Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

CAI NGHIỆN



            Phong là con trai duy nhất của chị tôi. Từ nhỏ, cháu học rất thông minh và giỏi. Nhưng rồi, anh chị tôi không hợp nhau, nên đã chia tay sau một thời gian dài li thân. Phong mải chơi chán học, theo bạn bè, chả mấy chốc đi vào con đường nghiện ngập. Đã nhiều lần, tôi khuyên giải, động viên cháu cai thuốc, nhưng rồi chứng nào tật ấy, cháu có thể tâm tình hàng giờ về những điều hay lẽ phải trong khi hoàn toàn bất lực trước sự hấp dẫn lôi cuốn của nàng tiên nâu. Hồng, vợ của Phong là một cô gái trẻ mới lớn, nhưng khá già dặn. Chỉ có Hồng mới biết từng ngày từng giờ Phong đang ở đâu, đi đâu và thực sự đã cai nghiện được chưa.Còn chị tôi, chỉ có một mình, đã cố gắng động viên giảng giải nhiều mà cháu chưa nghe.
           Một hôm, Phong tự cai bằng thuốc nam của một ông lang. Mấy anh chị em tôi được mật báo ghé thăm Phong và khuyên cháu quyết tâm cai nghiện ở một trung tâm của nhà nước. Phong đấu tranh tư tưởng dữ lắm, nhưng tự nguyện tới trung tâm là cả một nan trình. Tôi đến, sau khi tâm tình với cháu một hồi chưa có kết quả, trời đã về chiều, tôi phải về nhà thu xếp công việc  và hẹn quay trở lại, anh chị cả tôi ở lại tiếp tục thuyết phục và thuê xích lô đưa cháu đi.
Vừa về nhà một lát, tôi đã nhận được điện thoại. Anh rể tôi gọi :
“Anh chị đã đưa cháu Phong đi trung tâm cai nghiện rồi. Nhưng tệ quá, họ không nhận, họ bảo tối-hết giờ rồi, sáng mai đem đến, họ có biết là đưa được nó đi khó thế nào đâu. Anh đã làm việc với tay bác sĩ trực, nói hết lời, mà hắn nhất định không chịu. Cô xem thế nào đến đây ngay, may ra cô có dẻo mồm, hay có …đút lót gì cho hắn để hắn nhận đi. Cha này vòi tiền đấy mà. Anh khó chịu lắm, anh không thể làm gì được, mà anh thì nóng tính.”
              Tôi lật đật thu xếp cơm nước cho me (me tôi khi ấy đã 93 tuổi) xong phi đến trung tâm cai nghiện thuộc nội thành Hà Nội. Trời mưa tầm tã, thấy mấy anh chị em và Phong còn đứng lơ vơ ngoài cổng, thật tội nghiệp. Tôi vội gọi cổng xin gặp bác sĩ trực.
-Thưa bác sĩ, em là dì ruột của cháu Phong. Chắc anh chị em cũng đã thưa chuyện với bác sĩ?
- Chúng tôi biết rồi, nhưng nguyên tắc chúng tôi không được phép nhận cháu vào lúc này, sáng mai gia đình hãy đưa đến!
-Vì sao thế ạ? Thưa bác sĩ, đưa được cháu đến là khó lắm, cháu không chịu đi. Bây giờ đến rồi lại về, e sáng mai không đưa được thì khổ quá. Xin bác sĩ thông cảm, cho cháu vào đêm nay, gia đình xin có chút bồi dưỡng cho ca trực
- Cảm ơn chị, nhưng không cần phải bồi dưỡng, vì trực đêm là nhiệm vụ của chúng tôi. Chúng tôi không nhận vì ngoài giờ hành chính rồi, nhận ban đêm trái nguyên tắc, lỡ cháu xảy ra chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm?
- À ra vậy. Em hiểu rồi ạ. Nhưng bác sĩ thông cảm cho hoàn cảnh gia đình em. Bố mẹ cháu Phong đã li hôn. Mẹ cháu bị tàn tật. Chị cả em ở ngoài kia và anh rể em đấy ạ, đều có tuổi và yếu rồi. Em là em gái út sức khỏe còn tàm tạm nhưng chồng em là bộ đội cũng mất sớm, ở nhà còn mẹ già nữa. Nếu phải đưa cháu về, không biết sáng mai làm sao đưa cháu đến, em ở xa lắm và phải lên cơ quan báo cáo thu xếp công việc mới nghỉ được ạ. Bác sĩ cứ linh động cho cháu vào, coi như gia đình tự chịu trách nhiệm. Nếu xảy ra bất cứ chuyện gì trong đêm nay, gia đình không dám đổ lỗi gì cho ca trực của trung tâm. Em xin viết giấy cam đoan gửi lại bác sĩ. Đêm nay, em và mẹ cháu ở đây với cháu. Em là …làm việc tại ……..Mọi chuyện có thế nào em xin lo hết thưa bác sĩ, mong bác sĩ tin em, em không dám nói sai đâu ạ.
- Thôi được, chị đã nói thế thì đưa cháu vào phòng trong kia.
- Cảm ơn bác sĩ lắm. Mong bác sĩ nhận cho một tí …(đưa phong bì) gọi là để bồi dưỡng ca trực đêm.
- Tôi đã nói rồi. Trực đêm là việc của chúng tôi. Chị cất ngay đi!Không cất thì…về!!!
Một chút gay gắt nhưng với tôi là OK quá đỗi. Tôi và mẹ cháu ở lại đưa cháu vào phòng, còn anh chị cả về nhà vì cũng mệt rồi.
Tôi để chị gái ngồi một chỗ còn tôi thì dạo quanh sân và vườn. Vắng vẻ, một ít cây mới trồng, tường cao bao bọc. Lúc này mưa đã tạnh bớt. Thi thoảng tôi vào phòng thăm cháu. Nó ngồi chồm chỗm trên giường, đầu gối quá tai. Tôi nhắc cháu nằm nghỉ nhưng nó không chịu. Hai chị em ngồi trên cái ghế băng bên ngoài, cũng chả biết làm gì, chỉ mong sao chóng qua đêm, sáng mai mới được làm thủ tục để cháu nhập vô chính thức. Đêm dần về khuya, trời mưa trở lại, ngày càng nặng hạt, sau rồi gió lớn, mưa tầm tã. Tôi vào thăm cháu, lần này thấy cậu vẫn ngồi đó, mắt đỏ ngầu, hơi dữ tợn.
- Phong.à, cháu cố gắng lên nhé. Trong những lúc như thế này, cô không muốn nói gì nhiều chỉ làm cháu mệt thêm, cô mong cháu gắng vượt qua đêm nay, mai cháu sẽ được các bác sĩ chữa trị. Nếu cháu không ngủ được, cô ở đây với cháu nhé.
- Không, cô ra ngoài đi. Cô không ở đây được, cháu sắp “lên cơn” rồi, cô chẳng làm gì được đâu.
- Cô không làm phiền gì cháu đâu, có người bên cạnh cháu sẽ đỡ trống trải.
- Cháu nói thật với cô. Lúc này cháu còn đang tỉnh táo, nên cháu mới bảo cô ra ngoài đi, chứ một lát nữa cháu không còn là cháu, thì lôi thôi lắm, cô không tưởng tượng được đâu. Nó nói, mà mắt cứ đỏ ngầu trừng trừng nhìn tôi, nửa như đe doạ, nửa như cầu khẩn.
Tôi bối rối quá, đi đi lại lại rồi cuối cùng ra ngoài. Tôi đánh bạo tìm đến phòng bác sĩ trực. Biết là làm phiền ông quá, nhưng không thể có cách nào khác. Tôi gõ cửa, thật may mắn làm sao ông vẫn đang thức, ngồi ở bàn chứ không ngủ.
- Thưa bác sĩ, em xin lỗi vì lại đường đột đến đây. Cháu em hình như sắp lên cơn nghiện, trông nó đáng sợ lắm. Liệu có cách nào bác sĩ cho tiêm thuốc cắt cơn hay làm sao đó giúp cháu và giúp bọn em với-Tôi năn nỉ.
- Không tiêm được lúc này chị ạ. Không ai thuyết phục và giữ nổi nó đâu.-bác sĩ nhìn tôi.
- Vậy bây giờ theo bác sĩ, em phải làm gì, xin bác sĩ cứ cho biết. Em hoàn toàn trông cậy và nghe theo tư vấn của bác sĩ, còn gia đình thì tự chịu trách nhiệm trong mọi tình huống xảy ra vì chưa nhập chính thức mà.
- Thôi được, tôi tin chị. Tôi sẽ khuyên, còn làm hay không là tuỳ chị. Nhưng chị phải nhớ rằng chị cần hiểu cho đúng, không được tự suy diễn hoặc nói với ai, tình hình ở đây cũng phức tạp.
- Dạ bác sĩ cứ nói-Tôi phấp phỏng chờ đợi.
- Chị hãy mua cho cháu một liều ma tuý như cháu vẫn thường dùng, cho nó một lần cuối cùng. Sau khi dùng, nó sẽ dần trở lại bình thường. Rồi kế đó, có tiêm thuốc gì điều trị thì tính sau.
- Cảm ơn bác sĩ, em sẽ làm ngay, nhưng mua ở đâu ạ?
- Chung quanh đây, cũng vẫn có người bán lén lút đấy, nhưng tôi chỉ cho chị tìm để mua thì thật lôi thôi quá, chị có hiểu không? Thành thử, tốt nhất, chị bảo cháu có bạn bè gì không, chúng nó đưa nhau đi đâu mua được thì đi. Rồi quay lại đây. ( Còn nữa )

                         Hồ Minh Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét