Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Danh nhân nho sĩ viết về Chí Linh 13


                                              Vũ Phạm Hàm
                                      (1864-1906)                     

            Vũ Phạm Hàm, tự Mộng Hải, hiệu Th­ư Trì, ngư­ời làng Đôn Th­ư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, nay thuộc tỉnh Hà Nội. Ông thuộc dòng dõi nhà nho thanh bạch. Năm 13 tuổi đã đi thi nh­ưng không đỗ. Sau đó ông đ­ược quan đốc học tên là Vũ Nhự chú ý  và nhận nuôi dạy. Năm năm sau, ông đư­ợc vào làm quan trong kinh đô Huế, theo học quan Nam Ng­ư Phạm Hy Lư­ợng. Đến năm Kiến Phúc, ông vào thi hư­ơng đỗ Giải nguyên khoa Giáp Thân(1884). Năm sau thi hội lại hỏng. Mãi đến năm Thành Thái thứ 4, khi đang làm Giáo thụ ở Kiến Thụy (Hải Phòng ngày nay), ông lại đi thi Hội, đậu Hội nguyên khoa Nhâm Thìn; Sau đó vào thi Đình, ông lại đậu Đệ nhất giáp tiến sĩ, đệ tam danh, tức Tam nguyên thám hoa. Sau khi đỗ đại khoa, ông lần l­ượt đư­ợc giữ các chức quan: Đốc học Hư­ng Hóa, Đốc học Hà Nội, sung Đồng văn quán, làm Đốc biện Đại Nam đồng văn nhật báo. Sau thăng đến An sát H­ưng Hóa rồi An sát Hải D­ương.
            Tư­ơng truyền khi làm án sát Hải Dư­ơng, có tên công sứ Pháp thích chơi hoành phi câu đối, vốn biết ông là bậc danh nho mới xin một bức làm kỷ niệm. Ông đã cho hắn 4 chữ : “Ôn kỳ nh­ư ngọc”, lấy chữ trong Kinh thi, thiên Tần phong:
                   Ngôn niệm quân tử ôn kỳ nh­ư ngọc
               (Mến ng­ười quân tử ôn hòa nh­ư ngọc quý)
            Chủ tâm ông Thám muốn lấy điển Tần phong là thơ khen người rợ phư­ơng tây để tặng công sứ Pháp. Thâm ý của ông thật là sâu sắc và kín đáo: ám chỉ bọn Pháp chỉ là mọi rợ như­ Tây Nhung khi x­ưa ở bên Tầu.Viên công sứ Pháp tất nhiên là chẳng hiểu gì. Hắn trịnh trọng treo bức hoành phi sơn son thiếp vàng gi­ữa nhà khách. Nh­ưng không may cho ông Thám, có một viên quan vốn bất bình với ông, nhân một dịp vào yết kiến quan công sứ, đứng ngắm nhìn bức hoành phi, khen kiểu chữ đẹp chữ tốt, rồi trầm ngâm gật đầu nói khẽ:
            -Bốn chữ này tuy là khen tặng nh­ưng có bao hàm ý giễu cợt quan lớn thì phải.
            Viên công sứ ngạc nhiên bảo cắt nghĩa,viên quan đó nói:
            -Ngọc đây nói bóng là ngọc hành, mà ngọc hành là “cái ấy” quan lớn hiểu chư­a, không tin quan lớn cứ hỏi mọi ng­ười thì rõ.
            Sau đó, viên công sứ gặp ai cũng chỉ vào đũng quần hỏi: cái này là cái gì? Nh­ưng không ai dám nói thật ra cả.Viên công sứ giận sôi lên sùng sục. Hắn bèn cho trẻ đôi bức hoành phi và tìm ông Thám để trách cứ.Từ đó ông bị nó làm khó dễ trong công vụ. Ông cáo quan về nghỉ .Về quê, ông mở trư­ờng dậy học. Học trò các nơi về học rất đông và nhiều ngư­ời thành đạt. Năm 1906 ông bị bệnh và mất tại quê nhà.
            Vũ Phạm Hàm có để lại các tập thơ, văn chữ Hán nh­ư: Kinh sử thi tập, Tập Đ­ường thuật hoài, Thám hoa văn tập...và một bài Hư­ơng Sơn phong cảnh bằng chữ Nôm.
            Với Chí Linh, ông để lại đôi câu đối hết sức nổi tiếng ở đền Kiếp Bạc:
            萬刧有山皆剑氣                                   
            六頭無水不秋聲
            Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
            Lục Đầu vô thủy bất thu thanh
            (Tất cả những núi ở Vạn Kiếp đều mang hơi kiếm;
            Nước sông Lục Đầu chỗ nào cũng có tiếng thu)
            Một lời dịch thường gặp của câu đối này là:
            Vạn Kiếp núi lồng hình kiếm dựng;
            Lục Đầu sông dậy tiếng quân reo.
                                                          (Không rõ dịch giả)
           Nhưng lời dịch này thật ra chưa ổn. Ở vế trên “Kiếm khí” sao lại có thể dịch là “hình kiếm dựng” ? Bởi “khí” tức là hơi, một thứ năng lượng vô hình như sức mạnh tinh thần, như uy thế toát ra chứ sao lại “dựng hình lên” . Vả lại, núi Vạn Kiếp đều là những ngọn đồi thấp chứ đâu có nhọn hoắt trùng điệp gì để gợi ra hình ảnh của những mũi kiếm? Chẳng qua đây chỉ là hình ảnh mang tính biểu tượng. Còn ở vế dưới “thu thanh” (tiếng mùa thu) mà dịch thành “tiếng quân reo” thì hơi xa chữ gốc, và nhất là dịch thế chưa chắc đã đủ nghĩa do hai chữ "tiếng thu" gợi ra.
            Vậy thì “thu thanh” (tiếng thu) phải hiểu như thế nào cho ổn? Chính vì hai chữ “thu thanh” khó giải mã này mà nhiều thức giả đã phải tranh cãi với nhau kéo dài đến hàng nửa thế kỷ mà cơ hồ vẫn chưa có hồi kết. Đại để cũng chia ra làm hai phái chính. Phái phản bác thì cho “thu thanh” là sai, mà đúng ra thì phải là “thung thanh” hoặc “trang thanh” ( tiếng đóng cọc gỗ, tiếng khua gươm giáo…). Cực đoan có người còn đề nghị đục bỏ chữ “thu” để đắp chữ “thung” hoặc chữ “trang” vào. Phái bênh vực thì vẫn tôn trọng nguyên trạng là “thu thanh”, nhưng hiểu “thu thanh” là tiếng mùa thu theo tinh thần của bài Thu thanh phú của Âu Dương Tu bên Trung Quốc:
            Âu Dương Tu  ban đêm đọc sách
             Nghe tiếng kêu từ vách Tây Nam
             Lạ thay : thoạt mới rì rầm,
             Vi vu rồi chợt sầm sầm vang xa
             Như sóng nước bao la kinh động
              Ðêm gió mưa thổi lộng ngàn cây
              Tiếng vàng, tiếng sắt đâu đây
              Ðoàn quân lớp lớp bao vây đổ về
              Chẳng ai thấy ai nghe hiệu lệnh
              Vó ngựa phi khấp khểnh đường trường...
                               (Theo bản dịch của Hà Thương Nhân)
            Những người thợ cày làng tôi, lớp tuổi bố tôi ngày trước, đôi khi cũng mang ra đàm đạo về câu đối này. Những buổi đi đón trâu, nghe lỏm chuyện các cụ tôi thấy các cụ lại hiểu “thu thanh” là “tiếng mùa thu”, với ý nghĩa là mùa thu trẩy hội đền Bạc. Bởi ngày xưa, giao thông cách nhỡ, thường chỉ có dân quanh vùng là đi lễ đền Bạc bằng đường bộ. Còn dân thập phương chủ yếu đi bằng thuyền. Vì thế cứ vào dịp hội đền tháng tám là dòng sông Lục Đầu nô nức, náo nhiệt hẳn lên. Ban ngày thì trên bến dưới thuyền nhộn nhịp, ban đêm thì đèn đuốc như sao sa, thật là ấn tượng. Hình ảnh con sông Lục Đầu những mùa trẩy hội (Tháng tám giỗ cha) ấy vừa là biểu hiện cụ thể của lòng tri ân, lòng yêu nước của nhân dân ta, mà cũng rất gợi cái không khí những cánh quân ngày trước, từ khắp các nơi trong nước đổ về đây để chờ lệnh đi đánh giặc. Cái “tiếng thu” các cụ hiểu lại là như vậy. Rất có thể đây mới là cái "tiếng thu" của Lục Đầu, Vạn Kiếp chăng? Thế nên, với cặp câu đối trên, nếu cần dịch thì chỉ nên dịch là:
                 Núi Vạn Kiếp đều mang uy kiếm
                 Sông Lục đầu đâu chẳng tiếng thu.

27/10/2012
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét