Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

BA CHÌM, BẢY NỔI, CHÍN CÁI LÊNH ĐÊNH- 7

Những ngày sau khi đi gặp T ở HN về là những ngày tháng vô cùng nặng nề đối với hắn. Một mặt, là sự suy sụp về tinh thần, tình cảm. Nói gì thì nói, khi người ta đã đặt niềm tin vào ai đó mà bị phản bội, bị phụ bạc thì hậu quả rất nặng nề về mặt tinh thần, có cảm giác như cả thế giới này đã sụp đổ. Một mặt là sức khỏe của hắn giảm sút một cách đáng sợ sau khi mổ. Tiền nong mang ra cũng đã đến hồi cạn… Tuy nhiên, cái làm hắn suy nghĩ nhất là con đường tương lai của mình. Sau bao nhiêu thăng trầm, vùi dập hắn nghiệm ra có lẽ mình không thích hợp với nghề buôn bán. Mà sức khỏe thế này thì lao động nặng cũng không phù hợp. Vậy phải tìm con đường nào đây?

Thời gian này, hắn cũng có điều kiện gặp lại một số bạn bè cùng học. Số không phải đi bộ đội (phần lớn số nữ sinh cùng khóa) thì hầu hết đã tốt nghiệp 10+3 (tương đương Cao đẳng sư phạm sau này) và về quê công tác. Số phải đi bộ đội mà còn sống trở về thì hầu hết cũng đã đi học lại. Nhìn các bạn phơi phới tương lai nha vậy hắn cũng chạnh lòng. Không muốn thua kém bạn bè, hắn quyết tâm đi ôn tập để thi vào đại học.

Hắn nộp đơn xin ôn thi ở Trường 10. Đó là trường văn hóa của quân khu 3 có nhiệm vụ nâng cao trình độ văn hóa cho các cán bộ đương chức, đồng thời ôn thi cho những người chuẩn bị ra quân. Ngoài ra, trường cũng tổ chức ôn thi cho các đối tượng khác (thí sinh tự do) để tăng nguồn thu. Hắn tuy cũng là bộ đội nhưng vì đã xuất ngũ lâu rồi nên không được hưởng chế độ gì mà phải đóng góp như một thí sinh tự do. Tuy vậy, khi nhập trường hắn vẫn được tín nhiệm cử làm lớp trưởng.

Năm đó, hắn đăng ký dự thi vào khoa Tài chính dầu khí của ĐH Mỏ- địa chất, còn NV2 là Trung cấp Quản lý ruộng đất. Cũng xin nói thêm là hồi vào cấp 3, sở dĩ hắn được chọn làm lớp phó học tập là vì thày chủ nhiệm chỉ biết căn cứ vào học bạ. Tuy nhiên, chỉ sau mấy tháng thì năng lực thực sự của hắn đã được bộc lộ. Thực ra hắn học không xuất sắc cho lắm nhưng vì Trường cấp 2 xã hắn cho “rộng” điểm nên các môn điểm đều cao (hầu hết điểm tổng kết năm lớp 7 của hắn là 5/5). Thế cho nên hết HK1 năm đó hắn đã bị phế truất. Với lực học như thế, lại bỏ bê nhiều năm nên hắn học lại khá chật vật. Tháng 7.1980, hắn tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH và nóng lòng chờ kết quả.

Tuy nhiên, kết quả thi không được như hắn mong đợi. Hắn chỉ được 12,5 điểm trong khi điểm chuẩn là 18 điểm. Thế là không có hy vọng gì vào Đại học. Nhưng qua các nguồn tin, hắn biết mình đủ điểm NV2 song phải vào Thanh Hóa để học. Tuy nhiên, mãi không thấy giấy báo nhập học, lại chẳng có rủng rỉnh tiền để vào tận Thanh Hóa mà hỏi, với lại cái bằng trung cấp này hắn cũng không ham lắm nên cũng không đoái hoài gì (Cho đến giờ hắn vẫn tiếc hùi hụi, giá hồi đó cứ đi trung cấp QLRĐ thì bây giờ thế nào chả là “ông địa chính” ở huyện, ở xã tha hồ mà hốt xìn).

Không đi đại học được, hắn buồn lắm. Người ta có câu “thua thày một vạn không bằng thua bạn một ly”. Mà hắn vốn là người có lòng tự ái khá cao nên sinh ra mặc cảm tự ty rất nặng, hắn chán đến nỗi chẳng muốn đi đâu, chẳng muốn gặp gỡ bạn bè nữa. Đúng lúc ấy, bố hắn đổ bệnh rồi mất (năm 1981), hắn trở thành trụ cột trong gia đình nên quyết định sẽ ở lại quê làm kinh tế để giúp mẹ nuôi các em. Lúc này, sức khỏe của hắn đã hồi phục kha khá nên mọi công việc đồng áng cũng như lao động nặng khác hắn đều đảm đương được. Thấy hắn khỏe mạnh, xốc vác bà con còn tín nhiệm bàu hắn làm đội phó đội sản xuất. Oách phết!

Tuy nhiên, hắn vẫn luôn hiểu rằng nếu cứ gắn bó với mảnh đất quê hương, lấy cái đ. Trâu làm thước ngắm cuộc đời thì không sao ngóc đầu dậy được. Vì vậy, ngoài việc sản xuất nông nghiệp hắn vẫn tranh thủ đi làm thêm nghề phụ. Sẵn có cái máy ảnh và ngón nghề học được, hắn rủ thằng Viện- một thằng bạn cùng xã, cùng học đi “đánh quả” ở vùng Sơn Động, Lục Ngạn (Hà Bắc). Cho đến lúc đó, vùng này vẫn là vùng sâu, vùng xa của Hà Bắc, ánh sáng văn hóa cũng như các dịch vụ văn minh chưa đến được. Vì vậy, hai thằng lên đó một mặt thì mua gom nông lâm sản, chủ yếu đậu tương (đậu nành) đem về Chí Linh bán, một mặt là chụp ảnh “dạo”. Nghĩa là, khi chụp chỉ nhận trước 1/3 tiền, một tuần sau lên trả ảnh sẽ nhận nốt. Ở đó có khá nhiều bộ đội đóng quân (sau CTBG Bắc, cả qđ2 kéo ra khu vực này). Mấy chú lính trẻ mới nhập ngũ đều khoái cái món này nên công việc chụp ảnh của hắn tương đối phát đạt, có ngày chụp được đến 2, 3 cuốn phim. Nói chung, công việc này thu nhập cũng không cao lắm nhưng cũng có đồng ra, đồng vào hơn hẳn chỉ làm nông nghiệp.

Mọi việc đang xuôi chèo, mát mái thì hắn lại gặp hạn. Chẳng biết do phim hay do kỹ thuật chụp mà sau một lần đi chụp dạo như thế về tráng phim thì thấy “cháy” sạch. Nhớ đến thái độ của mấy chú lính khi chụp hắn đâm sợ. Nếu như lần tới lên đó mà không có ảnh trả họ có khi sẽ bị quy cho là lừa đảo, chụp máy không phim và ăn đòn hội chợ cũng nên. Thế là hắn quyết định không lai vãng lên đó nữa và bỏ luôn nghề chụp ảnh dạo.

Không đi buôn bán, làm ăn xa nữa bây giờ hắn chỉ quanh quẩn ở chợ Sao Đỏ (thị trấn huyện lỵ của Chí Linh). Gà què ăn quẩn cối xay, thu nhập chẳng được bao nhiêu song có lẽ hắn đã gặp may vì chính ở đây, hắn đã gặp được người thôn nữ mà sau này trở thành phu nhân của hắn, mẹ của những đứa con hắn và thực sự là một phụ nữ đảm đang, đủ tài, đủ sức gánh cái cơ nghiệp rách nát nhà hắn.

Lần đầu tiên gặp D. ở chợ Sao Đỏ hắn đã thấy ở nàng có cái gì đó khang khác: cao lớn, khỏe mạnh hơn hẳn những cô gái nông thôn khác (D. cao gần 1,7 mét), tính tình thì vừa có cái chất phác của gái quê, lại có cái khôn ngoan của người buôn bán, mặt mũi cũng dễ coi nữa… Thế là hắn để ý đến nàng và bắt đầu cưa cẩm. Đầu tiên là vừo hỏi mua, hỏi bán. Sau tiến dần lên những mức độ cao hơn và bắt đầu tán tỉnh một cách bài bản. Với hắn, điều này không khó cho lắm.

Đời hắn, đến lúc đó cũng đã trải qua mấy mối tình và ít nhất là ba lần hôn nhân hụt. Cô gái con bà chủ xưởng bánh kẹo ở Long Thành tuy chưa có gì sâu đậm nhưng cũng kể như một lần. Cô thiếu nữ Sài Gòn nông nổi, bồng bột nhưng cũng là loại cả thèm, chóng chán. Sau lần đăng ký không được vì chưa đủ tuổi một thời gian thì cô không còn mết hắn nữa. Đến lúc đủ tuổi chẳng thấy cô nhắc bố mẹ thực hiện gì cả, chắc cô đã quên hắn và mối tình đầu đầy bồng bột của mình. Thế là hắn cũng quên luôn và coi như thoát được một cục nợ. Cô con gái ông chủ xưởng cưa thì cũng mới chỉ “đầu mày, cuối mắt”, lả lơi với nhau chứ chẳng nên cơm cháo gì. Còn T. cô gái Hà Nội ngọt ngào, quý phái… bao nhiêu thì lại cho hắn xơi một quả đắng bấy nhiêu. Qua mấy cuộc hôn nhân hụt ấy, hắn nghiệm ra một điều là hình như mình không thích hợp với các cô gái thành phố thì phải. Họ mà biết gia cảnh nhà hắn thì có khi còn không thèm tiếp xúc với hắn nữa cơ. Còn D. khác hẳn, có dịp mời D. về thăm nhà. Thấy nhà hắn khó khăn cô rất thông cảm và có vẻ như lại thương hắn hơn. Trong thâm tâm, hắn biết nếu có được D. cuộc đời hắn sẽ khá hơn.

Cũng may, trong họ của hắn có một bà cô lấy chồng ở làng D. (làng Trúc Thôn, xã Cộng Hòa). Được bà cô họ giúp sức, hắn đẩy nhanh tốc độ “cưa kéo”. Và hắn đã thành công, tháng 4.1982- D và hắn nên vợ, nên chồng.

Cả hai vợ chồng đều khỏe, đều là con nhà lao động, không nề hà khó khăn, lại biết buôn bán (tuy nhỏ) nên kinh tế gia đình cải thiện rõ rệt. Hắn tranh thủ đóng gạch rồi mua than về đốt. Cho đến khi vợ hắn sinh đứa con đầu lòng năm 83, hắn đã đốt được gần 2 vạn gạch, đủ để xây nhà.

Đứa con đầu lòng của hắn là con gái. Mong cho con không phải vất vả long đong như mình, hắn đặt tên con là Nhàn.

(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét