Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

HÀNH TRÌNH ĐẾN DINH ĐỘC LẬP- 6

Xe tăng 380 do NKN lái tiến vào GP Đà Nẵng

(Tiếp theo)

Khoảng hai giờ chiều toàn đại đội đã đến chân đèo Hải Vân, Thận cho nghỉ ngắn kiểm tra kỹ thuật trước khi vượt đèo.

Đã từng vượt qua nhiều đèo dốc trên đường hành quân từ Bắc vào, từ A Lưới xuống nên con đèo nổi tiếng này không quá khó khăn đối với cánh lái xe đại đội Bốn. Thực ra nó cũng khá hiểm trở, nhiều khúc cua đến chóng mặt nhưng mặt đường lại trải nhựa và tương đối rộng nên các xe vẫn chạy được số Hai, chỉ thỉnh thoảng mới phải về số Một ở những đoạn có độ dốc lớn. Vấn đề đặt ra đối với họ là độ dài của đèo rất dài- những hai mươi hai cây số, riêng chiều lên là hơn chục cây nên phải làm sao giữ cho nhiệt độ động cơ không bị quá cao.

Trang nâng ghế lái xe lên cao, cậu vừa chăm chú nhìn đường vừa liếc mắt sang hai bên nhìn phong cảnh. Tính Trang vẫn vậy, từ bé cậu vẫn khao khát được khám phá những vùng đất mới nên hôm nay được đặt chân tới một địa danh nổi tiếng thế này cậu hào hứng lắm. Quả thật, lời đồn không ngoa, có những chỗ phong cảnh đẹp đến sững sờ, nhất là ở những khúc cua trên sống núi chìa ra phía biển: trên đầu là mây trắng bay là là, dưới tít xa kia là vịnh Tiên Sa xanh thẳm. Trang những muốn dừng lại để ngắm nhìn nhưng trưởng xe Luông luôn mồm nhắc tăng tốc độ không để xe trước bỏ quá xa, cậu thầm nhủ trong lòng: “rồi sẽ phải trở lại nơi đây ít nhất một lần trong đời”.

Gần đến đỉnh đèo, trong ống kính đã thấy mấy cái lô cốt đứng sừng sững như những tên lính gác cần mẫn, Thận lệnh cho tất cả đóng cửa sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên càng đến gần nhìn càng rõ thì thấy tất cả lô cốt đều trống không, có lẽ người anh em “xê Ba” đã xua chúng đi rồi.

Đã đến đỉnh đèo. Mấy cái chướng ngại vật đơn giản trên đường bị xích xe vượt qua dễ dàng. Một cái lô cốt vẫn đang cháy, hai ba khẩu pháo 105 ly đang nằm chỏng chơ, mấy cái GMC vô chủ cũng đang chúi đầu vào vách núi. Rõ ràng đại đội Ba đã đi trước và chắc là không còn địch nên Thận hạ lệnh “lập tức đổ đèo”.

Chiều xuống của Hải Vân hình như không hiểm trở bằng chiều lên và cũng ngắn hơn hay là do đi được tốc độ cao không biết mà chỉ chưa đầy một tiếng toàn đại đội đã xuống đến chân đèo, Thận tiếp tục cho đại đội tăng tốc độ.

Trời đã ngả về chiều, ánh hoáng hôn làm con đường dẫn vào thành phố thêm thê lương, ảm đạm: những bãi tha ma chạy dài theo hai bên đường, những nấm mộ thấp lè tè lơ thơ vài ngọn cỏ úa vàng phơ phất. Bức tượng Phật khổng lồ trầm mặc như bất lực trước những khổ đau của chúng sinh. Những đống quần áo, súng ống vứt bừa bãi như minh chứng cho một cuộc rút lui vội vã và bế tắc. Biết có một đại đội đã đi trước nên Thận khá yên tâm, anh cho lái xe thò đầu để lái.

Đã đến ngoại ô thành phố. Thận đang phân vân không biết đi theo hướng nào thì một sĩ quan tác chiến của quân đoàn đến chặn xe lại thông báo tình hình chung và nhiệm vụ của đại đội Bốn: “Thành phố Đà Nẵng về cơ bản đã được giải phóng, tuy nhiên ta chưa kiểm soát được hoàn toàn. Đại đội Bốn có nhiệm vụ đánh chiếm và chốt giữ Thương cảng Bạch Đằng, kiểm soát mọi sự qua lại trên sông Hàn”. Một chiến sĩ bộ đội địa phương có nhiệm vụ dẫn đường cho đại đội anh.

Thận lệnh cho toàn đại đội tiếp tục tiến. Đường phố đã lên đèn nhưng vắng ngơ vắng ngắt nên tốc độ vẫn giữ được khá cao, lác đác đó đây đã thấy những lá cờ giải phóng và những bóng áo quân phục mang băng đỏ.

Tầm tám giờ tối toàn đại đội đã đến thương cảng Bạch Đằng, một cầu tầu bằng bê tông dài vài chục mét nằm chìa hẳn ra sông. Thận bố trí đại đội thành đội hình chiến đấu. Trong ánh điện lờ mờ bốn cái xe tăng như bốn con voi nằm phủ phục, bốn khẩu pháo gườm gườm chĩa xuống mặt sông, chắc chắn không một phương tiện nào cơ động trên sông lọt qua vị trí này được. Thận quy định: “trừ lái xe được ngủ, còn lại tất cả thay nhau canh gác”.

Gió sông Hàn mát rượi, đêm qua đã gần như không ngủ, lại thêm một ngày vất vả nên chẳng cần ăn uống gì mấy lái xe chỉ kịp hạ ghế lái xe xuống là chìm vào giấc ngủ.

Sáng được một lúc thì Thận nhận được lệnh cho đại đội đi diễu hành phục vụ quay phim, chụp ảnh. Thấy Thận không thoải mái lắm người sĩ quan đến truyền đạt mệnh lệnh ghé tai anh nói nhỏ:

- Đi phục vụ quay phim chụp ảnh chỉ là phụ, còn thực chất là đi để biểu dương lực lượng đấy! Ông không biết chứ thành phố này phức tạp lắm, suốt từ khi Pháp đánh chiếm đến nay nó chỉ sống với cách mạng được mấy chục ngày hồi cách mạng tháng Tám, ngay cả năm Mậu Thân ta có đánh được vào đây đâu! Sau khi quay phim về các ông vẫn phải nằm lại nội thành này mấy ngày nữa đấy!

Thôi thì nhiệm vụ nào cũng là nhiệm vụ, Thận bảo anh em xếp thành đội hình rồi đi diễu qua mấy phố trung tâm. Quả thật, người dân ở đây nhìn các anh với con mắt có phần e ngại, họ dứng nép thật sâu vào bên đường và không niềm nở vẫy chào các anh như ở Huế.

Quay phim và diễu hành xong đã gần trưa, đại đội được phép lui vào một con ngõ nhỏ đối diện với thương cảng Bạch Đằng. Chưa biết nếp tẻ thế nào nên không dám vào nhà dân nhờ, Thận cho anh em nấu cơm ngay trên hè phố.

Chắc rằng sự kiện có mấy chiếc xe tăng giải phóng nằm giữa phố đã kích thích những người hiếu kỳ kéo đến. Lúc đầu họ còn đứng xa xa nhìn ngó, bàn tán. Sau dần dần họ kéo đến từng xe, người thì lấy gang tay đo nòng pháo, người thì xúm lại xem giải phóng ăn cái gì. Cuối cùng thì mỗi anh lính đều bị một đám đông xúm quanh với hàng trăm, hàng nghìn câu hỏi.

Có lẽ đây là một tình huống nằm ngoài dự kiến, những bài học chính trị về công tác dân vận ở vùng mới giải phóng chưa đủ để quân ta trả lời nhiều câu hỏi “hóc búa” đại loại như: “tại sao năm 54 chúng tôi đã trả cả miền Bắc cho các ông rồi mà các ông còn đánh vào đây?”, “cộng sản nghĩa là như thế nào, đem cộng hết cả tài sản của mọi người lại với nhau à?”, “giải phóng rồi thì có cho chúng tôi ở lại đây không?”…; một số cậu thấy “bí” quá đành chọn giải pháp lỉnh vào xe ngồi tịt luôn trong đó.

Ở chỗ nấu cơm bà con cũng đang xúm đông xúm đỏ. Thấy nồi hai mươi cơm gạo trắng tinh bốc hơi nghi ngút và mấy hộp thịt đã được bổ ra một người chửi đổng:

- Tổ cha chúng nó! Thế ni mà biểu giải phóng ăn toàn lá sắn, bảy người đu cọng đu đủ không gãy!

Xung quanh chính trị viên Toàn và đại đội trưởng Thận là đông người nhất, chắc bà con cũng đoán ra đó là cán bộ nên cứ xúm lại hỏi han. Hai người tối tăm mặt mũi vì những câu hỏi được tuôn ra tới tấp. Tiếng Đà Nẵng đâu có dễ nghe, cứ phải hỏi đi hỏi lại hai ba lần mới hiểu lõm bõm, nhưng những câu trả lời của các anh đã làm bà con tương đối yên lòng.

Trang ôm khẩu AK đứng ngay cạnh xe, nhiệm vụ của cậu là không cho ai được đến gần và trèo lên xe nhưng cũng phải luôn mồm trả lời những câu hỏi của một đám đông quanh nó. Một bà má đã già lắm rồi len sát vào Trang, bàn tay răn reo của má túm lấy cổ áo cậu vạch ra và nghển cổ lên nhìn chăm chú. Trang đứng bất động không hiểu bà đang nhìn gì, cậu nghĩ bụng: “chắc mặt mình bị nhọ”. Nhưng không phải, bà má đang hỏi gì đó, Trang phải hỏi lại hai ba lần mới hiểu:

- Các con không có “mùng” à?

Đã đọc nhiều sách và biết nhiều về phương ngữ nên Trang hiểu bà má muốn hỏi về cái màn, cậu vội trả lời:

- Chúng con có ạ!

- Có sao để “mọi” đốt thế ni?- Bà má đưa tay chỉ vào cổ cậu.

Trang vội cúi xuống nhìn: cả một vạt từ cổ xuống đến ngực cậu dày đặc nốt muỗi cắn như một cái bánh đa vừng. Trang chợt nhớ lại đêm qua: vừa hạ ghế xuống là ngủ luôn, muỗi sông Hàn khủng khiếp quá. Chẳng biết làm sao cậu đành trả lời bà má:

- Tại hôm qua con ngủ quên mắc “mùng”.

- Lần sau phải nhớ nhé! “Mọi” ở đây nhiều lắm!

- Vâng!- Mắt Trang rưng rưng, cậu chợt nhớ mẹ ở nhà.

Một thanh niên tầm mười sáu, mười bảy lại cố len vào:

- Có phải bộ đội giải phóng bị xích vào ghế ngồi trong xe không?

- Bị xích thì chúng tôi đứng đây sao được- Trang điềm đạm trả lời.

- Nhưng lúc đánh nhau cơ?- Anh ta vẫn cố gặng.

Trang nhìn trước nhìn sau. Quy định là không cho ai lên xe nhưng trường hợp này thì hơi đặc biệt, cậu định tìm Thận để báo cáo nhưng thấy anh cũng đang bị vây bởi một đám đông đến mấy chục người nên quyết định:

- Tôi sẽ cho anh lên xem có xích ở ghế không nhé! Nhưng chỉ một người thôi!

Trang trèo lên xe đưa tay kéo người thanh niên vừa hỏi lên, cậu mở cửa trưởng xe và cửa pháo hai rồi đưa anh ta lại chỗ cửa lái xe:

- Có thấy xích đâu không?- Trang hỏi lớn.

- Không!- Anh ta trả lời và chửi đổng- Mẹ cha bọn chúng, toàn nói bậy.

Đám đông chỉ vãn đi lúc chiều xuống, trừ mấy pháo hai phải lo việc nấu cơm và mấy tay ít lời chuồn vào xe ngồi, còn lại cổ đều khản đặc.

Ngày hôm sau đại đội được lệnh di chuyển về khu vực Bảo tàng cổ vật Chàm. Bốn cái xe được đưa vào một con hẻm nằm bên phải bảo tàng, từ đây có thể nhanh chóng cơ động vào trung tâm thành phố cũng như ra cảng. Nhân viên bảo tàng chắc đã bỏ đi cả nên chẳng có ai trông nom, cửa giả vẫn mở toang.

Ngay khi mới đến mấy anh em đã rủ nhau vào bảo tàng xem. Vốn đã được đọc qua về nền văn hoá Chăm- Pa nên Trang lại phải trở thành một hướng dẫn viên bất đắc dĩ. Hùng “bò liếm” và Thọ “pháo” hết sờ nắn bộ ngực đầy đặn của cô vũ nữ lại mân mê cái “lin- ga” to đùng rồi cười khúc khích với nhau.

Sau hai ngày được tiếp xúc với bộ đội người dân thành phố đã cởi mở hơn, có mấy nhà đã mời bộ đội vào trong nhà nghỉ ngơi, uống nước. Một ông chủ hàng ăn còn dành cả bếp cho bộ đội nấu cơm, ông còn cho cả rau và gia vị nên bữa cơm của đại đội cũng tươm tất hơn.

Xe 380 của Luông đỗ ngay trước cửa một ngôi nhà mái tôn, vách gỗ dáng chừng của dân lao động. Lúc mấy anh em ở bảo tàng về đã thấy trưởng xe Luông ngồi trong nhà. Ông chủ nhà ra tận xe mời Trang, Thọ, Trực vào nhà uống nước. Trong nhà ngoài ông già còn hai thanh niên và một cô con gái chừng mười bảy tuổi. Theo ông chủ nhà giới thiệu thì một anh thanh niên và cô gái là con ông, anh thanh niên kia là bạn con trai và cả hai đều là thợ điện. Chắc Luông ngồi trong đó đã lâu nên không khí trong nhà khá cởi mở, chợt thanh niên con ông chủ hỏi:

- Các anh đánh vào đây bằng đường nào?

- Chúng tôi đi từ Huế vào theo quốc lộ Một!- Luông trả lời.

- Nghĩa là các anh phải vượt qua đèo Hải Vân?- Người thanh niên tỏ vẻ nghi hoặc.

- Cậu này là lái xe đấy!- Luông chỉ Trang- Cứ hỏi cậu ấy xem!

- Thật thế không anh?- Anh ta quay sang Trang.

- Thật chứ!- Trang gật đầu khẳng định.

- Nhưng cái xe to và nặng thế kia thì làm sao qua nổi? Ở trong này mỗi khi phải vượt qua đèo Hải Vân người ta đều sợ lắm, nhiều người chết ở đấy lắm rồi.

- Thực ra cũng không đến nỗi nào, so với những con đèo trên Trường Sơn thì chưa thấm vào đâu. Ngay cả trên quốc lộ Một thôi đèo Hải Vân chỉ dài hơn chứ không hiểm trở bằng Đèo Ngang- Trang vẫn điềm đạm.

- Các anh cũng qua cả Đèo Ngang?- Anh ta vẫn hỏi dồn.

- Đương nhiên rồi! Nhưng phải công nhận phong cảnh cả hai con đèo đều tuyệt đẹp, một bên là núi cao, một bên là biển rộng, trên là mây bay, dưới là nước biếc. Chẳng thế mà Bà huyện Thanh quan làm được bài thơ hay thế!- Nhắc đến hai con đèo làm Trang nhớ đến bài thơ “Qua Đèo Ngang”.

- Anh biết bài thơ này à?- Anh ta hơi ngạc nhiên.

- Tôi thuộc từ hồi còn đi học! Một bài thơ rất hay về nội dung, còn “niêm luật” của nó thì thật là mẫu mực- Rất tự nhiên Trang đọc bài thơ mà cậu vốn thích- “Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà; Cỏ cây chen lá, đá chen hoa; Lom khom dưới núi tiều vài chú; Lác đác ven sông chợ mấy nhà; Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc; Thương nhà mỏi miệng cái gia gia; Dừng chân đứng lại: trời, non, nước; Một mảnh tình riêng ta với ta”.

- Hay quá!- Người thanh niên còn lại nãy giờ im lặng bỗng thốt lên- Chắc trước khi đi lính anh đã học Văn khoa?.

- Không!- Trang xấu hổ- Tôi mới chỉ học hết lớp mười, bằng lớp mười hai trong này ấy.

- Sao anh lại biết bài thơ này?

- Có gì đâu? Đây chỉ là một bài thơ trong chương trình môn văn ở trường phổ thông thôi mà! Ngoài ra thỉnh thoảng tôi cũng tìm đọc những gì mình thích.

Ông chủ nhà cứ há hốc mồm ra nghe chuyện, có lẽ ông cảm thấy có rất nhiều cái khác nhau giữa những người lính giải phóng với các sắc lính mà ông từng biết.

Ngay chiều hôm ấy ông chủ nhà thông báo: “con trai ông và bạn của nó không phải là thợ điện mà là sĩ quan không quân, cả hai đều đã tu nghiệp ở Mỹ về, mấy hôm nay vẫn tá túc ở nhà đợi xem tình thế thế nào và trưa nay đã quyết định ra uỷ ban quân quản để trình diện”.

(Còn nữa)

NKN

1 nhận xét: