Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

HÀNH TRÌNH ĐẾN DINH ĐỘC LẬP- 7


Đại đội trưởng Bùi Quang Thận và chính trị viên Vũ Đăng Toàn 35 năm sau.

(Tiếp theo)

Hai ngày sau, chắc là tình hình ở nội thành đã khá yên ổn nên đại đội Bốn được lệnh sang bán đảo Sơn Trà rồi ngay sau đó lại cơ động về căn cứ của sư đoàn Ba tại Khánh Sơn để củng cố mọi mặt chuẩn bị cho những trận chiến đấu tiếp theo.

Vừa về đến Khánh sơn đã thấy Phượng, Tráng, Bùi, Khoa, và mấy anh em ở hai xe 382, 389 ra đón. Cả hai pháo hai Khoái và Lực trông đồ dưới chân Động Truồi cũng đã được đón về đây. Mới xa nhau có một tuần mà đã có biết bao biến cố xảy ra làm cho người ta tưởng như đã xa nhau hàng tháng, hàng năm.

Căn cứ sư đoàn Ba nguỵ được xây dựng khá cơ bản trên một vùng đồi đất đỏ, những dãy nhà một tầng mái tôn xây ngay hàng thẳng lối làm nhà ở cho binh lính, còn những nhà xưởng ở đây thì thật tuyệt, cao ráo, rộng rãi, hàng chục chiếc xe tăng nằm lọt thỏm trong một ngôi nhà.

Việc đầu tiên lữ đoàn tiến hành khi chuyển đến Khánh Sơn là tổ chức lại cho phù hợp với điều kiện chiến đấu sau này. Theo đó đại đội Bốn phải chia tay người anh em cùng tiểu đoàn là đại đội Ba để về tiểu đoàn Một- tiểu đoàn xe chiến đấu xung kích. Cuộc chia tay khá bịn rịn bởi dù sao cũng đã gắn bó với nhau suốt những năm tháng gian khổ nhất ở chiến trường Trị Thiên Huế. Tiểu đoàn Bốn được bổ sung một đại đội xe bọc thép và sẽ cùng tiểu đoàn Năm- một đơn vị lữ đoàn 203 mới tiếp nhận của quân khu Năm hình thành hai tiểu đoàn tăng thiết giáp bơi nước của lữ đoàn.

Về Khánh Sơn ngày hôm trước thì hôm sau đại đội họp tổng kết chiến dịch Huế- Đà Nẵng, chủ nhiệm chính trị lữ đoàn Lê Minh thay mặt Đảng uỷ chỉ huy lữ đoàn xuống dự. Sau phần báo cáo chung của ban chỉ huy đại đội là rút kinh nghiệm, có mấy ý kiến đều phàn nàn về công tác bảo đảm cơ động. Giá như hai cây cầu Phú Bài và Thừa Lưu được khắc phục kịp thời thì đại đội đã hoàn thành nhiệm vụ được tốt hơn, sớm hơn. Đến phần bình xét khen thưởng, tất cả số lái xe và gần hết số cán bộ chiến sĩ tham gia đánh Huế và Đà Nẵng đều được đề nghị thưởng huân chương các loại.

Chủ nhiệm chính trị Lê Minh phát biểu sau cùng, ông nhiệt liệt biểu dương tinh thần chủ động khắc phục khó khăn của đại đội Bốn nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong cả chiến dịch, đặc biệt đã góp phần to lớn trong chiến dịch giải phóng Huế, bắt tù binh thu chiến lợi phẩm ở Thuận An. Sau đó ông truyền đạt nội dung bức điện của Đại tướng Tổng Tư lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa…”. Khí thế trong đại đội lên cao hừng hực. Cuối cùng ông kết luận:

- Thực hiện khẩu hiệu “thần tốc” lữ đoàn ta sẽ cùng quân đoàn hành quân theo trục đường Một vào giải phóng những tỉnh còn lại của miền Nam, quãng đường dài hàng nghìn cây số. Vì vậy riêng đối với đại đội Bốn là đơn vị xe cũ nhất thì đồng chí lái xe nào đưa được xe đến tham gia trận đánh cuối cùng sẽ được tặng một huân chương.

Cả đại đội vỗ tay rào rào.

Biết chặng đường hành quân sắp tới dài cả nghìn cây số nên cánh lái xe đại đội Bốn rất lo lắng về tình trạng kỹ thuật của xe. So với những cái T54B mới cứng của tiểu đoàn Hai và hai đại đội trong cùng tiểu đoàn này thì 6 cái T59 đã vào chiến trường từ năm 71 của bọn hắn chỉ đáng là đống sắt vụn. Cái nào cái ấy cóc cáy, mốc thếch bụi đường và khói đạn, cả đại đội không còn một lá chắn bùn nào nguyên vẹn… Vì vậy cả đơn vị tập trung làm thật đầy đủ các nội dung bảo dưỡng cấp Hai theo quy định, ngoài ra còn làm thêm một số nội dung nữa mà họ thấy cần thiết, đặc biệt là đối với hệ thống điều khiển và vận hành. Ở xe 380 còn mệt hơn vì thiếu người, công việc đang ngập đầu ngập cổ thì đại đội lại điều mất pháo hai Trực đi. Cậu ta được điều về xe 381 và “lên chức” pháo thủ, trong khi đó người thay thế chưa thấy tăm hơi đâu. Đã thế Luông lại suốt ngày họp hành, Thọ thì vừa tranh thủ bảo dưỡng vũ khí vừa cơm nước nên chỉ có một mình Trang lúi húi ngoài xe suốt hai ngày nay. Mà sao thời tiết kiểu gì không biết, giữa mùa Xuân lại oi bức đến thế.

Đang chúi mũi vào buồng truyền động Trang bỗng giật mình vì có tiếng ai đó gõ gõ vào thùng dầu ngoài, chẳng buồn ngẩng mặt lên cậu gắt:

- Rỗi rãi thì đi chỗ khác chơi! Đang bận tối mắt tối mũi lại còn đến quấy!

Im lặng một lát thì một giọng nói rất nhẹ nhàng cất lên:

- Này! Cho tôi hỏi thăm một tý!

Trang ngẩng bộ mặt nhem nhuốc của mình lên. Trước mắt cậu là một thân hình loẻo khoẻo khoác trên vai cái ba lô lép kẹp, trên vai là một cây đàn ghi- ta cũ đã bong tróc nhiều chỗ, Trang hất hàm:

- Hỏi gì hỏi nhanh đi!

- Đây là xe 380 do anh Luông làm trưởng xe phải không?

- Phải! Có việc gì thế?- Trang hỏi trong khi tay vẫn nhoay nhoáy làm việc.

- Tôi là Duyệt, được điều về xe này làm pháo hai.

Trang hơi ngỡ ngàng, pháo hai gì mà người ngợm lại thế kia. Trong mỗi xe tăng thì đó là một trong hai vị trí mà công việc nặng nhọc nhất: cái buồng chiến đấu thì hẹp vanh vanh, mỗi viên đạn nặng hơn ba mươi cân người như thế kia thì làm ăn sao được. Hơi thất vọng về thành viên mới của xe Trang buông thõng:

- Thế à!

- Anh Luông có nhà không?- Vẫn cái giọng mềm mỏng ấy.

- Ông ấy đi họp chi bộ, còn tôi là Trang lái xe. Thôi được rồi! Ông cất ba lô lên xe rồi lau mấy khẩu súng đi.

Duyệt đặt cái ba lô và cây đàn lên xe, cậu ta nhún mình nhảy lên xe rất nhẹ nhàng, chỉ một loáng sau cậu ta đã lau và lắp đâu vào đấy khẩu 12 ly 7 và hai khẩu đại liên. Trang lại một lần nữa ngỡ ngàng, “tay này cũng được đấy chứ”- cậu nghĩ bụng. Đến bữa trưa thì cả xe đã thân thiện với nhau. Người mới đến là Nguyễn Kim Duyệt, dân Hà Nội gốc, nguyên sinh viên Đại học Nông nghiệp 1.

Ngày 6 tháng Tư, tiểu đoàn Bốn và tiểu đoàn Năm lên đường, đó là hai tiểu đoàn tăng thiết giáp hạng nhẹ, được sử dụng làm phân đội phái đi trước của quân đoàn, có nhiệm vụ đánh địch, mở đường cho đại quân cánh quân duyên hải.

Ngày 10 tháng Tư các đơn vị còn lại của lữ đoàn mới xuất phát. Cuộc xuất quân khí thế lắm, xe nào xe nấy đều có hai chữ “thần tốc” trên tháp pháo. Ra đến đường Một, gần năm chục chiếc xe tăng hạng trung nối đuôi nhau chạy trông thật hùng dũng. Tất cả mọi phương tiện đang lưu thông trên đường đều dạt hẳn về một bên nhường đường, bà con hai bên đường vẫy tay chào mừng thật là thân thiện.

Cái khí thế hừng hực ấy kéo dài chưa được bao lâu thì bị giội ngay một gáo nước lạnh: hai nhịp cầu Câu Lâu bị phá mới được lắp tạm bằng “cầu Mỹ” không đủ tải cho xe tăng qua.

Để đảm bảo cho xe tăng vượt sông Thu Bồn công binh quân đoàn bố trí một bến phà dã chiến ngay bên cạnh cầu. Con sông Thu Bồn mùa nước cạn có một cù lao nằm ở giữa, phà phải chạy vòng qua nên mất gần hai tiếng đồng hồ chiếc xe tăng đầu tiên mới đến bờ bên kia. Trên bờ cả hai tiểu đoàn xe tăng nằm vạ vật dưới cái nắng mùa khô xứ Quảng. Lữ đoàn phó Dương Xuân Tụ phụ trách hành quân đi đi lại lại, miệng gầm gừ như con hổ bị nhốt trong cũi:

- Không biết các ông ấy làm ăn thế nào? Đã hiệp đồng như đinh đóng cột rồi mà có mỗi cái phà con con, hai tiếng một xe thì bao giờ mới qua hết được sông.

Bên trinh sát của quân đoàn cho biết về phía thượng lưu gần chục cây số cũng có một cây cầu bê tông. Như bắt được vàng Tụ lệnh cho cả đoàn xe tăng ngay lập tức hành quân đến đó. Nhưng chạy đến nơi rồi lại đâm thất vọng, cây cầu tuy là bê tông nhưng quá mảnh dẻ, chiều rộng mặt cầu không bằng chiều rộng thân xe nhưng vì hai bên không có lan can nên vẫn có thể qua được. Với vẻ không tin tưởng lắm lữ phó Tụ lệnh cho một xe của đại đội Một đi thử.

Hàng trăm cặp mắt trên bờ dõi theo từng vòng lăn xích của chiếc xe tăng trên cầu. Nó đã qua được một phần ba. Ai cũng khấp khởi chắc là qua được thì “ịch” một cái: một nhịp cầu sập một đầu xuống sông, cái xe tăng chìm gần hết trong làn nước xanh ngăn ngắt chỉ thò mỗi nòng pháo lên như một cánh tay kêu cứu. Chẳng thể làm gì hơn cả đoàn xe tăng lại lầm lũi quay lại cầu Câu Lâu chờ phà.

Gần hết ngày 11 tháng Tư hai tiểu đoàn mới qua sông hết, đại đội Bốn là những người qua sông cuối cùng.

Như muốn cướp lại thời gian đã mất, qua được sông là những con chiến mã lại phóng hết tốc lực trên đường. Con đường quốc lộ Một làm theo công nghệ Mỹ tuy không bị những băng xích xe tăng cày nát nhưng cũng hằn lên hai vệt trắng nhờ, nhưng cuộc hành quân thần tốc lại bị khựng lại cũng vì một cây cầu, cầu Mộ Đức.

Cũng giống như cầu Câu Lâu, cầu Mộ Đức bị đánh sập một nhịp và cũng được bắc lại bằng cầu Mỹ. Đây là loại cầu dã chiến được ghép lại với nhau bởi các khung thép và chỉ có trọng tải 8 tấn nên không đủ tải cho xe tăng qua. Công binh quân đoàn đang tập trung làm ngầm ở phía hạ lưu và xe tăng lại phải nằm chờ. Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ cho các đại đội dạt vào bên đường lợi dụng bóng cây tránh nắng.

Mộ Đức là một vùng quê có truyền thống cách mạng từ lâu đời, nghe tin hôm nay có một tiểu đoàn xe tăng hành quân qua nghỉ lại Hội mẹ chiến sĩ tổ chức đến uý lạo và khao quân. Tiểu đoàn thông báo trưa nay các đơn vị không phải nấu cơm mà sẽ ăn cơm tập trung từng đại đội.

Gần trưa, ba chiếc xe lam chở cơm và thức ăn đến vị trí tập trung của ba đại đội. Đến với đại đội Bốn là hai bà má đã ngoài sáu mươi, dáng người nhỏ thó nhưng còn khá khoẻ mạnh. Dưới cái nắng trưa gay gắt hai má xăng xái chia cơm, thức ăn vào những bộ xoong chậu quân nhu do các xe mang tới. Thức ăn các má chuẩn bị để khao quân hôm nay gồm cá biển kho, canh chua cá lóc và rất nhiều rau sống. Cái thứ rau sống của người Quảng Ngãi cũng thật lạ. Đó là một hỗn hợp của rất nhiều thứ: rau muống chẻ, rau má, rau diếp cá, ruột cây chuối thái mỏng và đặc biệt nhất là có cả những lát mỏng mít xanh… Sau gần một tháng quanh đi quẩn lại với lương khô, thịt hộp nay trông thấy canh chua và rau sống tên nào tên ấy cứ nuốt nước bọt ừng ực, chỉ đợi chính trị viên cảm ơn các má vài câu và phát lệnh bắt đầu là lao vào ăn như “rồng cuốn”. Tích cực nhất phải kể đến Sáu Bùi, cậu ta phồng mang trợn mắt lèn từng cuộn rau to đùng vào cái miệng rộng hoác, ai hỏi có ngon không cũng chẳng trả lời được, đầu thì gật mà miệng vẫn nhai rau ráu.

Nhìn cánh lính trẻ ăn ào ào như người đói khát lâu ngày, hai má bỗng bật khóc hu hu. Lúc đầu chỉ là những tiếng nấc nhỏ nhưng sau chắc không giữ được các má khóc như mưa như gió. Đang mở hết tốc độ ăn cả lũ bỗng dừng cấp tốc tròn mắt nhìn nhau. Thận và Toàn vội chạy lại bên hai má, cả hai không biết vì lẽ gì mà các má khóc dữ như vậy nên hết sức lúng túng. Toàn ấp úng:

- Má…má… làm sao vậy? Chúng con có gì không phải thì bảo chúng con!

Hai má vẫn khóc nhưng không còn khóc to nữa, một má cất cái giọng Quảng Ngãi vốn đã khó nghe nay lại càng khó nghe trong cơn khóc:

- Mồ tổ tụi bay! Một tiểu đoàn mà chỉ có từng này người thôi sao?

- Vâng! Chúng con chỉ có bấy nhiêu thôi!- Toàn vội trả lời.

Hai má lại oà lên khóc. Xúm lại bên hai má bây giờ không chỉ có Toàn và Thận mà cả hàng chục gương mặt trẻ, đứa nào đứa nấy cứ ngỡ mình mắc lỗi gì. Bỗng hai má ngừng khóc và bật cười, cả lũ lại càng ngạc nhiên. Nhìn những bộ mặt ngây hết cả ra hai má vừa cười vừa giải thích:

- Nghe nói bọn bay có cả một tiểu đoàn, các má tưởng bọn bay đông lắm. Hội các má chỉ có ít tiền nên phải mua cá, mua rau để đãi tụi bay. Biết tụi bay chỉ có bấy nhiêu người thì các má đã thịt một con heo để chúng bay ăn chứ tội gì để tụi bay phải ăn khổ thế này!

- Trời ơi! Thế mà má làm chúng con hết hồn!- Toàn cười hết cỡ- Chúng con ăn thế này là ngon lắm rồi, má cứ xem xem, mâm nào cũng gần hết rồi đấy!

- Ngon thiệt không?- Một má nghiêm giọng hỏi.

- Ngon thiệt mà! Chúng con đi như thế này mấy chục ngày rồi, ngày nào cũng lương khô, thịt hộp nên chỉ thèm rau thôi!- Thận chen vào giải thích.

- Thế thì còn nhiều lắm! Tụi bay cứ ăn đi, các má về lấy thêm.

Chiếc xe lam lại chạy thêm một chuyến nữa về lấy rau, mâm nào lại về mâm ấy tiếp tục cuộc chiến đấu còn đang dang dở. Hai má ngồi nhai trầu bỏm bẻm nhìn đám lính trẻ đang nhồm nhoàm nhai, vẻ mặt đầy mãn nguyện.

Cơm nước xong xuôi thì bên công binh báo đã làm xong ngầm, lữ phó Tụ quyết định cho một xe xuống đi thử. Chiếc xe đã qua gần hết ngầm thì chết máy, nước vào động cơ đành nằm lại giữa sông. Để nó nằm đấy thì công binh không làm tiếp được, Tụ cho nối cáp vào để kéo xe lên và lệnh cho “xê Mười Một” khẩn trương khắc phục.

Nhìn những đoàn ô tô vẫn nối đuôi nhau qua cầu lữ phó Tụ càng sốt ruột, ông biết chắc chắn rằng cái ngầm này muốn để cho xe tăng qua được còn tốn nhiều công lắm, có nhanh thì cũng hết đêm nay mới xong. Lững thững đến sát đoạn cầu Mỹ bắc tạm ông thấy mỗi chiếc xe ô tô qua cây cầu tạm chỉ hơi võng xuống một tý, các chốt nối của cầu đều bằng những đoạn thép to gần bằng cổ chân nên khá chắc chắn. Một ý nghĩ táo bạo bỗng nẩy ra trong óc ông: “với kết cấu như thế này có thể cho xe tăng qua được!”. Nghĩ là làm, Tụ cho gọi Thận lên:

- Cái 389 vẫn đi cùng đấy phải không?

- Vâng ạ!- Thận trả lời mà vẫn chưa hiểu tại sao.

- Anh gọi nó lên đây cho tôi.

- Để làm gì lữ phó?- Thận vẫn chưa hiểu.

- Thì để nó đi thử cái xem sao!

Thận đã hiểu ra. Cái xe 389 là cái xe bị mảnh bom chém vào nòng pháo, các chuyên gia về vũ khí đều cho rằng nếu xe này mà bắn pháo thì nòng có thể bị gãy ở chỗ đó. Vừa rồi trong chiến dịch Huế- Đà Nẵng nó lại bị kẹt lại sau xe 382 ở đường 73 nên chưa biết thực hư thế nào. Khi vào đến Đà Nẵng lữ đoàn vẫn quyết định cho đi, đến đâu hay đến đấy. Còn hôm nay chắc ông Tụ muốn thí tốt đây.

Thận chạy về chỗ đại đội nghỉ chân, anh bảo Tráng:

- Cậu cho xe lên đầu cầu gặp lữ phó Tụ!

Lái xe Nghị đang lơ mơ ngủ bị dựng dậy, mắt nhắm mắt mở đánh xe lên đầu cầu. Lữ phó Tụ đã đứng đó đợi, ông gọi Tráng và Nghị lên:

- Bây giờ các cậu trên xe xuống hết, chỉ một mình lái xe ở lại trên xe- Ông quay sang hỏi Nghị- Cậu có biết bơi không?

- Tôi bơi tốt!- Nghị trả lời.

- Vậy thì thế này nhé. Cậu sẽ lái thử cái xe này qua cầu, cứ bình tĩnh, đi chân dầu thật êm, trước khi vào cầu phải căn hướng cho chính xác, đã vào cầu tạm rồi tuyệt đối không chuyển hướng nữa. Nếu không may rơi xuống sông thì cứ bình tĩnh đợi cho nước tràn đầy vào xe thì bơi ra. Rõ chưa?- Ông nhìn như xoáy vào mắt Nghị.

- Rõ rồi ạ!- Nghị gật đầu ra ý hiểu.

- Nào, bắt đầu nhé!

Tráng gọi Trung, Thành xuống rồi đi bộ vượt sang bên kia cầu. Nghị vào xe nổ máy. Tụ cho người chặn xe hai đầu cầu lại rồi trực tiếp chỉ huy xe. Nghị cũng thấy hơi căng thẳng nhưng cậu tặc lưỡi: “cùng lắm thì rơi xuống sông”. Nghĩ vậy rồi cậu thấy vững dạ hơn và nổ máy đưa xe vào cầu theo tín hiệu của lữ phó.

Quân lính hai tiểu đoàn, rồi đám công binh và người từ những chiếc xe bị chặn hai đầu cầu cùng dán mắt vào từng động tĩnh của xe 389. Nó đã vào phần cầu chưa bị sập…, rồi nó từ từ bò lên nhịp cầu tạm…. Những khung sắt nghiến rào rạo và oằn xuống. Nghị vẫn giữ chân dầu thật êm. Chiếc xe đã bám được băng xích vào mố cầu bên này rồi qua hẳn, nhịp cầu tạm lại vồng lên như cũ. Tiếng vỗ tay lộp độp nổi lên.

Lữ phó Tụ quay lại nhắc hai tiểu đoàn trưởng:

- Về nhắc anh em lái xe: đi qua cầu phải thật nhẹ nhàng, không được chuyển hướng. Giao các anh đứng đây điều hành cho từng xe qua một, rõ chưa?

- Rõ!- Hai tiểu đoàn trưởng mặt tươi hơn hớn trả lời.

- Từ nay gặp cầu Mỹ cứ thế mà qua nhé!- Tụ cười hóm hỉnh, tất cả những người có mặt cùng cười theo.

Chỉ hai mươi phút sau hai tiểu đoàn xe tăng đã qua hết cầu.

(Còn nữa)

NKN

1 nhận xét: