Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Được mời về dự lễ đón nhận danh hiệu làng văn hóa trong dịp hội chùa Trông


( Họa Thơ Nguyễn Thị Tiệp )
Mơ thấy mẹ tôi đứng vẫy vời
Con về lễ hội cảnh vui tươi
Khách vào đông nghịt quanh phường phố
Chuông vọng ngân nga khắp đất trời
Cảm phục chân thành dâng bốn ý
Nguyện cầu kính cẩn ngỏ dăm lời
Hào Khê được nhận làng văn hóa
Trai gái trẻ già rộ tiếng cười

         Bùi Trác Trường

MÓN HÀ KHO

( Thân yêu tặng Tô Hà )

Hà về, làm món Hà kho*
Cá om dưa với canh chua mát lành
Cánh gà nấu quả bí xanh
Lòng xào đậu đũa, phi hành đến ngon
Món chè bí đỏ ngọt êm
Thoảng thơm, cay của riêng em vị gừng**
Hà về, nhà cửa tưng bừng
Thầy xưa, bạn cũ tới cùng chia vui
Tiễn Hà nắng lửa rã rời
Món Hà kho cứ đầy vơi nỗi niềm
          31-5-2013
          Song Thu
Chú thích:* Tô Hà làm món ăn chay, ( mít non kho ) ăn rất lạ và thú vị. Thầy Tuân đặt tên là món Hà kho
                 **Tô Hà nấu chè bí đỏ ,gạo nếp có cho thêm gừng thái chỉ rồi cắt nhỏ, ăn có vị thơm thơm cay cay rất ấn tượng

Vài ý góp với thơ Hồ Minh Quang




          


          Trong chùm thơ 8 bài viết theo thể thơ “tám câu bảy chữ” của Hồ Minh Quang, Đỗ Đình Tuân chỉ thấy duy nhất có một bài mang dáng dấp con người Hồ Minh Quang. Đó là bài tự sự. Còn 7 bài khác Đỗ Đình Tuân chả thấy Hồ Minh Quang ở đâu cả. Đó là những bài thơ viết vội chưa mang dấu ấn con người cá nhân. Với những bài thơ như thế, Đỗ Đình Tuân chả nặn ra được ý nào để mà góp cả. Nhưng ở bài Tự sự thì quả nhiên Đỗ Đình Tuân nhận thấy có một Hồ Minh Quang: Cái con người mà Đỗ Đình Tuân đã bắt gặp trong  Diệu vợi trăng thơ, Thơ chẳng thay mầu, Tìm nhau ở đâu?, Thơ gọi người ơi. Chính cái con người thơ, con người tinh thần ấy của Hồ Minh Quang đã nuôi cảm hứng cho Đỗ Đình Tuân viết Nét riêng của một cây bút mới.
Đỗ Đình Tuân có máu viết phê bình, nên cứ thấy một người lạ mới vào làng là lại hay chỉ trỏ và bình phẩm. Nhất là đối với những ai hơi có "sắc nước hương trời" một tý thì Đỗ Đình Tuân thường hay trầm trồ để rủ nhiều người khác đến xem. Nhưng rất tiếc là sau những bài ấy, thơ Hồ Minh Quang bỗng nhạt hẳn đi, nhiều lời và bồng bột chứ không còn đằm lắng như trước nữa. Cũng vậy hôm nay mở trang “Nước mắt và nụ cười”, Đỗ Đình Tuân thấy Hồ Minh Quang trưng ra những 8 bài “tám câu bảy chữ”. Một tốc độ làm thơ như thế thì chả kém gì nhà thơ nhập đồng Hoàng Quang Thuận. Rất may là vẫn có một bài rất Bùi Kim Thư đấy:
Lang thang dạo bước một mình em
Mờ khói lam u uất nỗi niềm
Bảng lảng bóng chim mây xám ngắt
Chênh chao diều đứt nắng tàn xiên
Rượu nồng say tỉnh trời chao đảo

Thơ nhạt khóc cười đất ngả nghiêng
Ngơ ngẩn tìm về yêu dấu cũ
Ước thầm bay đến chốn thần tiên
          Theo Đỗ Đình Tuân ở bài này chỉ cần ở câu 3 đổi chữ chim thành chữ chiều (vì bảng lảng bóng chim không hợp lý, còn bảng lảng bóng chiều thì hợp lý hơn). Thực ra câu 3 này vẫn hơi nặng giống như trước một cơn giông gió nhiều hơn là hoàng hôn. Nhưng nó "đồng bộ" với tâm trạng u uất não nùng của Bùi Kim Thư nên thành hợp lý. Còn ở câu 8 nên thay chữ chốn bằng chữ cõi là bài thơ sẽ "chuẩn không cần chỉnh".
Bây giờ thử đọc lại bài thơ theo đề xuất của Đỗ Đình Tuân xem nhé:
Lang thang dạo bước một mình em
Mờ khói lam u uất nỗi niềm
Bảng lảng bóng chiều mây xám ngắt
Chênh chao diều đứt nắng tàn xiên
Rượu nồng say tỉnh trời chao đảo
Thơ nhạt khóc cười đất ngả nghiêng
Ngơ ngẩn tìm về yêu dấu cũ
Ước thầm bay đến cõi thần tiên.
Có thể trong đời thường Bùi Kim Thư vẫn là một cô gái bình thường, nói cười vui vẻ, cởi mở với mọi người. Nhưng trong đáy sâu tâm hồn Bùi Kim Thư vẫn dấu kín một con người vất vưởng dưới chiều tà lẻ bóng, khát khao tìm lại những hạnh phúc đã mất. Không hiểu sao, Đỗ Đình Tuân luôn có cái cảm giác rằng cứ  khi nào con người sâu kín ấy của Bùi Kim Thư xuất hiện thì thơ Hồ Minh Quang lại hay ?
30/5/2013
Đỗ Đình Tuân

XIN VỀ...



XIN VỀ LẠI TUỔI HOA NIÊN 
ĐỂ CHO NHAU NỤ HÔN HIỀN VÔ TƯ !
LÀNG HÓP NGÀY THIẾU NHI QUỐC TẾ 01-6-2013 T.D

NHỚ MÃI VỀ ANH



(Kính tặng Lê Xuân Hào, Khánh Thiện -Yên Khánh- Ninh Bình)
Tìm anh đi dọc dãy trương sơn
Qua mấy binh đoàn lắm chiến công
Suốt từ Bình Phước qua Gia Nghĩa
Lại xuống Bình Dương, xuôi Vĩnh Long

Trung đoàn 24 bao chiến sỹ anh hùng
Đã hiến dâng cuộc đời cho tổ quốc
Các anh đó giờ nằm ở nơi đâu
Có báo tin về cho bố mẹ
Có báo tin về cho đồng đội
Đất Ninh Bình giờ đã trổ hoa thơm
Những điệu hò câu hát chầu văn vẫn gọi
Tha thiết lắng sâu
Chùa Bái Đính
Năm trăm la hán ngồi thiền
Tượng di đà nghìn mắt nghìn tay
Thắng cảnh Tam Cốc, Bích Động
Núi thơ chùa non nước
Nhà thờ họ Bùi Chu Phát Diệm
Khu di tích cố đô Hoa Lư
Làng nổi Kênh Gà
Khu du lịch ngập nước Tràng An Sông Đáy mang theo tình Suối Yến Nặng phù sa tưới mát đồng quê Cho Hoàng Long bốn mùa sai quả Cho cuộc đời tươi trẻ hả hê…!
Tất cả vẫn nhớ anh gia riết
Anh còn đó với Ninh Bình tươi đẹp
Với ngày nào anh hái thuốc cho tôi
Và cho bao đồng đội thân yêu
Giản dị trong bộ quần áo lính
Vẫn cơm độn đỗ xanh thay sắn
Vì tìm đâu ra sắn giữa Tây Ninh
Con vọc rừng nồi cháo nghĩa tình
Cây sâm cau nấu thành cao
Chén rượu thuốc trên đời có một
Anh là thày thuốc của thần tiên

Bây giờ anh nằm ở chốn nao
Trên miền nam tổ quốc
Lịch sử mãi một trang chói sáng
Ghi sâu niềm mơ ước
Giản đơn
Hòa bình, độc lập, giang sơn...
Không có kẻ lọc lừa phản bạn.
                                   VN

CAI NGHIỆN



            Phong là con trai duy nhất của chị tôi. Từ nhỏ, cháu học rất thông minh và giỏi. Nhưng rồi, anh chị tôi không hợp nhau, nên đã chia tay sau một thời gian dài li thân. Phong mải chơi chán học, theo bạn bè, chả mấy chốc đi vào con đường nghiện ngập. Đã nhiều lần, tôi khuyên giải, động viên cháu cai thuốc, nhưng rồi chứng nào tật ấy, cháu có thể tâm tình hàng giờ về những điều hay lẽ phải trong khi hoàn toàn bất lực trước sự hấp dẫn lôi cuốn của nàng tiên nâu. Hồng, vợ của Phong là một cô gái trẻ mới lớn, nhưng khá già dặn. Chỉ có Hồng mới biết từng ngày từng giờ Phong đang ở đâu, đi đâu và thực sự đã cai nghiện được chưa.Còn chị tôi, chỉ có một mình, đã cố gắng động viên giảng giải nhiều mà cháu chưa nghe.
           Một hôm, Phong tự cai bằng thuốc nam của một ông lang. Mấy anh chị em tôi được mật báo ghé thăm Phong và khuyên cháu quyết tâm cai nghiện ở một trung tâm của nhà nước. Phong đấu tranh tư tưởng dữ lắm, nhưng tự nguyện tới trung tâm là cả một nan trình. Tôi đến, sau khi tâm tình với cháu một hồi chưa có kết quả, trời đã về chiều, tôi phải về nhà thu xếp công việc  và hẹn quay trở lại, anh chị cả tôi ở lại tiếp tục thuyết phục và thuê xích lô đưa cháu đi.
Vừa về nhà một lát, tôi đã nhận được điện thoại. Anh rể tôi gọi :
“Anh chị đã đưa cháu Phong đi trung tâm cai nghiện rồi. Nhưng tệ quá, họ không nhận, họ bảo tối-hết giờ rồi, sáng mai đem đến, họ có biết là đưa được nó đi khó thế nào đâu. Anh đã làm việc với tay bác sĩ trực, nói hết lời, mà hắn nhất định không chịu. Cô xem thế nào đến đây ngay, may ra cô có dẻo mồm, hay có …đút lót gì cho hắn để hắn nhận đi. Cha này vòi tiền đấy mà. Anh khó chịu lắm, anh không thể làm gì được, mà anh thì nóng tính.”
              Tôi lật đật thu xếp cơm nước cho me (me tôi khi ấy đã 93 tuổi) xong phi đến trung tâm cai nghiện thuộc nội thành Hà Nội. Trời mưa tầm tã, thấy mấy anh chị em và Phong còn đứng lơ vơ ngoài cổng, thật tội nghiệp. Tôi vội gọi cổng xin gặp bác sĩ trực.
-Thưa bác sĩ, em là dì ruột của cháu Phong. Chắc anh chị em cũng đã thưa chuyện với bác sĩ?
- Chúng tôi biết rồi, nhưng nguyên tắc chúng tôi không được phép nhận cháu vào lúc này, sáng mai gia đình hãy đưa đến!
-Vì sao thế ạ? Thưa bác sĩ, đưa được cháu đến là khó lắm, cháu không chịu đi. Bây giờ đến rồi lại về, e sáng mai không đưa được thì khổ quá. Xin bác sĩ thông cảm, cho cháu vào đêm nay, gia đình xin có chút bồi dưỡng cho ca trực
- Cảm ơn chị, nhưng không cần phải bồi dưỡng, vì trực đêm là nhiệm vụ của chúng tôi. Chúng tôi không nhận vì ngoài giờ hành chính rồi, nhận ban đêm trái nguyên tắc, lỡ cháu xảy ra chuyện gì thì ai chịu trách nhiệm?
- À ra vậy. Em hiểu rồi ạ. Nhưng bác sĩ thông cảm cho hoàn cảnh gia đình em. Bố mẹ cháu Phong đã li hôn. Mẹ cháu bị tàn tật. Chị cả em ở ngoài kia và anh rể em đấy ạ, đều có tuổi và yếu rồi. Em là em gái út sức khỏe còn tàm tạm nhưng chồng em là bộ đội cũng mất sớm, ở nhà còn mẹ già nữa. Nếu phải đưa cháu về, không biết sáng mai làm sao đưa cháu đến, em ở xa lắm và phải lên cơ quan báo cáo thu xếp công việc mới nghỉ được ạ. Bác sĩ cứ linh động cho cháu vào, coi như gia đình tự chịu trách nhiệm. Nếu xảy ra bất cứ chuyện gì trong đêm nay, gia đình không dám đổ lỗi gì cho ca trực của trung tâm. Em xin viết giấy cam đoan gửi lại bác sĩ. Đêm nay, em và mẹ cháu ở đây với cháu. Em là …làm việc tại ……..Mọi chuyện có thế nào em xin lo hết thưa bác sĩ, mong bác sĩ tin em, em không dám nói sai đâu ạ.
- Thôi được, chị đã nói thế thì đưa cháu vào phòng trong kia.
- Cảm ơn bác sĩ lắm. Mong bác sĩ nhận cho một tí …(đưa phong bì) gọi là để bồi dưỡng ca trực đêm.
- Tôi đã nói rồi. Trực đêm là việc của chúng tôi. Chị cất ngay đi!Không cất thì…về!!!
Một chút gay gắt nhưng với tôi là OK quá đỗi. Tôi và mẹ cháu ở lại đưa cháu vào phòng, còn anh chị cả về nhà vì cũng mệt rồi.
Tôi để chị gái ngồi một chỗ còn tôi thì dạo quanh sân và vườn. Vắng vẻ, một ít cây mới trồng, tường cao bao bọc. Lúc này mưa đã tạnh bớt. Thi thoảng tôi vào phòng thăm cháu. Nó ngồi chồm chỗm trên giường, đầu gối quá tai. Tôi nhắc cháu nằm nghỉ nhưng nó không chịu. Hai chị em ngồi trên cái ghế băng bên ngoài, cũng chả biết làm gì, chỉ mong sao chóng qua đêm, sáng mai mới được làm thủ tục để cháu nhập vô chính thức. Đêm dần về khuya, trời mưa trở lại, ngày càng nặng hạt, sau rồi gió lớn, mưa tầm tã. Tôi vào thăm cháu, lần này thấy cậu vẫn ngồi đó, mắt đỏ ngầu, hơi dữ tợn.
- Phong.à, cháu cố gắng lên nhé. Trong những lúc như thế này, cô không muốn nói gì nhiều chỉ làm cháu mệt thêm, cô mong cháu gắng vượt qua đêm nay, mai cháu sẽ được các bác sĩ chữa trị. Nếu cháu không ngủ được, cô ở đây với cháu nhé.
- Không, cô ra ngoài đi. Cô không ở đây được, cháu sắp “lên cơn” rồi, cô chẳng làm gì được đâu.
- Cô không làm phiền gì cháu đâu, có người bên cạnh cháu sẽ đỡ trống trải.
- Cháu nói thật với cô. Lúc này cháu còn đang tỉnh táo, nên cháu mới bảo cô ra ngoài đi, chứ một lát nữa cháu không còn là cháu, thì lôi thôi lắm, cô không tưởng tượng được đâu. Nó nói, mà mắt cứ đỏ ngầu trừng trừng nhìn tôi, nửa như đe doạ, nửa như cầu khẩn.
Tôi bối rối quá, đi đi lại lại rồi cuối cùng ra ngoài. Tôi đánh bạo tìm đến phòng bác sĩ trực. Biết là làm phiền ông quá, nhưng không thể có cách nào khác. Tôi gõ cửa, thật may mắn làm sao ông vẫn đang thức, ngồi ở bàn chứ không ngủ.
- Thưa bác sĩ, em xin lỗi vì lại đường đột đến đây. Cháu em hình như sắp lên cơn nghiện, trông nó đáng sợ lắm. Liệu có cách nào bác sĩ cho tiêm thuốc cắt cơn hay làm sao đó giúp cháu và giúp bọn em với-Tôi năn nỉ.
- Không tiêm được lúc này chị ạ. Không ai thuyết phục và giữ nổi nó đâu.-bác sĩ nhìn tôi.
- Vậy bây giờ theo bác sĩ, em phải làm gì, xin bác sĩ cứ cho biết. Em hoàn toàn trông cậy và nghe theo tư vấn của bác sĩ, còn gia đình thì tự chịu trách nhiệm trong mọi tình huống xảy ra vì chưa nhập chính thức mà.
- Thôi được, tôi tin chị. Tôi sẽ khuyên, còn làm hay không là tuỳ chị. Nhưng chị phải nhớ rằng chị cần hiểu cho đúng, không được tự suy diễn hoặc nói với ai, tình hình ở đây cũng phức tạp.
- Dạ bác sĩ cứ nói-Tôi phấp phỏng chờ đợi.
- Chị hãy mua cho cháu một liều ma tuý như cháu vẫn thường dùng, cho nó một lần cuối cùng. Sau khi dùng, nó sẽ dần trở lại bình thường. Rồi kế đó, có tiêm thuốc gì điều trị thì tính sau.
- Cảm ơn bác sĩ, em sẽ làm ngay, nhưng mua ở đâu ạ?
- Chung quanh đây, cũng vẫn có người bán lén lút đấy, nhưng tôi chỉ cho chị tìm để mua thì thật lôi thôi quá, chị có hiểu không? Thành thử, tốt nhất, chị bảo cháu có bạn bè gì không, chúng nó đưa nhau đi đâu mua được thì đi. Rồi quay lại đây. ( Còn nữa )

                         Hồ Minh Quang

Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Niềm vui & nỗi buồn






Nỗi buồn như vầng trăng khuyết
Niềm vui như sóng vỗ bờ
Niềm vui làm say khúc hát
Nỗi buồn làm ngọt câu thơ.
30/5/2013
Đỗ Đình Tuân

CẢM XÚC SAU MƯA


sau mưa
sau mưa
đất sạch,trời quang
gió lành tràn ngập
nắng vàng trong hơn

















tiếng chim ríu rít trong vườn
con giun,con rắn vui trườn ngoài sân
chùm hoa ngọc bút trắng ngần
cây sưa hàng xóm ve ngân gọi mùa
















quả mận vừa độ ngọt chua
và còn cây khế cũng vừa ra hoa
cơn mưa dịu chút lòng ta
Xua đi cái nóng rất là...bất nhân !
langhop 30-5-2013 T.D

Sẽ mãi yêu em


Trường ơi anh yêu em lắm
Ở đây có bạn có bè
Cây cừ bồn mùa xanh lá
Bi bô tiếng trẻ cùng nghe

Đôi khi khắt khe với bạn
Cũng vì em đó trường ơi
Nơi có ngàn đời đứa trẻ
Ngày ngày đến học đến chơi

Anh đã vì trường trăn trở
Đêm ngày góp nhặt niềm vui
Chẳng có mong chi riêng cả
Ngoài cùng nhau tiến không lui

Hỡi trường có nghe không đấy
Tiếng lòng anh đó em ơi
Kệ ai vô tình với bạn
Riêng anh yêu mãi trọn đời

Giả dụ mai ngày xa cách
Vì muôn ngàn nỗi éo le
Vẫn sẽ lòng anh luôn hát
Cho dù chỉ để em nghe

Đừng phụ lòng anh em nhé
Ở đời lúc ngọt, lúc cay
Qua đông rồi xuân sẽ tới
Có đêm ắt phải có ngày

Trường ơi anh yêu em lắm
Hãy cùng yêu nhé em yêu
Kệ ai vô tình với bạn
        Mặc cho họ đến bao nhiêu

                                   Nguyễn Xuân Hiểu

Mùa hè


(Họa nguyên vần bài xuân quý tỵ của Nguyễn Xuân Nghiệp)

Hè sang buổi sớm núi mờ sương

Sim tím đồi cao ở cạnh đường

Đàn sáo tung tăng xòe cánh lượn

Rừng thông êm ả, suối thơm hương

Ửng hồng đôi má em hằng đợi

Mơn mởn lá hoa đẫm gió sương

Vẫn biết xuân qua rồi hạ đến

Hằng mong xuân đẹp mãi tơ vương

                                                 VN

 Phụ chép   Xuân quý tỵ

Xuân về cánh én đợ chiều sương

Nặng trĩu cành xuân đóa hải đường

Mây trắng lung linh đào thắm nụ

Lan hồng rực rỡ gió đưa hương

Ngày trông đêm đợi xuân lưu bước

Tháng cạn năm mòn tóc gội sương

Vẫn biết xa rồi xuân bất tái

Mong còn trên lá chút thơm vương

                   Nguyễn Xuân Nghiệp

CHẾT HỤT


              Mùa hè năm 2003, tôi dự hội nghị ở Nha Trang. Chúng tôi nghỉ tại khách sạn ngay gần bờ biển, trên đường Trần Phú. Sáng sớm trước khi vào hội nghị, khoảng 5 giờ, tôi và chị Nga ở Lâm Đồng (cùng phòng) rủ nhau ra biển. Hai chị em bảo nhau mặc áo tắm sẵn nếu tiện thì xuống nước. Ra đến nơi mới biết biển động, sóng lớn lắm, cao chừng năm mét, nên chúng tôi chỉ chạy trên cát và tập thể dục. Chạy mãi hơi mệt, tôi dừng lại và nằm chơi. Tự nhiên tôi nghĩ mình nằm vậy không ổn, rất nguy hiểm, nên trở dậy, đi lên sát phía gần đường. Tôi định nghịch khoét một hố cát to để nằm vào đó, nhưng loay hoay chưa kịp làm gì thì một con sóng lớn đã chồm tới, trong chớp mắt, tôi bị cuốn ào ra biển. Tôi ở tư thế nằm ngửa nên sóng tiếp tục tràn qua và nước xối xả ào vào miệng khiến sặc sụa ngột thở. Tôi không biết bơi nên tự vùng vẫy một cách bất lực. Tôi chỉ kịp nghĩ “sao mình lại phải chết một cách giản đơn và vô lí thế này?” và cố gắng giơ thẳng cánh tay phải lên trời để may ra ai nhìn thấy mà cứu không. Chuyện kể dài dòng, chứ thực tế xảy ra nhanh lắm. Tôi bỗng thấy như ai đụng vào mình, chắc là tôi được cứu rồi. Tôi nhớ lời dặn ở đâu đó, nếu sắp chết đuối, không được ôm chặt người khác, người ta sẽ cuống và cả hai cùng nguy. Thế là tôi gắng bất động, để mặc ân nhân đẩy kéo tôi. Tôi chỉ kịp nhận ra láng máng đó là một người đàn ông mặc áo đen, chưa tới 50 tuổi. Tôi cảm thấy mình được đẩy ra xa vì hình như biển lặng lắm không có sóng lớn nữa. Sau rồi tôi thiếp đi, và tỉnh dậy thấy anh ấy kéo tôi đến gần bờ và nghe tiếng đông người lội xuống dìu đưa tôi lên. Tôi thở dốc, sặc nước mà không nôn được, cổ họng phát ra những âm thanh thật rùng rợn cứ như bò rống hay là lợn bị chọc tiết ấy, vang giữa một vùng trời. Có tiếng người đàn ông bảo mọi người đặt tôi nằm xấp, và ai đó dẫm lên lưng tôi cho nước trào ra. Họ cũng làm theo nhưng vô hiệu, tôi vẫn nằm trơ ra đó, thở dốc. Chị Nga bảo đưa tôi đi cấp cứu, nhưng tôi lắc đầu. Tôi bắt đầu thở nhẹ hơn nhưng chóng mặt quay quay khi được đỡ ngồi dậy. Chị Nga lại hỏi đưa tôi về khách sạn nghỉ thì tôi bằng lòng, nên chị cùng một người nữa dìu tôi đi bộ, bên kia đường là khách sạn mà.Nhưng chưa kịp sang đường, tôi đã nôn thốc nôn tháo, nước ộc thẳng phun ra từng mẻ. Ai cũng mừng. Trở về khách sạn, chị Nga đưa tôi vào phòng tắm và trợ giúp. Tôi tiếp tục nôn. Có nôn mới biết sao mà mình ngốn lắm nước biển đến thế. Vào phòng nằm nghỉ, chị vẫn đặt đầu giường một cái chậu cho tôi. Chị bàng hoàng kể lại, khi xảy ra sự cố sóng thần chộp tôi, chị chạy khắp bãi biển kêu cứu. Lúc đó có chừng hơn chục người. Một số ông định nhảy xuống nhưng ra rồi lại phải vào vì sóng quá dữ, chịu không nổi. Chị đã thất vọng và hoảng sợ lắm, nhưng ngay trong chớp mắt, đúng vào thời khắc đặc biệt, một người đàn ông đặc biệt đã lao từ trên đường Trần Phú xông thẳng xuống biển không ngại gì sóng dữ để cứu tôi. Đó là người đàn ông tôi thoáng thấy giữa cơn hiểm nguy, mà trong lúc nhộn nhạo ở bờ biển, mọi người tập trung giúp tôi, đã không để ý đến anh ấy nữa. Và khi được dìu về khách sạn, tôi mới nhớ ra hỏi xem ân nhân của mình đâu rồi thì mọi người đều chịu không biết.
            Tới giờ ăn sáng để chuẩn bị vào hội nghị. Chị Nga dặn tôi nằm nghỉ và tìm đồ ăn gì cho tôi. Nhưng tôi cảm ơn rồi không nghe, cứ gượng dậy, tự bám leo cầu thang từng bước lên phòng ăn. Tôi nói với chị Nga tôi hiểu tình trạng của mình, và tôi đang làm theo một cách riêng để bình phục được nhanh nhất. Tôi lê từng bước, chọn miếng bánh ga tô nhỏ và một cốc sữa nóng rồi ngồi vào bàn nhấm nháp. Bình thường tôi không thích sữa, nhưng có thể cố uống mỗi khi yếu mệt, còn bánh thì tôi thích. Nhưng lúc đó chịu chết, tôi không thể nuốt nổi một ngụm sữa hay một mẩu bánh nào vì như có gì chẹn ở họng, tôi ngậm vào lại nhả ra. Thế là tôi đành rời phòng ăn lên thẳng hội trường. Vì mệt, nên tôi kiếm một chỗ ngồi ngay không giao lưu gì với ai cả. Tôi chờ đến lượt mình báo cáo, tôi không có ý định bỏ cuộc. Tôi ra ngoài uống mấy ngụm nước nhỏ.Theo chương trình, báo cáo của tôi được trình bày sau giờ giải lao. Tôi không nghĩ ra là xin đổi lên trước, nên cầm cự mãi người cứ lạnh dần lạnh dần, tôi chẳng biết bấu víu vào đâu ngoài lọ dầu nóng. Ra giải lao, tôi lấy một đĩa bánh và cốc sữa như cũ, lần này thì nhâm nhi được từng tí một. Tôi đứng ở hành lang, nơi góc khuất, không chào hỏi gặp gỡ bất kì ai mặc dầu biết chắc là có rất nhiều người quen từ trung ương vào, từ các địa phương tới. Một cậu trưởng phòng của trung tâm lại gần chuyện trò với tôi trong chốc lát, tôi không kịp nói gì thì đã bỏ đĩa chén xuống chiếc bàn nhỏ và xin lỗi rồi chạy vào nhà vệ sinh ngay cạnh. Tôi nôn thốc nôn tháo, khởi đầu là ít bánh sữa tôi vừa ăn và nước uống khi ngồi họp, sau đến nước biển mằn mặn, tiếp tục vọt ra xối xả. Cả một phòng đệm (nơi có bồn rửa tay) bỗng chốc ngập ngụa bẩn thỉu. Tôi vừa thở hồng hộc vừa vội vã tự dọn dẹp, múc nước dội đi. Không may là chẳng có ai để tôi nhờ giúp đỡ, nhưng lại may là không có ai vào nên tôi có thể dấu được sự cố của mình, vuốt tóc bằng tay rửa mặt qua quít rồi ngật ngưỡng trở lại hội trường như không có chuyện gì xảy ra. Và chuông reo, tôi lên trình bày. Có lẽ vì hưng phấn cao độ, nên bản báo cáo của tôi giữ được phong độ cần thiết, và khi kết thúc, tôi xin hội nghị mấy phút, kể vắn tắt chuyện vừa xảy ra sớm nay bên bờ biển. Tôi xúc động tâm tình rằng, xin cảm ơn chị Nga, đồng nghiệp đã gián tiếp cứu tôi, và người đàn ông Nha Trang đáng kính đã cho tôi sống lại, để bây giờ tôi có thể làm tròn nhiệm vụ của mình, và nói lời tạm biệt trước khi (cuối năm này) tôi về hưu. Điều đó cũng có nghĩa là
BẠN BÈ ĐỒNG NGHIỆPQUÊ HƯƠNG NHÀ CHỒNG luôn ở bên cạnh tôi, mãi mãi.
              Ngay chiều hôm ấy, tôi đi xe ôm xuống nghĩa trang Suối Hiệp, mang theo lọ cắm hoa nhỏ đùm cả một ít xi măng bỏ trong hành lí đưa từ Bắc vào, để thay bình cắm bông cũ là một vỏ lon bia, anh Quảng-anh chồng tôi-làm bấy lâu nay. Tôi đem một chai nước nữa. Vậy là tới mộ ba má, tôi chỉ việc bỏ vỏ lon bia đi, lấy dao cạo khoét một lớp rồi gắn lọ hoa vào cho chắc. Cũng may là chú lái xe ôm rất nhiệt tình cùng làm giúp tôi, chứ tôi quá mệt khó làm tử tế chắc chắn được. Nhắc đến anh Quảng, tôi lại nhớ đến ngày này năm trước, anh đã trở về cõi vĩnh hằng sau một thời gian lâm bệnh hiểm nghèo. Tôi kết hợp công tác vào Sài Gòn, kịp tới thăm anh và ở lại bệnh viện một ngày một đêm, khi anh đang sống những ngày cuối cùng của cuộc đời. Tôi đã được chứng kiến sự chăm lo chu đáo, hết sức tận tình tỉ mỉ và tình yêu thương vô hạn của chị Lý, vợ anh; của Nga, Hà-hai con đối với anh, và không bao giờ quên được. Tôi càng nhớ da diết những ngày rất xa xưa, anh lụi hụi mang cho vợ chồng tôi cái ổn áp để tăng điện, anh đóng tặng chiếc giường 1,2m để vợ chồng con cái tôi ngủ san ra đỡ chật, và đóng một tủ gỗ lim nhỏ tôi đang cất đồ lưu niệm của chồng tôi và đặt ban thờ MQ lên trên cho tới tận bây giờ.Tôi ra Hà Nội được mấy hôm thì anh Quảng mất. Biết trước là vậy mà tôi vẫn buồn, buồn tê tái trong một nỗi hoang vắng lạ kì.


       Trở về chuyện người đàn ông cứu tôi. Suốt mấy ngày hội nghị, buổi trưa và sáng sớm, tôi thẫn thờ ra bờ biển hi vọng tìm lại ân nhân bằng cách hỏi thăm, nghe ngóng dân tình bình luận về cái vụ chết hụt của tôi để may chăng có thông tin gì về anh ấy. Nhưng vô hiệu, chị Nga và bạn bè tôi chỉ phỏng đoán anh ấy phải là bộ đội đặc công, hoặc dân chài đi biển kỳ cựu thì mới có thể làm vậy. Tôi ân hận quá vì đã không kịp nói gì với anh kể cả một lời cảm ơn ngắn ngủi thì anh đã đi rồi. Tôi không biết làm thế nào, nên đành viết thư gửi Đài truyền hình và báo Nha Trang kể lại sự việc, cảm ơn ân nhân tôi chưa biết rõ mặt, chưa biết quí danh, đồng thời ghi tên tuổi địa chỉ điện thoại của tôi mong được liên hệ với con người vô cùng đáng kính ấy. Nhưng rồi, không có hồi âm nào trở lại, mặc dù báo đài đã làm hết trách nhiệm của họ.
                Sau sự cố chết hụt ấy và ra Hà Nội, suốt hai tháng liền, đêm nào (và cả thi thoảng buổi trưa), cứ đặt mình xuống thiếp đi ngủ mơ, tôi lại thấy có một cảnh tượng thôi. Đó là biển mênh mông sóng cồn dữ dội và tôi, đang một mình vật lộn quẫy đạp với bộ não tỉnh táo đón chờ cái chết một cách bất lực, và một trái tim đang đập dồn trong ước vọng mong manh nhưng rực lửa:
TÔI CÒN ĐƯỢC SỐNG
.Tỉnh dậy hốt hoảng và bần thần, tôi lại mộng mơ rồi, người đàn ông áo đen hôm nào không ai khác, đó là MQ đã hóa thân trở về.

                                    Hồ Minh Quang

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Nắng quảng trường




Ngày hai mươi tám tháng năm dương*
Đèo hắn ra phơi nắng quảng trường
Cuốc bộ diễu hành theo khối phố
Ngồi nghe diễn thuyết với dân phường
Cơn nồng cuồn cuộn bay cờ đỏ
Nắng lửa chang chang nhọ má hường
Thể dục thể thao làm đại hội
Khiến người đi dự gặp tai ương.
*28/5/2013: Đại hội TDTT phường Sao Đỏ
28/5/2013
Đỗ Đình Tuân

TỪ CÂU CHUYỆN “ … HỒNG NHAN TRI KỈ”



            
            Hôm T. A. N đưa bài sưu tầm : “ Vợ, người tình và hồng nhan tri kỉ” lên blog, hắn đọc xong và phán một câu xanh rờn rằng : “ Thế này thì anh chỉ cần mỗi mình S T là đủ rồi cần gì phải đi tìm cho mệt xác”. Biết là hắn động viên, nhưng tôi vẫn thấy khoái cái lỗ tai và mát cả cỗ lòng. Thật đúng là đồ ưa nịnh. Tôi tự bảo mình như thế. Nhưng rồi lại tặc lưỡi và bụng bảo dạ rằng : Ở đời này mấy ai không ưa nịnh? Thôi cứ tự phát mà rung rinh đi, ai đánh thuế đâu mà sợ.

            Trong niềm phấn khích ấy, tôi tự ngẫm lại mình và thấy rằng: là vợ thì đúng đứt đuôi con nòng nọc đi rồi. Bởi tôi không chỉ giữ túi tiền, sinh con đẻ cái, lo cơm ăn nước uống, quan hệ bên nội bên ngoại, bầu bạn thân hữu cho hắn mà còn nâng giấc chăm sóc khi hắn ốm đau và tất nhiên là không quên “ tuýt còi” khi hắn bỗng nhiên cười vu vơ hoặc có hành vi đi hoang gì đó.

 Là hồng nhan tri kỉ cũng trúng phóc luôn. Bởi vì có điều gì mà tôi và hắn lại không nói với nhau đâu. Từ chuyện làm ăn sinh sống, xây nhà dựng cửa, chăm sóc con cháu đến những chuyện vui buồn từ đẩu đâu mang lại. Thậm chí cả những chuyện yêu đương từ đời tám hoánh nào cũng phun ra bằng hết. Ngay cả khi đọc được câu thơ, mảu truyện mới lạ nào cũng rối rít san sẻ với nhau. Thậm chí viết được bài thơ , bài bình hoặc truyện kí nào đó dù dở ẹc hay tàm tạm ổn thì chúng tôi vẫn chia vui với nhau trước tiên. Như thế chẳng là “ Hồng nhan tri kỉ” của nhau thì còn là gì? Nhưng trời đất ơi, tôi vốn không xinh đẹp lại đen nhẻm như kèo nhà bếp nữa nên tự nhận là hồng nhan tri kỉ với hắn thì cũng sái. Thôi đành tự nhận là đen nhan tri kỉ vậy!

Riêng cái khoản là “người tình” thì tôi cứ băn khoăn suy nghĩ mãi và tự thấy mình chưa đạt tiêu chuẩn như bài sưu tầm của T. A. N đưa ra.Trước tiên là cái khoản “ Người tình là cốc nước lọc có pha thêm chút đường…” thì tôi hoàn toàn không có rồi. Tôi vốn thẳng ruột ngựa, nghĩ sao nói vậy theo kiểu “dùi đục chấm nước cáy” chính hiệu chứ ngọt ngào cái nỗi gì? Lại còn cái khoản nhõng nhẽo và dùng nước mắt để làm mềm lòng đấng nam nhi như những người tình  thường sử dụng thì tôi cũng không có nốt. Nói đúng hơn thì từ thủa mới chung sống với hắn tôi cũng có đôi lần làm thế. Nhưng hắn chẳng mảy may rung động cũng chẳng năn nỉ dỗ dành nên tôi thấy mình bị ế dỗi, ế hờn giận và cảm thấy vô duyên vô cùng. Từ đó bỏ luôn các bài ấy. Lâu dần thành quen. Bây giờ thì tôi chẳng còn chút gì của cái chất nhõng nhẽo đáng yêu mà một phụ nữ nên có ấy rồi.

Tôi với hắn cứ như hai kẻ cùng giới thẳng tuột và rõ ràng tuy vẫn gần gũi và thân thương đến lạ! Xa nhau một đôi ngày là cả hai đều thấy bồn chồn thắc thỏm không yên. Có lần tôi đưa con về thăm quê, mới trễ hẹn một vài ngày gì đó, hắn đã đạp xe, vượt non trăm cây số về tìm khiến tôi cảm động đến nghẹt thở. Từ đó không bao giờ tôi sai hẹn nữa. Lại có lần vì vỡ nợ, tôi phải đi buôn bán xa mấy tháng không về . Ngày nào hắn cũng viết thư, làm thơ và tôi thì ngày nào đọc thư cũng khóc ròng . Những câu thơ:

Nghèo thì ăn cháo ăn rau

Nợ nần trang trải dần lâu cũng mòn

Xa em giấc ngủ chập chờn

Mỗi đêm là một đêm trường nhớ em

Hoặc:

Em ơi về ở cùng anh

Con trai con gái chúng mình líu lo

Về đây anh những đợi chờ

Về đây có cả bốn mùa gió trăng

Cho dù ít bát cơm ăn

Có chồng có vợ ân tình là vui… của hắn cứ vò xé tâm can tôi. Đêm nào tôi cũng mơ thấy chồng buồn con khóc và mình cũng khóc, nước mắt ướt đầm cả gối.Bấy giờ đâu có điện thoại như bây giờ để nghe thấy tiếng nói của chồng con cho vơi bớt nỗi niềm. Tôi chỉ biết mắm môi mắm lợi buôn bán kiếm tiền. Khi đủ tiền trả nợ là tôi về ngay và từ đó chẳng bao giờ xa chồng xa con nữa. Nhiều người bảo tôi rằng : “Ở đó buôn bán dễ thế, sao không nán lại vài tháng kiếm thêm chút vốn” Tôi chỉ cười nhưng trong bụng thì nghĩ rằng có kiếm cả núi vàng tôi cũng chẳng thể ở thêm được vì nhớ chồng, thương con.

Suốt mấy chục năm trời chung sống, có nhiều lúc cái tính quá sạch sẽ, cầu toàn của tôi làm hắn bực mình và có những khi hắn nóng tính hoặc vô tâm làm tôi buồn tủi. Nhưng bao trùm trong cuộc sống giữa chúng tôi là sự mặn mà đầm ấm tin yêu. Tình cảm đó đủ để chúng tôi vượt qua mọi khó khăn trong cuộc đời này và gắn bó với nhau trọn vẹn. Tình cảm đó liệu có  đủ để hắn thốt lên : “…anh chỉ cần một mình S. T là đủ” và  để tôi tự tin mà nói rằng mình quả là vợ, là đen nhan tri kỉ của hắn. Dẫu rằng là người tình thì chưa đạt chăng? 
                  28-5-2013
                          Song Thu

GIẢI PHÓNG NGÃ SÁU



Ngày 2/3/1975 trung đoàn 24 tấn công đồn ngã sáu, đến 4 h sáng đã hoàn toàn làm chủ.



Mấy chục năm rồi không thể quên 
Chèo thuyền theo rạch đến thăm em
Đì đoàng Tiếng pháo còn vang vọng
Ngã Sáu lính đồn vẫn đứng canh 

Hai Lượm ngày ngày còn mải miết
Năm Tằm sáng sáng vẫn buông câu
Mĩ Trung đồng ruộng bom thù dội
Hoa súng tím vàng những hố sâu

Sáu Khánh vẫn vào thăm bộ đội
Thường qua Cai Lậy để mua đồ
Anh Chuông, anh Cúc cùng anh Tấn
Kháng chiến thành công góp mấy phần

Minh Nguyệt hẹn hò cùng Sáu Đến
Để kênh Chợ Gạo rặng bần thưa
Cây dừa nghiêng ngả soi dòng nước
Đàn cá thẹn thùng dưới nắng trưa

Bom đạn giặc thù như mắc cửi
Sao ngăn cản được bước người dân
Sục sôi khí thế hờn căm giặc
Gươm giáo một lòng để tiến công

Hai tiếng đồn thù đã sạch tưng
Không còn bóng dáng Thiệu Kỳ Hương
Non sông rợp bóng cờ hồng thắm
Ngã Sáu tưng bừng lập chiến công
                                         VN

Hạnh phúc




Người ta bảo hạnh phúc
Chỉ khi đang yêu nhau
Còn sau khi đã cưới
Hạnh phúc ôi còn đâu?

Nhưng em thì em bảo
Khi yêu mình hạnh phúc
Khi cưới hạnh phúc hơn
Và hạnh phúc ấy còn
Suốt đời và vĩnh viễn

Hỡi người em yêu mến
Có biết chăng lòng em
Theo anh trong tiếng hát
Trong vần thơ tươi mát
Trong ánh mắt đắm say
Khi âu yếm vòng tay
Trong nụ cười hôm nay
Và đêm, ngày, năm, tháng
Trong duyên tình lãng mạn
Trong tương lai đang chờ…

Người ta bảo hạnh phúc
Chỉ khi sống bên nhau
Còn khi người đã khuất
Hạnh phúc ôi còn đâu?

Riêng em thì em bảo
Khi sống mình hạnh phúc
Mất người em đớn đau
Nhưng tình yêu thẳm sâu
Còn suốt đời vĩnh viễn

Hỡi MQ sớm khuất
Có biết chăng lòng em
Theo anh trong khao khát
Trong tiếng ai thầm nhắc
Cho vần thơ dào dạt
Muối nêm đời bình yên
Trong tình ca dịu êm
Của vô tình năm tháng
Trong nỗi đau thầm lặng
Trong nhớ thương vô bờ…
   Hồ Minh Quang

ĐẾN HẸN LẠI LÊN



Mời nhau cau sáu bổ đôi
Miếng trầu nồng ấm tình người tình thơ
Trao nhau câu hát mộng mơ
Trao nhau cả nỗi đợi chờ…người ơi!

Đất này quả ngọt hoa tươi
Nắng hong hanh nắng nụ cười đằm duyên
Đất này lưỡng quốc trạng nguyên
“Ngọc Tỉnh Liên”sáng mọi miền dân ca

Người về Nam Sách quê ta
Có nghe  lời dất phù sa trên đồng
Kể về cụ Đặng Huyền Thông
Đốt lên ngọn lửa lò nung truyền đời…

Về thăm Chu Đậu,người ơi!
Em trao tình đất,tình người quê em
Nhớ rồi đến hẹn lại lên…
              Chu Đậu,ngày 23-5-2013
                         Tạ Anh Ngôi

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Cõi tạm





(Phúc đáp bài “Cảm ơn” của Minh Quang)

Cõi tạm vì ta ở ngắn
Có đâu vĩnh viễn đời đời
Đến khi tim ngừng mắt nhắm
Cũng thành hư ảo cả thôi

Cõi tạm nhưng là có thật
Có trang nước mắt nụ cười
Có một cô nàng phiêu lãng
Trốn buồn đi kiếm niềm vui

Kẻ mất đã đành dang dở
Tình còn nỗi nhớ tinh khôi
Chả hơn những đôi chồng vợ
Coi nhau như của nợ đời

Có tối mới nhìn rõ sáng
Có buồn mới cảm được vui
Bất hạnh thay ai vô cảm
Hư không ngay giữa cõi người.


28/5/2013
Đỗ Đình Tuân

Lung linh


Đến thăm vườn giữa buổi chiều

Lung linh vải đỏ, chân đèo gió đưa

Nắng mưa quyện đủ bốn mùa

Làm nên hoa trái, say sưa tình đời

Hút hương nhụy của đất trời

Tạo thành quả ngọt dâng người tri âm

Đậm đà chan chứa tình thân

Miền quê sỏi đá chuyên cần tháng năm.

                                                                         VN

ÔNG TUÂN MỞ TIỆC THÀNH CÔNG

Theo yêu cầu của xóm nhà
Ông Tuân viết sách trình ra điệu vần
Nhận quà của xóm Tri ân
Mở ngay bữa tiệc đãi dân xóm nhà
Thịt ngựa cùng với thịt gà
Bia chai kèm với bánh đa chẳng xoàng
Tiếng zô lần lượt rộn vang
Máy ảnh sẵn sàng cả xóm thu ngay
Riêng Tô Hà vẫn luôn tay
Cùng Song Thu tiếp món này món kia
Chuyện trò rôm rả sẻ chia
Vui nhiều uống khỏe men bia ngấm vào
Ông Tuân lên tiếng thao thao
Xóm cần món nào tôi chắp bút ngay
Mọi người phấn khởi vỗ tay
Trong tôi thoáng chắc có ngày tái zô
                Bùi Trác Trường

Cảm ơn





Em đi tìm hạnh phúc miên man
Mệt nhoài chốn trần gian cõi tạm
Thơ âm thầm xé toang màn ảm đạm
Phủ nhợt nhòa một bóng kịch câm

Em không tin cuộc đời mênh mang
Có TRIAN sẻ vui buồn ngọt đắng
Nên quay lưng một thời phiêu lãng
Để hôm nay đọc bình thơ sung sướng ngập tràn

Là em, già xác - mà "ngây thơ" vội vàng
Còn chắp ý nối vần "rặn" từng câu chữ
Xin cảm ơn người em sẽ không bỏ lỡ
Cơ hội tu thơ tu thân trên mỗi bước đường...

 
Cảm ơn lại TRIAN, cảm ơn ngàn lần....

12:52 Ngày 27 tháng 5 năm 2013

Hồ Minh Quang

Chú giải : Đây là cảm xúc của MQ sau khi đọc bài bình thơ
(về thơ HMQ) trên blog bạn Đình Tuân, vì bị lỗi không đăng được nên MQ viết ở đây.

TRÊN ĐỈNH PHÙ VÂN



Quá giang lên đỉnh Phù Vân
Ngắm nhìn trời đất nơi gần nơi xa
Mênh mang một dải sơn hà
Xanh xanh sóng nước nhạt nhòa nương dâu
Chênh vênh ai bắc  nhịp cầu
Ai qua nắng tãi trên đầu vàng tươm?
Bước chân vào cõi vô thường
Nhìn về chốn ấy lại thương kiếp người
Vắt khô nước mắt mồ hôi
Đấu tranh tàn khốc để rồi được chi?
Ngày mai về cõi vô vi
Hành trang người sẽ mang gì,người ơi!
         Yên Tử,ngày 30-4-2013
              Tạ Anh Ngôi