Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Hồi ký NMNC - Chương 17 CHƯƠNG 17. CAI NGHIỆN

            Phong là con trai duy nhất của chị tôi. Từ nhỏ, cháu học rất thông minh và giỏi. Nhưng rồi, anh chị tôi không hợp nhau, nên đã chia tay sau một thời gian dài li thân. Phong mải chơi chán học, theo bạn bè, chả mấy chốc đi vào con đường nghiện ngập. Đã nhiều lần, tôi khuyên giải, động viên cháu cai thuốc, nhưng rồi chứng nào tật ấy, cháu có thể tâm tình hàng giờ về những điều hay lẽ phải trong khi hoàn toàn bất lực trước sự hấp dẫn lôi cuốn của nàng tiên nâu. Hồng, vợ của Phong là một cô gái trẻ mới lớn, nhưng khá già dặn. Chỉ có Hồng mới biết từng ngày từng giờ Phong đang ở đâu, đi đâu và thực sự đã cai nghiện được chưa. Còn chị tôi, chỉ có một mình, đã cố gắng động viên giảng giải nhiều mà cháu chưa nghe.
           Một hôm, Phong tự cai bằng thuốc nam của một ông lang. Mấy anh chị em tôi được mật báo ghé thăm Phong và khuyên cháu quyết tâm cai nghiện ở một trung tâm của nhà nước. Phong đấu tranh tư tưởng dữ lắm, nhưng tự nguyện tới trung tâm là cả một nan trình. Tôi đến, sau khi tâm tình với cháu một hồi chưa có kết quả, trời đã về chiều, tôi phải về nhà thu xếp công việc  và hẹn quay trở lại, anh chị cả tôi ở lại tiếp tục thuyết phục và thuê xích lô đưa cháu đi. Vừa về nhà một lát, tôi đã nhận được điện thoại. Anh rể tôi gọi : “Anh chị đã đưa cháu Phong đi trung tâm cai nghiện rồi. Nhưng tệ quá, họ không nhận, họ bảo tối - hết giờ rồi, sáng mai đem đến, họ có biết là đưa được nó đi khó thế nào đâu. Anh đã làm việc với tay bác sĩ trực, nói hết lời, mà hắn nhất định không chịu. Cô xem thế nào đến đây ngay, may ra cô có dẻo mồm, hay có …đút lót gì cho hắn để hắn nhận đi. Cha này vòi tiền đấy mà. Anh khó chịu lắm, anh không thể làm gì được, mà anh thì nóng tính”.
              Tôi lật đật thu xếp cơm nước cho me (me tôi khi ấy đã 93 tuổi) xong phi đến trung tâm cai nghiện thuộc nội thành Hà Nội. Trời mưa tầm tã, thấy mấy anh chị em và Phong còn đứng lơ vơ ngoài cổng, thật tội nghiệp. Tôi vội gọi cổng xin gặp bác sĩ trực.
- Thưa bác sĩ, em là dì ruột của cháu Phong. Chắc anh chị em cũng đã thưa chuyện với bác sĩ?
- Chúng tôi biết rồi, nhưng nguyên tắc chúng tôi không được phép nhận cháu vào lúc này, sáng mai gia đình hãy đưa đến!
- Vì sao thế ạ? Thưa bác sĩ, đưa được cháu đến là khó lắm, cháu không chịu đi. Bây giờ đến rồi lại về, e sáng mai không đưa được thì khổ quá. Xin bác sĩ thông cảm, cho cháu vào đêm nay, gia đình xin có chút bồi dưỡng cho ca trực.
- Cảm ơn chị, nhưng không cần phải bồi dưỡng, vì trực đêm là nhiệm vụ của chúng tôi. Chúng tôi không nhận vì ngoài giờ hành chính rồi, nhận ban đêm trái nguyên tắc, lỡ cháu xảy ra chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm?
- À ra vậy. Em hiểu rồi ạ. Nhưng bác sĩ thông cảm cho hoàn cảnh gia đình em. Bố mẹ cháu Phong đã li hôn. Mẹ cháu bị tàn tật. Chị cả em ở ngoài kia và anh rể em đấy ạ, đều có tuổi và yếu rồi. Em là em gái út sức khỏe còn tàm tạm nhưng chồng em là bộ đội cũng mất sớm, ở nhà còn mẹ già nữa. Nếu phải đưa cháu về, không biết sáng mai làm sao đưa cháu đến, em ở xa lắm và phải lên cơ quan báo cáo thu xếp công việc mới nghỉ được ạ. Bác sĩ cứ linh động cho cháu vào, coi như gia đình tự chịu trách nhiệm. Nếu xảy ra bất cứ chuyện gì trong đêm nay, gia đình không dám đổ lỗi gì cho ca trực của trung tâm. Em xin viết giấy cam đoan gửi lại bác sĩ. Đêm nay, em và mẹ cháu ở đây với cháu. Em là …làm việc tại …Mọi chuyện có thế nào em xin lo hết thưa bác sĩ, mong bác sĩ tin em, em không dám nói sai đâu ạ.
- Thôi được, chị đã nói thế thì đưa cháu vào phòng trong kia.
- Cảm ơn bác sĩ lắm. Mong bác sĩ nhận cho một tí …(đưa phong bì) gọi là để bồi dưỡng ca trực đêm.
- Tôi đã nói rồi. Trực đêm là việc của chúng tôi. Chị cất ngay đi! Không cất thì…về!!!
Một chút gay gắt nhưng với tôi là OK quá đỗi. Tôi và mẹ cháu ở lại đưa cháu vào phòng, còn anh chị cả về nhà vì cũng mệt rồi.
Tôi để chị gái ngồi một chỗ còn tôi thì dạo quanh sân và vườn. Vắng vẻ, một ít cây mới trồng, tường cao bao bọc. Lúc này mưa đã tạnh bớt. Thi thoảng tôi vào phòng thăm cháu. Nó ngồi chồm chỗm trên giường, đầu gối quá tai. Tôi nhắc cháu nằm nghỉ nhưng nó không chịu. Hai chị em ngồi trên cái ghế băng bên ngoài, cũng chả biết làm gì, chỉ mong sao chóng qua đêm, sáng mai mới được làm thủ tục để cháu nhập vô chính thức. Đêm dần về khuya, trời mưa trở lại, ngày càng nặng hạt, sau rồi gió lớn, mưa tầm tã. Tôi vào thăm cháu, lần này thấy cậu vẫn ngồi đó, mắt đỏ ngầu, hơi dữ tợn.
- Phong à, cháu cố gắng lên nhé. Trong những lúc như thế này, cô không muốn nói gì nhiều chỉ làm cháu mệt thêm, cô mong cháu gắng vượt qua đêm nay, mai cháu sẽ được các bác sĩ chữa trị. Nếu cháu không ngủ được, cô ở đây với cháu nhé.
- Không, cô ra ngoài đi. Cô không ở đây được, cháu sắp “lên cơn” rồi, cô chẳng làm gì được đâu.
- Cô không làm phiền gì cháu đâu, có người bên cạnh cháu sẽ đỡ trống trải.
- Cháu nói thật với cô. Lúc này cháu còn đang tỉnh táo, nên cháu mới bảo cô ra ngoài đi, chứ một lát nữa cháu không còn là cháu, thì lôi thôi lắm, cô không tưởng tượng được đâu. Nó nói, mà mắt cứ đỏ ngầu trừng trừng nhìn tôi, nửa như đe doạ, nửa như cầu khẩn.
Tôi bối rối quá, đi đi lại lại rồi cuối cùng ra ngoài. Tôi đánh bạo tìm đến phòng bác sĩ trực. Biết là làm phiền ông quá, nhưng không thể có cách nào khác. Tôi gõ cửa, thật may mắn làm sao ông vẫn đang thức, ngồi ở bàn chứ không ngủ.
- Thưa bác sĩ, em xin lỗi vì lại đường đột đến đây. Cháu em hình như sắp lên cơn nghiện, trông nó đáng sợ lắm. Liệu có cách nào bác sĩ cho tiêm thuốc cắt cơn hay làm sao đó giúp cháu và giúp bọn em với - Tôi năn nỉ.
- Không tiêm được lúc này chị ạ. Không ai thuyết phục và giữ nổi nó đâu! - bác sĩ nhìn tôi, khẳng định.
- Vậy bây giờ theo bác sĩ, em phải làm gì, xin bác sĩ cứ cho biết. Em hoàn toàn trông cậy và nghe theo tư vấn của bác sĩ, còn gia đình thì tự chịu trách nhiệm trong mọi tình huống xảy ra vì chưa nhập chính thức mà.
- Thôi được, tôi tin chị. Tôi sẽ khuyên, còn làm hay không là tuỳ chị. Nhưng chị phải nhớ rằng chị cần hiểu cho đúng, không được tự suy diễn hoặc nói với ai, tình hình ở đây cũng phức tạp.
- Dạ bác sĩ cứ nói - Tôi phấp phỏng chờ đợi.
- Chị hãy mua cho cháu một liều ma tuý như cháu vẫn thường dùng, cho nó một lần cuối cùng. Sau khi dùng, nó sẽ dần trở lại bình thường. Rồi kế đó, có tiêm thuốc gì điều trị thì tính sau.
- Cảm ơn bác sĩ, em sẽ làm ngay, nhưng mua ở đâu ạ?
- Chung quanh đây, cũng vẫn có người bán lén lút đấy, nhưng tôi chỉ cho chị tìm để mua thì thật lôi thôi quá, chị có hiểu không? Thành thử, tốt nhất, chị bảo cháu có bạn bè gì không, chúng nó đưa nhau đi đâu mua được thì đi, rồi quay lại đây.
May sao, từ trước đó một ít, có một cậu bạn thân của cháu đã tìm đến hỏi tin tức về Phong rồi và còn loanh quanh ở đó (chắc là vợ cháu mách bảo). Tôi xin cho cháu vào túc trực bên cạnh Phong. Tôi vào phòng, nói với hai anh em câu chuyện mua thuốc:
- Cô đã dò hỏi (cũng không dám bảo bác sĩ khuyên), cô sẽ cho cháu tiền mua một liều cuối cùng. Cháu được dùng, và nhớ rằng đây là lần cuối cùng, bạn đưa cháu đi mua được không? Cô tin cháu, nhưng cháu phải hứa sẽ quay trở lại để tiếp tục điều trị.
- Vâng ạ - cả cậu bạn và cháu đều hứa.
Tôi hỏi chúng, liều thuốc ấy bao nhiêu tiền? cháu bảo 65 ngàn. Tôi lục ví ra, may quá có hơn 70 ngàn.Tôi đưa tiền cho cháu, rồi nhìn theo bóng hai đứa đi vật vờ trong đêm mưa, không biết lo nghĩ gì hơn nữa, chỉ có một niềm tin, tin ở bác sĩ, tin ở hai đứa trẻ.
         Trời mưa mỗi lúc một to hơn. Tôi cứ ngóng hoài ra phía cổng chờ cháu trở lại. Tôi cầu Trời khấn Phật, rồi lại tự trách mình sao cả tin thế. Tôi rất ít khi nói dối, thành ra cũng luôn tin ở sự thành thật của mọi người. Thi thoảng tôi lại đi qua phòng bác sĩ, tất nhiên là im lặng. Có tiếng động bên ngoài, ô kìa, hai đứa quay lại rồi. Có thế chứ. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Phong cháu tôi, nét mặt bình thản hơn trước, trên môi vắt vẻo điếu thuốc lá. Nó ngượng ngùng nhìn tôi, lí nhí chào cô, và dường như để tôi khỏi ngạc nhiên, nó tự thú trước là phải dùng tiếp mấy điếu thuốc lá cho thật bình tâm.
Tôi tiễn cháu vào phòng, và ngay lập tức kêu bác sĩ.
- Thưa bác sĩ, cháu em đã về. Bây giờ làm tiếp thế nào ạ? Đã tiêm được chưa ạ?
- Được, chị vào giải thích cho cháu đi rồi đưa nó ra đây.
Tôi đi rất nhanh vào phòng.
- Phong ơi, bây giờ cháu tỉnh táo rồi. Cháu thấy trong người dễ chịu đấy chứ? Bây giờ, cháu ra phòng bác sĩ, bác sĩ sẽ tiêm thuốc giúp cháu cai nghiện, cháu gắng chịu nhé. Cháu đã vào đây thì phải nghe lời bác sĩ. Cháu phải thương bố mẹ, thương vợ con, thương các bác, thương cô, ai cũng lo cho cháu…|
- (Im lặng)…
- Cô sẽ ở bên cháu, hãy cho cô giữ tay cháu và đừng phản đối. Cháu đã lớn từ lâu rồi mà. Ngày xưa, có một lần cô bị chọc tủy trong bệnh viện vì bị nghi viêm màng não, cháu biết không, đau lắm không thể nào tả được. Cô đã nghiến răng, tay nắm chặt thành giường, trời lạnh mà mồ hôi vã ra, và để yên cho người ta làm đấy. Có hai bà béo ị giữ chặt cô mà sau phải thả ra và khen cô sao lại dũng cảm thế. Cô có dũng cảm gì đâu, cô sợ bị gẫy kim mà cháu. Bây giờ, tại đây, bác sĩ sẽ tiêm cho cháu bình thường thôi, cô dám chắc là không thể đau như chọc tủy được, cháu cố gắng nhé.
Phong đi chầm chậm ra.
- Thưa bác sĩ, gia đình và cháu đã sẵn sàng ạ - Tôi nói với bác sĩ.
- (Bác sĩ yêu cầu mấy cô nhân viên chuẩn bị). Tốt rồi, nào ngồi lên ghế này. Cháu không được cựa mạnh vùng vẫy gì kẻo gẫy kim thì phức tạp lắm, nghe không? (may quá, bác sĩ nói đúng những điều tôi vừa nói).
Phong mắt mở to, lại thoáng chút gì dữ tợn, nhưng có vẻ suy nghĩ ghê lắm. Hai cô nhân viên một cô chuẩn bị thuốc và dụng cụ, một cô lại gần giữ cháu. Phong bất chợt văng đẩy cô nhân viên ra, lơ láo. Tôi nhìn thẳng vào cháu: “Thôi được, cô sẽ giữ cháu. Hãy cố gắng lên Phong! Cô thương và cô tin cháu, hoàn toàn tin ở cháu. Cháu ngoan và nghe cô nào!” Bác sĩ liếc nhìn tôi ra hiệu phải giữ tay cháu. Chẳng biết cháu có kháng cự hay không, tôi cứ dùng hết sức bình sinh để giữ tay cháu thật chặt. Nhưng rồi cháu ngã khuỵu xuống, bác sĩ bảo để cháu ngồi phệt dưới đất và dựa vào tường vậy. Tôi ngồi bên xoa xoa an ủi và giữ tay cháu, một phần có cái ghế nhỏ tì lên. Tôi cũng chả nhớ là tiêm ven hay tiêm bắp nữa, và mấy mũi tiêm khác nhau thế nào, thuốc gì, quả thực là đầu óc tôi căng lên. Thật may mắn, mọi chuyện qua một cách êm thấm. Thật ra, với người bình thường thì việc ngồi im cho y tá bác sĩ tiêm đâu có gì khó khăn, nhưng cháu đang ở tình trạng phê phê, dở tỉnh dở mê, tâm thần chưa hẳn ổn định, nửa muốn chữa trị nửa muốn đừng ai động đến nên mới thế. Bác sĩ cho cháu uống thuốc tiếp rồi bảo đưa cháu về phòng ngủ  Trời cũng sắp sáng rồi. Tôi và chị tôi ngồi trò chuyện khe khẽ. Tôi dặn dò chị tôi ở lại với cháu chờ vợ cháu mang đồ ăn, dặn những gì cần quan tâm đến cháu trong thời gian tới. Trời sáng hẳn, bác sĩ và ca trực đã trở dậy sau một giấc ngủ thật ngắn, tôi chắc vậy. Tôi bảo chị, tôi phải đi gặp bác sĩ tiếp về vụ cảm ơn ông và mấy cô nhân viên của ông. Thực sự lúc đó, trong tôi trào dâng một lòng biết ơn, biết ơn bác sĩ vô hạn. Tôi lại lấy ra phong bì, lăm lăm cầm trong tay, rồi rụt rè gõ cửa:
- Thưa bác sĩ, bây giờ em xin phép về để thu xếp việc nhà và cơ quan rồi em quay lại sau. Vậy là bác sĩ và các cô đã vất vả suốt đêm vì cháu. Hôm qua lúc mới vào bác sĩ đã từ chối, nhưng hôm nay, mong bác sĩ nhận dùm em một chút quà rất nhỏ, gọi là bồi dưỡng ca trực.
- Chị đừng làm thế, tôi đã nói rồi mà, không nhỏ lớn gì cả.
- Thưa bác sĩ, mấy đồng bạc trong phong bì đây, thực chẳng có giá trị gì, chỉ là ít bát phở, ít cốc nước, gọi là để các bác các cô bồi dưỡng bớt mệt một tẹo thôi, không thể nào dám  nói là để cảm ơn sự tận tâm và công lao của các bác các cô được. Nhưng em xin bác sĩ bác sĩ hãy nhận ở gia đình em lòng cảm kích và biết ơn mà em không biết nói sao bây giờ, và đừng nỡ từ chối một lần nữa chút quà nhỏ này, thưa bác sĩ!
Ông nhất định lắc đầu, và trước sau như một, vẫn một lời giải thích rằng “Chúng tôi làm mọi việc là vì trách nhiệm, nhiệm vụ thôi, và dĩ nhiên ở  trường hợp của cháu, chúng tôi không có trách nhiệm gì trong đêm qua, chỉ là giúp cháu trong phạm vi có thể của chuyên môn. Chị về đi, vậy là tạm ổn. Khó khăn nhất đã vượt qua rồi. Thật cũng may là cháu nghiện đã hơn 10 năm (gia đình cho tôi biết thế, đúng không?)  mà còn diễn biến không đến nỗi nào. Lát nữa chúng tôi làm thủ tục cho cháu, nhớ nhắc mẹ cháu khai tên, tuổi địa chỉ tình trạng…cho rõ ràng. Cháu sẽ ở đây chừng năm ngày, rồi sau đó còn là một chặng đường dài mà cháu và gia đình phải tiếp tục đi không được nản chí. Tôi nhắc chị này, kể cả đến lúc cháu xuất viện, chị và gia đình không được đề cập lại gì về chuyện quà cáp cảm ơn cả, tôi không muốn giải thích quá nhiều, chị hiểu chứ? Hãy tập trung mọi cố gắng để vì cháu và cứu cháu!” Tôi vâng dạ và cảm động đến phát khóc, không dám nhìn lại bác sĩ, tôi cố gắng kiềm chế, chào qua quít mọi người rồi lật đật ra về.
           Mấy ngày sau, việc chữa trị có vẻ đơn giản. Cháu được tiêm, được uống thuốc đều đặn và không có phản kháng gì. Hàng ngày, vợ và mẹ cháu chăm cho cháu cơm nước, giữ sinh hoạt điều độ theo nền nếp của trung tâm. Bố cháu cũng có đến thăm cháu. Tôi không băn khoăn gì về cháu trong thời gian ngắn ngủi này mà chỉ lo cho những ngày tiếp theo khi cháu ra khỏi trạm cai nghiện. Rồi đến ngày phải ra. Bác sĩ cũng khuyên gia đình cần tìm việc làm cho cháu, và cho biết thêm trong Nam có những trung tâm cai nghiện lâu dài và có thể xin ở lại làm việc một thời gian.
Tôi tìm gặp bố cháu và chia sẻ. Tôi đưa ra một đề nghị là tạm thời bố cháu xin nghỉ phép và nghỉ thêm một thời gian nữa đưa cháu về quê nội (quê anh ở gần Hà Nội). Tôi bảo anh: "Anh gắng đưa cháu về và ở cùng với cháu tại một nhà họ hàng nào đó anh thấy phù hợp nhất. Mục đích là cho cháu lao động chân tay. Em không biết cụ thể có những việc gì nhưng đại loại  có thể xin cho cháu cuốc đất, đập đất, trồng rau, trồng hoa màu…hoặc là đi gặt, giúp việc cho gia đình. Hoặc kết hợp tập làm những nghề phụ. Tóm lại, anh cần trình bày rõ để bà con giúp đỡ cho cháu lao động chân tay liên tục, và làm cật lực. Nếu là người gần gũi thân thiết, thậm chí anh nói thật hẳn tình trạng của cháu, đừng có sĩ diện làm gì anh ạ, tất cả là vì cháu, thế thôi. Vả lại, nhân dịp này, bố con cũng sẽ gần nhau nhiều hơn, anh sẽ tâm sự động viên cháu. Cháu cần biết đến một cuộc sống vất vả nhưng lành mạnh, biết người nông dân đang làm những gì họ sống ra sao, biết chịu đựng ít nhiều trong những hoàn cảnh khó khăn hơn. Rồi buổi chiều, hai bố con ra sông bơi, tắm mát, không khí ở quê trong lành sẽ tốt cho cháu hơn, và anh cũng đừng quên là phải cắt đứt hoàn toàn liên lạc của cháu với bạn bè".
- Ừ, ừ, anh sẽ thu xếp - Bố cháu khẳng định.
Tôi cứ tuôn ra một chặp như vậy, cũng chả kịp cân nhắc xem, thế có hợp lí hay vô lí ở chỗ nào. May mà ông anh cũng hiền lành, chịu khó, và nghe theo cô em xui! Tất nhiên, tôi cũng phải bàn với chị tôi và nói với cháu kế hoạch này để có sự thống nhất. Trong khi đó, tôi tiếp tục để ý tìm việc làm cho cháu khi ở quê ra. Cũng thuận lợi là chuyện về quê cháu hiểu và tự nguyện làm theo. Hai bố con đi được hơn 3 tuần gì đó thì về. Nắng gió đã làm nước da cháu đen một chút, nhưng người thì vẫn còn gầy gò xơ xác.
              Có thể do Trời Phật và Gia tiên phù hộ độ trì cho cháu và gia đình, nên đúng dịp đó tôi đã có cơ hội tìm được việc làm cho cháu. Số là, cơ quan tôi phải xử lí số liệu cho một tổng điều tra thật lớn, nên cần chiêu sinh hàng trăm người để đào tạo nhập tin trên máy vi tính. Cán bộ nhân viên có con, em, cháu đều có thể xin vào, mà cũng không đủ, phải lấy ngoài xã hội nữa, chỉ cần có trình độ phổ thông trung học thôi. Đây là việc làm đột xuất, chỉ kí hợp đồng vụ việc. Thế là tôi nghĩ xin cho Phong dự lớp tập huấn này. Tuy nhiên, tôi băn khoăn lắm. Liệu cháu có chịu khó học hành và làm cho tốt không? Hay lại “phá bĩnh”? Tôi có cần nói thật với mọi người về tình trạng của cháu không? Người ta có dám nhận cháu không? Hay chỉ kéo theo những lời đàm tiếu, khổ thêm cho cháu và cho mình. Tôi đấu tranh tư tưởng rồi cuối cùng quyết định chỉ nói thật với Phi:
- Này ông! Tôi có thằng cháu con trai chị ruột, chả dấu gì ông, nó mới cai nghiện một tháng nay. Hiện giờ thì cháu cũng tỏ ra quyết tâm cai đấy, nhưng chưa biết thế nào. Tôi muốn xin cho cháu dự tập huấn và nhập tin kì này để cháu có việc làm tạm thời, rồi sau tính tiếp, chứ ngồi không ở nhà gay lắm. Nhưng tôi cũng ngại cháu sinh sự. Tôi đã hình dung hết những sự thể tồi tệ xảy đến thì tôi phải hứng chịu, nhưng còn phiền phức với cơ quan và công việc chung thì sao, ông góp ý với tôi cho khách quan nhé. Ông bảo có nên cho cháu vào làm hay không. Ông nghĩ và quyết định hộ tôi. Ông bảo thế nào tôi nghe theo thế ấy, đầu óc tôi muốn nổ tung lên rồi đây này. Nếu bảo không nên xin vào thì tôi tìm cách khác, ở nơi khác vậy.
- (sau khi nghĩ) Thôi, cứ cho cháu vào đi, rồi quan tâm theo dõi cháu cẩn thận. Không sao đâu mà! - Phi động viên tôi.
- Cảm ơn ông lắm. Tôi ngại nói dối quá. Thôi thì tôi đã nói thật với một người là ông, ông chịu khó "đại diện" cho cả cái tập thể này nhé và thông cảm cho tôi.
Vậy là cháu vào học và đi làm.
              Vốn cháu có tí chút thông minh nhanh nhẹn (trước kia cháu đã từng là học sinh chuyên Toán), cháu theo học dễ dàng, tiếp thu nhanh, và cũng chịu khó nữa, nên đạt kết quả rất tốt. Cháu học cả ngày. Chiều tối về nhà với mẹ và vợ con. Cả nhà thống nhất với cháu là tuyệt đối không liên lạc với bè bạn qua điện thoại (cố định), ngày đó cũng may là chưa có điện thoại di động phổ dụng như bây giờ. Buổi trưa, Phong ăn cơm hộp bình dân cùng các bạn. Rồi nghỉ tạm ngay tại phòng học. Tôi thường gặp gỡ cháu vào buổi trưa, luôn theo dõi sát tình hình của cháu thông qua các giáo viên và phụ trách lớp học. Thi thoảng, tôi bảo Phong vào phòng tôi làm việc, tôi cho cháu sử dụng máy để biết thêm về tin học văn phòng, về một vài trò chơi nhưng chủ yếu vẫn là để nói chuyện trao đổi với cháu, hỏi han cháu học hành tập luyện ra sao, rồi tâm tình với cháu chuyện gia đình, khơi dậy cho cháu lòng tự trọng và tự tin ở bản thân. Phong nói chuyện với tôi hết sức thoải mái, cả về những ý nghĩ thầm kín tế nhị trong các mối quan hệ của  gia đình cháu. Sau một thời gian làm thử, sát hạch, Phong được vào làm theo ca, hưởng lương theo sản phẩm và chất lượng nhập tin. Phong rất chăm chỉ, chịu khó, miệt mài. Đôi khi có vài người kể lại với tôi, Phong học và làm rất giỏi, các cô các chị đều phục nó có vợ con sớm, nhưng thấy cháu ít nói và “mảnh dẻ gầy gò phờ phạc trông cứ như thằng nghiện ấy!”. Tôi nghe mà giật mình, mặc dù lúc nào cũng chuẩn bị sẵn tinh thần xấu nhất, đó là nó quay lại nghiện hút, rồi rủ bạn bè tìm cách lấy trộm máy tính (!) thì mình sẽ phải hứng chịu cả về vật chất đền bù và danh dự như thế nào. Nhưng nghĩ vậy thôi, lo thì lo cũng chỉ có lúc, còn đa phần như có một trợ giúp siêu hình nào đấy, tôi luôn tự trấn an được tinh thần và có một niềm tin tuyệt đối vào Phong.
            Bẵng đi một thời gian, có dễ đến vài tuần, tôi bận việc quá, không gặp Phong và cháu cũng ngại lên phòng tôi, nên cô cháu không gặp nhau. Tôi bỗng sực nhớ ra điều gì, một buổi trưa tôi gọi Phong hỏi chuyện. Sau một loạt hỏi han tâm sự về gia đình, về mẹ cháu, vợ con cháu, về chuyện nhập tin, về bạn bè, tôi bảo cháu:
- Này Phong, cô hỏi thật, cháu đừng nói dối cô nhé. Từ lâu nay, có khi nào cháu quay lại dùng ma túy không? Hoặc chỉ là có ý nghĩ quay lại?!?
- (sau một lát dường như phân vân) Có cô ạ, có một lần….
- Cháu nói sao? Một lần quay lại ma túy ư?
- Vâng, đó là một lần cháu buồn quá về chuyện gia đình, mẹ cháu và vợ cháu cứ lủng củng, cháu muốn tâm sự với cô nhưng cô lại bận quá, cháu ngại làm phiền cô.
- Ôi trời, sao cháu dại và liều thế? Cháu kể kĩ cho cô chuyện ấy đi nào!
- Cháu thấy chán, thấy buồn, cháu đi hút lại. Nhưng thực ra cháu đã không làm được điều ấy, khi dùng cháu thấy đau đầu kinh khủng, không thể chịu được. Cháu lại nghĩ đến cô, kiểu gì cháu cũng không được làm ảnh hưởng đến cô. Rồi sau đó cháu thôi cô ạ.
- Thật là còn may quá. Lần sau cháu đừng dại dột thế nhé. Chuyện của mẹ cháu và vợ cháu chỉ là chuyện nhỏ thôi. Cái chính cháu phải thực sự quyết tâm bỏ thuốc để trở lại với gia đình, và cuộc sống lành mạnh của cháu sẽ làm cho mẹ cháu và vợ cháu vui hơn, đỡ khổ hơn Phong ạ. Lâu nay cô không nhắc đến vợ cháu và mẹ cháu, cô chỉ muốn tập trung động viên cháu học và làm thôi. Nhưng hôm nay, thì cô phải nói với cháu. Cháu phải biết ơn, từ đáy lòng, biết ơn vợ cháu trong việc cai nghiện này. Nếu vợ cháu không kiên trì, theo sát cháu thì làm sao gia đình biết cháu đang say sưa ở đâu, để mà phối hợp đưa cháu đi cai nghiện? Mẹ cháu thì bất hạnh, chân lại đau như thế, vợ cháu đã trải qua bao ngày chăm sóc mẹ từ khi mới chỉ là người yêu thôi. Chuyện va chạm nhỏ thường ngày cũng khó tránh, nhưng về bản chất, mẹ cháu và vợ cháu vẫn thương nhau đấy chứ, cháu đừng có tự dằn vặt mình quá mức. Việc của cháu là tập trung vào cai cho thật tốt, vậy thôi. Cô cũng rất vui khi cháu nghĩ đến cô, nhưng thực ra cô hay các bác có cố gắng giúp cháu việc này việc nọ cũng chỉ là hỗ trợ và tạo điều kiện một chút thôi, còn thành công hay không phải là do cháu, do nghị lực của cháu. Nếu cháu thương bố mẹ, thương vợ con và đừng quên, cháu thương bản thân mình, thì cháu hãy hứa với cô đi, đừng bao giờ yếu đuối và dại dột thế nữa. Cô rất sẵn lòng nghe cháu tâm tình chia sẻ bất cứ chuyện gì, cháu cứ chủ động đừng ngại làm phiền cô Phong nhé.
- Vâng cháu cảm ơn cô, cháu xin hứa - Phong nói khẽ đủ để tôi nghe thấy.
            Rồi từ đó, lại tiếp tục những ca nhập tin mải miết, những năng suất và chất lượng không thể phàn nàn gì về cháu được. Ít lâu sau, cơ quan có nhu cầu chọn người nhập tin tại địa bàn một số tỉnh phía Nam, mang máy tính đi lưu động. Công việc này kéo dài cả một năm trời luôn. Tôi nghĩ đến Phong và hỏi cháu có muốn đi vậy không. Cháu thích quá và đồng ý. Tôi dặn:
- Cháu đi làm vậy sẽ vất vả hơn, sẽ phải ăn ở tại nhà dân, tuân theo kỉ luật của nhóm, của đội điều tra. Nếu cháu không tự giác quyết tâm cai nghiện, dù là đến nơi lạ, cháu có thể hỏi ra chỗ để tiếp tục mua thuốc  không có gì quá khó khăn, nhưng cháu nhớ đây là dịp may cuối cùng để cháu tập trung vào làm việc và hoàn lương, cháu có hiểu không?
- Dạ cháu hiểu, cô hãy tin ở cháu.
           Vậy là tôi xin cho cháu đi, cháu được biên chế vào một nhóm do bác Ly phụ trách. Tôi đã nhờ bác bảo ban cháu và nghiêm khắc trong mọi việc. Tất nhiên tôi không dám nói chuyện cai nghiện của cháu. Tôi chỉ nói với bác nếu bất cứ lúc nào cháu có biểu hiện tự do vô kỉ luật thì gọi điện giúp cho tôi ngay để tôi xin đổi người, và cháu không được làm nữa. Rất mừng là cháu đã đi, và làm rất tốt. Không kể ngày đêm, khi lên rừng, hay ra vùng chài bên biển, dù ăn ngủ ở đâu, sướng cực thế nào, cháu không chán nản và tuyệt đối không bị ai phàn nàn, còn được các bác khen là nhanh nhẹn, nhập tin chính xác, phân việc gì phụ thêm cũng làm ngay. Bác Ly cũng quí và tin tưởng cháu lắm. Đi làm lưu động như vậy, lương  được trả cao hơn ở nhà, Phong có thể tiết kiệm mang về cho vợ con chút ít.
              Một năm trôi đi thật nhanh, cháu trở về. Tôi không tin ở mắt mình nữa, Phong tăng có dễ trên chục kí. Cháu khỏe manh, cao lớn, hoàn toàn không còn dấu vết gì của một thời “oanh liệt” trong còm cõi, xác xơ. Vậy là bước đầu coi như thành công. Từ đó khi nào cơ quan có việc theo thời vụ, cháu và các cháu khác quen làm, làm giỏi lại được gọi vào nhập tin. Lúc này, chả còn ai cười cháu “trông như thằng nghiện” nữa. Tuy nhiên, vì công việc có ít, không đều đặn thường xuyên, nên cháu sang làm ở một công ty tin học của bạn chồng tôi. Cháu làm phụ giúp các kĩ sư vừa làm vừa học và về sau cháu tham gia làm phần đồ họa cho Web. Cháu sống giản dị, và bằng lòng với công việc đó, cho tới mấy năm gần đây thì chuyển sang những việc khác tự lo, và chăm chỉ đưa con cái đi học, quan tâm khích lệ các con cố gắng học giỏi.
              Chuyện chỉ có vậy. Đã 13 năm kể từ ngày gặp bác sĩ ở trạm cai nghiện, cháu tôi trở lại cuộc sống yên bình, tôi không còn lo lắng gì nữa. Tôi hiểu, cai nghiện không dễ dàng chút nào, và trường hợp của cháu tôi là may mắn hi hữu. Tôi không biết nghiện ra sao, nhưng thầm phục Phong, chắc cháu phải có một hệ thần kinh vững vàng thế nào mới vượt qua được chính mình trong những thử thách, những chịu đựng kinh khủng như thế. Nhiều lúc, tôi chợt nghĩ hay là vì có những phù trợ của Đức Phật, phù hộ của gia tiên nữa, điều mà chị tôi hiểu rõ hơn tôi nhiều, bởi nửa cuộc đời sau của chị gần như gắn liền với công việc của nhà chùa, chị đã tìm được sự giải thoát từ nơi cửa Phật.
            Về phần mình, tôi không bao giờ quên hình ảnh, việc làm và giọng nói của người bác sĩ đáng kính, và cũng chính vì vậy, mãi đến sau này và chắc rằng trong cả phần đời còn lại, tôi sẽ rất dè dặt mỗi khi có ý nghĩ rằng, bác sĩ đang làm khó với mình, đang muốn “vòi” tiền mình đây. Tôi cũng rất vui vì đã đặt lòng tin không lầm chỗ, vào thằng cháu yêu quí của mình, và phần nào dù chỉ rất nhỏ thôi truyền sang được cho cháu lòng tin ở chính bản thân để vượt qua thử thách.
 
Trích hồi ký NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI
của Bùi Thị Kim Thư
(Còn nữa)

5 nhận xét:

  1. Có phần phù trợ,có phần may
    Cai nghiện,quả là khó lắm thay
    Kẻ nghiện quyết tâm và bản lĩnh
    Người nhà tin tưởng nắm chặt tay !

    ghi tiếp cho KT một huy chương nữa !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Ghi tiếp cho "nó" một huy chương"
      Để cho "nó" lại thấy thêm "sương" (sướng)
      Chỉ còn có ba chương là hết
      Anh đọc xem "nó" già có ương?

      Xóa
  2. QUẢ LÀ MỘT KÌ CÔNG CỦA TÌNH THƯƠNG YÊU, GIÚP CHÁU CAI NGHIỆN THÀNH CÔNG LẠI CÓ IỆC LÀM VÀ TRỞ THÀNH NGƯỜI CÓ ÍCH. CHÚC MINH QUANG TIẾP TỤC THÀNH CÔNG TRONG CHẶNG ĐƯỜNG MỚI./

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ, MQ cảm ơn anh đã đọc, chia sẻ và động viên ạ.

      Xóa
  3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa