Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

CHUYỆN BẠN BÈ TÔI

BA CHÌM, BẢY NỔI, CHÍN CÁI LÊNH ĐÊNH- 6

Hết sạch vốn liếng nhưng hắn vẫn còn căn hộ tại SG nên quyết định sẽ lại vào đó để tính đường làm ăn tiếp. Từ Hà Nội, quay về quê vay mượn anh em, họ hàng được 200 đồng, hắn lại gom hàng đánh tiếp vào SG. Cứ thế hắn quay vòng thêm vài chuyến. Tuy nhiên, do vốn quá ít nên lời lãi chẳng được bao nhiêu nên hắn cũng nản.

Đang khó khăn thì trên một chuyến tàu hắn gặp Nguyễn Đăng V.. V. vốn người Hà Nội, đang làm cán bộ tổ chức của một nhà máy cơ khí song vẫn tranh thủ đi buôn hàng Bắc- Nam. Ý hợp tâm đầu, sau vài chuyến đi hắn và V. kết nghĩa anh em và làm ăn chung. Mặt hàng anh em hắn đánh dạo này chủ yếu là các loại thuốc lá và thực phẩm cao cấp được mua từ Cục phục vụ ngoại giao đoàn và các sứ quán nước ngoài ở HN tuồn ra. Dân thượng lưu SG vốn chuộng những thứ đó từ ngày trước, trong khi đó do bị cấm vận và nguồn hàng nhập không có nên mang vào được sẽ thu lợi nhuận khá cao. Ngoài ra, do đang là thời kỳ ngăn sông cấm chợ ráo riết nên gạo ở SG rất hiếm. Vì vậy, mỗi khi đi qua miền Trung anh em hắn còn chất thêm vài tạ gạo lên để kiếm thêm. Sau khoảng nửa năm làm ăn như vậy, hắn đã khôi phục được số vốn gần bằng trước.

Mọi việc đang suôn sẻ thì hắn lại gặp chuyện không hay. Cuối năm 78, ông chú họ ở FAFIM bị bắt. Nguyên nhân là do chuyện cấp Giấy công lệnh sai quy định. Một người được ông cấp giấy đã lợi dụng dẫn theo một số kẻ gian người Hoa ra Bắc lên biên giới. Bị bắt, Giấy công lệnh rành rành tên người ký và dấu cơ quan. Thế là ông không chối được đành cho tay vào còng. Có hai ông chú như chỗ dựa tinh thần, nay một đã về quê, một thì bị bắt nên hắn cũng buồn.

Không chỉ có vậy. Trên một chuyến tàu Thống Nhất, khi tàu dừng tại ga Tháp Chàm tránh lũ, hắn và V. lại bị QLTT sờ gáy. Đây là cao điểm của thời kỳ “ngăn sông, cấm chợ” nên việc kiểm soát rất gắt gao. Giá như không có trận lũ thì anh em hắn có thể thoát, đằng này phải nằm lại ga đến 2- 3 ngày mới nên chuyện. Đau hơn nữa, đây là chuyến hàng lớn nhất của anh em hắn. Ngoài thuốc lá và thực phẩm cao cấp ra, mấy tạ gạo mua thêm ở Quảng Ngãi nay cũng mất nốt.

Hắn trắng tay lần thứ tư.

Sau 4 lần trắng tay, hắn nản lắm và cho rằng mình không có số đi buôn. Hắn bắt đầu nghĩ đến việc phải tìm con đường khác. Đúng lúc ấy, hắn bị “sét đánh”. Trên một chuyến tàu từ HN vào SG, hắn đã bị một cô gái Hà Nội hớp mất hồn. Đó là Thái Thị T., người phố Đội Cấn, một nhân viên của hãng DIHAVINA vào miền Nam thăm bác. Hắn trở thành phu khuân vác và người hướng dẫn du lịch tự nguyện cho cô. Cô gái không xinh lắm nhưng có duyên, lại khéo nói chuyện nên hắn mê như điếu đổ. Vào SG rồi, hắn đưa nàng đến tận nhà bác. Những ngày sau thì rước nàng đi thăm thú tất cả những nơi đẹp nhất của Sài thành, chiều chuộng nàng hết mực. Cô gái cũng càng ngày càng mến hắn. Vì vậy, chỉ sau hơn một tháng gần nhau tại SG, hắn và T đã tính đến chuyện trăm năm. Tuy nhiên, T không thể ở lại SG vì còn gia đình, vì công việc. Còn hắn, đang có chỗ ở và những mối làm ăn ở SG nên nếu ra sẽ gặp khó khắn. Cuối cùng, Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Sức mạnh tình yêu đã thắng, hắn quyết định sẽ theo T. ra HN để cưới nhau.

Thời đó, để nhập khẩu vào HN là vô cùng khó khăn nhưng T đã giải thích cho hắn: “Theo quy định là con sẽ theo mẹ nên không lo về hộ khẩu của con. Còn hắn cứ lao động tự do không hộ khẩu cũng chẳng sao, khối người như vậy rồi. Đến bao giờ người ta cho nhập thì nhập”. Chuyện ấy thì hắn đã quá quen nên không lấy thế làm điều. Về chỗ ở, ông anh kết nghĩa đã cho mượn 1 căn hộ ở khu TT Thành Công nên chẳng có gì đáng lo nữa.

Thế là hắn và T quay vào sắm sửa những đồ dùng thiết yếu cho một gia đình. Tuy không nhiều nhưng toàn thứ “xịn”: quạt trần Ý, quạt bàn Nhật, nồi i- nox v.v… Một ngày cuối năm 79 (ÂL), hắn khóa cửa căn hộ 24 cư xá Thái Bình lại và cùng T lên tàu ra Bắc.

Ra đến HN, hắn và T bắt tay vào việc sửa sang căn hộ và lo giấy tờ. Ngày 27 Tết năm đó, đôi tình nhân kéo nhau đến UBND khu phố Ba Đình xin đăng ký kết hôn. Mọi thứ đều hợp lệ song có lẽ đang mải chuẩn bị Tết nên những người có trách nhiệm ở đó góp ý: “Năm cùng tháng tận rồi, anh chị vội gì. Đằng nào rồi thì qua Tết anh chị mới làm đám cưới. Vậy thì để lại đến hôm đó đăng ký cũng không muộn”. Nghe thấy cũng bùi tai, cả hai quay về. Tuy nhiên, hắn đã cùng người yêu tận hưởng hạnh phúc cho đến 30 Tết mới về quê.

Đã mấy năm hắn không được ăn Tết ở nhà nên Tết này và cả nhà hắn và hắn đều vui. Lại đã có tý tiền nên cái Tết cũng khá “xôm”, đụng một góc lợn, giã mấy cái giò, gói vài chục cái bánh, từ bố mẹ đến các em đều được sắm sửa quần áo mới... Chưa bao giờ nhà hắn có cái Tết to thế. Riêng hắn càng vui tợn vì sắp lấy được vợ Hà Nội.

Qua Tết, thấy bố mẹ vẫn thiếu củi đun mà cái bụi tre cạnh nhà đầy gốc, hắn liền vác búa ra đánh. Mặc dù đã mấy năm bôn ba buôn bán song hắn làm vẫn khỏe lắm. Hắn tự nhủ: “đánh hết gốc cái bụi tre này thì đủ củi đun đến cuối năm”. Với niềm vui ấy, hắn làm hăng say lắm. Nhưng chỉ sang ngày thứ hai thì hắn giật bắn mình khi thấy mình bị đái ra máu. Chẳng biết bệnh tình ra sao, cả hắn và gia đình đều hết sức lo lắng. Đi bệnh viện huyện khám họ lại giới thiệu sang bệnh viện tỉnh nên càng lo. Hắn thoáng nghĩ đến những căn bệnh kín của nam giới mà có lẽ mình đã mắc phải sau mấy năm lang bạt ở SG nên càng lo dữ nên cấp tốc sang tỉnh ngay. Tại BV tỉnh, bác sĩ cho biết hắn bị sỏi thận, chính viên sỏi này đã “cựa quậy” khi hắn lao động nặng làm chảy máu trong đường tiết niệu. Khi hỏi có giải pháp nào người ta cho biết là phải mổ. Mặc dù vậy, hắn vẫn thở phào nhẹ nhõm.

Hồi ấy, những tiêu cực phí và nạn phong bì, phong bao trong bệnh viện chưa phổ biến như bây giờ nhưng với một ca mổ lớn như mổ thận thì cũng phải có chút chi phí bồi dưỡng. Thấy hắn có cái máy ảnh, ông CN khoa chỉ có yêu cầu là chụp cho ông và anh em trong khoa vài kiểu ảnh khi đang làm việc, còn lại thì miễn mọi chi phí. Hắn sướng rơn và đồng ý ngay, hắn hứa sẽ chụp cho khoa cả một cuốn phim chứ không phải chỉ vài kiểu như yêu cầu của CN khoa.

Khi vết mổ lành, hắn đã thực hiện đúng lời hứa của mình. Như một phóng viên, hắn được vào phòng mổ, phòng hậu phẫu… tác nghiệp. Với tất cả sự biết ơn của mình, hắn đã làm cho kho Ngoại BV một bộ ảnh rất đẹp. Ngoài ra, do ăn nói dễ nghe, lại hay giúp đỡ người khác nên được các cán bộ, nhân viên trong khoa rất quý mến. Một hôm, trong khi tâm sự với CN khoa, hắn hỏi: “Mổ như thế này thì có lấy vợ, sinh con được không?”. Ông CN khoa trả lời: “Không ảnh hưởng gì nhưng phải đợi ít nhất 3 năm cho các cơ quan hồi phục hoàn toàn đã”. Hắn nghĩ ngay đến T, thế là cái ý định ra Giêng cưới nhau của hai người đã tan như bọt xà phòng. Hắn liền viết thư cho T kể lại sự tình và đề nghị, nếu T vẫn yêu hắn thì chờ hắn một thời gian.

Thư đi rồi cũng chẳng thấy thư trả lời, cũng chẳng thấy T về thăm. Hắn biết thế là “xôi hỏng, bỏng không” rồi. Sau này, khi gặp lại, T cho biết đợt đó cô cũng bị sốt xuất huyết và cô đã phải bán hết những thứ hai người mua ra dạo trước để chữa bệnh. Hắn chẳng biết nói gì, chỉ lẳng lặng bỏ về quê. Thế là lại một lần nữa hắn coi như trắng tay, mất cả tiền lẫn tình.

(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét