Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

DỰ ĐỐI VÀ LUẬN BÀN



Trước nay, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, xóm Trian nhà ta thường có những cuộc chơi câu đối cùng nhau khá thú vị. Tuy nhiên số người tham gia vào trò chơi này không nhiều và thường là những vế đối lại hay còn quá ít ỏi nhưng xem ra cũng rôm rả lắm. Lần này, dù còn lâu mới đến tết nhưng đã thấy bác Đỗ ra vế đối rồi. Tôi đồ rằng do hồi rầy phong trào sáng tác của xóm có vẻ trầm lắng và nghèo đi nên bác Đỗ muốn khuấy động nó lên. Ngoài ra chắc bác cũng còn muốn mọi người bàn luận về cuộc sống thực thông qua hai câu tục ngữ nữa chăng? Vì thế mà vẫn là trò chơi đối đáp nhưng lần này đã mang thêm nét mới vậy.
            Nguyên văn bài ra của bác Đỗ đây:       

TRÒ CHƠI CŨ CHO MỘT MÙA VUI MỚI

Tục ngữ xưa có câu:
Hay khen, hèn chê

Nhưng cũng có câu:
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

 

Câu thư nhất khuyên người ta nói thật lòng mình:
Hay thì phải khen, hèn thì phải chê.

Còn câu thư hai lại khuyên người ta phải nói nịnh:
nói cốt để vừa lòng đối tượng, chứ không tính đến những suy nghĩ thật của mình cho là đúng hay sai, phải hay trái, hay hay hèn ?
Ta nên theo câu nào đây?
Sau đây là suy nghĩ của tôi qua một vế đối:

-HAY KHEN, HÈN CHÊ; MIỆNG THẾ XƯA NAY VẪN THẾ;
Mong bà con dự đối và cùng bàn luận, xem như một “Trò chơi cũ cho một mùa vui mới”.


25/10/2014
Đỗ Đình Tuân



        Trước hết tôi xin tham gia bàn luận đôi lời. Về câu tục ngữ: “Hay khen hèn chê” là người xưa muốn khái quát cái lẽ tự nhiên trong cuộc sống. Thường thường thì thấy bất cứ sự việc, hiện tượng hay con người nào đó hay, tốt, đẹp…thì người ta thường trầm trồ khen ngợi hoặc tỏ ý thích thú thán phục. Ngược lại thấy những cái xấu, cái dở, cái không hay… người ta thường hay chê bai, dè bỉu hoặc tỏ vẻ không thích thú hay phản đối v…v…
          Còn về câu tục ngữ:
                   Lời nói chẳng mất tiền mua
                   Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
Ở đây người xưa muốn khuyên nhủ con người hãy lựa chọn lời mà nói sao cho dễ nghe nhất để người đối thoại cùng ta được vừa lòng. Theo thiển ý của tôi thì câu này không hẳn là người xưa khuyên chúng ta chỉ khen thôi hoặc chỉ dùng cách nói lấy lòng người để làm người nghe vừa lòng. Mà có lẽ, người xưa chỉ muốn nhắc nhở cháu con hãy cân nhắc, lựa chọn kỹ càng trước khi nói. Có thể là khen nhưng cũng có thể là chê nhưng từ ngữ và cách nói sao đó để người nghe hài lòng nhất. Tôi nghĩ, khen mà khen quá lên thì chưa chắc người nghe đã thích. Ví như một người đẹp cỡ vừa phải thôi nhưng ta khen đẹp hơn Kiều hoặc thậm chí là văn hoa mà khen rằng: sắc đẹp của em nếu nàng Kiều của cụ Nguyễn Du sống lại cũng phải thẹn… thì có khi lại làm cho người đẹp thấy xấu hổ. Hoặc một sáng kiến nhỏ bé mà cứ tâng bốc lên rồi cho rằng hơn cả phát minh của những nhà khoa học lỗi lạc trên thế giới này thì ai mà chấp nhận được. Khen đã khó, chê còn khó hơn nhiều. Chê làm sao cho người bị chê cảm thấy bằng lòng thì quả là khó lắm thay. Cái này một mặt đòi hỏi người nói phải biết lựa lời nói và cách nói sao cho vẫn diễn tả đúng điều mình muốn chê mà lại vẫn tỏ ra trân trọng người bị chê nữa; Một mặt người bị chê cũng phải là người hiểu biết, cầu thị, không tự phụ thì mới dễ dàng tiếp thu được. Điều này theo tôi vừa là một ưu điểm nhưng cũng vừa là một nhược điểm của người Việt Nam ta nói riêng và người dân một số nước phương đông nói chung. Ưu điểm là làm cho cách sống, cách giao tiếp ôn hòa, lịch thiệp, nhẹ nhàng hơn. Nhưng nhược điểm chính của nó là làm cho cách nói trở nên vòng vo tam quốc, cái nhược, cái xấu được phủ mờ đi, thường đi. Nguy hiểm nhất là lâu dần tạo nên một tâm lý của con người chỉ thích khen, không thích chê, chỉ thích khoe những cái tốt mà giấu diếm đậy điệm hết cái xấu lại, không dám nhìn thẳng vào sự thật, vào cái xấu cái kém để sửa đổi, khắc phục vươn lên khiến cho con người và cuộc sống cũng như xã hội chậm phát triển vậy
          Cố nhiên nói như thế không có nghĩa là tôi muốn tốt nhất cứ nói toạc móng heo tất cả, nói trắng phớ tất cả cái xấu ra. Mà tôi nghĩ rằng trong cuộc sống phải tùy vào những trường hợp cụ thể nhất định mà xử lý sao cho thấu lý đạt tình. Ví như cái xấu, cái khiếm khuyết của những con người thiệt thòi do trời bắt tội thế thì ta không nên đem ra mà bàn tán, chế giễu hoặc chê bôi dù là chê bằng lời nói cẩn trọng nhất vì như thế là xúc phạm người ta. Hoặc những cái dở của một ai đó, một cái gì đó, không làm ảnh hưởng tới người khác và người ta cũng không nhờ mình nói ra thì tốt nhất là mình cũng chẳng cần nói làm gì. Nhưng những cái xấu, cái kém, cái dở làm ảnh hưởng lớn đến con người đến xã hội thì cần thiết phải được nói thẳng nói thật thậm chí là dò đến “ngọn nguồn lạch sông” để tìm cách khắc phục thì mới mong có được điều tốt đẹp vậy.
          Bàn luận về vấn đề này quả thật là rộng quá, khó có thể bằng một vài lời mà thấu đáo cho được. Nhưng trước vấn đề bác Đỗ Đình Tuân đặt ra, tôi xin sơ qua đôi lời như vậy coi như phần nào bày tỏ ý kiến của mình. Nếu có điều gì chưa ổn, mong được sự trao đổi tận tình của mọi người.
          Sau đây tôi xin nói đôi lời về việc đối đáp lần này.
          Vế ra đối của bác Đỗ là: HAY KHEN HÈN CHÊ MIỆNG THẾ XƯA NAY VẪN THẾ. Trong vế đối này tác giả có sử dụng một câu tục ngữ và  một từ  đồng âm khác nghĩa: (từ thế, trong miệng thế và từ thế trong vẫn thế).
          Muốn đối cho chỉnh, người đối cũng phải sử dụng hai yếu tố nói trên. Ngoài ra, như xưa nay vẫn vậy, vế đối đòi hỏi phải đối từ và đối thanh. Thông thường đối từ là đối từ loại ( danh từ với danh từ; động từ với động từ; hư từ với hư từ…). Tuy nhiên cũng có khi không tìm được từ loại thật chuẩn thì có thể dùng tính từ đối với động từ cũng chấp nhận được. Còn đối thanh nghĩa là thanh bằng đối với thanh trắc là tốt nhất. Nếu không được như thế thì có thể dùng cùng thanh nhưng độ trầm bổng của nó phải khác nhau. Ví như dùng thanh bằng đối với thanh bằng nhưng nếu từ trong vế ra không dấu thì từ đối lại phải mang dấu huyền (trong ngôn ngữ học gọi là phù bình thăng với phù bình trầm). Nếu cùng là thanh trắc thì từ của vế ra mang dấu sắc thì từ của vế đối phải mang dấu nặng.Tuy vậy những cách đối gượng như vậy người ta không sử dụng trong các từ kết thúc của vế đối mà ở các từ kết thúc này bắt buộc phải đối chỉnh (bằng với trắc,danh từ với danh từ, động từ với động từ...)
        Với quan niệm như thế, tôi xin đối lại vế ra của bác Đỗ như sau:

Vế ra:   Hay khen, hèn chê, miệng thế xưa nay vẫn thế

Vế đối: Tốt bày, xấu đậy, nhân gian muôn thuở còn gian

  28-10-2014
   Song Thu

6 nhận xét:

  1. Bài bàn luận kỹ hơn và thấu đáo hơn về lý sự thôi. Còn trong thực tế người Việt đa phần sống chiều đời: "Ở đời thì phải chiều đời / Lấy Tây phải để cho bồi ngủ chung".Họ không muốn mất lòng ai cả, cho nên nói công khai, nói trước mặt đa phần họ nói không thật lòng. Nhưng nói vắng mặt, nói sau lưng thì có khi lại khác. Vế đối cực chuẩn, chỉ hơi e ở chỗ "Tốt bày xấu đậy" đã thành một thành ngữ chưa ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi không hiểu tại sao"lấy Tây phải để cho bồi ngủ chung"?Xin thày Đõ phân tích thêm.Có thể coi bồi là người mối lái cho Tây chăng?Nếu thế thi...thích quá!

      Xóa
    2. Tôi cũng hiểu như ông. Nhưng ông có thể "mối lái" cho tôi được không ?

      Xóa
    3. Tôi đã làm "gạch nối"cho ông và CCG rồi đấy thôi?

      Xóa
    4. Gớm các bố này chỉ xoay sang chuyện ý là giỏi thôi.
      Ông Ngôi làm gạch nối và ST thì vun vào nữa mà đâu có xơ múi chi đâu.
      Có khi tại chàng không có số đào hoa như bác Tạ chăng?
      Dầu lòng vậy, cầm lòng vậy thôi chàng. Đua làm sao được với các tài tử siêu bồ bây giờ

      Xóa
  2. "Tốt bày xấu đậy "đúng là một thành ngữ đó bác Đỗ ạ. Em vẫn nghe nhiều người nói câu này từ thuở còn nhỏ xíu nè. Có lẽ nó cùng tồn tại với những câu như: "Tốt khoe, xấu che" hoặc Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại" đó mà

    Trả lờiXóa