VỀ THĂM QUÊ CHỐNG MH - 2
Cô dâu cũ... về nhà chồng
Thị trấn Tam Nông không lớn lắm. Nhiều công trình mới xây dựng nhưng cũng còn nhiều công trình có từ thời xửa, thời xưa. Ngay bên kia đường là một ngôi nhà dài, mái đã xỉn màu, phía trước là bức tường chắn hiên với dòng chữ “CUA HANG BACH HOA TONG HỌP” đắp nổi. Đúng là dấu tích của công ty Thương nghiệp cấp 3 thời xưa rồi. Lại nhớ đến cái cửa hàng bách hóa to đùng ở trung tâm Sao Đỏ và Phố Ngái ngày nào bi giờ đã nhường chỗ cho nhưng ngôi nhà mới. Tuy nhiên, phía dưới thì đã thật sự đổi mới bởi các quầy tạp hóa đủ chủng loại rất phong phú. Lại còn cả một cái HIÊU SACH NHAN DAN nữa. Tôi thầm than phục: “Dân ở đây vẫn quý sách ghê” nhưng rồi khi nhìn vào trong thì lại thấy thất vọng. sách đâu chả thấy, chỉ thấy ít đồ dung học tập và đồ chơi trẻ con, dụng cụ thể thao.... NC thủ thỉ:
- Tôi có vô cùng nhiều kỷ niệm với cái thị trấn này vì suốt thời đi học phổ thông tôi đều ở đây. Ngày đó cả huyện mới có một trường đặt tại đây thôi mà. Chỉ dịp nghỉ hè tôi mới về nhà…
Anh say sưa kể về những kỷ niệm thời học sinh và bạn bè của mình. Tuy nhiên tôi để ý không thấy anh nhắc đến cô bạn nào. Cũng phải thông cảm thôi.
Có lẽ cũng đã lâu chưa về nhà, cảnh sắc có nhiều thay đổi nên khi đến cái vườn hoa hình tam giác NC bảo lái xe rẽ trái, cô em MH nhà ta thì bảo đi thẳng làm tài xế Q hơi bị động. Trưởng xe ĐB dứt khoát:
- Rẽ trái!- Chiếc xe quặt sang trái rồi anh mới gõ đầu MH- Ông C ông ấy sinh ra ở đây, ông ấy là thổ địa ở đây. Còn cô về đây làm dâu thì sao có thể thông thạo đường sá như ông ấy được mà cãi.
MH chưa kịp cãi thì NC đã nhỏ nhẹ:
- Không anh ạ! MH nhớ đúng đấy. Nhưng đấy là đường đi vòng, còn tôi chỉ lối này đi tắt cho gần hơn một chút.
Mặc dù là đường tắt song cũng đã được trải nhựa. Con đường chạy xuyên qua những quả đồi hình bát úp đặc trưng của vùng trung du. Tôi háo hức chuẩn bị máy ảnh để sẵn sang chộp lấy hình ảnh “rừng cọ, đồi chè”. Chẳng hiểu sao tôi lại thích ngắm nhìn những loại cây thuộc họ cau, dừa, cọ… đến thế. Nhất là cây cọ. Có thể do bị ảnh hưởng của giai điệu “Cọ xòe ô che nắng, Râm mát đường em đi” đầy quyến rũ chăng? Nhưng rồi tôi chưng hửng bởi chẳng thấy cọ với chè đâu cả, chỉ thấy bạch đàn, keo tai tượng và cây sơn mà thôi. Vừa nhìn thấy một quả đồi trồng toàn sơn, TH đã co rúm lại. MH thích thú nhắc lại chuyện đi lấy củi hồi ở Chí Linh, TH chẳng biết nghịch ngợm gì cây sơn mà bị nó “ăn” sưng hết cả mặt lên. Cây này trong rừng CL là cây dại, còn ở đây người ta trồng với quy mô lớn để lấy sơn ta- một thứ vật liệu quý dùng để gắn gỗ, làm sơn mài v.v…
Sau gần chục quả đồi với gần chục lối rẽ nữa cũng về đến nhà chú em trai NC. Một ngôi nhà ngói 3 gian, phía trước là vuông sân gạch và cái cổng rộng ô tô vào được tận sân. Bà chị cả, chú em và mấy đứa cháu đã có mặt. Hàn huyên, tay bắt mặt mừng rồi thì nước nôi, trà lá... Tôi có cảm tưởng như MH đang về nhà mình, còn NC thì cứ như khách vậy. Đúng là cô dâu... cũ về nhà chồng!
Láo liêng nghìn xung quanh. Quả nhiên đã có cả cọ lẫn chè. Ngay bên hông và sau nhà chú em là một vườn chè. Tất nhiên là không được mênh mông cho lắm. Còn ở bên nhà phía trước cũng thấp thoáng vài bóng cọ. Thôi, thế cũng đủ làm một vài “pô” về trung du rồi. Chả lẽ lại về tay không hay phải tìm trên mạng để minh họa.
Này thì cọ:
Này thì chè:
NKN
Khắc Nguyệt quả là có tài viết văn. Chỉ là "Tào lao phóng sự" thôi mà đọc vẫn rất khoái. Hình như ngôn ngữ văn chương của bạn cựa quậy và sống động chứ không sơ cứng thì phải.Mình rất thích những câu văn như: Cô dâu cũ về nhà chồng hay Này thì cọ...Này thì chè chẳng hạn
Trả lờiXóaCảm ơn cô đã ngợi khen
Trả lờiXóaChỉ sợ em lại mất tiền chữa mui (mũi)
NKN