Thất vọng. Chán chường. Quay lại nhà bà cô không được. Quay lại kiếp tiều phu cũng không ổn nhưng trước mắt chẳng biết làm gì, hắn quyết định cứ về đó đã.
Trên chuyến xe đò về lại Cẩm Đường hôm đó hắn như kẻ mộng du. Thế nhưng những câu chuyện của mấy bà khách đồng hành cũng lọt vào tai hắn câu được câu chăng. Nghe đến hai chữ Cẩm Đường, hắn mới dỏng tai lên. Thì ra đây là mấy bà đi buôn đậu nành từ Cẩm Đường về Biên Hòa. Té ra, Cẩm Đường không chỉ là vựa củi mà còn là vùng chuyên canh đậu nành sản lượng cao. Nghe lỏm câu chuyện của mấy bà, hắn biết nếu mua đậu từ Cẩm Đường lên chợ Biên Hòa bán lời lãi cũng khá. Không còn gì để mất, hắn quyết định xoay sang buôn đậu nành.
Dồn tất cả vốn liếng còn lại, ngay ngày hôm sau hắn đi mua gom đậu, lại còn mua chịu nữa được hơn tạ rồi vần ra đường đợi xe. Ngay chuyến buôn đầu tiên hắn đã nhìn thấy mối lợi lớn vì cứ bỏ ra một vốn sẽ thu được gấp hai. Để có bạn đồng hành ngõ hầu giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau hắn rủ thêm một tên trong số tiều phu quen biết. Tên này vốn là một địa phương quân SG, nhà cũng nghèo, bố mẹ lại chết cả rồi mới đi lính. Khi đi lính lại chài được một cô đang làm y tá ở trạm xá của một khu công giáo. Hai người đã có con với nhau nhưng gia đình cô kia quyết không công nhận vì không môn đăng hộ đối, lại chẳng có tiền nộp cheo và tổ chức đám cưới. Sau giải phóng cô vợ vẫn được chính quyền mới cho làm việc ở trạm y tế, còn tên này thì lang thang. Ngày vào rừng chặt củi, tối về trạm ngủ với vợ nếu cô này trực. Khi nghe hắn rủ rê và phân tích mối lợi, tên này chịu ngay.
Sự nghiệp buôn bán đậu nành của bọn hắn có vẻ khá thuận buồm, xuôi gió. Cứ một ngày đi gom hàng, một ngày bắt xe đưa lên Biên Hòa từ 3 đến 4 tạ đậu, bọn hắn cũng có lời vài chục đồng. Lúc đó, như thế cũng đã là một món tiền lớn. Hắn chia cho bạn đồng hành một chút, còn lại dồn góp lại để tăng dần số vốn.
Nhưng dường như số hắn chưa đến lúc phát. Một ngày cuối tháng 9, tại ngã ba Tân Vạn hắn lại bị đội kiểm tra liên ngành tịch thu mất 4 tạ đậu. Đau hơn hoạn nhưng hắn chưa chịu lùi. Nghĩ bụng, hôm nay nó đã bắt thế này thì chiều sẽ không bắt nữa, móc túi còn 40 đồng (năm 76 thế là khá lớn rồi) hắn đưa cho tên đồng hành: “Tao ở đây xin xỏ chúng nó được ít nào hay ít ấy. Mày quay về Cẩm Đường làm luôn một chuyến nữa chắc sẽ không bị bắt đâu”.
Chờ mãi đến gần tối. Hàng thì xin không được. Thằng bạn đồng hành cũng mất hút chẳng thấy đâu. Hắn bắt xe về Cẩm Đường tìm bạn. Mãi mấy hôm sau mới thấy mặt ông bạn đồng hành. Tên này quỳ xuống xin lỗi hắn: “Vì quá nghèo nên không làm được đám cưới để gia đình vợ công nhận, hai vợ chồng cứ chui lủi mãi. Bây giờ có món tiền anh đưa, em cũng định đi mua đậu nhưng vợ em nó nói mãi chuyện cưới xin. Thế là đành bỏ ra để làm đám cưới. Em biết lỗi rồi. Sau này làm ăn được em sẽ trả”. Hắn phất tay bỏ đi không nói một lời.
Thế là hắn trắng tay lần thứ ba.
Cho đến lúc đó, hắn thấy đời mình quá bế tắc. Mọi cánh cửa dường như đều đóng lại trước mắt hắn thì phải. Nhưng hắn không còn đường lui nữa rồi. Nhớ lại những lần nói chuyện với hội lái gỗ ở Cẩm Đường, hắn quyết định đi về Hố Nai tìm việc trong một xưởng cưa. Thấy hắn khỏe mạnh, thành thực một chủ xưởng cưa đã nhận hắn vào làm việc.
Có sức khỏe, lại đang bí nên hắn làm bằng 2, 3 người khác và dần dần lấy được cảm tình của ông chủ. Không chỉ thế, cô con gái của ông chủ có lẽ cũng có cảm tình với chàng trai Bắc. Nói gì thì nói, với một nước da trắng trẻo, một thân hình cường tráng, một sức làm việc phi thường, lại kèm theo đó là lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng, ngọt ngào… hắn hơn đứt tất cả những người xung quanh cô nên cô ta để ý đến hắn cũng là chuyện thường tình. Đã đôi lần cô chủ động tìm gặp hắn và buông lời trêu ghẹo. Bố cô ta cũng biết chuyện đó song làm lơ, mặc con gái muốn làm gì thì làm. Có vẻ như nếu việc đó mà thành thì ông cũng sẵn sàng chấp thuận. Biết thân phận mình, hắn chưa dám có động thái gì. Về đây, hắn kết bạn với Chín, một thượng sĩ QLVNCH vừa mới đi cải tạo về. Mặc dù đã từng đứng hai bên chiến tuyến song bây giờ họ lại trở thành đôi bạn thân cùng chia ngọt sẻ bùi với nhau. Anh ta lớn hơn hắn gần 10 tuổi nên hắn coi Chín như một người anh của mình.
Thời kỳ này, các xưởng cưa ở đây đã thực hiện ‘công tư hợp doanh”- nghĩa là xưởng vẫn do các chủ tư nhân làm chủ nhưng công việc thì theo kế hoạch của nhà nước. Tuy nhiên, sự tin cậy giữa hai bên cũng còn ở mức độ và có nhiều chuyện phải giữ miếng với nhau, thậm chí giấu diếm nhau. Hắn đã từng thấy dưới nền xưởng cưa nhiều súc gỗ cẩm lai được chon giấu không khai báo. Trong tình thế đó, sự có mặt của hắn ở đây là không bình thường. Hiệp hội chủ các xưởng cưa đặt vấn đề với chủ xưởng của hắn: “Tại sao một ông bộ đồi Bắc Việt hẳn hoi, lại có văn hóa mà phải đi làm thuê cực nhọc thế này?”. Và họ đã tự tìm ra câu trả lời: “Chắc chắn hắn là điệp ngầm của chính quyền cài vào đây để do thám tình hình”. Một kế hoạch bí mật thủ tiêu hắn được vạch ra.
May cho hắn, chàng thượng sỹ VNCH nghe lỏm được câu chuyện. Biết hắn không phải người xấu nên anh ta rỉ tai cho hắn biết âm mưu của hội kia và khuyên: “Mày không sống ở đây được nữa đâu. Nguy hiểm lắm”. Biết hắn chẳng còn đi đâu được, anh ta bảo sẽ đưa hắn về tá túc ở nhà của anh mình trên Sài Gòn. Không còn con đường nào khác, hắn đành liều nhắm mắt đưa chân. Một đêm cuối năm 76, hai người lẳng lặng rời bỏ Hố Nai.
Anh trai của Chín vốn là một cảnh sát công lộ của chính quyền cũ. Sau giải phóng anh vẫn được trưng dụng trong ngành CSGT của thành phố. Bà chị dâu thì bán nước mía, thường bán ở trước cửa cụm rạp Bến Thành. Thấy em trai đưa hắn về giới thiệu, lại nhìn bộ mặt hiền lành chất phác của hắn anh chị thông cảm và đồng ý cho hắn tạm ở lại nhà mình.
Nhà của họ ở khu vực Thị Nghè nên hàng ngày hắn phải đẩy xe cho chị chủ nhà ra nơi bán hàng rồi phụ quay nước mía, bưng bê, rửa cốc, dọn bàn ghế v.v… đến tối lại đẩy xe về. Công việc cũng không đến nỗi vất vả nhưng tất nhiên thu nhập chẳng được là bao, coi như đi làm mướn mà được chủ nhà bao ăn ở thôi. Hắn cũng định ở tạm một thời gian rồi phải học một nghề gì đó hoặc tìm một công việc khác.
Nhà anh chị này có một cô con gái lớn. Hắn chẳng biết nó bao nhiêu tuổi nhưng đã phổng phao và ra dáng một thiếu nữ rồi. Vì hắn do chú Chín đưa về nên lúc đàu nó gọi hắn bằng chú. Sau vài ngày nó bảo hắn chỉ hơn nó vài tuổi nên nó không gọi bằng chú nữa mà chuyển sang gọi bằng anh. Hắn cũng chẳng có ý gì song con bé càng ngày càng mê hắn mới lạ chứ. Mới ở gần nhau được chừng hai tháng mà con bé khăng khăng đòi lấy hắn làm chồng và giục bố mẹ tổ chức đám cưới. Hắn thấy thật sự khó xử.
Tuy nhiên, gia đình này lại rất chiều con gái. Anh chủ nhà bảo hắn về lấy giấy tờ lên để đăng ký kết hôn. Hắn suy nghĩ lung lắm và chưa biết quyết định thế nào nên quay xuống Long Thành kể chuyện với bà cô. Bà cô thành thực khuyên hắn nên đồng ý đi cho mọi cái ổn định rồi tìm kế làm ăn sau. An cư rồi mới lạc nghiệp mà. Hắn nghe lời và xin giấy chứng nhận chưa có vợ lên SG (trước đây bà cô họ của hắn đã nhập khẩu hắn vào hộ của bà). Tuy nhiên, khi ra chính quyền phường thì mới biết cô bé này chưa đầy 17 tuổi, chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Thế là hắn chưa bị lấy vợ. Không biết là may hay rủi đây? Gia đình ông chủ nhà bảo hắn cứ ở lại, đợi khi nào cô bé đủ tuổi sẽ tổ chức cưới. Hắn vâng dạ nhưng vẫn tính bài chuồn.
Nhưng cái sự ra đi của hắn lại đến một cách bất ngờ và theo cái cách không ai mong muốn. Từ chỗ tranh giành vị trí bán hàng, hàng chè bên cạnh đã gây sự dẫn đến xô sát với hàng nước mía của hắn. Thấy hắn to khỏe, nhà kia đã thuê cả mấy tay xã hội đen đến. Một cuộc hỗn chiến xảy ra. Tuy không bị thương tích gì nhưng hắn buộc phải lánh đi vì sợ hội xã hội đen trả thù.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét