(Tiếp theo)
Nhưng có lẽ Trời cũng không đến nỗi triệt mọi đường sống của con người. Giữa lúc đen tối nhất của cuộc đời, trong một buổi đi làm thuê ở chợ bất ngờ hắn gặp được ông Ba- người cùng làng, lại là bố thằng Nghị đen cùng lớp từ thuở nhỏ. Ông Ba là đại úy QGP, sau thời gian làm quân quản giờ chuyển sang công tác cải tạo công thương nghiệp ở thành phố. Chính hắn nhận ra ông chứ ông không thể nào tin cái thằng người nhọ nhem, bẩn thỉu này lại là thằng Thao bạn học của con trai mình. Sau khi kéo hắn đi đãi hắn một bữa no nê, ông mới hỏi đầu đuôi câu chuyện. Hắn thật thà kể lại từ đầu chí cuối. Nghe xong, ông khuyên: “Mày không có giấy tờ, tiền bạc, nghề nghiệp cũng không thì không sống được ở thành phố này đâu. Tao biết có một bà người làng mình, nếu xét về họ hàng thì là cô họ của mày hiện đang sống ở thị trấn Long Thành, Đồng Nai, cách đây chỉ độ sáu bảy chục cây số. Điều kiện kinh tế của bà ấy cũng khá. Nếu mày đồng ý tao sẽ chỉ đường xuống đấy mà kiếm công ăn việc làm cho ổn định”. Cùng đường rồi, hắn gật đầu ngay tắp lự.
Nhà bà cô hắn nằm ngay trung tâm thị trấn Long Thành nên hắn tìm đến không mấy khó khăn. Mặc dù xa quê đã lâu song bà cô hắn vẫn niềm nở đón tiếp hắn. Ngồi hỏi chuyện quê hương, họ hàng hồi lâu thì bà xác nhận đúng là có họ với nhà hắn. Vì ông Ba đã viết thư giới thiệu và gửi gắm hắn nên bà đồng ý cho hắn ở lại, trước mắt là giúp việc trong nhà, sau đó sẽ tính tiếp.
Bà cô hắn có một sạp hàng trong chợ Long Thành, ông chú rể thì là giáo viên trung học, nhà chỉ có mỗi cô con gái nên công việc của hắn cũng không đến nỗi vất vả cho lắm. Hàng sáng, hắn xếp hàng lên xe chở vào chợ cho bà cô bán hàng. Về nhà, hắn làm mọi việc, từ bửa củi, nấu cơm, gánh nước v.v… Hồi đó, phong trào đoàn thanh niên khá rầm rộ, hắn cũng thay mặt gia đình bà cô tham gia cùng bà con và thanh niên dọn vệ sinh đường phố rồi đào mương, đắp đập cùng nhiều việc công ích khác của thị trấn.
Được ăn uống, sinh hoạt điều độ hắn lại người nhanh chóng. Từ chỗ gày gò, nhem nhuốc hôm nào nay đã trở thành một cậu trai trắng trẻo, thư sinh. Vốn bản chất con nhà lao động, lại biết thân biết phận ăn nhờ ở đậu nên hắn không nề hà việc gì, lại khéo cư xử nên bà cô quý lắm. Mặt khác, lúc mới giải phóng, có thằng cháu là bộ đội Bắc Việt về ở trong nhà cũng có giá nên bà cô quyết định làm thủ tục nhập khẩu cho hắn. Với những mối quan hệ của ông chú, việc đó cũng không có gì khó khăn lắm. Thế là hắn lại có tên trong cõi đời này.
Không chỉ có vậy. Khi đã biết tường tận hoàn cảnh của hắn, bà càng thương hắn hơn nên muốn gây dựng cho hắn lâu dài. Trong số bạn bè của bà có bà chủ xưởng sản xuất bánh kẹo. Bà này có cô con gái vừa đến tuổi cập kê, trông cũng khá xinh xắn. Khi bà cô hắn ngỏ lời, gia đình kia xem ra cũng khá ưng ý. Về phía hắn, hắn thấy cũng không có điều gì đáng phàn nàn.
Nhưng có lẽ số hắn chưa hết khổ. Khi mọi sự tưởng như đã xuôi chèo mát mái thì lại bị chặn lại ngang xương. Tháng 7.76, ông anh ruột bà cô từ quê vào chơi. Nghi ngờ động cơ của thằng cháu họ, lại thấy cô em mình quý nó như thế… sợ rằng nó sẽ “đào mỏ” mất nên tìm mọi cách dèm pha. Bà cô họ của hắn bị đặt vào một tình thế khó xử, một bên là ông anh ruột, một bên là thằng cháu họ mà bà bắt đầu quý mến. Để đỡ khó xử cho bà cô, hắn quyết định sẽ ra đi. Khi bà cô hỏi hắn muốn xin cái gì thì hắn bảo: “Cô đặt cho cháu một con rựa”.
Với hành trang là cái túi đồ lép kẹp và một con rựa lớn, sắc như nước… hắn rời bỏ mái nhà yên ấm mà có lúc hắn đã tưởng đó là mái nhà của mình.
Sở dĩ hắn xin con rựa là vì mấy tháng ở đây hắn quan sát thấy những người đốn củi đem bán ở chợ cũng sống được. Rừng thì hắn chẳng lạ gì. Chí Linh quê tôi là một huyện miền núi mà, dân ở đây cũng nhiều người đang sống nhờ rừng. Ngay cả hắn nữa, hồi mới ra quân cũng đã vào rừng đốn củi nhiều lần. Lại nữa, suốt mấy năm ở chiến trường, lăn lộn với rừng. Chính đại ngàn Trường Sơn đã che chở và nuôi sống hắn. Thế nên, khi phải ra đi, hắn quyết định vào rừng Cẩm Đường để sống nhờ rừng.
Hồi ấy, Cẩm Đường còn khá nhiều rừng và là nơi cung cấp củi cho dân chúng quanh huyện Long Thành cũng như vùng làm gốm Lái Thiêu, Thủ Dầu Một… Nếu có sức khỏe, mỗi ngày chặt vài ste củi là dư ăn, dư mặc. mà cái đó thì hắn đang có. Những ngày đầu, cũng như mọi tiều phu ở đó hắn chặt củi để bán. Kỷ lục cao nhất hắn lập được là 16 ste một ngày (chẳng biết hắn có nói quá lên không?). Nhưng rồi hắn cũng nhận ra một điều là nếu cứ làm anh tiều phu thì mãi mãi sẽ chỉ là chàng tiều phu mà thôi. Hắn quyết định phải thay đổi cách làm ăn.
Đầu tiên, hắn vừa chặt củi đồng thời mua gom củi của các bạn tiều phu rồi mới bán lại cho các đầu nậu. Những bạn tiều phu của hắn nói chung là những người đơn giản, với họ mỗi ngày làm việc cứ đủ tiền ăn tiêu trong ngày là được. Vì vậy, mọi khi chặt đủ rồi cứ phải đợi đầu nậu lên thu mua, lại còn bị bắt chẹt… bây giờ có đầu nậu tại chỗ, giá cả lại thoải mái hơn (anh em cùng hội, cùng thuyền mà) nên họ OK ngay. Vì vậy, nguồn thu của hắn ngoài số tiền củi do hắn chặt còn thêm số tiền lời do mua gom và hắn đã bắt đầu có của ăn, của để.
Khi lưng vốn đã kha khá rồi, hắn quyết định sẽ không bán cho đầu nậu nữa mà sẽ trực tiếp tiêu thụ. Bỏ ra một ngày sang Lái Thiêu, hắn đã tìm được mối tiêu thụ của một số lò gốm. Thế là hắn về tiếp tục mua gom, khi áng chừng đã đủ xe thì thuê xe vào chở đến Lái Thiêu để bán. Mua tận gốc, bán tận ngọn nên lợi nhuận thu được khá cao. Hắn bắt đầu rủng rỉnh có đồng ra đồng vào.
Đúng ngày Quốc khánh 2.9.1976, khi đang gật gù ngự trên buồng lái chiếc xe REO chở đầy củi đến ngang chỗ nghĩa trang TP bây giờ hắn chợt giật thót người vì một tiếng còi rít lên. Mở mắt ra hắn ngỡ ngàng khi thấy một toán người đeo băng đỏ đang vẫy xe cho tấp vào lề đường. Đoàn kiểm tra liên ngành bắt hắn về tội phá rừng và buôn bán trái phép (không có đăng ký KD). Hắn điếng người vì chuyến đó hắn đã dồn tất cả vốn liếng thuê 2 chiếc xe REO để xếp hàng, bây giờ mất tất.
Hắn trắng tay lần thứ hai.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét