Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Vài ý góp với thơ Hồ Minh Quang




          


          Trong chùm thơ 8 bài viết theo thể thơ “tám câu bảy chữ” của Hồ Minh Quang, Đỗ Đình Tuân chỉ thấy duy nhất có một bài mang dáng dấp con người Hồ Minh Quang. Đó là bài tự sự. Còn 7 bài khác Đỗ Đình Tuân chả thấy Hồ Minh Quang ở đâu cả. Đó là những bài thơ viết vội chưa mang dấu ấn con người cá nhân. Với những bài thơ như thế, Đỗ Đình Tuân chả nặn ra được ý nào để mà góp cả. Nhưng ở bài Tự sự thì quả nhiên Đỗ Đình Tuân nhận thấy có một Hồ Minh Quang: Cái con người mà Đỗ Đình Tuân đã bắt gặp trong  Diệu vợi trăng thơ, Thơ chẳng thay mầu, Tìm nhau ở đâu?, Thơ gọi người ơi. Chính cái con người thơ, con người tinh thần ấy của Hồ Minh Quang đã nuôi cảm hứng cho Đỗ Đình Tuân viết Nét riêng của một cây bút mới.
Đỗ Đình Tuân có máu viết phê bình, nên cứ thấy một người lạ mới vào làng là lại hay chỉ trỏ và bình phẩm. Nhất là đối với những ai hơi có "sắc nước hương trời" một tý thì Đỗ Đình Tuân thường hay trầm trồ để rủ nhiều người khác đến xem. Nhưng rất tiếc là sau những bài ấy, thơ Hồ Minh Quang bỗng nhạt hẳn đi, nhiều lời và bồng bột chứ không còn đằm lắng như trước nữa. Cũng vậy hôm nay mở trang “Nước mắt và nụ cười”, Đỗ Đình Tuân thấy Hồ Minh Quang trưng ra những 8 bài “tám câu bảy chữ”. Một tốc độ làm thơ như thế thì chả kém gì nhà thơ nhập đồng Hoàng Quang Thuận. Rất may là vẫn có một bài rất Bùi Kim Thư đấy:
Lang thang dạo bước một mình em
Mờ khói lam u uất nỗi niềm
Bảng lảng bóng chim mây xám ngắt
Chênh chao diều đứt nắng tàn xiên
Rượu nồng say tỉnh trời chao đảo

Thơ nhạt khóc cười đất ngả nghiêng
Ngơ ngẩn tìm về yêu dấu cũ
Ước thầm bay đến chốn thần tiên
          Theo Đỗ Đình Tuân ở bài này chỉ cần ở câu 3 đổi chữ chim thành chữ chiều (vì bảng lảng bóng chim không hợp lý, còn bảng lảng bóng chiều thì hợp lý hơn). Thực ra câu 3 này vẫn hơi nặng giống như trước một cơn giông gió nhiều hơn là hoàng hôn. Nhưng nó "đồng bộ" với tâm trạng u uất não nùng của Bùi Kim Thư nên thành hợp lý. Còn ở câu 8 nên thay chữ chốn bằng chữ cõi là bài thơ sẽ "chuẩn không cần chỉnh".
Bây giờ thử đọc lại bài thơ theo đề xuất của Đỗ Đình Tuân xem nhé:
Lang thang dạo bước một mình em
Mờ khói lam u uất nỗi niềm
Bảng lảng bóng chiều mây xám ngắt
Chênh chao diều đứt nắng tàn xiên
Rượu nồng say tỉnh trời chao đảo
Thơ nhạt khóc cười đất ngả nghiêng
Ngơ ngẩn tìm về yêu dấu cũ
Ước thầm bay đến cõi thần tiên.
Có thể trong đời thường Bùi Kim Thư vẫn là một cô gái bình thường, nói cười vui vẻ, cởi mở với mọi người. Nhưng trong đáy sâu tâm hồn Bùi Kim Thư vẫn dấu kín một con người vất vưởng dưới chiều tà lẻ bóng, khát khao tìm lại những hạnh phúc đã mất. Không hiểu sao, Đỗ Đình Tuân luôn có cái cảm giác rằng cứ  khi nào con người sâu kín ấy của Bùi Kim Thư xuất hiện thì thơ Hồ Minh Quang lại hay ?
30/5/2013
Đỗ Đình Tuân

2 nhận xét:

  1. 1. Em đăng 8 bài (bây giờ là 10 bài rồi ạ)không có nghĩa là em làm trong một lúc một nhát đâu bác ơi. Có điều thơ em chỉ được thế nên đành chịu. Chả dấu gì bác, có một hôm, một bạn thơ (trong CLB sinh hoạt)giáo huấn cho em một bài về việc làm thơ kiểu này, vì bình thường em chỉ làm thơ tự do hoặc lục bát thôi. Thế là em lụi hụi chắp vần "rặn" đủ thứ để ... tập, thành ra như bác nhận xét là đúng quá rồi ạ.
    2. May mà có bài "Tự sự" thì "Hồ Minh Quang" hơn, úi cha cha em xấu hổ quá. Nhưng được bác sửa cho, em xin nhất trí hoàn toàn vì thực sự là nó hay lên và hợp lí hơn. Em xin cảm ơn bác.
    3. Bác đã hình dung ra ở em có 2 con người, xin thưa điều ấy cũng là đúng ạ. Tuy nhiên, không phải lúc nào "con người sâu kín" xuất hiện thì thơ hay đâu ạ. Thơ em nói chung là nặng về số lượng chứ không chất lượng, em chỉ làm quấy quá chứ ít khi sâu sắc. Thành ra, bữa trước được bác khen là em sướng lắm. Còn hôm nay bác ... chê thì em không khổ đâu, mà vẫn sướng vì em được nghe sự chỉ bảo thật tận tình.

    Một lần nữa, em cảm ơn nhà thơ Đỗ Đình Tuân nhiều lắm.



    Trả lờiXóa
  2. 1.Cũng nên biết làm thơ "tám câu bảy chữ" vì thể thơ này có khả năng tập dượt nhiều kỹ năng tư duy và ngôn ngữ và việc giao lưu xướng họa cũng tiện lợi hơn.Mới tập mà Kim Thư đã viết được bài tự sự, thế là Kim Thư cũng tỏ ra rất năng khiếu rồi.
    2.Bị chê mà vẫn sướng thế là Kim Thư khá tân tiến hiện đại rồi.Đỗ Đình Tuân không nhớ cụ thể, nhưng hình như người Mỹ có một danh ngôn hay cách ngôn gì đó đại ý: Lời khen là mảnh băng bịt mắt, lời chê là bó đuóc soi đường. Đỗ Đình Tuân thì xin cứ nôm na mà phỏng dịch sang thành tục ngữ như sau: "Một lời chê bằng một sề lời khen".
    3."Uống rượu ngọt đọc thơ hay / Còn như giáp mặt giáp mày thì chưa". Đỗ Đình Tuân đã biết "mặt ngang mũi dọc" của Kim Thư như thế nào đâu? Thành ra toàn là "phê bói" cả. Nếu có trúng được câu nào cũng là may rủi hú họa thôi.Còn sai câu nào thì xin Kim Thư cũng đại xá cho.
    4.Đỗ Đình Tuân chỉ là thường dân mà lại là một thường dân vào loại "hoàn cảnh" (Tôi tuy nặng gánh phó thường dân).Đỗ Đình Tuân cũng không phải là nhà thơ mà chỉ là "nhà ghép vần" thôi (Không dám làm thơ chỉ ghép vần...). Cho nên nếu muốn gọi cho oai thì trước Đỗ Đình Tuân có thể ghép thêm một trong ba chức danh sau đây:
    -Nhà giáo Đỗ Đình Tuân (chức danh sang nhất)
    -Nhà ghép vần Đỗ Đình Tuân ( chức danh văn chương nhất)
    -P.thường dân Đỗ Đình Tuân ( chức danh cao quý nhất)

    Rất cám ơn Kim Thư vì đã có một thái độ tiếp thu phê bình rất thoải mái và rất văn hóa, làm cho người "phê bói" cũng khoái cái lỗ tai và hả cái dạ, hè...

    Trả lờiXóa