Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Một người bạn cũ

PGS.TS. NGUYỄN VĂN VỴ

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN – NIỀM ĐAM MÊ VÀ SỰ CỐNG HIẾN



PGS.TS. Nguyễn Văn Vỵ khi dạy rường Đại học Công nghệ.

Đam mê khoa học đến với ông do bản tính ham hiểu biết từ khi còn nhỏ, khi nghe thày giáo kể về sự phát hiện một hiện tượng tự nhiên thường tình như quả táo rơi xuống (mà không rơi lên trời) của một nhà khoa học lớn, hay nghĩ mãi bỗng dưng lại tìm ra lời giải của một bài toán mà trước đó sao mà khó thế. Mỗi lần như vậy, ông lại nhận ra cái thế giới tự nhiên xung quanh đầy bí ẩn và kỳ thú. Hình như có một cánh cửa của kho báu đang hé mở trước mặt, thôi thúc ông cố gắng vươn lên, những mong có thể làm một cái gì có ý nghĩa. Rồi ông đã trải qua, cứ tạm gọi là những gian nan và thử thách: từ cuộc sống tuổi thơ khốn khó, tuổi thanh niên thời chiến ác liệt cho đến cuộc sống thời bình với hơn nửa thế kỷ trên chặng đường gian nan của đất nước. Bên cạnh sự nỗ lực cá nhân, nhiều may mắn trời cho như là phúc đức của cha ông để lại: Mặc dù làm việc ở một cơ quan “sản xuất”, không được như bạn bè ở các trường đại học hay viện nghiên cứu, ông được cơ quan cử đi thi nghiên cứu sinh và đã trúng tuyển ngay lần thi đầu để đi học nước ngoài. Thành công này như hòn đá tạo cái bậc đầu tiên giúp ông có cơ hội và động lực bước xa hơn trên quãng đường sự nghiệp sau này. Sau những tháng năm học tập ở nước bạn, ông trở về nước, được may mắn làm việc ở những cơ quan khoa học có tầm cỡ của đất nước bấy giờ như: Viện toán kinh tế, Trung tâm phân tích hệ thống ứng dụng. Khi sắp đến cái tuổi về hưu, ông chuyển về làm việc “trồng người”, với mong muốn truyền đạt những kiến thức tích lũy được cho thế hệ kế tiếp, thắp lên trong trái tim họ niềm say mê suốt đời về khoa học công nghệ thông tin. Âu cũng là cái duyên, cái phận khiến ông gắn bó với thế hệ trẻ, với công việc đào tạo bồi dưỡng họ và làm cái công việc song hành là nghiên cứu và tìm tòi cái mới. Ông về dạy ở trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà nội, Khoa Công nghệ thông tin: Một ngành mà gần ba chục năm trở lại đây đã tiến bộ như vũ bão, làm thay đổi thế giới đến mức kinh ngạc. Cũng vì thế mà ông say đắm. Khi nhắc đến chuyên ngành này, ít ai trong giới khoa học chuyên ngành không biết đến ông: PGS. TS. Nguyễn Văn Vỵ, một cựu giảng viên, nhà nghiên cứu khoa học với những tài liệu chuyên khảo và giáo trình được sử dụng giảng dạy ở nhiều trường đại học và cao đẳng. Ông là người sáng lập và chủ nhiệm đầu tiên của bộ môn Công nghệ Phần mềm, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Gian nan một chặng đường đi...
PGS.TS Nguyễn Văn Vỵ sinh ngày 17 tháng 03 năm 1943. Ngày ấy, sống trong vùng tạm chiếm. Lớp học mà ông ngồi trong những ngày đầu đến trường là một lớp học tư, do thày giáo làng dạy. Khi vùng quê được giải phóng, trường cấp 1 ở xã được thành lập chỉ có lớp 1 và lớp 2, ông thi và đậu vào lớp 2. Đang học lớp 2, huyện ông bị một trận càn của Tây làm nhiều người thiệt mạng. Theo lời khuyên của bạn bè và người thân, ông bỏ lớp 2 để xin vào lớp 3 của trường huyện cách nhà hơn 4 cây số. Do thiếu học sinh sau trận càn, chỉ sau một số phút kiểm tra của thày phụ trách lớp, ông nghiễm nhiên trở thành học sinh lớp cao hơn của một trường Huyện. Hòa bình lập lại, xã mở trường cấp 1, ông trở về học lớp 4 ngay tại xã mình.
Ký ức về những ngày còn đi học vẫn như còn nguyên vẹn trong ông, đó là những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông nhớ lại: “Lên được lớp 3, quả là sướng thật. Nhìn con cháu bây giờ, nghĩ lại cái hồi ấy, không thể tưởng tượng được rằng sao mình lại chịu đựng được giỏi đến thế: ở cái tuổi lên chín, lên mười, với cái thân hình gày gò, bé quắt xà leo (được đặt cho cái tên là Nhắt), cứ chiều đến, khi mặt trời lặn xuống đàng Tây, lại cùng các anh chị lớn hơn nhiều tuổi (có anh đã có vợ), hồ hởi đến lớp học ban đêm (để tránh máy bay ném bom) cách làng hơn 4 cây số. Đi học mà như đi làm thợ: tay xách đèn ống bơ tự tạo, tay chống gậy tre, sách bọc trong chiếc khăn vuông buộc vào thắt lưng, vừa đi vừa chạy cho chóng đến trường. Khi đêm tan học về, tay soi đèn để nhận ra bóng dáng lối đi, tay khua gậy vừa chống vừa dựa để đỡ vấp ngã. Vào những ngày mưa gió, ngã là chuyện thường tình, đèn quăng một nơi, gậy quăng một nẻo, mò mẫm tìm lại đủ mọi thứ, lắp đèn, châm lửa và tiếp tục cuộc hành trình thường nhật. Hú vía nhất là một đêm trời mưa, đi cạnh mép đường, trượt chân ngã lăn xuống bên mộ còn mới ở chân đê của nguời vừa chết sau trận càn. Vội vàng bò dậy, bụng bảo dạ; “chẳng có gì đáng sợ cả”, nhưng khi đã đi một quãng dài rồi, mà người vẫn còn run. Nhiều đêm, đang học có tiếng máy bay, cả lớp tắt đèn nhảy xuống nấp trong hố đào ngay dưới gầm bàn. Trường cách Thị xã chưa đầy mười cây số. Địch từ Thị xã thường bắn cối về làng nơi có trường. Có đêm, sau một tiếng nổ “đùng”, kèm theo là tiếng réo như mooc chê rót đến, cả lớp chẳng ai bảo ai, nhảy tót xuống hầm, nằm im nín thở, chẳng kịp tắt đèn. Một hồi lâu yên tĩnh, cả lớp mới bò dậy, hóa ra cậu bé nhà dưới làm một cuộc thử thần kinh các anh chị”.
Ông kể tiếp, vào ngày mưa gió, bố mẹ không muốn cho đi học, ông vẫn cứ đi. Khoác chiếc áo tơi đi trên mặt đê, không ít lần gió thổi bạt xuống chân đê, nhưng rồi lại lóp ngóp bò lên đi tiếp. Đoạn đường từ huyện lộ vào trường hơn một cây số, có những hôm trời mưa, ruộng ngập nước mênh mông. Cả bọn lõm bõm lần từng bước theo con đường đất có chiếc cầu đá bắc qua sông để vào làng nơi có lớp. Có hôm, theo gót các anh lớn, ông cũng lội tắt ruộng, để quần áo và sách vở vào chiếc nón con, dơ cao lên trời bơi qua sông để đi cho gần, rồi sau đó tỏ vẻ tự hào với bạn bè cùng lớp.
Học hết tiểu học, ông vào học cấp 2. Chưa có lớp, nhà trường phải mượn các nhà trống của một xứ đạo cách quê nhà khoảng bảy, tám cây số làm lớp học. Cuộc hành trình cho những tuần đi học trọ bắt đầu vào sáng thứ hai, lúc tinh mơ. Hành lý là gạo, thực phẩm, sách vở và cả các thứ khác đủ cho một tuần trọ học. Chiều thứ bảy lại trở về nhà chuẩn bị cho tuần tiếp theo. Gạo mạng từ nhà, thức ăn cho một bữa bình thường là bát canh rau cải, với một đồng bạc rau và năm hào mắm tôm cho cả nhóm ba người. Khi ở trọ, nhà chủ rất tốt, nhường cho ba đứa cả một tràng kỷ, tha hồ vùng vẫy. Buổi chiều không phải lên lớp, cả bọn bảo nhau quét nhà, quyét sân, quét ngõ, gánh nước giúp chủ nhà. Ngày mùa thì đi gặt, gánh dạ, trục lúa hỗ trợ gia chủ. Học chủ yếu vào buổi tối với chiếc đèn dầu. Tốt nghiệp cấp II, ông học lên cấp 3, cả tỉnh Hải Dương có duy nhất một trường cấp 3: trường Hồng Quang. Cả làng có hai người thi đậu vào trường này. Nhưng rồi một người bỏ đi học chuyên nghiệp để sớm đi làm có tiền đỡ đần gia đình. Còn ông, vì còn bé nên cố ở lại học. Trong những năm tháng học cấp 2 và cấp 3, ông thường thuộc nhóm học sinh dẫn đầu về các môn khoa học tự nhiên. Nhiều bài kiểm tra của ông ở cấp hai về toán được thày dán lên chỗ báo tường để các bạn tham khảo.
Học cấp ba lại là những tháng năm đi trọ. Ba anh em ở cùng một nhà của người bác một bạn trong nhóm. Bác cho một luống đất để tự trồng rau cho bữa ăn hàng ngày. Gạo mang từ nhà, thức ăn có gì ăn nấy. Nhưng có đợt, ăn uống rất rôm rả: Số là, ông là tay từng lần mò đánh dậm, bắt tôm, bắt cá ở quê cho bữa ăn gia đình. Vì thế, có những chiều đi thả ống lươn hay tổ chức cả bọn đi câu tôm ở sông cầu Cất, thế là có tôm, có lươn ăn dè cả tuần. Với những cậu học trò từ quê ra tỉnh, sau buổi học sáng thứ bảy hàng tuần là lúc tất tưởi trở về làng. Những đôi chân trần hổi hả vừa đi vừa chạy trên quãng đường đất gần hai chục cây số để về quê xay lúa, giã gạo và chuẩn bị vài thứ cần thiết, để chiều chủ nhật hôm sau lên đường: bao tải gạo trên vai, vài thứ lủng liểng hành quân ra tỉnh cho một tuần học trọ mới. Để có gạo ăn, những ngày hè thường phải cố làm việc “bằng hai”, bằng cách nhận những việc khó như nhổ mạ nước, lặn lấy bùn dưới sông, làm ruộng triều … miễn sao kiếm nhiều điểm để hợp tác xã trả nhiều thóc hơn khi cuối vụ. Do bố yếu, ở nhà chỉ có mẹ và em, những ngày hè ông cố gắng làm việc cùng gia đình, nhưng cũng có năm không đủ gạo ăn cho cả vụ. Đấy là cuối năm lớp 10, khi ông về đến nhà, trông vào buồng không còn hạt thóc. Thương mẹ, hôm sau lặng lẽ lên đường, chân bước nhẹ tênh vì chẳng có gì để mang theo.

Nhóm ba anh em cùng trọ học cấp III: 1959 -1962, từ trái sang phải: Đỗ Đình Tuân, Phạm Đình Tiến, Nguyễn Văn Vỵ
Một cuộc họp nhóm trọ ba anh em đầy bức xúc diễn ra: Hai thằng trong nhóm nghèo hơn để nghị được ăn riêng, chỉ có bạn có bác sẽ ăn cùng với bác họ, nhưng hắn nhất định không chịu. Cuối cùng, chẳng còn cách nào, hắn đành đồng ý và nhận sẽ về quê (vùng Châu Giang khá trù phú của Hải Dương) vay gạo giúp hai đứa ăn riêng. Những ngày ăn bữa rưỡi bắt đầu: nửa bò gạo cho vào phích ủ tối hôm trước, đủ cho mỗi thằng một bát cháo đặc của bữa sáng điểm tâm hôm sau. Sáng học xong, nấn ná vào thư viện đọc sách, hơn một giờ chiều mới quay về nhà để chuẩn bị một bữa trưa thịnh soạn, đủ sức chịu đựng cho đến sáng hôm sau. Ở cái tuổi mười bảy, mười tám, ăn không biết no, những bữa ăn nào cháo, nào cơm chỉ lưng lửng dạ dày sao mà ngon đến thế, ngon hơn nhiều lần cái “mầm đá” vua ăn lúc đói. Gần ba tháng giáp hạt rồi cũng qua, cả nhóm trở lại ăn chung. Ba người bạn như ba anh em, cùng ăn, cùng học, giúp đỡ chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn và sự nỗ lực suốt ba năm. Năm ấy cả ba thằng trong nhóm đều thi đỗ tốt nghiệp và đều đỗ vào đại học.
Thi vào đại học, ông đăng ký vào ngành Lý của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Với số điểm thi đạt khá cao, ông được nhà trường chuyển sang khoa Toán. Từ nông thôn ra, vốn ngờ nghệch đành chịu vậy thôi, nhưng ông hơi ngán ngẩm vì toán chỉ có trong sách, chẳng liên quan đến thế giới tự nhiên nhiều sắc màu mà ông yêu thích. Những khó khăn của cậu học trò quê nghèo thời đó khó mà kể hết, nhưng ông đã cố gắng và nỗ lực hết mình, chỉ mong sao chẳng đến nỗi kém bạn, kém bè. Học hết năm thứ 3 đại học, phần lớn bạn bè trong lớp ra trường, ông được ở lại cùng hơn 20 người khác tiếp tục học năm thứ 4 theo chuyên ngành Vận trù học và tối ưu hóa. Một chuyên ngành dưới sự hướng dẫn của thày Hoàng Tụy - Trưởng khoa Toán của trường Đại học Tổng hợp lúc bấy giờ.
 
(còn nữa)
 

1 nhận xét:

  1. Xem ảnh 3 người đẹp trai sáng sủa nhất là Đỗ Đình Tuân .

    Trả lờiXóa