Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

DÒNG SÔNG TUỔI THƠ


   Phía đông-nam làng tôi, cái làng Đoàn Xá - làng tề thời Pháp thuộc là một con sông xanh mát rượi, uốn khúc quanh co, quanh năm cung cấp nước và bồi đắp phù sa màu mỡ cho cánh đồng làng tôi. Con sông ôm gọn một quả đồi trong lòng mà dân làng tôi vẫn gọi là núi Ngo. Cũng vì vậy mà con sông này được gọi là sông Ngo, cảnh quan sơn thủy hữu tình. Sông Ngo bắt nguồn từ sông Kinh Thầy (Một nhánh của sông Kinh Thầy), danh giới giữa Đông Triều Và Kim Môn, chạy quanh phía Đông Nam làng tôi đến Cầu Đất (trên đường 18) sang bên kia là xã Tràng An, Đông Triều, chiều dài khoảng 4 km.
           Thời Pháp thuộc chưa có đê điều, nước Thủy triều lên to mặn chát. Khu bãi sông làng tôi chỉ cấy được 1 vụ mùa, còn vụ chiêm thì bỏ cỏ. Sau hòa bình 1954 dân làng tôi mới đắp đập chặn không cho nước biển tràn vào từ đó mới cấy được hai vụ lúa một năm. Ngày xưa sông rộng lắm, những đoạn cong nước thủy triều lên, chảy mạnh xoáy thành lựng, cuộn tròn, người lớn cũng không dám bơi qua. Thuyền bè từ các nơi xuôi ngược tấp nập về đến tận Cầu Đất buôn bán, mua tre gỗ và các lâm sản khác mang về Hải Dương, Hải Phòng, Thái bình…
          Sông Ngo cung cấp nước cho cánh đồng làng tôi. Lúa, ngô khoai quanh năm xanh tốt. Sông phủ dầy phù sa cho những cánh đồng hai bên bờ phì nhiêu màu mỡ. Sông cung cấp thực phẩm chính và duy nhất cho nhân dân làng tôi như: Tôm, Cá, Trai, Ốc, Hến. Đặc biệt vào tháng 9 và tháng 10 (Âm lịch). “Tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mồng năm” là mùa rươi đến (Bây giờ là đặc sản quý hiếm đối với các đại gia bắt đầu biết ăn chơi!). Bây giờ con sông chỉ còn là con mương nhỏ người ta có thể sắn quần lội qua dễ dàng, oằn oại chạy quanh làng với nguồn nước ô nhiễm do lấn dòng để chăn nuôi, vứt bỏ rác thải…
         Con sông quê với rất nhiều kỷ niệm tuổi thơ. Tuổi thơ của tôi gắn liền với Sông Ngo. Tôi đã lớn lên từ dòng nước mát lành mà sông Ngo đã cần mẫn mang lại.
…Nhà nghèo, còn nhỏ nhà lại không có trâu, thấy các bạn các anh nhà có trâu chăn trâu trên núi, trên bãi sông, chiều chiều tắm mát trên con sông quê, tôi rất thèm khát mà không sao thực hiện được. Có khi tôi đi theo cả ngày để được tắm sông, được đánh trận giả trên núi,…khi đàn trâu vẫn ngoan ngoãn ăn trên bãi sông.
       Thế rồi may sao mẹ tôi cho tôi đi ở chăn trâu cho bác tôi, ông nuôi cơm, một năm may cho một bộ quần áo nâu, tháng 6 làm trắng nước cho nhà tôi 6 sào ruộng (chỉ việc đem mạ ra cấy). Tôi rất vui và hào hứng với công việc vì đã đóng góp được phần nào cho gia đình, tôi chăm cho trâu còn hơn chăm cho mình, lúc nào cũng béo mượt và đen bóng. Thế là tôi được hòa mình với các bạn trong làng với công việc chăn trâu, cắt cỏ. Chiều nào chúng tôi cũng lừa trâu xuống sông tắm cho trâu và cho người. Vừa tắm vừa nô nghịch đến hàng tiếng đồng hồ mới thôi.
         Những ngày cho trâu về sớm, nước cạn, tôi và anh chị tôi (con bác) lại quẩy quang thúng ra sông với 2 cái vồ đập đất và 2 cuộn đăng cao khoảng 30cm. Dọc bờ sông tìm đến một bụi thật rậm, tôi xuống sát mép nước dưới lòng sông khoét một cái lỗ to hơn cái nồi cơm điện hiên nay. Anh tôi cắm 2 hàng đăng theo hình chữ V từ miệng lỗ chếch lên bụi rậm. Thế là xong. Anh chị tôi lấy vồ đập vào bụi cây, cáy xô ra rào rào chạy theo hai hàng đăng chui tọt vào hố, còn tội chỉ việc vơ bỏ vào thúng là xong. Cứ như thế chỉ vài bụi là được một gánh nặng. Ngày mai chị tôi lại có món đi chợ, tuy thu hoạch chẳng là bao nhưng nhà quê thế là cũng có đồng tiêu vặt.
          Mùa hè vào tháng 5, tháng 6, khi nước thủy triều lên mấp mé bờ sông, tôi lại mang rậm ra đánh, có khi thì tôm, cá có khi thì cáy, rạm được gì lấy đó. Có khi đánh đến lúc trăng lên mới về. Tiếng ì ọp đây đó, tiếng gọi nhau vang cả một khúc sông, rất vui vẻ quên cả mệt nhọc. Vì có phải chỉ có mình tôi đâu mà có hàng chục người cùng ì ọp như thế. Ai đầy giỏ trước thì về trước, cũng có hôm trở trời được toàn cá tươi .Ngày mai vừa có thức ăn vừa được bán thêm tiền cho mẹ.
       Ngày có rươi cả làng không kể già trẻ lớn bé ra đồng nước trắng băng để hớt rươi. Ai có săm thì dùng săm, ai có vợt thì dùng vợt, ai không có thì dùng rá, sàng, dần ra để hớt. Bọn trẻ chúng tôi vừa hớt vừa nghịch quần áo ướt sũng, lúc ở ruộng này lúc chạy sang ruộng khác, té nhau rồi đầm mình xuống nước, thế mà cũng được hàng cân.(Bây giờ 1kg là 400000đ đến 500000đ)
       Mẹ tôi mò tôm cá dưới sông rất giỏi. Những hôm nước kém (cạn dòng) cả làng ra sông mò tôm cá. Lần nào mẹ cũng cho tôi đi theo, một là cho vui hai là dậy tôi mò. Mỗi lần chẳng được là bao so với mẹ, nhưng lần nào mẹ cũng cho đi theo. Cả khúc sông dài 4km người đi mò chen nhau như một đám biểu tình. Dần dần tôi tự đi một mình và tay nghề nâng lên rõ rệt. Hễ nói ở đâu tháo đầm bắt cá là mẹ con tôi lại đi, có khi đi xa đến mấy cây số
        Mùa nước đẫy, nước chẩy qua cống Ngo ào ào, là chúng tôi lại ra chơi trò nhảy cầu và ngược dòng nước siết (Cống các cụ xây không biết từ bao giờ để lấy nước vào khu đồng trong).
       Thứ nhất bơi ngược cống nước chảy siết: Khi ngược dòng như vậy được phép bám vào cây, rễ cây để leo. Tuy chỉ có thế nhưng có đứa hàng chục lần mà không lên được. Tôi láu cá hơn, trước đó tôi đã xem kỹ rễ nào chắc, cành nào khỏe để lúc ngược cứ cành đó rễ đó mà túm. Vì vậy hầu như lần nào tôi cũng vượt được. Còn bọn nó khỏe hơn nhưng túm vào đâu lở đó thế là lại tụt xuống làm lại từ đầu.
       Thứ hai là nhảy cống (cống cao lắm, nước lũ người và trâu bò vẫn đi qua được): Nhảy xuống đầu nguồn trôi qua cống xuống tận cùng leo lên nhảy cú khác, cứ như thế tranh nhau nhảy, có lúc thằng nọ nhảy chồng cả vào thằng kia cười khoái trá. Cứ thế chúng tôi chơi có khi hàng vài tiếng thậm chí có thằng bố mẹ phải đi gọi mới về (tất nhiên hôm đó sẽ no đòn). Và còn không biết bao kỷ niệm thời thơ ấu với con sông quê, chỉ tiếc rằng bây giờ kỷ niệm thì còn mà nhìn sông thì ngám cảnh, sông đâu còn nữa…
      Tuy nhiên cũng có những kỷ niêm đau lòng. Chính bố tôi bị giặc Pháp bắn chết tại khúc sông này vào chiều 3-6-1950 (âm lịch), khi ông về công tác bí mật tại xã Hồng Phong, bị bọn chỉ điểm việt gian báo cho giăc hãm hại.
Một dòng sông nhỏ chạy vòng quanh làng tôi, phủ dầy một lớp phù sa màu mỡ cho cánh đồng làng tôi tưới xanh đồng ruộng và cung cấp thực phẩm cho cả làng, một cảnh quan sơn thủy hữu tình với đầy những kỷ niêm vui buồn của tuổi thơ nay chỉ còn lại trong ký ức…

                                 Hưudoandongtrieu 10-6-2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét