(tiếp theo )
Bước đầu của con đường nghề nghiệp
Học xong, ông được phân công về làm việc
tại Ban Vận trù học thuộc Bộ GTVT, một bộ thuộc lĩnh vực “sản xuất”.
Xem ra đúng ngành, đúng nghề, nhưng ông lại có một nỗi buồn man mác: Là
một trong những người học giỏi của nhóm chuyên đề, nếu được về một cơ
quan nghiên cứu như Ủy ban Khoa hoc Kỹ thuật Nhà nước hay một trường Đại
học thì có điều kiện nghiên cứu và có cơ hội tăng tiến hơn. Tuy vậy,
với bản tính ham học hỏi, thích cái mới và thích được công hiến của tuổi
trẻ lúc bấy giờ, ông vẫn làm việc một cách hồ hởi, nhiệt tình. Hơn nữa,
xét cái tên cơ quan là “Ban Vận trù học”, ông là người được đào tạo bài
bản hơn cả trong Ban, mặc dù đó chỉ là những gì từ sách vở. Ông rất may
mắn tham gia vào rất nhiều hoạt động liên quan đến cuộc kháng chiến
chống Mỹ như: Tổ chức những trạm trữ hàng dọc đường vào Nam để xe chở
hàng có thể chở được nhiều và nhanh nhất cho miền Nam, trong điều kiện
địch không kích thường xuyên. Xây dựng các phương án bốc, xếp hàng từ
tàu và giải tỏa hàng ở cảng Hải Phòng nhanh nhất. Tổ chức cách tháo, lắp
cầu phao nhanh nhất để kịp cho xe chở hàng qua sông vào ban đêm không
bị máy bay địch oanh tạc. Chẳng hạn, như cầu Phú Lương, từ phương án ban
đầu thao lắp 8 giờ, nhờ ứng dụng PERT, sau rút xuống chỉ còn 2 giờ. Nhờ
vậy, 5 giờ chiều lắp cầu thì 7 giờ đã thông xe, và kịp thời tháo và cất
dấu cầu phao xa nơi lắp đặt trước 7 giờ sáng hôm sau. Tổ chức phương án
đại tu đầu tầu hỏa rút ngắn được 50% thời gian so với phương án ban đầu
vẫn làm ở nhà máy toa xe Hà nội. Tổ chức phương án đóng tàu thủy nhằm
rút ngắn thời gian tàu ra xưởng ở nhà máy đóng tàu Bạch Đằng,…
Ở một bộ “sản xuất”, công việc cần giải
quyết luôn trong cảnh “nước sôi lửa bỏng” của thời kỳ chiến tranh phá
hoại. Không chỉ có lãnh đạo, mà nhiều cán bộ của Bộ không ưa thích những
anh hay đọc sách, nhất là đọc sách nước ngoài. Vì thế, ông và anh đồng
nghiệp, anh Nguyễn Hữu Nguyên, một bậc đàn anh đã từng đậu tú tài, có
nhiều năm làm chỉ huy pháo binh và tham gia đánh Điện Biên Phủ, thông
thạo nhiều ngoại ngữ: Anh, Nga, Pháp, Trung, sống trung thực, chịu khó,
vui vẻ và hài hước, như một ngọn đèn cạnh ông. Nhờ “gần đèn thì rạng”,
đêm đêm ông say sưa đọc sách, học ngoại ngữ, nghiên cứu chuyên môn tại
phòng ngủ tập thể đến tận khuya. Phần lớn sách chuyên môn lúc ấy là sách
nước ngoài (như sách về ngôn ngữ lập trình chỉ có bằng tiếng Anh). Nhờ
chịu khó nghiên cứu, lăn lộn để thử nghiệm nhiều đêm (Cơ quan có máy
tính Minsk22 duy nhất bấy giờ chỉ có thể phân cho các bộ sản xuất được
sử dụng vào các giờ ban đêm), ông và người anh đồng nghiệp cùng phòng
vẫn có thể lập được chương trình và tiến hành tính toán thử nghiệm thành
công nhiều bài toán vận trù học của cơ quan, không kém những cán bộ ở
các viện, các trường Đại học cùng làm máy tính. Sự chuẩn bị chuyên môn
vào thời gian này đặc biệt giúp ông rất nhiều cho thi cử và làm tốt
nghiên cứu sinh sau này.
Năm 1972, ông thi đậu nghiên cứu sinh và
đi học Nga văn. Cuối năm 1973, ông sang Liên Xô làm Nghiên cứu sinh tại
Trường Đại học Tổng hợp Kiep, nước cộng hòa Ucraina, chuyên ngành Điều
khiển học kinh tế. Vào những năm 70, Điều khiển học kinh tế ở Liên xô và
các nước Xã hội chủ nghĩa chưa phát riển, phần lớn tài liệu tham khảo
là tiếng Anh từ các nước Âu, Mỹ. Nhờ chuẩn bị tốt ngoại ngữ, ông đọc
được nhiều tài liệu nước ngoài nên có điều kiện làm tốt luận văn. Cũng
nhờ nhiều đêm lăn lộn để sử dụng máy tính trong nước, ông đủ kỹ năng để
lập trình và thử nghiệm thành công các thuật toán do mình đề xuất trên
các máy tính hiện đại của Liên Xô. Cho đến lúc ấy, nghiên cứu điều khiển
kinh tế vẫn là làm các mô hình và thuật toán toán học. Giống như những
người học và làm toán khác, ông yêu những vần thơ và những câu chuyện
tình lãng mạn.
Hội đồng bảo vệ luận văn TS của NCS
Nguyễn Văn Vỵ,
tại trường Tổng hợp Kiep năm 1977. NCS đứng thứ 3 từ trái vào,
Giáo sư hướng dẫn (Kornilova L.E.) đứng thứ 2 từ trái vào
tại trường Tổng hợp Kiep năm 1977. NCS đứng thứ 3 từ trái vào,
Giáo sư hướng dẫn (Kornilova L.E.) đứng thứ 2 từ trái vào
Có lẽ, vì chúng làm tăng thêm chí tưởng
tượng, làm dịu đi sự khô cằn và cô đơn của trái tim những người làm
toán. Chả thế, ông được trao giải hai (không có giải nhất) về thơ trong
cuộc thi văn nghệ của lưu học sinh Kiep năm 1975 cho bài thơ “Bông hoa
tặng em”:
Muốn tặng em một bông hoa
Khi tình yêu đang thành sự thật.
Đắn đo nhiều, hoa nào đẹp nhất,
Trên trái đất này có trăm vạn thứ hoa:
Nở trắng rừng, hoa Ban bao la
Đồi nhuộm tím, hoa Sim màu chung thủy.
Hoa dại, hoa rừng em ơi có quý?
Hoa Cúc, hoa Lan, hoa Huệ hoa vườn.
Sợ em chê: không sắc chỉ có hương!
Muốn tặng bông Hồng nhưng nghĩ lại thương:
Gai hồng sắc lỡ đau bàn tay nhỏ.
Hoa Chun pan, hoa Hồng xanh xa lạ.
Em ưa chăng hoa đất nước người?
Hoa San hô mang sắc nước hương trời,
Em lại bảo: hoa khô không tình cảm!
Hoa tặng người yêu em ơi khó chọn.
Có ngại đâu, cuối biển cùng trời,
Dù núi cao, hay đất lạ xa xôi.
Anh muốn tự mình trồng những bông hoa
Có tất cả những gì em thích.
Chắt chiu ý từ trăm ngàn trang sách
Gom ánh đèn bao đêm thâu.
Như cây xanh gom nắng, chắt màu
(Luyện nhựa, xây hoa phải đâu đơn giản).
Cây đơm hoa tính ngày tính tháng
Hoa anh trồng dẫu sớm cũng tính năm.
Giấc ngủ tuổi xuân nhường nỗi băn khoăn.
Ruột bút bi thay bao lần không nhớ nữa!
Trang giấy viết đầy, trong đầu đã ngàn lần vạch, xóa:
Tìm sắc, tìm hương cho những bông hoa.
Bông hoa tặng em trong ngày tới không xa.
Những công trình, anh gọi những bông hoa
Vẫn hình dung với bao vẻ đẹp
Có tiếc đâu không đem tặng hết
Chỉ sợ em cười: anh đến ngẩn ngơ
Có ai tặng “hoa khoa học” bao giờ!
Kiep, 1/1975.
Bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ
với bảy bài báo, trong đó có bài đăng trên tạp chí “Cibernetic” của viện
Hàn lâm khoa học Liên xô. Ông trở về nước và may mắn được làm việc ở Ủy
ban Kế hoạch Nhà nước, tại Viện toán kinh tế, nơi tập trung nhiều anh
tài của Việt Nam lúc bấy giờ về toán học và điều khiển học. Ông luôn
nghiêm túc và có trách nhiệm trong công việc, nên sớm được giao phụ
trách phòng “kế hoạch hóa ngành lãnh thổ”. Từ cấp Phó phòng, ông được
giao trách nhiệm trưởng phòng năm 1981. Năm 1988, ông chuyển về công tác
ở Viện quản lý Kinh tế Trung ương, tại Trung tâm Phân tích Hệ thống ứng
dụng, đảm nhận vị trí Phó giám đốc Trung tâm. Khi Trung tâm giải tán,
ông chuyển sang làm Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế Doanh nghiệp. năm 80, cuộc
sống của mọi người dân ta ở vào thời kỳ cùng cực nhất: thiếu đủ mọi thứ,
ngay cả những thứ tối thiểu. Nhưng cũng chính thời gian này, ông tham
gia nhiều đề tài cấp nhà nước, cấp bộ với tư cách thư ký, chủ nhiệm hay
thực hiện nghiên cứu trực tiếp và đã có nhiều kết quả nghiên cứu được
công bố trong tạp chí hay kỷ yếu hội thảo. Người ta thường nói, đằng sau
thành công của ông chồng là bóng dáng của người vợ. Chính nhờ có người
vợ khéo tay, chăm chỉ lo việc nhà, không những nuôi con khỏe, dạy con
ngoan mà còn giỏi kiếm thêm bằng nghề phụ (dệt len, dạy thêm) nên con
cái no đủ, phát triển tốt và học hành tấn tới. Và cũng nhờ vậy, khi Nhà
nước tổ chức phong chức danh khoa học chính thức lần đầu năm 1991, ông
có được những kết quả đủ tiêu chuẩn để được phong phó giáo sư.
Năm 1998, ông chuyển về làm giảng viên
của Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Sau một
thời gian ngắn, vì là phó giáo sư, ông được Trưởng khoa đề nghị tham gia
Ban Chủ nhiệm. Hai tuần sau, ông Trưởng khoa hỏi lại, ông xin lỗi không
thể tham gia được, vì mới về trường, ông muốn tập trung vào chuyên môn
để trở thành một người thày thực thụ (trước đây làm quản lý và nghiên
cứu, ông cảm thấy nhiều yêu cầu của người thày còn thiếu hụt). Ông cũng
giới thiệu cho Trưởng khoa một người thay thế có đủ tiêu chuẩn và chỉ có
một đề nghị: sau này, khi thành lập bộ môn mới, nếu phù hợp ông xin
được làm chủ nhiệm bộ môn.
Về trường, ông chọn ngành Công nghệ phần
mềm còn là mới mẻ ở Việt Nam lúc bấy giờ, và đi sâu vào lĩnh vực Phân
tích và Thiết kế mà ông cho là khó nhất nhưng cũng thích thú nhất. Kinh
nghiệm thực tiễn dạy cho ông biết rằng, để phát triển một lĩnh vực mới
cần có một đội ngũ chung ý chí và cùng góp sức. Năm 2000, Giáo sư Nguyễn
Văn Hiệu thành lập Khoa Công nghệ trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội,
trong đó có khoa Công nghệ Thông tin. Sau một thời gian Khoa đi vào hoạt
động ổn định, ông gặp và thuyết phục Giáo sư cho thành lập thêm bộ môn
mới, bộ môn Công nghệ phần mềm. Lúc đó không ít người ở Khoa Công nghệ
Thông tin phản đối, cho rằng chưa cần thiết hay không có người cho biên
chế bộ môn. Nhờ sự thuyết phục Giáo sư Hiệu và những người liên quan,
Giáo sư đồng ý cho làm đề án. Giáo sư Hiệu là người có hiểu biết rộng,
có tầm nhìn xa, biết nghe và giám quyết. Khi nghe trình bày đề án về bộ
môn Công nghệ Phần mềm, nhu cầu, nhiệm vụ và tương lai của nó, Giáo sư
rất thích thú và ký ngay quyết định thành lập. Sau đó, có nhiều dịp đến
nhà thăm Giáo sư, Giáo sư khuyến nghị thành lập Trung tâm Công nghệ phát
triển phần mềm, và sẵn sàng cho mượn cả tầng hai (rộng gần 100m2) nhà
mình để trung tâm làm việc. Rất tiếc, ý tưởng của Giáo sư bộ môn không
thực hiện được, vì quá ít người. Bộ môn Công nghệ phần mềm ra đời với
bốn thành viên: một phó giáo sư Nguyễn Văn Vỵ, một thạc sĩ và hai kỹ sư.
Chỉ hơn hai năm sau, năm 2002, số sinh viên của khoa Công nghệ Thông
tin đăng ký làm đồ án tốt nghiệp ở bộ môn đã đông không kém vào bất kỳ
bộ môn nào, và có điểm học trung bình cao hơn các em đăng ký vào các bộ
môn khác. Mặc dù có ít giáo viên đủ tiểu chuẩn hướng dẫn tốt nghiêp, nhờ
có uy tín và quan hệ tốt, bộ môn đã huy động được các đồng nghiệp từ
trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Viện Công nghệ Thông tin để hướng dẫn
tốt nghiệp cho hơn ba chục em mỗi khóa. Hiện nay Bộ môn có 14 người, 3
phó giáo sư, 5 tiến sĩ, 1 thạc sĩ, 5 sinh viên đã tốt nghiệp để tạo
nguồn.
Trong những sự kiện này, phải kể đến
người thày đã hướng dẫn ông tốt nghiệp khi học ở khoa Toán: Phó giáo sư
Trần Quốc Toản. Thày rất thông minh, triết lý sâu sắc, chuyện trò dí dỏm
như một người bạn. Thày đã tư vấn cho ông ý tưởng và bước đi để phát
triển bộ môn Công nghệ Phần mềm. Chính Thày đã tham gia vận động lãnh
đạo Khoa và những người có ảnh hưởng cho việc thành lập bộ môn, và Thày
cũng là người tư vấn để phát triển chuyên môn của bộ môn Công nghệ Phần
mềm sau này.
(Còn nữa)
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét