Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

LAN MAN CHUYỆN LÀNG TÔI

Đỗ Đình Tuân
Phần tám

Mẹ kế

Khi tôi từ bên ngoại về thì đã thấy bố tôi dông lên ở phía sau cái nền nhà năm ngoái dỡ lên trại Hai Tô một gian “đình bạt”. Ở vùng tôi gọi lối kiến trúc nhà tạm chỉ có một mái là “đình bạt”. Hai cột trước chôn trên nền nhà để lợi dụng độ cao của nền. Hai cột sau xoải xuống vườn sau. Gian “đình bạt” này được chia thành hai ngăn. Ngăn phía nam kê vừa đủ một cái giường và một lối đi lên cửa. Ngăn đằng bắc vừa là bếp đun vừa là một cái chuồng vịt. Tôi về đã thấy có hơn chục con vịt đều “móng trâu” cả rồi. Ngày ấy nuôi vịt chẳng tốn kém gì. Chỉ chịu khó trong thời gian gột vịt tạo cho nó thói quen tối biết về chuồng là sau đó nó sẽ tự kiếm ăn. Cánh đồng dưới làng tôi mênh mông bể sở, trắng lạng nước thiếu gì cua ốc cho chúng kiếm. Buổi sáng chỉ cần mở cửa chuồng ra là chúng vội chạy ùa đi ngay. Chúng bì bũm ở cái rãnh đằng sau nhà chú Đặng một lúc rồi mới ra đồng. Chắc chúng nghĩ đến những bờ ruộng săm sắp nước đầy những chú cua con, những chân ruộng rong rêu đầy ốc đá, ốc vặn …đang đợi chúng. Buổi chiều về, diều con nào con ấy cũng no căng. Nhưng để củng cố “thói quen về chuồng” tôi vẫn xúc một ít thóc cho vào một cái non sành rồi đổ nước vào để trong chuồng cho chúng mò, chúng sốc. Lúc ấy tôi mới đóng cửa chuồng lại. Đàn vịt ấy của nhà tôi rất khôn. Chúng đi ăn rất xa, cách nhà đến hơn cây số nhưng tối nào cũng tự biết về chuồng. Không phải đi lừa bao giờ cả.Vì sẵn mồi nên chúng mau lớn lắm. Chẳng mấy lúc đã từ “lông măng” sang “lông ống” rồi “chéo cánh”. Những con đầu đen, tiếng kêu khàn khàn như người viêm họng, là những con vịt đực thì bố tôi dùng “cải thiện” dần. Đến lúc vịt đẻ còn lại được sáu con. Chúng đẻ rất đều. Sáng sớm nào, cứ vừa mới bảnh mắt, bật đầu dậy là tôi nghĩ ngay đến việc đi lấy trứng. Tôi lấy cái rổ dứng sang ngăn chuồng vịt, mở cửa chuồng cho chúng ra, rồi nhặt trứng xếp vào rổ. Hôm nào cũng đủ sáu quả trứng. Thỉnh thoảng lại có hôm được những bảy quả. Rõ ràng là trong đàn có một con đẻ hai lần trong đêm. Cái quả đẻ thêm ấy nhỏ hơn một chút, vỏ mỏng hơn và hơi ram ráp. Được vài tháng như thế, đến giáp vụ mùa, một lần chúng tạt vào một ruộng lúa gần bãi, bị người ta dùng súng cao su bắn chết cả.
Vườn nhà tôi bấy giờ thấy trồng toàn chuối. Trước đó bố tôi còn trồng rau. Nhưng từ ngày lên trại Hai Tô không trồng rau được nữa thì bố tôi mới đem trồng chuối. Cái giống chuối trồng trên nền nhà đất cháy và vườn đổ bùn ao sao tốt lạ. Cây nào cây ấy lá cũng xanh đen xanh thẫm. Tàu lá và mặt dưới lá còn có một lớp phấn trắng mịn láng ngoài. Những cây đã ra buồng, cây nào cũng to nầm nẫm và buồng nào cũng như cái chuông treo. Trông chúng cũng nặng nề, ộ ệ như đàn bà chửa gần đến tháng đẻ. Vì thế nên buồng nào bố tôi cũng phải lấy hai cái cọc tre bắt chéo chống đỡ cổ buồng trợ lực thêm cho chúng. Với những buồng to như thế khi hạ xuống bố tôi phải dùng mẹo. Bố tôi chặt ngậm một nhát dao ở gốc, tháo cọc ra rồi vít buồng xuống cho chúng chấm đất. Lúc ấy mới cắt buồng ra được. Dựng ngược buồng chuối lên để cho nó chảy nhựa. Một vài hôm sau mới pha ra từng nải. Chao ôi, có những nải nó kềnh càng kín cả cái mâm thau. Sản phẩm làm ra thì nhiều, ăn không xuể mà đem bán thì lại thiếu người nội trợ. Bố tôi không ngại việc đi chợ nhưng ngại việc phải đến gần đồn giặc.Việc lấy vợ kế của bố tôi vì thế càng ngày càng trở nên cấp thiết.
Thật ra thì những ngày tôi còn ở bên ngoại, tôi đã nghe loáng thoáng ông ngoại tôi, các bác tôi nhắc tới “hai nhân sự”. Một trường hợp thuộc diện “cháu lấy chồng cô” thì tôi chẳng rõ là ai ? Còn một trường hợp thuộc diện “em lấy chồng chị” thì tôi đoán chắc chắn là dì Cún Hai. Bởi ông tôi lúc ấy chỉ còn mỗi mình dì là con gái đầu lòng của Bà Trẻ. Chắc đằng ngoại tôi nghĩ nếu dì Cún Hai thành mẹ kế của tôi thì tôi sẽ đỡ tổn thương hơn “dì ghẻ con chồng” là người ngoài. Cái mô hình này thì bên nội tôi đã có rồi. Tôi đã từng có hai bà cô con ông chú lấy cùng một chồng. Đó là cô Đỗ Thị Liêm (con cụ Trường, em ruột cụ Đấng - ông nội tôi) lấy ông Lý Chữ bên làng Kỳ. Sau khi cô mất, em ruột cô Liêm là cô Đỗ Thị Chín lại trở thành vợ kế của ông Chữ. Cũng nhờ thế mà những đứa con côi của ông Chữ đã được “sểnh mẹ ấp vú dì”. Tôi không rõ là cô Liêm để lại mấy con côi. Nhưng cô Chín lấy ông Chữ thì sinh được ba người con gái: Toàn, Vẹn, Viên. Cái ông Chữ này quả nhiên là rất tài “chơi chữ”. Ông đã dùng tên con để bình luận về cuộc hôn nhân tốt đẹp ngoài mong đợi của ông với cô Chín.
Nhưng dì Cún Hai của tôi lúc ấy còn trẻ quá. Dì mới là một cô gái vừa mới lớn. Người dì ấy cao cao, da dì ấy đen đen, trông còn sắt siu chứ chưa có dáng vẻ gì phổng phao của một cô gái dậy thì. Bởi thế thấy bố có ý định gả mình cho anh rể thì dì giẫy nẩy lên. Dì xấu hổ lắm. Dì bơ luôn cả tôi. Chắc là dì nghĩ nếu vồ vập âu yếm tôi thì mọi người sẽ hiểu lầm là dì đã ưng thuận chăng ? Cuộc đời tình duyên của dì sau này cũng lận đận lắm. Dì yêu một ông thuyền buồm quê tận mãi dưới Thủy Nguyên, giáp biển. Hình như ông này cũng đã có vợ nên gia đình không đồng ý. Dì trốn theo luôn. Mãi đến khi có mấy mặt con dì mới dắt díu cả một lũ về thăm quê ngoại. Có điều lạ là dì giữ thái độ lạnh lùng với tôi cho đến tận bây giờ. Một đôi lần về bên ngoại ăn giỗ tôi có thấy dì, nhưng dì cũng chỉ nhìn thoáng qua tôi với một nét mặt rất vô cảm. Vì thế mà tôi cũng chẳng còn hứng thú gì mà chuyện trò với dì nữa.
Kế hoạch thu xếp “ngôi hoàng hậu kế vị” cho bố tôi của bên ngoại vậy là không thành. Nhưng hình như ở nhà bố tôi cũng đã chuẩn bị sẵn được một “nhân sự” khác rồi. Bởi tôi về được ít hôm thì bố tôi có dẫn tôi vào trong bác Lý Khang. Hai anh em cùng nằm nghiêng trên phản, đầu gối trên hai cái gối mây dựng đứng, rì rầm bàn “chuyện bí mật”. Tôi không được ngồi gần nên không nghe rõ gì cả. Nhưng qua thái độ của bác Khang, tôi biết là hai anh em đang bàn chuyện lấy vợ của bố tôi. Bác Lý Khang không tán thành. Bác trừng mắt lên và hơi gắt: “Đám nào chứ đám ấy thì không được, lằng nhằng lắm !”. Mấy hôm sau tôi mới biết người bố tôi định lấy chính là cô Khiêm, con gái “Bà Vú”, người hàng xóm ở gần nhà tôi trên trại Hai Tô. Lúc này thì anh Ngà đã cưới chị Ái rồi. Nếu bố tôi lấy cô Khiêm thì cả hai bố con cùng phải gọi anh Ngà bằng anh. Tôi gọi là anh rể, còn bố tôi lại gọi là anh vợ. Tôi đoán là vì lý do này chăng mà bác Khang không đồng ý? Cũng có thể vì cô Khiêm là gái chê chồng. Mà chồng cũ của cô Khiêm lại là người cùng làng, nên bác Khang muốn tránh tiếng “cướp vợ” chăng? Bản thân tôi cũng rất khó nghĩ về điều này. Nhưng bọn trẻ con chúng tôi thì không được quyền can dự vào. Đó là những chuyện của người lớn. Tuy bác Khang không đồng ý, nhưng bố tôi thì đã quyết tâm rồi. Việc báo cáo với “anh trưởng” chỉ còn mang ý nghĩa thủ tục thôi.Tôi càng choáng hơn khi chứng kiến một đám cưới vừa tẻ nhạt, vừa căng thẳng. Đó là một ngày hè năm 1950, trời oi nồng và đêm đã có trăng. Nhưng tôi không nhớ rõ là vào tháng nào. Đám cưới được tiến hành vào buổi tối. Nhưng mới quá trưa, giữa lúc trời oi bức nồng nực nhất thì bà Tửu-chị gái chồng cũ của cô Khiêm, cách nhà tôi có hai nhà, cứ đứng ở cổng nhà bà ta mà chửi chõ sang: “Cha bố tiên nhân đồ cướp vợ, đàn bà làng này đã chết hết rồi hay sao mà mày phải đâm đầu vào đấy…” Một giọng đàn bà vừa the thé vừa cong cớn. Một trận chửi bới vừa tục tằn vừa dai dẳng. Rất lạ là hôm ấy bố tôi không hề đáp lại một lời nào. Cứ kệ cho bà Tửu chửi. Cho mãi tới khi cạn hơi, khản tiếng bà ta mới chịu dừng. Đám đón dâu được tiến hành vào lúc nhá nhem tối. Khi dâu về nhà thì trời đã sáng trăng. Chỉ có ba mâm cơm ngồi ăn ở ngoài sân. Bữa ăn diễn ra nhanh chóng và mọi người vội tản về ngay. Bác Lý Khang không ra. Chỉ có bác Trương Hương và chú Đặng và một số người nữa. Tôi chỉ nhớ có một mình chú Hội Mậu là ngồi rốn lại đến sau cùng. Chú ôm tôi ngồi trong lòng. Nói chuyện và đùa trêu tôi. Chú Hội Mậu hơi láu táu nhưng rất thoải mái và vui tính. Nhất là khi rượu vào. Thì chú nói liên tục. Cười khơ khớ liên tục. Đến lúc tôi buồn ngủ, tôi nằm ngả người lên đùi chú. Chú xoa đầu tôi lay gọi dậy “ Ồ, dạy thôi chứ, vào với mẹ mới thôi chứ!”. Rồi chú ra về. Tôi dụi mắt uể oải đi vào trong nhà. Vẫn là cái ngôi nhà “đình bạt” ấy. Hôm nay cưới vợ mới, bố tôi có kê thêm một chiếc chõng mới ken vào ngăn chuồng vịt cũ. Bố tôi nằm đấy. Còn tôi và “mẹ mới” thì nằm trên chiếc giường to bên “phòng ngủ”. Ngày còn ở bên ngoại, tôi rất thèm hơi ấm phụ nữ. Thế mà bây giờ, nằm bên cạnh “mẹ mới”, tôi lại thấy chông chênh và bẽn lẽn lạ. Tôi cứ lé người lại cố lánh cho xa bà “mẹ mới”. Trời đã vào đêm. Nhưng vẫn nóng. Lại nhiều muỗi nữa. Mà không có màn. Thỉnh thoảng tôi lại kêu lên một tiếng cộc lốc: “Muỗi!”, “ Nóng!”. Mỗi lần nghe tôi kêu thế, bà “ mẹ mới” lại phẩy cho tôi vài nhát quạt. Bố tôi thì vừa phì phạch quạt mo đập muỗi, vừa trò chuyện dặn dò cô vợ mới. Còn bà “mẹ mới” của tôi thì chỉ nằm im thin thít không thấy nói gì. “Mẹ mới” cũng chỉ là chữ của chú Hội Mậu gọi trêu tôi thôi. Ở vùng tôi không gọi mẹ kế là mẹ, chỉ gọi bằng dì, coi như là em mẹ. Dì Khiêm lúc ấy còn là một cô gái rất trẻ. Mới có hăm ba tuổi, kém bố tôi mười bốn tuổi. Tính dì Khiêm cũng lạnh lùng, ít nói. Còn khinh khỉnh nữa. Tôi không thấy dì tỏ thái độ cởi mở và âu yếm tôi bao giờ. Tuy sống trong một nhà nhưng tôi thấy dì Khiêm rất xa lạ. Trong lòng tôi lúc nào cũng cảm thấy nặng nề, không thoải mái. Tôi không còn thích ở nhà nữa. Tôi đòi sang ông ngoại ở suốt. Mãi đến tết năm ấy tôi mới về. Ngôi nhà “đình bạt” không còn nữa. Bố tôi đã mua được ba gian nhà cũ của một gia đình bên làng Kỳ về dựng trên nền nhà ngang cũ. Lại dựng thêm cả một gian chuồng trâu và một gian chuồng lợn. Trong vườn giồng thêm mấy cây na, còn đại bộ phận vẫn trồng chuối.
Vào một buổi sáng mùa xuân năm 1951, khi tôi vừa thức dậy thì nghe có tiếng trẻ con khóc. Tôi nhìn về phía góc nhà đã thấy dì Khiêm đang lau chùi và ủm tã cho một đứa trẻ. Không thấy có Bà Vú, cũng không thấy có một ai khác. Thì ra dì đã đẻ và tự đỡ lấy. Đúng là con “Bà Vú” có khác. Không rõ là do Bà Vú truyền nghề hay dì tự học lỏm được? Nhưng dì Khiêm biết “tự đỡ đẻ” ngay từ đứa con đầu lòng. Mà đây cũng không phải là lần duy nhất. Năm 1957, tôi lại chứng kiến một lần tương tự. Buổi sáng dì đi chợ Nành. Khi đi, dì đi có “một mình”. Nhưng khi về, dì lại bế thêm một đứa trẻ về theo. Nghe người làng kể lại thì dì vừa mới về qua đò, lúc leo lên bờ đê thì con tụt ngay ra. Thế là dì “tự giải quyết” luôn rồi ẵm con về.
Từ cuối năm 1951, tôi không được ở bên ngoại nữa. Tôi phải về nhà để bế em. Lúc ấy tôi cũng đã lên chín lên mười rồi, đã thành một lao động phụ. Ngày ấy nghề làm ruộng còn vất vả lắm. Bởi mọi việc đều phải làm thủ công, dùng sức người là chính. Riêng có khâu làm đất là có con trâu giúp sức. Vì thế mà hầu như nhà nào cũng phải nuôi trâu. Rất ít nhà không có trâu. Việc sinh đẻ của các bà vợ cũng chưa có kế hoạch. Cứ thả nổi theo tự nhiên. Hầu hết các bà đều cứ phải “hết trứng” thì mới ngừng đẻ. Mỗi bà cũng có một “nết đẻ” riêng. Dì Khiêm nhà tôi sinh đều đặn nhất, “nết đẻ” tốt nhất. Dì sinh vào các năm: năm mốt, năm tư, năm bảy, sáu mươi, sáu tư, sáu bảy, chấm hết. Thím Đặng nhà tôi sinh vào các năm: Bốn bảy, năm mốt, năm tư, năm tám, sáu hai, sáu sáu, chấm hết. Bác Hương nhà tôi sinh vào các năm: ba hai, ba nhăm, chấm chấm (những đốt mất khi nhỏ tôi không nhớ được),bốn tám, năm mốt, chấm hết. Bác Khang nhà tôi sinh vào các năm: ba nhăm, ba sáu, ba tám, bốn mốt, bốn hai, bốn tư, bốn bảy, năm ba, năm sáu, chấm hết. Liệt kê chút xíu để thấy hầu như nhà nào và lúc nào cũng có trẻ con.
Việc “chăm sóc sức khỏe sinh sản” của làng tôi, cũng như nhiều làng khác ở trong vùng là dựa vào cái lệ “đi chơi người đẻ”. Những người mới đẻ thường được bầu bạn và họ hàng đến thăm và cho quà. Quà thường thấy là một vài chục quả trứng gà, trứng vịt; mấy ống gạo ngon; cặp gà giò hoặc cặp chân giò lợn; vài chục bánh đa kèm thêm với mấy chục bánh trứng cáy. Ở vùng tôi chỉ có cua mà không có cáy. Nhưng ở vùng Đậy, Đọ phía cuối huyện, sang Đông Triều, Kinh Môn, Thủy nguyên… thì cáy nhiều vô kể. Chúng thường sống trong các ruộng cói hay bãi cỏ hoang. Giống cáy rất nhát. “Nhát như cáy ngày” mà. Hơi thấy động là chúng chen chúc nhau chạy cho xa. Người đi bắt cáy biết vậy nên chỉ cần đào một cái hố to bằng cái thúng nhưng sâu sâu xuống để đón lõng. Người ta ra phía đầu kia đánh động để lừa cáy. Cáy sẽ từng đàn xô nhau chạy và sa xuống hố. Thấy đầy hố thì ra xúc đổ vào sọt đựng cáy gánh về. Mùa cáy trứng thì con cái nào cũng đầy một bụng trứng. Người ta bóc yếm đem chỏa vào những chậu nước sạch để tách trứng ra khỏi yếm. Rồi người ta lấy vải lọc lấy trứng. Úp bát xuống, lấy chôn bát làm khuôn, gạt trứng cáy vào. Khi trứng cáy đã đông cứng thì bóc ra đem phơi nắng cho khô kiệt. Rồi lấy dây cói buộc thành từng chục đem ra chợ bán. Mắm cáy, trứng cáy là món ăn đầu vị của gái đẻ. Trứng cáy thường dùng để nấu canh bánh đa cho gái đẻ ăn. Còn mắm cáy thường được trưng lên cùng với hạt tiêu cho thành một thứ bột mằn mặn, cay cay, thơm thơm làm thức “ăn khem” cho gái đẻ vài ba tháng đầu. Gái đẻ làng tôi hầu như người nào trước khi “nằm ổ” cũng chuẩn bị sẵn cho mình một hũ mắm cáy. Một số nhà có điều kiện hơn còn chuẩn bị thêm một hũ rượu cẩm cho thật ngấu. Ngoài các món ấy ra gái đẻ làng tôi còn hay tẩm bổ bằng nước đái trẻ con. Nhất là nước đái trẻ con buổi sáng sớm khi vừa ngủ dậy. Ngày thím Đặng đẻ đứa đầu lòng, tôi mới lên năm tuổi. Sáng nào thím cũng bảo chị Bất đem bát sang, đánh thức tôi dậy, bảo đái vào bát cho thím một bãi. Tôi mắt nhắm mắt mở, lậng chậng bước ra đầu hè. Chi Bất cầm bát hứng, còn tôi thì tự nhiên vạch cun ra tè vào bát. Tôi chỉ tè một lúc là đầy bát. Bát nước giải nóng hổi, trong vắt. Cũng li ti một chùm tăm và làu nhàu một ít bọt. Chi Bất chun mũi bưng về. Tôi lại vào giường đi ngủ tiếp. Chị Bất kể: hôm nào về thím Đặng cũng một tay bịt mũi, còn tay kia bưng bát nước giải quý của tôi để lên miệng tu một hơi cạn sạch.
Người nhà quê không có chế độ nghỉ đẻ. Chỉ tùy điều kiện từng nhà và tùy theo tình hình mùa vụ mà gái đẻ làng tôi nghỉ nhiều hay nghỉ ít. Đẻ vào những “ngày ba tháng tám” nông nhàn thì được nghỉ nhiều. Đẻ vào những ngày mùa vụ thì nghỉ ít. Các bà già vẫn thường khuyên con cháu “kiêng kỹ” và “tránh làm non” để sau này khỏi phải “trả giá”. Nhưng xem chừng lời khuyên ấy cũng ít được thực hiện. Gái đẻ làng tôi đa phần cứ làm đồng cho đến ngày “trở dạ” thì mới nghỉ. Đi “nằm ổ” vài hôm là lại đi làm ngay. Nếu nhà nào không có đứa lớn bế đưa bé, “bồng nhếch bồng nhác con mèo tha con chuột” thì tất yếu phải đi mượn người ở. Nhà tôi và bác Hương vào diện “có đứa lớn” nên không phải thuê mượn gì. Riêng nhà thím Đặng, đẻ đứa thứ nhất thím nhờ được một đứa cháu gái là chị Bất sang giúp việc. Nhưng đến đứa thứ hai, chị Bất phải về quê đi lấy chồng, thím phải thuê người ở. Người ở cho thím lần này là Đỗ Như Hiến (Không phải họ Đỗ Đình nhà tôi). Ấy là bây giờ viết văn tôi viết cả tên cả họ ra như thế cho lịch sự, cho oai. Chứ ở ngoài đời lúc ấy, tôi chỉ gọi hắn là “thằng Hiến”. Thằng Hiến bằng tuổi tôi lại cùng làng với tôi. Bố hắn chết vì nạn đói năm 1945. Nhưng không chết vào lúc đói mà lại chết vào lúc no. Lúc lúa ngoài đồng đã đỏ đuôi rồi. Bố hắn ra gặt tỉa lấy mấy lượm về bỏ vào cối dã lấy gạo tươi ra nấu cơm ăn. Ăn no rồi mới chết. Chết no, nhưng lại là hậu quả của việc nhịn đói quá dài ngày nên vẫn gọi là chết đói. Mẹ hắn đi lấy chồng trên làng Thủy. Hắn ở nhà với bác Bằng hắn. Nhưng có ai thuê mướn thì bác Bằng vẫn cho hắn đi ở. Hiến người thập đậm, trông hơi phục phịch. Mà da thì đen nhem nhẻm. Hắn có một khối bìu to bằng quả trứng gà đeo bên cổ trái. Chỉ vì có cái bìu ấy mà trông hắn xấu giai hẳn đi, quái dị hẳn đi. Vì cùng bế em, nấu cơm,…lại gần nhà nhau nên tôi và Hiến thành thân nhau.
Tôi hay bế em sang nhà thím Đặng để cùng chơi với Hiến. Hiến là “đứa ở” nên hắn cũng giữ ý không tùy tiện bỏ nhà đi chơi. Sợ về chủ mắng. Còn tôi, tôi là người nhà, tôi không phải giữ ý như Hiến. Chúng tôi cùng nhau bày trò dỗ trẻ. Nhưng thực ra cũng là tự bày trò chơi cho mình. Mùa công cống thì bày trò câu công cống. Công cống là một loại sâu đào hang sống dưới đất. Con công cống chỉ to bằng cái đầu tăm. Thân công cống có mầu trắng đục chia nhiều đốt, có nhiều chân như chân rết. Đầu công cống có mầu nâu nhạt. Chắc đây là cái đầu sừng để dũi đất và cái hàm sừng để nhai nghiền thức ăn. Hang công cống chỉ là một cái lỗ tròn thẳng đứng vuông góc với mặt đất. Chắc là ban đêm công cống mới trèo ra khỏi hang đi kiếm ăn. Còn ban ngày thì chúng lại tụt xuống hang nằm ngủ. Ở những cái sân đất, hễ có hang công cống là biết ngay. Muốn câu công cống chỉ việc ra bụi tre tuốt lấy những cái lá tre non, vẫn còn đang cuộn tròn như những cái tăm và cũng được gọi tên là “cái công cống”. Tuốt những “cái công cống” về, cắm đầu non “cái công cống” xuống hang “con công cống”. Rồi ngồi yên quan sát. Hễ thấy ngọn “cái công cống” động đậy, thế nghĩa là “con công cống” đã “cắn câu”. Lúc bấy giờ chỉ cần cầm “cái công cống” từ từ rút lên là “con công cống” sẽ lên theo. Chỉ có vậy thôi mà được con nào bọn trẻ cũng hò reo ầm ỹ.
Những đứa bé thường hay khóc khi chúng đói hoặc khi chúng buồn ngủ. Chúng đói thì phải bế chúng đi xin bú. Xin bú là bế đứa trẻ đến những nhà có gái đẻ xin họ cho bú nhờ. Người phụ nữ con mọn thường có những bản năng đặc biệt về đứa trẻ. Dù làm gì ở đâu, nhưng con khát sữa là họ biết ngay. Nếu làm ở đồng gần là họ thường tranh thủ về nhà cho con bú. Nhiều khi cứ phải cho con mình bú một bên và cho con hàng xóm bú nhờ một bên. Gái đẻ làng tôi không ai từ chối việc cho con hàng xóm bú nhờ, bú chực cả. Nếu đứa trẻ khóc vì buồn ngủ, tức là chúng “gắt ngủ”, thì phải hoặc ôm ẵm rung rung, hoặc nằm võng đưa tít lên và hát ru cho chúng ngủ. Người mẹ nào ở làng tôi cũng đều thuộc những bài hát ru thông thường. Dì Khiêm nhà tôi thuộc khá nhiều bài hát ru và dì thường hát đổi bài đi trong mỗi lần ru. Nhờ thế tôi cũng học lỏm được khá nhiều bài ở dì. Mỗi lần ru em là một dịp tôi ôn lại bài, tôi tự kiểm tra mình xem đã thuộc bài hay chưa. Tôi hát để dẫn dụ em tôi đi vào giấc ngủ. Nhưng tôi hát cũng là tự dẫn dụ trí tưởng tượng của mình bay theo những cánh cò…Có rất nhiều những “cánh cò” trong các bài hát ru. Trong trí tưởng tượng của tôi thì những cánh cò ấy thường gắn liền với những không gian rất cụ thể của làng tôi. Chẳng hạn khi hát câu “Cái cò mà đi ăn đêm/Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao” thì cái cành mềm ấy nhất định là cái cành tre ở bờ tre nhà chú Đặng và cái ao mà con cò lộn cổ xuống cũng đích thị là cái Ao Rồng. Khi hát câu “Con cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non” thì cái bờ sông mà con cò đang lặn lội ấy lại chính là bờ con Sông Đào làng tôi. Tương tự khi hát câu “Con cò đậu cọc cầu ao/Ăn sung sung chát, ăn đào đào chua/Ngày ngày ra đứng cổng chùa/Trông về Hà Nội thấy vua đúc tiền” thì cái cọc cầu ao con cò đậu cũng là một cái cọc rất cụ thể ở cầu ao nhà ông Hội Thỉnh. Cái quả sung mà con cò ăn là quả sung của nhà chú Thụ. Ở cầu ao nhà chú Thụ tôi có cây sung thích lắm. Nó có dáng đứng thẳng. Thân to vừa đẫy ôm bọn trẻ con chúng tôi và sần sùi cổ thụ. Nó không rườm rà cành lá như nhiều cây sung khác mà chỉ có mấy cành gầy guộc trông như mấy cánh tay giơ lên trời. Nhưng quả của nó thì sai ơi là sai. Nó ra đầy thân, đầy cành. Có lẽ vì sai quá nên quả không to. Chỉ tầm ngón tay cái, ngón chân cái một thôi. Nhưng bỏ vào mồm mà nhai thì cứ ròn gau gáu và bùi nình nịch. Rồi cả đến cái cổng chùa mà con cò ra đứng cũng chính là cái cổng chùa làng tôi-tức cổng nhà ông Nho Mại. Đình chùa làng tôi biệt lập một khu riêng nên cổng chùa cũng thoáng đãng và mát mẻ lắm. Những ngày nắng gió tây nóng bức chúng tôi thường vẫn ra đây ngồi dưới bờ tre hóng mát. Có lẽ vì thế mà con cò cũng “bắt chước” chúng tôi cứ đứng ở đây mà ngóng về phía làng Dâu, phía Hà Nội chăng?
Tôi thường cũng giúp Hiến một số công việc mà chủ nhà giao cho. Nhất là việc hái quả. Bởi Hiến là người phục phịch, trông dáng hắn nặng nề nên hắn trèo cây vụng lắm. Tôi gầy gò nhẹ nhõm nên trèo cây thạo hơn. Nhà thím Đặng tôi có bốn cây quéo và một cây thị. Cây thị là nó tự mọc từ lâu đời rồi. Bây giờ nó đã thành một cây to. Nó đứng trên bờ rãnh phía tay trái điện thờ thổ thần và cách điện thờ chừng ba mét. Còn bốn cây quéo là do bác Trương Hương trồng từ ngày mới ra khu đống Xộp này ở cách đây đã vài chục năm. Bây giờ nó đã thành bốn cây quéo rất to đứng thành hàng chữ nhất vắt ngang qua đống Xộp. Giống quéo năm được năm mất. Chỉ thỉnh thoảng mới thấy nó có một năm sai quả. Những năm ấy tôi thường trèo cây vin cành hái hàng gánh quả để thím Đặng đem đi chợ bán. Giống quéo thường rất hay rụng quả mỗi khi có mưa dầm gió bắc tràn về. Vì thế cứ thấy có gió bắc to là chúng tôi lại chạy ra vườn và lần nào cũng mót được vài ba quả rụng. Nhưng quéo xanh ăn chua lắm. Nó chua gay, chua gắt. Chỉ cần một miếng to bằng ngón tay, đưa vào miệng nhai, cái chất chua lan ra là lập tức mặt mày nhăn nhó, run rẩy chân tay và ê ẩm cả người. Lúc ấy mà lại nhìn mặt nhau nữa thì càng buồn cười thêm. Mà cười trong lúc ăn chua cơ mặt rất hay bị chuột rút. Ở chỗ núm đồng tiền sẽ đau nhói và cứng đờ khó cân mặt lại được.Trông càng ngố đẫy. Bố tôi thì lại ăn quéo xanh một kiểu khác. Ông thái nhỏ quéo ra như người ta băm bầu băm bí rồi cho vào bát trộn đường vào, để khoảng nửa ngày rồi mới ăn. Ăn kiểu này thì dễ ăn hơn hẳn. Tôi cũng có thể đánh được hàng bát. Nhưng quéo chín cây thì ăn mới ngon lạ. Nó có mùi thơm riêng, vị ngọt riêng mê hoặc và hấp dẫn hơn hẳn các loại hoa quả khác. Có điều quéo chín thường hay có bọ. Nhưng không sao, cứ bổ ra, gạt bọ đi rồi cắt bỏ những phần bọ đào bọ ăn nham nhở trước. Phần còn lại ta ăn. Vẫn rất tuyệt. Duy nhất có một lần, đã sau tết mồng năm tháng năm rồi. Đã hết vụ quéo rồi. Thế mà tình cờ một hôm tôi nhìn lên ngọn cây quéo đầu đàn lại thấy lấp ló hình như là một quả quéo chín. Tôi trèo thoắt lên ngay. Đúng rồi. Một quả quéo nhỏ thôi, nhưng chín đỏ. Tôi bỏ túi mang về, bổ ra, không hề thấy một con bọ nào. Đó là một quả quéo chót vụ, trinh nguyên mà tôi cũng được thưởng thức trọn vẹn sự thơm ngon của nó.
Hiến chỉ ở cho nhà thím Đặng chừng hơn năm thôi. Sau này hắn đi đâu tôi cũng không biết nữa. Bác Bằng hắn trong cải cách ruộng đất trở thành cốt cán, cũng vào loại hống hách và vây vo. Nên đến sửa sai dân làng khinh bỉ. Ông ta vừa thẹn lại vừa sợ người ta báo thù, nên đã bỏ làng chạy lên quê vợ ở. Thế là dấu tích “dây mơ rễ má” của Hiến ở làng tôi không còn ai nữa. Nhiều lần tôi hỏi thăm người làng. Cũng có người cho biết: sau này Hiến có đi bộ đội một thời gian. Trong quân đội người ta đã cắt được cài bìu ở cổ đi cho Hiến. Xuất ngũ Hiến ra Quảng Ninh làm công nhân, cũng lấy vợ có con và một đôi lần dẫn vợ con về làng nhưng tôi không gặp.
Cuộc sống gia đình của bố tôi với bà mẹ kế cũng không suôn sẻ gì. Hai ông bà rất hay gằn hắt nhau vì chuyện vợ nọ con kia. Mỗi lần đi học xa về nhà tôi luôn thấy hai ông bà cãi nhau. Mặt dì Khiêm lúc nào cũng nặng như đá đeo, thủng thẳng đay lại chồng những câu rất khó chịu. Cho nên cứ mỗi lần về nhà là lòng tôi lại thấy nặng nề thêm. Gia đình không còn là tổ ấm của tôi nữa. Tôi rất ngại về nhà. Những tháng nghỉ hè, tôi thường tìm việc đi làm thuê, để kiếm thêm tiền nhưng chủ yếu là để khỏi phải ở nhà lâu. Năm thì đi đập đá vác đá ở Phúc Sơn, Kinh môn. Năm thì đi phụ nề xây cống, xây đập ở vùng núi Chí Linh. Cũng có năm thì ở lại thị xã Hải Dương đóng gói áo bông gửi lên miền Tây Bắc…Đã có lần tôi tiêu cực, tôi xin bố tôi cho tôi nghỉ học để ở nhà đi làm. Nhưng bố tôi không nghe. Bố tôi bảo: “ Mày ở nhà, không làm ruộng được đâu. Phải cố mà đi học. Mẹ mày mong như thế!”.
Mãi đến những năm gần đây quan hệ giữa tôi với dì Khiêm mới cởi mở thêm được chút ít. Nhất là từ khi tôi muốn kiểm chứng lại những ký ức của tôi về làng Riêng thì người duy nhất tôi có thể tin cậy được chính là dì Khiêm. Bởi người già làng tôi tuy cũng còn một số, nhưng người còn nhớ được rành rẽ có lẽ dì Khiêm là hơn cả. Chỉ có đám con “anh Ngà”, hễ gặp tôi đâu là chúng chỉ nhe răng ra cười trừ, chẳng biết nên gọi tôi bằng cậu theo ngõ mẹ, hay bằng chú (em) theo ngõ bố?





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét