Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI


BA CHÌM, BẢY NỔI, CHÍN CÁI LÊNH ĐÊNH- 5


Nơi tá túc mới của hắn ở Xứ Nhà Nàng thuộc khu phố Thị Nghè (nghe tên địa danh này tôi nghi ngờ lắm nên đã hỏi đi hỏi lại mấy lần. Hắn vẫn khẳng định như đinh đóng cột). Đây là nhà một bà bạn của vợ anh cảnh sát GT, người gốc Huế. Bà chuyên bán bún bò và các đặc sản Huế như bánh xèo, bánh bột lọc v.v… Bà không có cửa hàng mà gánh hàng lên phố bán. Chỗ bà hay bán là vỉa hè đường Lê Lợi.

Về đây ăn nhờ, ở đậu nên hắn lại phải phụ giúp bà chủ bán hàng. Vốn sáng ý, hắn học rất nhanh cách chế biến một số loại bánh đặc sản Huế (Cho đến giờ hắn vẫn tự hào về tay nghề của mình lắm, hắn bảo thỉnh thoảng vẫn trổ tài phục vụ vợ con mấy món này). Còn hàng ngày, hắn lại gánh hàng cho bà đi bán. Nhờ có đôi vai khỏe của hắn, số lượng hàng bán của bà được tăng lên nhiều. Hắn khoe cái gánh hàng ấy tuy chỉ là hàng rong song lại rất đắt hàng và có rất nhiều người nổi tiếng- đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ SG đến ăn. Chính trong thời gian này hắn đã được chiêm ngưỡng và nói chuyện với “người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng vì hôm nào nàng cũng đến ăn quà ở gánh hàng của hắn.

Cuộc sống của hắn cứ thế bình lặng trôi đi. Cái ăn, chỗ ở không còn là mối lo thúc bách nữa song hắn vẫn thấy bất ổn vì hình như cái đích tìm đường cứu nhà càng ngày càng xa rời hắn. Nếu cứ như thế này may ra chỉ đủ ăn chứ nói gì đến chuyện kiếm tiền giúp bố mẹ đổi đời. Nghĩ vậy, hắn quyết định đi tìm ông đại úy (bố thằng Nghị đen cùng lớp) cùng làng xem có thể nhờ vả gì được không?.

Giữa cái thành phố rộng lớn này tìm một con người chẳng dễ chút nào. Nhưng cuối cùng hắn cũng tìm được ông. Đó là một ngày tháng Ba năm 77. Nghe thằng cháu kể hết sự tình cùng những trắc trở mà nó đã gặp trong mấy tháng vừa qua, ông tỏ ra thương cảm hết sức. Ông dẫn hắn về căn hộ số 24 của cư xá Na- ti- o- nal (sau đổi tên là cư xá Thái bình) và giao chìa khóa cho hắn, cho hắn toàn quyền sử dụng. Đây là căn hộ ông được phân tạm song vẫn chưa dùng đến vì không tiện chỗ làm việc. Mà ở chỗ ông làm việc lại tiện nghi hơn và cũng vui hơn vì có anh em đồng đội cùng cơ quan. Hắn lờ mờ nhận ra một đoạn đời mới đang đến với mình.

Đang từ chỗ vô gia cư, chuyên ăn nhờ ở đậu giờ được làm chủ một căn hộ mới tinh, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt giữa cái thành phố xa hoa, rộng lớn này đối với hắn đúng là giấc mơ giữa ban ngày. Không phải lo đến chỗ trú thân, hắn bắt đầu tính chuyện làm ăn. Tuy nhiên, việc kiếm tiền ở đây cũng không đơn giản chút nào. Thử một vài công việc song thấy không ăn thua nên hắn vẫn chưa có việc gì làm ổn định.

Một hôm, hắn lang thang ra ga SG chơi mà cũng là mong may ra gặp được người quen từ Bắc vào ngõ hầu tính kế làm ăn. Người quen thì chẳng gặp song lại gặp khá nhiều dân buôn. Hồi này, thuốc lá sợi Lạng Sơn được dân Chợ Lớn rất chuộng. Hình như họ mua để chế biến làm giả thành một số loại thuốc ngoại đắt tiền thì phải. Cánh dân buôn từ Bắc vào đang gặp khó khăn về chỗ ở, chỗ chứa hàng… Ở khách sạn thì đắt, ở trọ các khu bình dân thì không an toàn v.v… Nghĩ đến căn hộ thênh thang của mình, hắn nhìn ngay thấy cách kiếm tiền.

Hắn lân la làm quen với họ rồi giới thiệu về mình và chỗ ở của mình. Nhìn mặt hắn, nghe hắn kể cũng thật thà, cánh dân buôn này khoái ngay. Về đây ở giá vừa rẻ, lại an toàn và tự do. Trong khi chờ tiêu thụ hàng vào và mua gom hàng ra thì tự đi chợ nấu cơm. Chi phí ăn ở sẽ giảm đi đáng kể.

Đầu tiên, hắn chỉ thu tiền ở. Sau đó tiến lên đi tìm mối tiêu thụ. Trường hợp gặp mối hàng có lời hắn cũng ôm vào để ăn chênh lệch. Cánh ngoài Bắc vào cũng muốn đánh nhanh rút nhanh nên nhiều khi họ cũng để lại cho hắn với giá khá mềm nên dần dần thu nhập của hắn đã tăng lên đáng kể.

Thấy cánh dân buôn phàn nàn mỗi khi vào ga thường hay gặp rắc rối với hội quản lý thị trường, nhất là khi mang nhiều hàng. Thường thì không bị bắt nhưng phải chi thêm tiền. Hắn nghiên cứu địa hình rồi thống nhất với họ là sẽ xuống hàng ở đoạn gần ga Hòa Hưng. Trước khi vào, họ sẽ điện báo (chưa có điện thoại như bây giờ) về số hiệu tàu, số toa và số lượng hàng cho hắn. Hắn sẽ lân la ở ga để nắm bắt giờ tàu đến. Khi đã nắm được rồi hắn thuê sẵn vài cái xích- lô phục sẵn ở điểm hẹn. Khi tàu chạy qua, nhận đúng ám hiệu của hắn họ sẽ thả hàng xuống. Ở dưới, hắn gom hàng và đưa lên xích lô chở về nhà. Tất nhiên, họ sẽ phải trả cho hắn thêm tiền nhưng đáng kể gì so với số tiền lẽ ra phải chi cho cánh QLTT và công an, nhân viên nhà ga.

Sau một năm làm công việc đó, hắn đã có số vốn kha khá. Ngoài việc sắm sửa cho bản thân những thứ thiết yếu cũng như một số thứ hắn vốn thích từ lâu như đồng hồ 3 chữ A, kính râm loại sang, 1 máy ảnh Ca- non loại xịn… hắn còn giắt lưng số vốn tương đương với 7 cây vàng. Đó là một số tiền quá lớn so với gia tài của gia đình hắn. Đúng lúc đó, ông đại úy cùng làng bất ngờ nhận quyết định về hưu. Ông bảo hắn cứ giữ căn hộ ấy mà ở. Thế là hắn nghiễm nhiên có nhà giữa Sài Gòn.

Tuy nhiên, giữa Sài thành phồn hoa đô hội và cuộc sống sung túc của bản thân không lúc nào hắn không nhớ đến bố mẹ và các em đang vất vả ở quê nhà. Hắn quyết định sẽ tìm cách về quê một lần. Khó khăn lớn nhất đối với hắn bây giờ là Giấy đi đường.

Dịp may đã đến với hắn. Tháng 3.1978 hắn gặp một ông chú họ cũng là người cùng làng đang công tác tại FAFIM SG (Phát hành phim, số 8 Lê Quý Đôn). Mặc dù chỉ là một cơ quan nhỏ song cũng có con dấu đàng hoàng. Khi biết hắn có nhu cầu, ông đồng ý làm cho hắn một Giấy công lệnh, coi như nhân viên của cơ quan đi công tác trên tuyến Bắc- Nam. Như được chắp thêm đôi cánh, hắn chỉ mua một ít quà rồi khóa cửa căn hộ, lên đường về quê ngay. Trong thâm tâm hắn định bụng sẽ làm cho bố mẹ một ngôi nhà xây, lợp ngói thật đàng hoàng. Với số tiền hắn đang có thì việc này là trong tầm tay.

Thấy con trai về khỏe mạnh, rắn giỏi, không ngoan hơn, lại có tiền… bố mẹ hắn phấn khởi lắm. Kể ra, hắn cũng đã thực hiện được phần nào lời hứa trước lúc lên đường 2 năm về trước. Tuy nhiên, khi hắn nêu ý định xây nhà thì bố mẹ hắn gạt đi với lý do không cần thiết lắm, hãy để vốn mà làm ăn đã (các cụ khổ quen rồi mà). Lại thêm chú em thứ ba ( chú thứ hai bị tai nạn nên nằm một chỗ) cũng hăng hái tham gia ý kiến là chưa nên làm nhà mà hãy làm ra thatạ nhiều tiền đã rồi làm nhà cũng chưa muộn. Nó còn đòi sẽ đi cùng hắn vào Nam để làm ăn. Nghe cũng thấy có lý nên hắn chỉ sửa sang lại nhà một chút cho đỡ dột nát, còn lại vẫn giữ tiền để chiến đấu tiếp.

Gần đến ngày trở vào, anh em hắn đi gom hàng. Dạo này, ngoài thuốc lá sợi còn một mặt hàng nữa cũng rất được thị trường SG quan tâm và lợi nhuận rất cao là thuốc pháo Bình Đà. Tuy nhiên, buôn mặt hàng này rất nguy hiểm vì chỉ sơ xuất một tý là gây họa như chơi. Còn nếu đã bị bắt thì sẽ bị tịch thu hoặc phạt rất nặng, thậm chí bị truy tố về hình sự. Biết vậy nhưng hắn vẫn quyết định sẽ mạo hiểm vì nếu không mạo hiểm, không có gan thì cũng chẳng làm nên trò trống gì.

Sau mấy ngày xuôi ngược, hai anh em hắn gom được kha khá 2 mặt hàng trên, đóng vào 4 va- ly và 2 ba- lô to. Đó là toàn bộ vốn liếng mà hắn có, chỉ để lại đúng 70 đồng để làm lộ phí. Một ngày đầu tháng 4 năm 78, hai anh em hắn tay xách, nách mang hùng dũng tiến vào ga Hà Nội. Chuyến hàng này nếu trót lọt sẽ đạt lợi nhuận tới 100% nên anh em hắn hý hửng lắm. Nhưng ai học được chữ ngờ. Khi bọn hắn đang sắp xếp hàng hóa trong toa thì một toán QLTT xuất hiện. Toàn bộ hàng hóa và người được đưa về trụ sở. Dẫu đã xin xỏ đến gãy cả lưỡi, cuối cùng hắn vẫn phải về không.

Thế là hắn trắng tay. Lần thứ ba và cũng là lần đau nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét