Nguyễn Trãi
(1380-1442)
Nguyễn Trãi hiệu là Ức Trai, sinh năm 1380 tại Thăng Long, trong dinh quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Quê cha ở làng Chi Ngãi, huyện Phượng Sơn (sau đổi là Phượng Nhãn) lộ Lạng giang, nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Sau cha ông lại dời quê đến làng Ngọc ổi, huyện Thượng Phúc, xứ Sơn Nam thượng (tức làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây ngày nay).
Thuở nhỏ Nguyễn Trãi sống trong dinh ông ngoại (Trần Nguyên Đán) ở Thăng Long. Năm 1385, Trần Nguyên Đán xin về hưu ở Côn Sơn thì mẹ con ông cũng theo về ở tại đây. Sau khi mẹ và ông ngoại mất ông mới về Ngọc ổi ở với cha và được cha trực tiếp dạy dỗ.
Ngày 28 tháng 2 năm Canh Thìn (23 tháng 3 năm 1400), Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần lập ra nước Đại Ngu. Cũng năm ấy Nguyễn Trãi dự kỳ thi đầu tiên do nhà Hồ mở và đậu Thái học sinh (Tiến sĩ), được Hồ Quý Ly trao cho chức Ngự sử đài chánh chưởng. Năm 1407, nhà Hồ bị quân minh đánh bại. Cha ông là Nguyễn Phi Khanh cùng với nhiều quan chức cao cấp khác của triều đình nhà Hồ đều bị bắt đưa về Kim Lăng (Trung Quốc). Nguyễn Trãi có theo cha lên đến ải Nam Quan. Sau đó nghe theo lời di huấn của cha, ông trở về: “tìm cách rửa hận cho nước, báo thù cho cha”. Nhưng về đến thành Đông Quan ông lại bị tướng nhà Minh là Trương Phụ bắt, dụ ông ra làm quan nhưng ông không nhận. Trương Phụ định đem giết đi, nhưng nhờ được Thượng thư Hoàng Phúc can gián nên ông chỉ bị giam lỏng ở phía nam thành.
Trong khoảng thời gian từ 1407 đến khoảng1416 chưa rõ Nguyễn Trãi chỉ ở Đông Quan hay có đi đâu không? Ngay đến thời điểm Nguyễn Trãi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn tự bao giờ cũng còn nhiều ý kiến khác nhau: Có thuyết cho rằng ông tham gia từ hội thề Lũng Nhai năm 1416; có thuyết cho rằng ông gặp Lê Lợi ở Lỗi Giang vào khoảng 1420-1421; Theo truyền thuyết thì Trần Nguyên Hãn cùng Nguyễn Trãi đã vào ra mắt Lê Lợi từ rất sớm nhưng rồi lại ra đi sau đó mới trở lại. Có một điều chắc chắn là khi gặp Lê Lợi ông đã dâng cuốn “Bình Ngô sách”. Văn bản cụ thể của “Bình Ngô sách” nay không còn; Nhưng theo bình luận của các sử sách thì “Bình Ngô sách ít nói đến việc đánh thành nhưng lại bàn rất kỹ về cách “đánh vào lòng người” (mưu phạt tâm công) để cuối cùng giành lại độc lập cho dân tộc. Nếu vậy thì “Bình Ngô sách” quả là một đóng góp mới mẻ và độc đáo vào kho tàng mưu kế đánh giặc của ông cha ta.
Nhờ có “Bình Ngô sách” mà Lê Lợi đã trao cho Nguyễn Trãi chức Tuyên phụng đại phu, Hàn lâm thừa chỉ và luôn giữ ông bên cạnh để cùng bàn mưu tính kế đánh giặc.Trong suốt cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã đóng vai trò là người quân sư số 1 của Lê Lợi. Năm 1426, khi quân ta bao vây thành Đông Quan, Nguyễn Trãi được giao chức Thượng thư bộ Lại kiêm Hành khu mật viện sự. Tháng 10 năm 1427 đạo quân cứu viện của Liễu Thăng và Mộc Thạnh bị quân Lam Sơn đánh bại. Vương Thông trong tình trạng thế cùng lực kiệt đã sai người đưa thư đến bản doanh của Lê Lợi (lúc đó đóng ở Bồ Đề, thuộc xã Phú Viên, Gia Lâm ngày nay) xin giảng hòa. Các tướng thì khuyên Lê Lợi nên tiếp tục đánh lấy thành, nhưng Nguyễn Trãi do nắm được tình thế bên trong của địch, đã khuyên Lê Lợi tìm cách dụ hàng. Kết quả đúng như phân tích của Nguyễn Trãi, Vương Thông giảng hòa và kéo quân về nước.
Khi cuộc kháng chiến toàn thắng, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều Lê, đặt tên nước là Đại Việt, Nguyễn Trãi lại được giao việc thay mặt nhà vua viết “Bình Ngô đại cáo” tuyên bố hùng hồn về nền hòa bình và độc lập của dân tộc vừa mới giành được. Ông được ban Quốc tính, tước Quan phục hầu và chức Nhập nội hành khiển kiêm Lại bộ thượng thư. Nhưng trong hòa bình nội bộ triều đình nhà Lê lại nảy sinh những mâu thuẫn. Cuộc tranh giành quyền lực ngày càng gay gắt phức tạp, dẫn đến nhiều khai quốc công thần trở thành nạn nhân. Năm 1429, Lê Lợi cho bắt Trần Nguyên Hãn khiến ông phải tự tử. Cùng năm, lại cho giết và tịch biên gia sản của Phạm Văn Xảo, cũng là một đệ nhất công thần như Trần Nguyên Hãn. Bản thân Nguyễn Trãi cũng từng bị hạ ngục nhưng sau đó lại được tha.
Sau khi Lê Thái Tổ mất (1432), ông ít được tin dùng. Tuy được giao làm phụ chính chuyên việc dạy dỗ cho ông vua trẻ Lê Thái Tông (tức Lê Nguyên Long), nhưng trong tình hình nội bộ phức tạp ông thường bị cuốn vào những cuộc tranh chấp giữa các phe phái. Đó cũng chính là cái mầm hậu họa cho ông sau này.
Khoảng cuối năm 1437 hoặc đầu năm 1438 ông xin về hưu trí ở Côn Sơn. Nhưng đến năm 1439, vua Lê Thái Tông lại xuống chiếu vời ông ra giữ nguyên chức cũ kiêm Trung thư sảnh tri tam quán sự, lại kiêm coi việc quân, việc dân ở hai đạo Đông Bắc. Ông được vua cho ở Côn Sơn làm việc, thỉnh thoảng mới về triều. Tháng 3 năm Nhâm Tuất (1442) ông chủ trì kỳ thi Tiến sĩ và lấy Nguyễn Trực đỗ Trạng nguyên.
Nguyễn Trãi đang ngày càng được vua Lê Thái Tông tin dùng thì vụ án Lệ chi viên đột ngột xẩy ra, kết thúc một cách bi thảm cuộc đời ông. Nguyên do của vụ án như sau: Nguyên vương phi Nguyễn Thị Anh sinh ra Bang Cơ (sau này là vua Lê Nhân Tông 1443-1459) đã được vua Thái Tông phong làm Thái tử. Lúc đó lại nghe nói một bà vương phi khác là bà Ngô Thị Ngọc Giao được Ngọc hoàng thượng đế sai một vị tiên đồng xuống đầu thai. Sợ sau này con bà Ngô Thị Ngọc Giao có thể tranh đoạt mất ngôi Thái tử của con mình, nên bà Nguyễn Thị Anh đã tìm nhiều cách buộc tội bà Ngọc Giao để giết đi. Biết việc này, Nguyễn Trãi đã khuyên người vợ thiếp của mình là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ khuyên vua Lê Thái Tông không làm theo những lời xúc xiểm ấy. Vua Lê Thái Tông đã nghe theo, cho bà Ngô Thị Ngọc Giao dấu ra chùa Huy Văn và sinh con ở đây. Thấy ở Kinh đô khó che được tai mắt của bà Nguyễn Thị Anh, Nguyễn Trãi đã đưa mẹ con bà Ngọc Giao ra lánh ngoài An Bang (Quảng Ninh ngày nay). Nhờ thế mà mẹ con bà Ngọc Giao và Hoàng tử Lê Tư Thành (tức vua Lê Thánh Tông sau này) đã được bảo vệ an toàn.
Việc làm này của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ là một đóng góp vô cùng lớn lao cho lịch sử, nhưng đối với quyền lợi ích kỷ của phe phái Nguyễn Thị Anh lại là một tội lỗi không thể tha thứ. Trong tình hình ấy cái chết đột ngột của vua Lê Thái Tông ở Lệ chi viên đã tạo ra một cơ hội cho bọn chúng vu cho ông tội sai Nguyễn Thị Lộ tiến độc cho nhà vua. Bằng cực hình ép cung cuối cùng Nguyễn Thị Lộ đã phải nhận liều. Nguyễn Trãi bị ghép vào mức án cao nhất “Tru di tam tộc” và chỉ sau có 12 ngày kể từ khi vua Lê Thái Tông mất bản án đã được vội vã thi hành. Đó là vào ngày 19 tháng 9 năm 1442 (tức ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất), toàn bộ vợ con, anh em của Nguyễn Trãi, cả thảy 18 người đã bị chém đầu. Đây là một vụ án bi thảm nhất trong lịch sử Việt Nam và cũng ít gặp trong lịch sử loài người. Sau vụ án chỉ may mắn còn xót lại một người vợ ba của ông đang có mang, khi có lệnh truy nã bà được một người học trò cũ của Nguyễn Trãi đưa đi trốn thoát. Người ấy là bà Phạm Thị Mẫn. Sau này bà Mẫn sinh được một người con trai, lúc đầu lấy họ mẹ là Phạm Anh Vũ, đến khi Nguyễn Trãi được minh oan và phục chức mới đổi lại là Nguyễn Anh Vũ. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (Internet) dẫn theo gia phả họ Nguyễn thì Nguyễn Trãi có năm vợ: bà họ Trần sinh được Nguyễn Khuê, Nguyễn Ứng, Nguyễn Phù; bà họ Phùng sinh được Thị Trà, Nguyễn Bảng, Nguyễn Tích; bà Nguyễn Thị Lộ không có con; bà Phạm Thị Mẫn sinh được Nguyễn Anh Vũ (sau vụ án Lệ Chi Viên); bà họ Lê sinh ra con cháu ở chi Quế Lĩnh, Phương Quất - Kinh Môn, Hải Dương.
Sau vụ án Lệ Chi Viên, dòng họ Nguyễn Trãi ở Chi Ngãi, Nhị Khê gần như bị thảm sát hết. Trong các phả hệ ghi lại số ít thoát nạn là: Nguyễn Phi Hùng, em thứ ba của Nguyễn Trãi chạy về Phù Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh; Nguyễn Phù, con Nguyễn Trãi chạy lên Cao Bằng, đổi sang họ Bế Nguyễn; bà họ Lê, vợ thứ năm của Nguyễn Trãi, chạy về Phương Quất, huyện Kinh Môn, Hải Dương.
Bà Phạm Thị Mẫn, vợ thứ tư của Nguyễn Trãi, có mang ba tháng, được người học trò cũ của Nguyễn Trãi là Lê Đạt đưa bà chạy trốn vào xứ Bồn Man (phía Tây Thanh Hóa); sau lại về thôn Dự Quần, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Tại đây bà sinh ra Nguyễn Anh Vũ. Để tránh sự truy sát của triều đình, Nguyễn Anh Vũ đổi sang họ mẹ là Phạm Anh Vũ.
Mãi 22 năm sau, năm Quang Thuận thứ 5 (1464) vua Lê Thánh Tông mới xuống chiếu tẩy oan cho Nguyễn Trãi, truy phong chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, tước Tán trù bá, cho Nguyễn Anh Vũ làm chức Tri huyện, lại cấp cho một trăm mẫu ruộng dùng vào việc thờ cúng. Năm năm sau, năm 1469, Lê Thánh Tông lại xuống chiếu sai Trần Khắc Kiệm tìm lại các tác phẩm của Nguyễn Trãi, vốn bị cấm tàng trữ từ khi ông bị tru di. Nhưng những bản của Trần Khắc Kiệm cũng thất lạc. Mãi đến thời Nguyễn, một người làng Nhị Khê là Dương Bá Cung đã đi khắp nam bắc dò hỏi sưu tầm lại các tác phẩm của Nguyễn Trãi và cho in trong Phúc Khê tàng bản vào năm 1868.
Tác phẩm của Nguyễn Trãi nay hiện còn: Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, Lam Sơn thực lục, Dư địa chí, Chí Linh sơn phú, Băng Hồ di sự lục, Lam Sơn Vĩnh Lăng thần đạo bi, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập ngoài ra còn có: Ngọc đường di cảo, Luật thư, Giao tự đại lễ, Thạch Khánh đồ xem như mất hẳn.
Nguyễn Trãi được tổ chức UNESCO của Liên hiệp quốc công nhận là Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới vào năm 1980, nhân dịp kỷ niệm 600 năm sinh của ông. Sau đây mời các bạn đọc một số rất ít bài văn bài thơ chữ Hán và chữ Nôm của ông có liên quan đến vùng đất Chí Linh
Thư dụ hàng thành Bình Than 1
Thư gửi ông chỉ huy sứ vệ Trấn Di họ An và các quan ở trong thành.
Ta nghe: Đức trời hiếu sinh, sức thần bất sát. Cất quân nhân nghĩa cốt ở yên dân. Ai theo lẽ ấy thì gặp mọi điều phúc, làm trái lẽ ấy thì vấp mọi tai ương. Bởi thế Đặng Vũ không giết càn, Tào Bân 2 giả cách ốm, so với việc Bạch Khởi 3 , Lý Quảng 4 thả ý giết hàng, tấm gương về sự báo ứng thiện ác còn thấy rành rành ra đó. Ta từ khi dấy nghĩa đến giờ, đối với những điều thuận đức, trái đức cố nhiên phải xử lý theo lẽ phải, nhưng khi lựa chọn giữa nghiệt hay khoan, tha cho hay lấy lại, ta chưa bao giờ không thể theo đức hiếu sinh của trời đất và cái tâm thà bỏ sót còn hơn giết lầm người vô tội 5 của thánh nhân.
Nay các ông với không đầy một nghìn quân cố giữ lấy một thành trơ trọi, ròng rã tháng năm chẳng thông tin tức. Ngày thành mất chẳng sớm thì chiều. Sở dĩ ta còn trì hoãn chưa vội đánh ngay là có ý để bọn các ông nhận rõ sự thể, xét lẽ thịnh suy, hoặc may trời nhủ bảo trong lòng, chuyển họa thành phúc để bảo toàn tính mệnh của cả một thành. Cái lẽ họa phúc đã ngay trước mắt, cơ thuận nghịch không thể làm ngơ. Như ở các thành Tân Bình, Thuận Hóa, Diễn Châu, Nghệ An, Tiền Vệ, Tam Giang, Thị Kiều, Đô đốc Thái cùng hai quan Đô ty họ Chu, họ Tiết, Bố chánh họ Kim, Án sát họTrương cùng là quan chỉ huy, Thiên hộ các thành, và các quan phủ, huyện đều đã hiểu ra thời thế mà ứng biến, cùng ta hòa giải để bảo toàn mạng sống cho dân chúng các thành. Khi họ ra khỏi thành, tịnh không ai bị xâm phạm mảy may, người nhà và vợ con đều được yên ổn vui vẻ. Thế thì cái lẽ trời cao ban phúc cho người thiện há có sai đâu! Còn cái thành Xương Giang tự cho là thành cao hào sâu, không biết lượng sức, dám lấy càng bọ ngựa mà chống lại cỗ xe. Ta vì luôn nghĩ đến nhân dân trong thành vô tội mà phải chết, nên mới không ngại phiền phức mà gửi thư đến, bảo cho cái lẽ họa phúc. Lại bảo Đô đốc họ Thái, và các quan chỉ huy tam ty, phủ, huyện đến cả dưới chân thành, hai ba lần hiểu dụ, mà bọn ấy vẫn mê muội cố chấp, tăm tối không biết sợ chết. Ta bất đắc dĩ mới điều tiếp cánh quân phụ lập tức tiến đánh. Vào giờ ngọ ngày mồng 8 tháng này, trống trận vừa mới nổi lên, thành liền bị tan vỡ. Đó chính bởi lỗi lầm của bọn chỉ huy Lý Nhiệm 6 để đến nỗi người trong cả một thành hóa ra máu chảy, há chẳng đáng đau xót lắm ru? Bọn các ông hãy xét xem, Thái Công thuận lẽ thì được hưởng phúc, mà bọn Lý Nhiệm trái lẽ thì bị mắc họa, ai được ai mất, người có tri thức hẳn nhận ra được ngay. Nếu còn cậy thành cao, hào sâu, không lấy việc xe trước đã đổ làm răn, thì ta e rằng thành trì của các ông không phải là nơi hiểm trở trời bày đặt ra mà không thể vượt qua được. Vả lại, lòng người quân tử nhân đức đâu nỡ để cho một ai không được yên chốn, huống chi là người của cả một thành gan óc bị lầy đất mà không xót xa trong lòng hay sao? Ta sở dĩ cứ tha thiết đem việc ấy khuyên dụ các ông chẳng qua là muốn thể theo đức hiếu sinh của thượng đế mà giữ toàn vẹn sự sống còn của nhân dân trong thành các ông mà thôi. Bọn các ông hãy nghĩ cho kỹ, chớ để hối về sau.
Thư nói không hết.
Phan Duy Tiếp dịch
Bùi Văn Nguyên hiệu chính
Chú thích:
1.Thành Bình Than: ở đất Chí Linh, nay thuộc Hải Dương, nên còn gọi là thành Chí Linh. Một bản chép tay chú: “Tức là Vệ Trấn Di”. Có lẽ gọi theo tên viên quan đứng đầu chăng?
2.Tào Bân (931-999): tự Quốc Hoa, người Chân Định (nay thuộc Hà Bắc Trung Quốc), từng giữ chức Thừa chỉ khu mật viện đời Tống. Năm Khai Bảo thứ 7(974) theo Tống Thái Tổ đi đánh dẹp phương nam, bắc cầu phao vây hãm Kim Lăng, đại phá thành, bắt sống Hậu chúa Lý Dực, nhưng không tàn sát hàng binh.
3.Bạch Khởi: thượng tướng quân nước Tần thời Chiến Quốc. Năm thứ 47 đời Tần Chiêu Vương(260 TCN),đánh nhau với quân Triệu ở Trường Bình(nay thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc),Khởi lập mưu đặt phục binh cắt đứt đường rút lui và vân chuyển lương thực của quân Triệu. Quân Triệu bị vây hãm, tuyệt lương thực trong 46 ngày, cuối cùng phải kéo hơn 40 vạn quân trong thành ra hàng Tần. Bạch Khởi sợ giữ hàng binh của Triệu lại sẽ sinh hậu họa, bèn chỉ chọn lấy 240 trẻ con thả về cho Triệu, còn lại đào hố chôn sống hết.
4.Lý Quảng: người Thành Kỷ, Lũng Tây(nay thuộc tỉnh Cam Túc), đời Hán, chức Kỵ lang uý, giỏi nghề cung kiếm, thời vua Văn Đế, Vũ Đế nhiều lần lập công đánh thắng giặc Hung Nô. Hung Nô rất sợ hãi, gọi Quảng là “Phi tướng quân”.
5.Còn hơn giết lầm người vô tội; lấy ý từ câu “Dữ kỳ bất sát cô, ninh thất bất kinh”, nghĩa là: thà làm trái với phép tắc thông thường còn hơn là giết lầm người vô tội.
6.Lý Nhiệm: người Vĩnh Khang(Trung Quốc), từng theo Minh Thành Tổ khởi binh, giữ chức Yên Sơn vệ Chỉ huy thiên sự, được thăng Đô chỉ huy thiêm sự. Năm Tuyên Đức nguyên niên(1426) được sai sang An Nam giữ thành Xương Giang. Ngày 8 tháng 9 năm sau(1427) thành thất thủ sau mấy tháng bị vây hãm. Lý Nhiệm phải tự sát.
1.Thành Bình Than: ở đất Chí Linh, nay thuộc Hải Dương, nên còn gọi là thành Chí Linh. Một bản chép tay chú: “Tức là Vệ Trấn Di”. Có lẽ gọi theo tên viên quan đứng đầu chăng?
2.Tào Bân (931-999): tự Quốc Hoa, người Chân Định (nay thuộc Hà Bắc Trung Quốc), từng giữ chức Thừa chỉ khu mật viện đời Tống. Năm Khai Bảo thứ 7(974) theo Tống Thái Tổ đi đánh dẹp phương nam, bắc cầu phao vây hãm Kim Lăng, đại phá thành, bắt sống Hậu chúa Lý Dực, nhưng không tàn sát hàng binh.
3.Bạch Khởi: thượng tướng quân nước Tần thời Chiến Quốc. Năm thứ 47 đời Tần Chiêu Vương(260 TCN),đánh nhau với quân Triệu ở Trường Bình(nay thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc),Khởi lập mưu đặt phục binh cắt đứt đường rút lui và vân chuyển lương thực của quân Triệu. Quân Triệu bị vây hãm, tuyệt lương thực trong 46 ngày, cuối cùng phải kéo hơn 40 vạn quân trong thành ra hàng Tần. Bạch Khởi sợ giữ hàng binh của Triệu lại sẽ sinh hậu họa, bèn chỉ chọn lấy 240 trẻ con thả về cho Triệu, còn lại đào hố chôn sống hết.
4.Lý Quảng: người Thành Kỷ, Lũng Tây(nay thuộc tỉnh Cam Túc), đời Hán, chức Kỵ lang uý, giỏi nghề cung kiếm, thời vua Văn Đế, Vũ Đế nhiều lần lập công đánh thắng giặc Hung Nô. Hung Nô rất sợ hãi, gọi Quảng là “Phi tướng quân”.
5.Còn hơn giết lầm người vô tội; lấy ý từ câu “Dữ kỳ bất sát cô, ninh thất bất kinh”, nghĩa là: thà làm trái với phép tắc thông thường còn hơn là giết lầm người vô tội.
6.Lý Nhiệm: người Vĩnh Khang(Trung Quốc), từng theo Minh Thành Tổ khởi binh, giữ chức Yên Sơn vệ Chỉ huy thiên sự, được thăng Đô chỉ huy thiêm sự. Năm Tuyên Đức nguyên niên(1426) được sai sang An Nam giữ thành Xương Giang. Ngày 8 tháng 9 năm sau(1427) thành thất thủ sau mấy tháng bị vây hãm. Lý Nhiệm phải tự sát.
Chuyện cũ về Băng Hồ tiên sinh 1
Băng Hồ tướng công là thân tộc nhà Trần. Cha là Nhập nội thái bảo, Uy túc công, húy Văn Bích, giúp triều Minh Tông thành nghiệp thái bình. Tổ là Văn túc vương húy là Đạo Tái, mười bốn tuổi thi đậu bảng nhãn 2 triều Thánh Tông đặc ân ban cho Văn phục 3 để tỏ ý yêu quý đặc biệt, khen là có tài Quản, Cát 4, có ý muốn dùng vào việc lớn; chưa kịp lên làm tướng, vương đã mất sớm.Tằng tổ là thượng tướng thái sư Chiêu Minh đại vương, húy là Quang Khải, con thứ của Thái Tông, đời Trùng Hưng 5 công to bậc nhất. Từng xuất chinh. Thánh Tông tặng hai cái cờ, bút ngự đề rằng:
Nhất đại công danh thiên hạ hữu
Lưỡng triều trung hiếu thế gian vô
Lưỡng triều trung hiếu thế gian vô
(Một thời công danh, thiên hạ có
Hai triều trung hiếu, thế gian không) 6
Công húy là Nguyên Đán, nếp nhà thi lễ, nòi giống thần minh, trăng trong gió mát, có nhã thú xa lánh cõi trần; ngày trắng tuổi xanh, có hoài bão một lòng vì nước. Xưa trong buổi Hôn Đức 7 bội loạn, đi theo hai vua Nghệ Tông và Duệ Tông chạy ra ngoài, đến khi dẹp yên được lập làm tướng.Giữ vững cơn lay động, gỡ mối sau buổi rối ren, trong khoảng mấy năm, trong nước yên lặng, người ta khen là hiền tướng. Dù là trẻ con, lính tráng, chẳng ai là không biết tiếng.
Từ khi họ Hồ được tiến dụng, giá ngầm bắt đầu đông.Công nói: “Người quân tử thấy cơ thì làm, không chờ đến cuối ngày”. Bấy giờ bèn dựng động Thanh Hư ở núi Côn Sơn, huyện Phượng Sơn để làm chỗ lui nghỉ. Động làm xong, Duệ Tông tặng ba chữ ngự bút lớn “Thanh Hư động”, nêu ở mặt bia. Nghệ Tông tự chế bài minh bia khắc vào lưng bia.
Công tuy thân gửi suối rừng, mà chí thì ở tông xã 8 ,tấm lòng ưu ái chưa từng một ngày quên 9. Hoặc đi hoặc ở, khi động khi tĩnh, đều là có ý can gián. Rút cục Nghệ Tông đều không xét đến. Do đó, họ Hồ uy thế càng thịnh, kẻ xu phụ ngày càng nhiều, thế nước ngày càng suy, không làm sao được nữa, cái chí lui về hưu của công mới quyết.
Đến cuối cùng ốm mà không uống thuốc, con cháu có người khuyên thì công nói: “Thời sự như thế, ta được chết là may rồi, sao còn cầu sống để thấy họa loạn? ” Công mất chưa được bao lâu, thì họ Hồ quả cướp nước, giết hại con cháu họ Trần không sót. Cái Trí sáng suốt thấy trước của công như thế đó. Thọ sáu mươi nhăm tuổi, Năm Canh Tý,10 tháng 11 ngày 14 ,mất ở nhà, táng ở núi Tam Giáp huyện Phượng Sơn.
Mẹ ta là con gái thứ ba của Công, mất trước Công.Ta trộm cảm việc Bành Trạch Đào công 11 làm truyện của ngoại tổ Mạnh phủ quân, My Sơn Tô công 12 chép chuyện cũ của Trình công, Hối Am Văn công 13 chép chuyện của Chúc công, cái lòng bi thương về suối lạnh trong thơ Khải Phong 14 thực đã đúc ở lòng ta 15. Cũng định dựng lại nhà ở dưới núi Côn Sơn để tứ thời cúng tế, mà chí chưa được thỏa. Nhân mượn thợ vẽ tranh, góp chuyện cũ chép ở sau, cất ở nhà để tỏ ý không quên, ngõ hầu cũng được gần với tấm lòng của Đào công, Tô công và Văn công vậy. Ngoài ra thì xem Thanh Hư động ký của Nhị Khê tiên sinh 16 soạn cùng các sách khác.
Thuận Thiên năm đầu17,Mậu Thân tháng trọng đông18
Tuyên phụng đại phu Nhập nội hành khiển môn hạ
hữu gián nghị đại phu đồng trung thư lệnh sự tứ kinh tử
ngư đại thượng hộ quốc Quan phục hầu, tứ tính Lê Trãi
Văn Tân dịch
Chú thích:
1.Băng Hồ: tên hiệu của Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi.
2.Bảng Nhãn: bậc đỗ thứ hai kỳ thi đình, sau trạng nguyên.
3.Văn phục: áo quần của quan văn.
4.Quản, Cát: Quản, tức Quản Trọng, người giúp Tề Hoàn Công(Trung Quốc) dựng lên nghiệp bá. Cát, tức Gia Cát Lượng, người giúp Lưu Bị lập nên nhà Thục(thời Tam Quốc).
5.Trùng Hưng: niên hiệu của Trần Nhân Tông.Thời Nhân Tông có hai niên hiệu là: Thiệu Bảo(1279-1284) và Trùng Hưng(1285-1293).
6.Sau hai câu này nguyên bản còn một đoạn dịch giả không dịch: Đủ thấy vương( tức Đạo Tái, ông nội của Nguyên Đán) là một bậc phi thường.Thọ 50 tuổi. Có Lạc Đạo tập truyền ở đời.
7.Hôn Đức: chỉ Dương Nhật Lễ, người con nuôi của Cung túc vương, được bà Hoàng thái hậu đưa lên làm vua(1369-1370) thay Dụ Tông mất vì Dụ Tông không có con. Nhật Lễ muốn đổi lại họ Dương để dứt ngôi nhà Trần, bị các quan tôn thất nhà Trần đem quân về bắt rồi giết đi. Sau đó lập Trần Phủ lên ngôi(tức vua Trần Nghệ Tông).
8.Tông xã: tức tông miếu và xã tắc, đây chỉ công việc triều đình.
9.Tiếp câu này nguyên bản còn một câu dịch giả không dịch, câu ấy là: Thường mượn thi ca gửi niềm trung phẫn.
10.Năm Canh Tý: tức là năm 1390.
11.Bành Trạch Đào công: tức Đào Tiềm, nhà thơ đời Tấn, từng làm quan lệnh ở Bành Trạch.
12.My Sơn Tô công: tức Tô Thức, hiệu là Đông Pha cư sĩ (nên thường gọi là Tô Đông Pha), quê ở My Sơn.
13.Hối Am Văn công: tức Chu Hy, Thạc nho đời Tống, hiệu là Hối Am, được ban thụy là Văn.
14.Thiên Khải Phong: thuộc Bội Phong trong Kinh Thi là lời người con gái tự trách thờ mẹ, trong đó có câu: “nơi đó có dòng suối lạnh” chứa đựng tấm lòng thương nhớ mẹ của người con.
15.Sau chữ “thực đã đúc ở lòng ta”, nguyên bản còn có một câu nữa, nghĩa là: “Huống chi con cháu của công hầu như không còn ai, di nghiệp ký thác, thật ở ta”.
16.Nhị Khê tiên sinh: tức Nguyễn Phi Khanh, con rể của Trần Nguên Đán, thân phụ của Nguyễn Trãi.
17.Thuận Thiên năm đầu: tức năm đầu của Lê Thái Tổ, nhằm năm Mậu Thân (1428)
18.Tháng trọng đông: tức tháng 11 âm lịch.
崑山歌
崑山有泉,
其聲冷冷然,
吾以為琴弦。
崑山有石,
雨洗苔鋪碧,
吾以為簞席。
岩中有松,
萬里翠童童,
吾於是乎偃息其中。
林中有竹,
千畝印寒綠,
吾於是乎吟嘯其側。
問君何不歸去來,
半生塵土長膠梏。
萬鐘九鼎何必然,
飲水飯蔬隨分足。
君不見:董卓黃金盈一塢,
元載胡椒八百斛。
又不見:伯夷與叔齊,
首陽餓死不食粟?
賢愚兩者不相侔,
亦各自求其所欲。
人生百歲內,
畢竟同草木。
歡悲憂樂迭往來,
一榮一謝還相續。
丘山華屋亦偶然,
死後誰榮更誰辱。
人間箬有巢由徒,
勸渠聽我山中曲。
其聲冷冷然,
吾以為琴弦。
崑山有石,
雨洗苔鋪碧,
吾以為簞席。
岩中有松,
萬里翠童童,
吾於是乎偃息其中。
林中有竹,
千畝印寒綠,
吾於是乎吟嘯其側。
問君何不歸去來,
半生塵土長膠梏。
萬鐘九鼎何必然,
飲水飯蔬隨分足。
君不見:董卓黃金盈一塢,
元載胡椒八百斛。
又不見:伯夷與叔齊,
首陽餓死不食粟?
賢愚兩者不相侔,
亦各自求其所欲。
人生百歲內,
畢竟同草木。
歡悲憂樂迭往來,
一榮一謝還相續。
丘山華屋亦偶然,
死後誰榮更誰辱。
人間箬有巢由徒,
勸渠聽我山中曲。
Phiên âm
Côn Sơn ca
Côn Sơn hữu tuyền,
Kỳ thanh linh linh nhiên,
Ngô dĩ vi cầm huyền.
Côn Sơn hữu thạch,
Vũ tẩy đài phô bích,
Ngô dĩ vi đạm tịch.
Nham trung hữu tùng,
Vạn cái thúy đồng đồng,
Ngô ư thị hồ yển tức kỳ trung.
Lâm trung hữu trúc,
Thiên mẫu ấn hàn lục,
Ngô ư thị hồ ngâm khiếu kỳ trắc.
Vấn quân hà bất quy khứ lai
Bán sinh trần thổ trường giao cốc?
Vạn chung cửu đỉnh 1 hà tất nhiên,
Ẩm thủy phạn sơ tùy phận túc.
Quân bất kiến Đổng Trác 2 hoàng kim
doanh nhất ổ?
Nguyên Tải 3 hồ tiêu bát bách hộc?
Hữu bất kiến Bá Di dữ Thúc Tề, 4
Thú Dương ngạ tử bất thực túc?
Hiền ngu lưỡng giả bất tương mâu,
Diệc các tự cầu kỳ sở dục.
Nhân sinh bách tuế nội,
Tất cánh đồng thảo mộc.
Hoan bi ưu lạc điệt vãng lai,
Nhất vinh nhất tạ hoàn tương tục Khâu sơn hoa ốc diệc ngẫu nhiên,5
Tử hậu thùy vinh cánh thùy nhục?
Nhân gian nhược hữu Sào Do đồ, 6
Khuyến cừ thính ngã sơn trung khúc.
Dịch nghĩa:
Bài ca Côn Sơn
Côn Sơn có suối
Tiếng nước chảy róc rách,
Ta lấy làm đàn cầm.
Côn Sơn có đá.
Mưa rửa rêu phô biếc,
Ta lấy làm đệm chiếu.
Trong nuí có thông,
Muôn chiếc lọng biếc um tùm,
Ta nằm nghỉ ngơi ở trong đó.
Trong rừng có trúc,
Nghìn mẫu in màu xanh mát lạnh,
Ta ngâm nga ở bên cạnh.
Hỏi người sao chẳng về đi,
Nửa đời người còn trói buộc mãi trong
đám cát bụi làm gì?
Muôn chung chín đỉnh có cần chi,
Uống nước lã ăn cơm rau tùy phận mình cũng đủ.
Người chẳng thấy Đổng Trác vàng chất đầy một ụ,
Nguyên Tải hồ tiêu tám trăm hộc?
Lại chẳng thấy Bá Di cùng Thúc Tề,
Chết đói ở núi Thú Dương không chịu ăn thóc?
Hiền ngu hai đàng không sánh nhau,
Cũng đều tự tìm cái thích của mình.
Người đời trong trăm năm,
Rốt cuộc rồi cũng nát với cỏ cây.
Vui buồn lo sướng đổi thay nhau,
Một tươi một héo vẫn nối nhau.
Ở nơi núi gò hay ở nhà cửa đẹp đẽ cũng là ngẫu nhiên,
Chết rồi còn ai vinh ai nhục?
Trên đời nếu có hạng Sào Phủ, Hứa Do ,
Xin khuyên các người hãy nghe ta hát khúc ca trong núi.
Dịch thơ:
Bản dịch thứ nhất
Côn Sơn có suối nước trong,
Ta nghe suối chảy như cung đàn cầm.
Côn Sơn có đá tần vần,
Mưa trơn rêu sạch ta nằm ta chơi.
Côn Sơn thông tốt ngất trời,
Ngả nghiêng dưới bóng ta thời tự do.
Côn Sơn trúc mọc đầy gò,
Lá xanh bóng rợp tha hồ tiêu dao.
Sao không về phắt đi nào,
Đời người vướng vất xiết bao cát lầm.
Cơm rau nước lã an thân,
Muôn chung nghìn tứ có cần quyền chi.
Gian tà những kẻ xưa kia,
Trước thì họ Đổng, sau thì họ Nguyên.
Đổng thì mấy vực kim tiền,
Nguyên hồ tiêu chứa mấy nghìn muôn cân.
Di, Tề hai đấng thánh nhân,
Nằm trên núi Thú nhịn ăn đến già.
Nào ai khôn dại ru mà,
Chẳng qua chỉ tại lòng ta sở cầu.
Trăm năm trong cuộc bể dâu,
Người cùng cây cỏ khác nhau chút nào.
Khóc, cười, mừng, sợ xôn xao,
Đang tươi bỗng héo biết bao nhiêu lần.
Nhục vinh thân cũng là thân,
Cửa ngăn nhà ngói trăm năm còn gì.
Sào, Do hai bạn tương tri,
Vào xem tớ đọc cho nghe bài này.
Nguyễn Trọng Thuật dịch
(Báo Nam Phong số 148)
Bản dich thứ hai
Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm.
Trong ghềnh thông mọc như nêm,
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.
Trong rừng có bóng trúc râm,
Dưới mầu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.
Về đi sao chẳng sớm toan,
Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi.
Muôn chung chín vạc làm gì,
Cơm rau nước lã nên tùy phận thôi.
Đổng, Nguyên để tiếng trên đời,
Hồ tiêu ăm ắp,vàng mười chứa chan.
Lại kìa trên núi Thú San
Di, Tề nhịn đói chẳng màng thóc Chu.
Hai đàng khó sánh hiền ngu,
Đều làm cho thỏa được như ý mình.
Trăm năm trong cuộc nhân sinh,
Người như cây cỏ thân hình nát tan.
Hết ưu lạc đến bi hoan,
Tốt tươi khô héo tuần hoàn đổi thay.
Núi gò đài các đó đây,
Chết rồi ai biết đâu ngày nhục vinh.
Sào, Do bằng có tái sinh,
Hãy nghe khúc hát bên ghềnh Côn Sơn.
(Thơ văn Nguyễn Trãi - NXB Giáo dục-1967)
Chú thích:
1.Vạn chung cửu đỉnh: “chung” là đồ dùng để đong thóc thời cổ; “đỉnh” là cái vạc ba chân.Vạn chung là muôn chung thóc chỉ bổng lộc của người làm quan cao tột bậc.Cửu đỉnh là chín cái vạc, tượng trưng cho chín châu của Trung Quốc. Cửu đỉnh được vua Hạ Vũ đúc và được xem là của báu truyền quốc trong các đời Hạ, Thương, Chu. Cửu đỉnh ở đây chỉ ngôi vua.
2.Đổng Trác: người đời Hán, làm Tinh Châu mục, đem quân về kinh đô tự đặt làm thừa tướng, phế Thiếu Đế, giết Hà thái hậu, lập Hiến Đế, dâm loạn, hung bạo, tự đặt làm thái sư, có ý muốn cướp ngôi, sau bị Lã Bố làm theo kế của Vương Doãn giết chết, gia sản bị tịch thu.
3.Nguyên Tải: người đời Đường, làm quan Trung thư thị lang đời vua Đường Đại Tông, chuyên quyền, tham nhũng, bài xích những người trung hiền, sau bị vua bắt phải tự tận.
4.Bá Di, Thúc Tề: hai anh em con vua nước Cô Trúc đời nhà Thương(tức Ân), khi Chu Vũ Vương đem quân đi đánh vua Trụ, hai ông cho là bất trung bất nghĩa cản đường can ngăn nhưng không được. Sau Vũ Vương diệt Trụ lập nên nhà Chu, hai ông bỏ vào núi Thú Dương ở ẩn, không thèm ăn thóc nhà Chu, chỉ hái rau vi ăn, cuối cùng chết đói.
5.Khâu sơn hoa ốc: chữ lấy từ một câu thơ của Tào Thực “Sinh tồn hoa ốc sứ, Linh lạc quy sơn khâu”(Khi còn sống thì ở nhà đẹp, đến khi chết thì về nơi gò núi).
6.Sào Do: tức Sào Phủ và Hứa Do, hai bậc cao ẩn đời vua Nghiêu.
Ngôn chí XIV
Vừa sáu mươi dư tám chín thu,1
Lưng gầy da xỉ 2 tướng lù khù.
Lâm tuyền thanh vắng bạn Sào-Hứa,3
Lễ nhạc nhàn chơi đạo Khổng-Chu.4
Bát cơm xoa nhờ ơn xã tắc,
Gian lều cỏ đội đức Đường Ngu.5
Tơ hào chẳng có đền ơn chúa,
Dạy láng giềng mấy sĩ nho.
Chú thích:
1.Câu “vừa sáu mươi dư tám chín thu: Đào Duy Anh giải thích là: “nếu làm tròn sáu mươi thì dư ra tám chín năm, có nghĩa là khoảng 51 hay 52 tuổi. Tính ra lúc đó là những năm 1429 hay 1430 trùng hợp với những năm mà Nguyễn Trãi bị nghi oan phải “Náu về quê cũ”(Chữ của Nguyễn Trãi trong bài thơ Mạn Thuật XI)
2.Lưng gầy da xỉ: có bản phiên “lưng cày da xẻ”(lưng thợ cày,da thợ xẻ), nhưng đều nói dáng vẻ và nước da xấu xí của người già.
3. Sào-Hứa: tức Sào Phủ và Hứa Do là những người tiêu biểu cho sự cao khiết. Tích xưa kể rằng: Sào phủ được vua Nghiêu tỏ ý nhường ngôi cho, ông đã từ chối không nhận và còn cho lời nói của vua Nghiêu làm bẩn tai mình nên xuống sông rửa tai. Vừa lúc ấy lại gặp Hứa Do cho trâu xuống sông uống nước, nhưng biết lý do Sào Phủ rửa tai cũng vội dắt trâu lên đoạn trên khúc sông mới cho trâu uống nước vì sợ bẩn mồm trâu.
4.Khổng-Chu: có người cho là Khổng Tử và Chu Đôn Di, cũng có người cho là Chu Công Đán và Khổng tử, nhưng đều có ý chung là những nhân vật tiêu biểu và đại diện cho Nho giáo.
5.Đường-Ngu: tức hai thời của vua Nghiêu và vua Thuấn.
30/4/2012
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét