
Trước cửa sổ còn nhớ lại
ông Trình Di giảng (kinh dịch)
ở đất Hà Nam ngày xưa.
Ông vui chơi trong chốn khóm trúc,
núi đá, ngâm vịnh tùy thích, thọ 83 tuổi rồi chết.
Chú thích:
1-Thần Hậu Thổ: tức thần
Đất.
2-Trái đất: dịch chữ
“khôn dư” nghĩa đen là chiếc xe trái đất, do người xưa quan niệm trái đất như
một cái xe chở muôn vật.
NGUYỄN
MINH TRIẾT
Ông người làng Dược Sơn,1
huyện Chí Linh (Hải Dương), là cháu Nguyễn Minh Thiện, tiến sĩ đời Mạc.. Lúc nhỏ
ông nổi tiếng là ngang với thần đồng làng Hoạch Trạch, văn học giỏi, ông mong
nối nghiệp ông cha, mà khổ vì nỗi muộn màng không đỗ. Ông nằm mộng thấy có thần
bảo: “Đến già cũng chưa thành thân”. Ông giận nói: “Ta thử cố sức xem thần làm gì
ta”. Sau ông thi đỗ Thám hoa khoa Tân Mùi niên hiệu Đức Long nhà Lê(1631), thi
Hội, thi Đình và ứng chế đều đỗ đầu. Khi ấy ông đang làm huyện doãn ở An Lão đã
54 tuổi. Đến đời Vĩnh Thọ có việc sách phong phủ chúa, các quan ở tướng phủ
thấy ông là bậc già cả học rộng, được trọng vọng, nên cử ông bưng kim sách. Năm
ông hơn 80 tuổi làm Thượng thư bộ Binh, tước Cẩn quận công, được về hưu nhưng
tinh thần vẫn khỏe mạnh không suy kém. Mỗi khi có lễ lớn như tết Nguyên đán và
lễ Diên thọ, ông lại vào triều; thọ 96 tuổi mới chết.
Ông là người văn hay học rộng, được
thời ấy suy tôn. Nhưng, thi đỗ muộn, tiến lên cõi thọ gần trăm tuổi, cũng là
việc ít thấy ở đời. Truy tặng Hộ bộ Thượng thư,
tên thụy là Văn Đẩu.
9/10/2012
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét