Thời sinh viên, tôi chơi rất thân với người bạn gái tên Huyền, họ Vũ. Hai chị em gắn bó với nhau một năm dự bị. Sau đó tôi học chuyên ngành Trồng trọt, chị Huyền học Chăn nuôi - Thú y. Tuy vẫn học cùng trường nhưng không được ở cùng nhau.
Tuy chỉ một năm sống bên nhau nhưng với tôi, Huyền mãi là người bạn, người chị tôi không thể quên cho đến bây giờ. Mặc dù những gì chi tiết về chị thì cứ dần mai một theo năm tháng bởi cái đầu kém nhớ của tôi. Nhưng dáng người nhỏ thấp, cái răng khểnh và khuôn mặt tròn hiền hậu của chị thì không thể phai mờ.
Tôi xa nhà vào Đại học còn thiếu hơn 1 tháng mới tròn 17 tuổi. Đó là khoảng thời gian tôi dễ thương nhất thời thiếu nữ. Chính chị là người cho tôi biết điều đó, nhưng mãi sau này và đến bây giờ ngẫm lại tôi mới hiểu. Tôi ngây thơ, bồng bột. Còn chị thì đầy trắc ẩn. Lúc nào chị cũng quan tâm nhắc nhở tôi mọi điều, nhất là việc đừng cả tin quá với bất cứ ai. Chị che chở bao bọc tôi từ việc ăn cơm tập thể đến việc các anh bộ đội về học cùng lớp cứ thích tôi. Tôi thì cứ vô tư cười nói nhưng chẳng mơ mộng điều gì, vì ngày đó tôi thường mặc cảm về diện mạo hình dáng của mình nên rất chủ quan, chẳng sợ có ai yêu mình. Thực ra sau này tôi nghĩ lại thấy hồi đó mình chẳng biết yêu, chỉ biết sống rất thật, nhiệt huyết, mạnh mẽ… Nhiều hôm chị em cùng nhau đi học từ giảng đường về chị cứ nhìn tôi và tủm tìm cười, lâu rồi tôi hỏi chị, sao chị cứ nhìn em vậy, chị lại cười nhiều hơn, cái răng khểnh làm nụ cười của chị càng hiền, mãi rồi chị mới nói: Má mày cứ hồng thế kia, môi mày thì đỏ dậy, còn mắt thì long lanh và…và… cứ thế chị liệt kê ra rồi chị cười thành tiếng, lại còn vỗ nhẹ lên đầu tôi nữa. Chị bảo: Thế thì tao phải ngắm mày thôi, và tao thích ngắm mày… Lúc đó tôi nói lại: Thế là em giống búp bê à chị? Chị lại cười tít mắt, còn tôi thì cứ vô tư để chị tha hồ ngắm mình chẳng chút bận lòng.
Hai chị em cứ thể thân thiết với nhau như hình với bóng, các chị khác ở cùng phòng nhiều khi cũng phát ghen vì sự chăm sóc tận tình của chúng tôi dành cho nhau. Bao nhiêu quần áo ấm của nhà tôi khi về Nam sau giải phóng 1975 để lại, tôi chọn những cái còn tốt đưa cho chị gửi về cho thầy u ở quê. Biết quê chị ở Khoái Châu, tôi hát cho chị nghe mấy câu: Trên cánh đồng đay, con chim chiền chiện… trong một bài hát tôi không nhớ tên, của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ca ngợi nghề làm đay của Hưng Yên gì đó. Tôi còn nói tôi thích bài hát này. Thế là chị giẫy nẩy lên nói chị và con gái quê chị ghét nhất bài này. Ông nhạc sĩ đó chỉ sáng tác cho hay chứ có biết nỗi khổ của những người làm đay đâu. Đàn bà con gái mà cứ lội mình trong nước ngâm đay, hít mùi thối của đay thì bị bệnh xoang, bênh phụ khoa là chuyện thường... Mà quả thật, chị đã tưởng phải bỏ học vì bệnh xoang, những cơn đau đầu ghê gớm làm khổ chị, bao nhiêu thuốc cũng không khỏi rồi hình như chỉ nhờ lá cứt lợn mà chị đỡ được bệnh này. Những cơn đau bụng quằn quại vật vã mỗi tháng một lần vào ngày con gái cũng làm chị mệt mỏi rã rời. Tôi chẳng làm được gì, chỉ biết ngồi bên tay quạt, tay xoa đỡ chị. Chị nói, cứ vậy đó hết kỳ là tự khỏi, ở làng nhiều đứa con gái cũng giống chị vậy. Sau này, mỗi lần nghe đâu đó hát hoặc trong đầu phảng phất giai điệu bài hát này là tội lại nhớ chị nhiều hơn.
Chị quý tôi như em gái, dần dần tâm sự hết những trắc ẩn trong lòng. Hồi đó tôi còn trẻ con, nghe chị kể bỗng thấy chạnh lòng. Rồi chị đưa tôi về thăm nhà, thăm Thầy U và em gái. Em gái chị cũng rất thương chị và hát rất hay. Tôi còn nhớ hồi đó em hát bài “Màu xanh yêu thương” hay gần như ca sĩ hát trên đài phát thanh.
Vì mặc cảm hoàn cảnh của mình, chị không chấp nhận tình yêu của một anh bộ đội cùng học phổ thông và cùng làng với chị. Vài lần anh lên Trường thăm đón đi chơi, chị cứ quầy quậy đuổi về không chịu đi. Khi anh buồn bã về rồi thì chị lại bần thần như người mất hồn, có khi cả buổi cứ lặng lẽ không nói gì. Hồi đó tôi có hiểu gì đâu để mà khuyên nhủ, chia sẻ với chị. Tôi chỉ nói được là, chị ơi hoàn cảnh đâu có lỗi gì, điều quan trọng là anh hiểu, chấp nhận hoàn cảnh và yêu chị thật lòng…
Ngày tôi lấy chồng, chị buồn có vẻ không ưng, cũng không đến dự đám cưới. Đám cưới chúng tôi tổ chức tại trường theo nếp sống mới do hai lớp A và B của chúng tôi đứng ra lo liệu. Quà mừng đám cưới của chị là cái nồi quấy bột em bé nhỏ xinh có tay cầm. Từ đó chị em cứ xa dần, xa dần cho đến ngày tốt nghiệp ra trường cũng không có dịp chia tay nhau. Phần vì lúc đó ai cũng mải làm đề tài tốt nghiệp, tôi lại bận bịu hộ giúp chồng nuôi em trai từ quê xuống ở với chúng tôi để ăn học. Đến bây giờ tôi cũng không biết thật chính xác lý do vì sao chị không hoan hỷ việc lấy chồng của tôi, Chị không nói, tôi cũng không gặng hỏi, nhưng tôi cảm nhận được là chị lo tôi lấy chồng sớm, lại còn đang học sẽ khổ…
Bây giờ chị đang ở đâu? Chị với anh bộ đội ấy có nên duyên chồng vợ? và nhiều điều nữa tôi muốn biết về chị mà đành chịu. Đôi lần về thăm Trường cũ, gặp bạn bè tôi có hỏi thăm nhưng không ai biết. Năm 2011, tôi được du ngoạn trên Sông Hồng, những bến mà tàu dừng cho du khách ghé thăm chơi làm tôi nhớ nhà chị quá. Hồi ấy, chị đưa tôi về bằng xe khách, qua một chuyến phà, bờ bên này thuộc Hà Nội, bờ bên kia thuộc Khoái Châu là về ngay nhà chị… Có người bạn học cùng phổ thông về làm kế toán trường cấp III Khoái Châu, tôi có nhờ hỏi thăm nhưng cũng không tìm được. Năm ngoái có thằng bạn thân cùng học với con trai lớn của tôi quê ở Khoái Châu, nhờ nó tìm hỏi hộ mà hơn một năm rồi nó vẫn cứ hứa đề con hỏi cho cô…
Rồi Xóm Tri Ân có thêm hai thành viên mới vào đầu năm nay, trong đó có anh Nguyễn Đức Hưng quê cũng ở Khoái Châu. Nếu đúng tuổi thì anh Hưng và chị Huyền cũng cùng trang lứa. Tôi nhớ chị sinh năm 1954 hay 1955 gì đó. Tôi trộm nghĩ hay nhờ anh Đức Hưng tìm giúp. Biết đâu anh có quen chị Vũ Thị Huyền, học Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, khóa 20 , khoa Chăn nuôi - Thú y thì sao? Cái tuổi vô lo vô nghĩ hồi ấy chẳng nhắc tôi chuyên tâm điều gì. Về quê chơi với chị, nghe chị kể về thôn, xã của chị mà chẳng nhớ tí nào, cứ nhớ là nhà ở khoái Châu, ngay ven sông Hồng… Bởi vậy làm sao mà ai hỏi thăm tìm giúp cho được. Có lần tôi cứ gõ vào Facebook mấy chữ có tên chị và Khoái Châu quê chị, chẳng hạn như Huyen Khoai Chau, Huyền Vũ KC, Vũ Huyền… mà không có tín hiệu hy vọng nào…
Tôi mong nếu còn duyên, chị em sẽ được gặp lại nhau đề hàn huyên sau gần bốn mươi năm xa cách.
Hôm trước qua tin nhắn trên face tôi muốn nhờ anh Hưng giúp một việc. Anh Hưng có cho địa chỉ imail và số điện thoại. Tôi định gọi điện nhờ nhưng tự nhiên bao kỷ niệm của hai chị em cứ ùa về nên vội ghi lại. Cứ chần chừ, cân nhắc… thì chiều qua, đọc bài thơ: “Thiếu nữ bên hoa” mà anh Hưng đề tặng Minh Hương, tự nhiên tôi càng nghĩ có thể tìm được bạn qua mối nhân duyên này. Vậy là chu chỉnh, thêm vài chi tiết và gửi Tri Ân Cuộc Đời mấy dòng tâm sự này.
Cứ hy vọng để vơi phần nhớ bạn …
SG - chiều mưa 29/5/2017
Minh Hương
Minh Hương thân mến! Câu chuyện của Minh Hương làm mình xúc động quá! Những năm tháng gian khổ, thiếu thốn... của thời sinh viên đã vun đắp nên một tình bạn thật đẹp. Mình sẽ cố gắng giúp Minh Hương tìm ra người bạn ấy. Ở huyện Khoái Châu có các xã ven sông Hồng, kể từ phía Bắc xuống phía Nam, như sau: Mễ Sở (có bến phà/đò Mễ Sở), Bình Minh, Dạ Trạch, Hàm Tử, Tứ Dân (có bến phà/đò Phương Trù), Tân Châu (có bến phà/đò Tân Châu), Đông Ninh (có bến phà/đò Đông Ninh), Đại Tập (có bến phà/đò Đại Tập), Chí Tân, Thành Công (có bến phà/đò Vườn Chuối), Nhuế Dương (trước đây gọi là Nguyễn Huệ). Bạn nhớ lại thật kỹ ngày bạn về Khoái Châu cùng Vũ Huyền, bạn sang sông qua bến phà/đò nào (kể cả bến đò/phà ở bên Hà Tây cũ cũng được), đường đi từ bến đò/phà về nhà Vũ Huyền có xa không, bạn có nhớ được tên những người thân của Vũ Huyền không...? Bạn cho mình thêm một số các chi tiết nữa về họ, tên đệm, tên khai sinh, tên thường gọi, học ĐHNN khóa 20 từ năm nào đến năm nào... càng nhiều thông tin càng tốt! Hy vọng mình kết nối được hai người với nhau. Chào ban!
Trả lờiXóaNguyễn Đức Hưng
Cảm ơn anh Đức Hưng nhiều! Chị Huyền không có tên đệm. Thường chỉ là Vũ Thì Huyền thôi. Em không nhớ chính xác, hình như tên em gái của chị ấy tên là Hoa. Tên Bố của chị là Bản. Nhà cách sông có một đoạn đường ngắn là ra đến bến. Bến phà đó gần nhà một nhà máy đường thì phải, vì thấy có nhiều xe chở mía.
Trả lờiXóa