Lê Quý Đôn
(1726-1784)
Lê Quý Đôn, chính tên là Lê Danh Phương,
tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, người
làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay thuộc thôn Phú Hiếu, xã Độc Lập, huyện
Hưng Hà tỉnh Thái Bình.
Lê Quý Đôn tư chất thông minh, lúc
nhỏ được coi là thần đồng. Năm 13 tuổi theo cha (Tiến sĩ Lê Phú Thứ) lên Thăng
Long học, 17 tuổi đỗ đầu thi Hương, khoa Quý Hợi (1743), nhân dịp này đổi tên
thành Lê Quý Đôn. Năm 26 tuổi đỗ đầu thi Hội, vào thi Đình đỗ Bảng nhãn khoa
Nhâm Thân (1752), khoa này không lấy trạng nguyên.
Khi đi làm quan, ông lần lượt được
bổ chức Thị thư Viện hàn lâm, rồi Toản tu quốc sử; Sau biệt phái sang phủ chúa
cai quản phiên binh, thăng trải qua nhiều chức:Thị giảng Viện hàn lâm, Học sĩ Bí
thư các, Đốc đồng xứ Kinh Bắc, Tham chính xứ Hải Dương. Sau đó, ông đã xin về hưu
viết sách. Khi Trịnh Sâm lên nắm quyền (1767) có mời ông trở lại làm việc, ông được phục chức Thị thư, được tham gia biên
soạn quốc sử kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám. Năm 1769 làm Tán lý quân vụ trong
quân đội của Phan Phái hầu đi dẹp cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Mật. Sau đó giữ các
chức: Phó đô ngự sử, Hữu thị lang bộ Công, Bồi tụng, Hành tham tụng...Năm 1778
chuyến sang Ban võ, chức Hữu hiệu điểm quyền phủ sự(quyền Tể tướng). Năm 1779 bị
giáng chức rồi lại được phục chức.
Lê Quý Đôn là người có trí nhớ phi
thường. Tương truyền chuyến ông đi sứ sang Trung Quốc (1760-1762), khi đi ông có
ghé vào ngồi trong một quán nước ở Lạng Sơn; Thấy cuốn sổ ghi nợ của bà chủ
quán, do thói quen đọc sách tự nhiên ông cầm lên đọc qua. Khi về qua đây, ông thấy
quán đã cháy rụi và bà chủ quán thì đang kêu gào thảm thiết vì cháy mất sổ ghi
nợ, không biết căn cứ vào đâu để đòi tiền. Lê Quý Đôn đã bảo bà chủ quán lấy giấy
bút cho ông và ông đã ghi lại đầy đủ nội dung cuốn sổ ghi nợ cho bà chủ quán nọ.
Ông cũng là người chăm đọc và chăm ghi chép, có lẽ vì thế mà vốn hiểu biết của
ông cực kỳ sâu rộng. Trước tác của ông cực kỳ phong phú và thuộc đủ mọi lĩnh vực: Đại
Việt thông sử (1749), Quần thư khảo biện (1757), đồ sộ nhất là bộ
Vân đài loại ngữ: Đây là bộ sách tổng hợp, hệ thống hóa tri thức nhiều ngành
khoa học, nghệ thuật...trong đó trích dẫn tới 557 cuốn sách, có cả sách châu Âu đã
dịch ra chữ Hán. Ngoài ra còn có các bộ: Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Toàn
Việt thi lục...
Sáng tác văn thơ không phải là đóng
góp chính của ông nhưng ông cũng để lại một số tập sau: Tiêu Tương bách vịnh, Quế
Đường thi tập, Quế Đường
văn tập (đã thất truyền) và
một số phú, kinh nghĩa, thơ, diễn ca bằng chữ Nôm.
Chúng tôi có tìm được một bài thơ của
ông viết về một ngôi chùa ở đất Chí Linh. Có thể là trong thời kỳ nhận chức Tham
chính xứ Hải Dương ông đã có dịp du lãm ngôi chùa này mà viết chăng?
Phiên âm
Hương Hải tự1
Kỷ niên hiên khoát viễn trần ai,
Thu thủy xuân sơn nhất giám khai.
Giang nguyệt bất tùy lưu thủy khứ,
Thiên phong thường tống hải đào
lai.
Tiên kỳ hoàn khách thôi thi tứ,
Ngọc ảnh lưu nhân động tráng hoài.
Tận nhật đăng lâm vô hạn hứng,
Tịch dương chỉ xích cận Bồng lai2
Dịch nghĩa
Chùa Hương Hải
Ngôi chùa cao rộng sáng sủa đã
bao nhiêu năm
xa cách cõi trần,
Nước mùa thu,núi mùa xuân,một bầu
gương
sáng mở ra.
Trăng lòng sông không theo dòng nước
chảy đi,
Gió ngoài trời thường đưa sóng
bể tràn lên.
Cờ tiên gọi khách dường như giục
tứ thơ,
Bóng ngọc quyến người muốn gợi tấm
lòng hùng mạnh.
Suốt ngày ngoạn cảnh niềm hứng
thú không kể xiết,
Tà dương gác bóng như gần cung điện
Bồng Lai trong gang tấc.
Dịch thơ
Bao năm cao rộng cách xa đời
Nước biếc non xanh một tấm soi
Gió bể đưa vào con sóng vỗ
Lòng sông nước chảy sáng trăng soi
Cờ tiên gọi khách lòng thêm hứng
Bóng ngọc quyến người gợi thú vui
Ngoạn cảnh suốt ngày khôn xiết kể
Tà dương gác bóng ngỡ Bồng Lai
Đỗ Đình Tuân dịch
Ghi chú
1-Hương hải tự : tức chùa Hương hải,
đặt tại thôn Tiền, xã Phụ Vệ, huyện Chí Linh(cổ), naylà Tiền Trung Nam Sách.
2-Bồng Lai: tên một hòn
núi trong ba hòn núi của tiên ở vùng biển Bột Hải (Trung Quốc). Ở đây chỉ cảnh đẹp
như cảnh tiên.
CÁC VỊ THIỀN DẬT Ở CHÍ LINH
1-Pháp Loa
Pháp Loa tôn giả, sinh nhằm năm Thiệu Phong thứ sáu triều
nhà Trần, tại thôn Đồng Hòa, hương Cửu La, thuộc Nam Sách giang (nay là thôn Tiền,
xã Phụ Vệ, phủ Nam Sách, tên cũ là Đồng Hòa, sau chia làm hai, một là thôn Đồng,
một là thôn Tiền. Thôn Tiền là chỗ chôn rau cắt rốn của tôn giả, thổ trạch ấy
bây giờ vẫn còn). Bà mẹ đêm nằm mộng thấy một người kỳ dị trao cho thanh thần
kiếm, mừng rỡ cất vào trong bụng, lúc tỉnh dậy thì có mang. Khi sinh, mùi thơm
lạ đầy nhà, lâu mới tan hết. Pháp Loa lúc còn bé thông minh rất sớm, không nói
lời thô tục, không ăn mùi hôi tanh, năm 28 tuổi, Nhân Tông ra chơi Nam Sách
giang, trông thấy, lấy làm kỳ dị và nói: “Thằng cháu này có con mắt đạo học,
sau tất làm tiêu biểu cho pháp môn”. Vả lại mừng về tương lai, nên đặt tên cho
là Hỉ Lai, sau thụ giới ở lều Kỳ Lân, mới đổi tên là Pháp Loa. Năm Hưng Long thứ
161, phong cho làm Trúc Lâm đệ nhị tổ sư. Lúc Nhân Tông tịch ở am
Ngọa Vân, nhà sư phụng xá lị2 vào yên trí ở đại nội 3 (việc
này có chép rõ trong Quốc sử). Sau Nhân Tông mất, nhà sư tu hành ở núi
Yên Tử. Sư Huyền Quang cũng theo nhà sư học đạo, không mấy lúc rời bên cạnh.
Anh Tông cho hiệu là Phổ Trí tôn giả, sau đó mỗi khi viết thư gửi cho nhà sư,
Anh tông đều xưng là đệ tử. Nhà sư phụng chiếu chỉ cầu mưa thường được linh ứng,
có dựng viện Quỳnh Lâm và các am Hồ Thiên, Chân Lạc, lại mở cảnh núi Côn Sơn và
Thanh Mai, năm 44 tuổi thì tịch, có bài kệ rằng:
Vạn duyên tài đoạn nhất thân
nhàn,
Tứ thập niên dư biến huyễn
gian.
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn,
Na biên phong nguyệt cánh
khoa khoan.
Tạm dịch:
Trần duyên cắt đứt được nhàn
thân,
Bốn chục năm hơn luống chuyển
vần.
Nhắn nhủ mọi người đừng viếng
hỏi,
Bên kia trăng gió rộng vô ngần.
Đệ tử dựng tháp ở núi Thanh Mai (Trên đây theo bia niên phả
trong tập sách của thị giả là Trung Minh mà thuật lại một cách sơ lược. Tương
truyền tập này Pháp chân tử Huyền Quang đã khảo đính. Nay ở chùa Hương Hải còn
phảng phất dấu vết có thể nhận được). Những nơi đã được nhà sư manh tích trượng
vân du, đều là danh lam cả. Còn chùa Hương Hải ở bản xã, từ trước vẫn tỏ linh ứng,
học trò đi thi, phần nhiều đến cầu báo mộng, không bao giờ là không ứng nghiệm,
đến nay vẫn thế.
(Kiến
văn tiểu lục)
2-Huyền Quang
Sư Huyền Quang, người thời nhà Trần,
học rộng, thơ hay, trong Việt âm thi tập có chép một bài thất ngôn tuyệt
cú của thiền sư, thì tựa hồ không phải khẩu khiếu nhà chùa, còn bài ngũ ngôn và
bài thất ngôn thì lời thơ cũng phăng phẳng. Trong Trích diễm thi tập có
chép một bài ngũ ngôn tuyệt cú và 21 bài thất ngôn tuyệt cú, thì thơ văn tinh tế,
rất có khí tượng cao siêu. Trong sách ấy chua rằng: “Thiền sư người xã Vạn Tải
huyện Vũ Ninh (sau đổi là huyện Gia Định, nay đổi là huyện Gia Bình), lúc lên
chín tuổi đã biết làm thơ văn, học tập về nghề nghiệp thi cử, 19 tuổi vào chùa
học đạo, tức là đệ tam tổ trong môn phái Trúc Lâm, có tập thơ Ngọc tiên
và các tập thơ khác lưu hành ở đời”. Cứ như thế thì tục truyền là thiền sư đỗ
trạng nguyên, sau từ quan về làm thày chùa, là không đúng. Tập Trích diễm do Hoàng Đức Lương biên soạn vào khoảng năm Hồng
Đức. Lúc ấy gần với thời đại nhà Trần, thì lời nói của Hoàng Đức Lương có lẽ
không sai,….
MẤY LINH TÍCH Ở CHÍ LINH
1-Đền
thờ Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư1, ở xã Linh Giang huyện Chí
Linh2, rất anh linh. Sử ký chép, Nhân Huệ vương thường bị
vua quở trách, phải về ở nhà. Khi Trần Thánh Tông chạy tránh giặc Nguyên ra Chí
Linh được gặp ông, lại cất nhắc giữ công việc trọng đại. Có lẽ chỗ ở của ông,
hoặc ở ngay nơi đền thờ, hoặc ở gần đấy, đều không thể khảo cứu được. Tục truyền,
triều đại trước, thường khảo hạch học trò ở bên cạnh đền. Một anh học trò làm
bài, đến đoạn chê trách những người làm bầy tôi, anh học trò khác hỏi: “Nên chê
trách ai?”, anh học trò ấy chỉ vào đền thờ Nhân Huệ vương để bảo ngầm cho anh
kia biết. Bởi vì kết luận của anh học trò ấy có câu rằng “Trần Khánh Dư chi
tham bỉ dã” (Trần Khánh Dư là người tham ô bỉ ổi). Đêm hôm ấy anh học trò nằm mộng
thấy Nhân Huệ vương bảo rằng: “Ta có phụ bạc gì nhà ngươi mà nhà ngươi đem ta
ra chỉ trích”. Khi tỉnh dậy, anh học trò lấy làm kinh dị. Ít lâu nay, địa phương
bị loạn, chùa miếu phần nhiều bị giặc cướp triệt hạ đem bán, phàm chùa miếu gần
sông cái, không còn một ngôi nào. Đền thờ Nhân Huệ vương ở bái sông, thường có
kẻ gian đến triệt hạ, khi trèo lên đền, liền bị hôn mê lảo đảo, không sao đứng
vững, người khác lại trèo lên, cũng bị như thế, sau họ dùng súng để bắn, hai lần
bắn súng đều không nổ, bèn không dám xâm phạm đến nữa. Đền ấy nay vẫn nguy nga.
2-Đền
Quốc Phụ ở xã Kiệt Đặc huyện Chí
Linh, là thổ trạch cũ của Trần Quốc Điền3 , quốc phụ thượng tể thời
nhà Trần, thổ trạch này liền với sông cái. Tục truyền ông có thuật lạ, cứ ba
ngày một lần vào triều, buổi tối còn ở nhà, buổi sáng hôm sau đã ở kinh sư. Bởi
lúc ấy đường thủy sông Thiên Đức4 thương lưu thông, ông dùng thuyền
nhỏ trèo mau, nên đi một đêm có thể đến kinh được. Ông bị người ta dèm pha mà
phải chết5, sau mới dựng đền thờ ngay chỗ thổ trạch của ông, đền vẫn
có tiếng linh thiêng. Trần Minh Tông thường đến chơi, bị ong vàng đốt cho vào
má bên trái mà chết. Đến nay cầu mưa đảo nắng đều ứng nghiệm cả. Tục truyền một
lần gặp đại hạn, người trong hương Kiệt Đặc rủ người xã Quảng Tân ở tổng khác
góp chung tiền gạo làm lễ cầu đảo. Những người ở xã Quảng Tân lấy cớ là cách
sông lớn không bằng lòng góp. Sau khi cầu đảo được mưa, thì chỉ mưa ở địa phận
bên bờ bắc sông lớn, còn một dải địa phận về bờ bên nam sông vẫn nắng. Người ta
đều lấy làm kinh dị.
3- Đền
thờ Cao Sơn Đại vương ở xã Lang giản huyện Chí Linh6. Tục truyền
rằng, đại vương tinh thông nghề làm thuốc, rất sở trường về môn chữa bệnh sởi đậu,
thường hiển hiện làm thày thuốc đi chữa bệnh. Trước kia có người ở Sơn Tây, con
bị lên đậu lên sởi, khi người này đi đường, gặp một ông già tự nói có thể chữa
khỏi bệnh, người ấy đón về, ông già cho thuốc, quả nhiên kiến hiệu, bèn hỏi chỗ
ở và họ tên, ông già nói: “Tên tôi là Cao Sơn, nhà ở xứ Đầu Hồ, xã Lang Giản,
huyện Chí Linh”. Người ấy theo lời, đến tạ ơn, khi đến nơi thì chỉ thấy trơ trọi
một ngôi đền thờ thần, cây cối um tùm, mới biết là hiển thánh, liền chiêm ngưỡng
lạy tạ rồi trở về. Thần nổi tiếng là thần y, mỗi khi ai có bệnh, đem lễ chay (đền
này thờ cúng bằng lễ chay) và một hồ nước trong đến dưới đền, bày tỏ chứng bệnh,
xin ban ơn cho thuốc thần; sau khi cầu đảo xong, lại dùng nước ấy cho người bệnh
uống, thường nhiều người được khỏi bệnh. Kẻ xa người gần nào xin thuốc, nào bán
con, theo tuần tiết cầu đảo, lễ bái không sao kể xiết, đến nay vẫn còn.
(Kiến
văn tiểu lục)
Ghi chú
1-Trần Khánh Dư, tôn thất nhà Trần,
con đẻ của thượng tướng Trần Phó Duyệt, con nuôi của vua Trần Thánh Tông, có
nhà riêng ở châu Chí Linh, thuộc vùng đất các xã Nhân Huệ và Cổ Thành ngày nay.
2-Xã Linh giang huyện Chí
Linh,sau đổi là xã Linh Giàng( tránh Húy Trịnh Giang), tục gọi là làng Gốm, nay
xã Cổ Thành Huyện Chí Linh.
3-Trần Quốc Điền: Đại Việt sử ký
toàn thư và nhiều tài liệu khác chép là Trần Quốc Chẩn.
4-Sông Thiên Đức: tục gọi là sông
Đuống, con sông nối sông Hồng với các sông Kinh Thày, sông Lục Đầu và sông Thái
Bình.
5-Trần Quốc Điền(theo ghi chép của
Lê Quý Đôn), là tôn thất nhà Trần, có nhiều công lao trong đánh dẹp Chiêm
Thành, được Vua Trần Anh Tông rất tin dùng, là nhạc phụ của vua Trần Minh Tông,
bị Văn Hiến Hầu(không rõ tên) vu cho làm phản,Trần Minh Tông hồ đồ tin theo,bắt
giam trong chùa Tư Phúc, không cho ăn uống gì đến chết, đến đời Trần Dụ Tông biết
bị oan lại khôi phục cho chức tước.
6- Xã Lang Giản huyện Chí Linh:
nay là thôn Lương gián, xã Quốc Tuấn huyện Nam Sách tỉnh hải Dương.
Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi là cháu ngoại quan Chương
Túc hầu1 nhà Trần và là con ông Nguyễn Phi Khanh, đỗ tiến sĩ triều
nhà Hồ 2, đã sẵn thanh danh vị vọng, khi vào yết kiến (Bình Định vương)
ở Lỗi Giang3, liền được tri ngộ, viết thư gửi tướng súy nhà Minh,
thảo hịch truyền đi các lộ, đứng vào bậc nhất trong một đời, chức vị là thượng
thư, cấp bậc là công thần. Cứ xem ông giúp chính trị hai triều vua4,
hết lòng trung thành, tuy dâng lời khuyên răn, thường bị đè nén, mà không từng
chịu khuất. Đối xử giữa khoảng họ Giáng, họ Quán5 điều lễ tốn nhiều
công phu; nhưng vì tối về nghĩa “chỉ,
túc”6 thành ra cuối cùng
không giữ được tốt lành, thật đáng thương xót! Nguyễn Vĩ, một người cháu xa đời
của Nguyễn Trãi, xuất trình chế văn truy tặng cho ông tước Tế Văn hầu7, trong ấy có câu
rằng: “Long hổ phong vân chi hội, do tưởng tiền duyên; văn chương sự nghiệp chi
truyền, vĩnh thùy hậu thế” (Gặp gỡ long hổ phong vân, còn ghi duyên cũ, truyền
tụng văn chương sự nghiệp, để mãi đời sau). Câu ấy đủ tỏ ra rằng người có
công lao đứng đầu về việc giúp rập vua, thì ngàn năm không thể mai một được.
(Kiến
văn tiểu lục)
Ghi chú
1-Chương Túc hầu: tức Trần Nguyên
Đán, tôn thất nhà Trần.
2-Đỗ tiến sĩ đời nhà Hồ: Năm Canh
Thìn(1400) niên hiệu Thánh Nguyên thứ nhất đời Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi thi đỗ
Thái học sinh(tức tiến sĩ).
3-Lỗi Giang: một chi lưu của sông
Mã, ở địa phận huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa.
4-Hai triều vua: tức triều Lê
Thái Tổ và triều Lê Thái Tông.
5-Giáng, Quán: tức Chu Bột và
Quán Anh, bầy tôi của Hán Cao Tổ, hai người này đều không có học vấn,lại hay
chèn ép bạn đồng liêu.Ở đây có ý ám chỉ bọn Lê Sát, Lê Ngân… bầy tôi nhà Lê lúc
bấy giờ.
6-Chỉ, túc: do câu “Tri túc bất
nhục, tri chỉ bất đãi” của Lão Tử, có nghĩa là “Biết đủ thì không bị nhục, biết
dưng thì không gặp nguy hiểm”.
7-Tước Tế Văn hầu: do Tương Dực đế
truy tặng. Chế văn đề ngày 27 tháng 6 năm Hồng Thuận thứ 4 (1512), sau khi Nguyễn
Trãi bị nạn 70 năm.
4/10/2012
Đỗ Đình Tuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét