Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

Một người bạn cũ

  (tiếp theo và hết)
 
Một số thành quả gặt hái được
 
Theo ông, một người thày không chỉ có kiến thức chuyên ngành sâu, còn cần các kiến thức liên quan đủ rộng để có thể trả lời mọi câu hỏi của sinh viên thuộc chuyên ngành và có thể định hướng đúng cho sự phát triển chuyên ngành. Người thày cần có phương pháp truyền đạt tốt, biết sử dụng công cụ và tìm ra ví dụ gần gũi để trình bày vấn đề trở nên ngắn gọn, đơn giản và dễ hiểu. Người thày giỏi phải viết ra được các tài liệu có tính tổng hợp, hệ thống hóa và phương pháp để sinh viên và những người khác tham khảo nhiều nội dung mà không thể trình bày trên lớp, hay họ chưa có khả năng và điều kiện để tiếp cận đến, nhất là một lĩnh vực mới. Cuối cùng người thày phải nghiên cứu khoa học, tổ chức và hướng dẫn sinh viên và người khác nghiên cứu để thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực của mình và tiếp cận được trình độ chung của thế giới. Với suy nghĩ như vậy, ông miệt mài làm việc để kịp tiếp thu khối kiến thức khổng lồ với nhiều điều mới mẻ của ngành đang phát triển nhanh mà trước đây ông chưa biết đến. Một năm sau khi về trường (1999) ông đã xuất bản tài liệu chuyên ngành (Hệ thống thông tin - Chủ biên, NXB ĐHQGHN) và bốn năm sau (2002) ông đã có một tài liệu chuyên khảo về chuyên ngành của mình (Phân tích thiết kế HTTT hiện đại , hướng cấu trúc và đối tượng - Chủ biên, NXB Thống Kê) với gần 400 trang, khổ rộng, được nhiều người tham khảo mãi sau này. Ngoài ra ông cũng viết nhiều tài liệu và những giáo trình chính của chuyên ngành cho các trình độ khác nhau, được các nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, nhà xuất bản ĐHQGHN và nhà xuất bản Giáo dục ViệtNam xuất bản (như Giáo trình kỹ nghệ phần mềm (2007, 2009), Giáo trình Phân tích thiết kế HTTT (2008, 2010))…
Trong suốt những chặng được làm việc và nghiên cứu, ông đã có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước: Time Transportation Problem with Additional Limitations (“Kiberneticka”, No.5, 1978, Kiev); Một phương pháp dự đoán nhu cầu năng lượng (trên tạp chí “dự đoán kinh tế” 1979); Một bài toán sắp xếp (tạp chí “Kinh tế vận tải” , số 15, 1980); Phương pháp dự đoán khả năng thực hiện vốn đầu tư (tuyển tập báo cáo khoa học hội nghị “Dự báo” 1981); Hệ thống các mô hình và phương pháp tính toán các phương án phát triển kinh tế dài hạn (tạp chí “Vận trù học và nghiên cứu hệ thống” 1985); Ứng dụng máy tính và kỹ thuật tính toán trong quản lý (“Tạp chí Kế hoạch hoá”, số 5, 1989); Mô hình các quan hệ cho hệ thống hướng đối tượng (Hội thảo quốc gia lần VIII: “Một số vấn đề chọn lọc của CNTTvà truyền thông”, 8/2005”); ... và gần đây là bài: Một thuật toán mới lập mạng công việc AOA (Tạp chí “Kinh tế phát triển”, số 180, 2012). Business Process Management - An Approach to Deploy the Web-Based (“Sofware Lecture Notes on Software Engineering”.Vol.2, No. 3,2014).
Ông tham gia nghiên cứu các đề tài, các dự án khoa học các cấp, tiêu biểu là một số công trình sau: Mô hình và phương pháp toán kinh tế trong xây dựng kế hoạch 5 năm, (đề tài cấp Nhà nước 48-05-04, thư ký); Áp dụng các phương pháp toán kinh tế trong quy hoạch vùng, (đề tài cấp Nhà nước 48c-14-03, tham gia nghiên cứu) ; Cơ sở dữ liệu phục vụ nghiên cứu kinh tế vĩ mô (đề tài cấp Bộ, chủ trì); Sự phát triển của mô hình kinh tế lượng và một số kinh nghiệm nghiên cứu của các nước Châu Á, (đề tài nhánh, đề tài cấp Nhà nước KX- 03- 23, chủ trì)...
 

PGS.TS. Nguyễn Văn Vỵ và các sinh viên do ông hướng dẫn 
tốt nghiệp khóa K45, ĐHCN, năm 2004
 
Trên đây chỉ là một số công trình khoa học tiêu biểu của ông trong những tháng năm công tác. Với niềm say mê nghiên cứu khoa học, ông không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào liên quan đến vấn đề mình đang theo đuổi. Là một giảng viên có kinh nghiệm và có chuyên môn cao, ông được mời giảng dạy và hướng dẫn các sinh viên, Thạc sĩ và NCS cho nhiều trường Đại học: Đại học Công nghệ, Đại học Kinh tế Tài chính, Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bắc Hà, Đại học Dân lập Hải phòng, Đại học Công nghệ và truyền thông Thái Nguyên, Đại học khoa học tự nhiên Huế.
Ông từng công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau, làm việc và quản lý nhiều hoạt động kinh tế, kỹ thuật khác nhau, nên có hiểu biết và kinh nghiệm thực tiễn rộng rãi, sâu sắc. Vì thế, ông đặt ra được được nhiều bài toán từ thực tiễn cho sinh viên, học viên cao học làm đồ án hay luận văn tốt nghiệp. Thêm nữa, ông rất tận tình giúp đỡ các em, và luôn mong rằng, các em học tập có kết quả tốt để ra đời có đủ bản lĩnh, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và bản thân có một cuộc sống tốt đẹp hơn…
Tính đến năm 2015, ông đã hướng dẫn hơn 178 sinh viên, 60 học viên cao học và 2 tiến sĩ đã bảo vệ thành công các đồ án hay luận văn. Có đến bốn nhóm sinh viên (thường là ba hay bốn người) ở các khóa khác nhau có đồ án đều đạt điểm 10, nhiều học viên cao học có luận văn tốt nghiệp đạt điểm tối đa. Và luận văn tiến sĩ của nghiên cứu sinh do ông hướng dẫn vừa bảo vệ đầu năm 2015 được hội đồng đánh giá là xuất sắc.
 

Hội đồng bảo vệ luận văn cao học của HV Phan Thị Hoài Phương (đứng giữa), 
là HV thứ 2 do PGS.TS. Nguyễn Văn Vỵ (bên cạnh) hướng dẫn.
 Học viên nay đã là tiến sĩ.
 
Năm 2008, về nghỉ hưu nhưng ông tiếp tục tham gia giảng dạy cho các lớp sinh viên và cao học vì tình yêu nghề giống như “một thói quen” khó bỏ được. Ông nhận làm giáo viên kiêm nghiệm của trường Đại học Công nghệ (2008-2010), làm trợ lý cho Trưởng khoa công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Quốc tế Bắc Hà (2010-2012), làm cán bộ cơ hữu giúp Đại học Dân lập Hải Phòng xây dựng hồ sơ xin đào tạo cao học và đào tạo cao học (2012-2015), tham gia Hội đồng khoa học Khoa Hệ thống Thông tin Quản lý, trường Đại học Kinh tế Quốc dân và tham gia hướng dẫn NCS của Khoa này (2010-2015).

Hội đồng bảo vệ tiến sĩ của NCS Phan Thanh Đức (thứ 3 từ phải vào) do PGS.TS. 
Nguyễn Văn Vỵ (đứng giữa mặc áo véc trắng) và PGS.TS. 
Trần Song Minh (thứ 2 từ phải vào) hướng dẫn,
 tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, tháng 4/2015.
 
Cuộc sống không thể thiếu bạn bè. Về hưu ông lại ở gần người bạn cùng công tác. Đó là Tiến sĩ Khoa học, Phó giáo sư Nguyễn Văn Quỳ, từng là Giám đốc Trung tâm Phân tích Hệ thống ứng dụng (khi đó ông là Phó Giám đốc). Tiến sĩ Khoa học Quỳ là người thông minh, chuyên về các mô hình kinh tế lớn, tham gia nhiều hội thảo quốc tế, có nhiều bài báo đăng tạp chí nước ngoài được trả hàng ngàn đô la. Không phải là dân chuyên máy tính, nhưng ông Quỳ biết sử dụng thông thạo nhiều phần mềm chuyên dụng cho hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. Từng cùng cơ quan, cùng đam mê khoa học, về hưu cùng tham gia giảng dạy, hai người rất thân thiết. Hai ông thường trao đổi về những cái hay, cái mới trong khoa học, và cả các công cụ trợ giúp kỳ diệu của công nghệ thông tin. Khi nhìn lại quá khứ, cùng đồng cảm, ông Quỳ trầm ngâm nói: chúng mình không phải là những hạt giống tồi trong vườn cây khoa học, nhưng đã không cho được nhiều hoa thơm, quả ngọt như bạn bè nước ngoài. Rất tiếc vì không gian mà chúng mình được nuôi trồng đã thiếu nhiều điều kiện rất cơ bản.
 

Gia đình PGS.TS. Nguyễn Văn Vỵ, tết Ất Mùi, năm 2015
 
Về hưu nhưng chưa hết đam mê
Về nghỉ hưu, ngoài hoạt động giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, thạc sĩ và NCS, ông có thú vui sáng tác các Slide âm nhạc với các hình ảnh đa dạng, sinh động về thế giới tự nhiên và con người (mà cần biết sử dụng các công cụ công nghệ thông tin) để thưởng thức và chia sẻ cùng bạn bè các thông tin, các nhận thức mới và những niềm vui nảy nở. Ông xem đó là một đam mê hợp với tuổi già và cũng là một cách để làm việc hiệu quả hơn khi xen kẽ công việc chuyên môn và hoạt động giải trí. Về điều này, ông tâm niệm rằng: “Làm cho người khác vui thì bản thân đã thấy vui và hạnh phúc rồi”. Bên cạnh người vợ hiền là giáo viên cấp II về hưu, 2 con đều đã trưởng thành và thành đạt. Giờ đây, được làm những điều mình thích, được sống với những đam mê và đóng góp một chút công sức cho cuộc đời này để có được những thành quả - cuộc sống với ông như vậy có lẽ là tạm đủ và có ý nghĩa.


11/07/2015
Đỗ Đình Tuân
 
(Theo: Tấm gương người làm khoa học, tập XI, 
Nhà xuất bản Hồng Đức) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét