Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Chí Linh phong vật chí (21)


                                      XÃ KIỆT ĐẶC
                                             (kỳ 2)
Dịch âm:
Đồng ấp Nguyễn Phong cánh hữu danh
Thượng thư chí sĩ phong Tuyển quận
Ấu công văn bút phượng sơ sinh
Tảo triệt thư vi hồng tiêm phấn
Nhượng tọa nhân tri phúng hiến thành
Ái sơn thi lộ kỳ phong vận
Danh cao xuân bảng thiếu niên vinh
Vi liệt thiên quan kiêm dự chấn
Thất thế na phù quý tộ xương
Cố sơn liêu tác minh thời ẩn
Lũ trưng minh khả phu thù tri
Nhất vàng hà phương tư thái vận
Kiều niên cựu cảnh phú quý lai
Hồ đảo mao âm xuân bất tận.
Dịch nghĩa:
Ông Nguyễn Phong cùng làng lại có danh tiếng
Làm chức Thượng thư về hưu gia phong Tuyển quận công
Lúc bé văn viết giỏi ví như chim phượng hoàng mới sinh
Sớm đỗ hương cống (1) như chim hồng dần bay bổng
Nhường chỗ ngồi cho cha người ta khen là hiếu thành
Làm bài thơ yêu núi rõ là phong vân kỳ diệu
Tên chiếm bảng xuân (2) tuổi trẻ rất vinh dự
Giữ chức thiên quan (3) danh tiếng lừng khắp nơi
Đời thứ bảy khó giữ được ngôi nhà Mạc vững vàng
Núi cũ để làm nơi ẩn dật thời minh thịnh
Thường vời sao nỡ phụ lòng đãi ngộ đặc biệt
Lại ra làm quan có hại gì giúp nước khi vận thái
Tuổi cao cảnh cũ thích về hư
Đảo hồ nhà tranh vui xuân mãi mãi.
Tạm dịch thơ:
Cùng làng có Nguyễn Phong danh giá
Chức Thượng thư quản cả tước công
Trẻ thơ văn đã làu thông
Vi thu (4)  thắng cảnh chim hồng bay cao
Biết nhường chỗ ai nào chẳng quý
Mượn lời thơ tỏ chí hồ sau
Vẻ vang tên chiềm bảng vàng
Lẫy lừng một chức thiên quan đương thời
Ngôi Mạc đổ khôn tài chống đỡ
Về núi xưa ẩn để yên thân
Chiếu vời đâu dám phụ ân
Lại ra giúp nước giúp dân chẳng nề
Khi tuổi tác thích về cảnh cũ
Thích núi hồ, am cỏ vui xuân.
Ông Nguyễn Phong là người làng Kiệt Đặc, tên tự là Tuyết Đường, hiệu là Thiềm Tẩu. Ông tổ của ông được phong là Từ Quảng hầu, mộ ở dưới núi xã Hậu Quan. Tương truyền đây là nơi đất phát tích của ông, đến nay vẫn còn.
Người cha của ông đỗ Hương cống, được tặng phong chức Thái bảo, sinh được 3 con trai, con trưởng làm tri huyện Gia Lộc, con út làm chức Tri bạ, phong làm vệ úy. Ông là con thứ hai.
Ông sinh ra thông minh, lúc lên 4 tuổi, nghe anh đọc sách ông rất ham thích. Người cha thấy ông minh mẫn, lấy sách của anh cho đọc. Lên 6 tuổi dạy cho âm luật làm văn, lên 7 tuổi biết làm văn. Một hôm táng ngôi mộ tổ, người cha sai ông  làm bài văn tế Hậu Thổ (5) Người anh muốn thử tài ông bảo ông khởi thảo, ông cầm bút viết luôn.Bài văn viết là:
Dịch âm:
“Lượng khôn cư hạc hậu, bẩm đoài khí (6) chung linh, bao dong thể vật, chính trực thông minh, uông hàm mạc trạng, hạo đãng man danh, cầu chi tất ứng, cảm giả toại thành, thiết điện kim ngân phí lễ, lại nhất khu tôi thắng địa hình. Ngưỡng Hậu thổ giáng lâm hâm hưởng, tỷ vong nhân mộ trạch an ninh, hậu tự hưởng hòa bình chi phúc…Tử tôn đạt khanh tướng chi vinh. Gia truyền gia, gia kế gia, do tồn phúc khánh, tướng xuất tướng, tướng nhập tướng. Tự thử dĩnh sinh. Thực tại đại đức chi phát phúc dã”.
Tạm dịch:
“lường quả đất dày mỏng, bẩm đoài khí anh minh, bao dung xét vật, ngay thẳng thông minh, mông mênh khó tả, rộng lớn khôn hình, cầu gì hẳn ứng, cảm ở lòng thành. Nay nhân chọn được núi này, muốn muôn kiếp linh hồn yên ổn, dâng đặt bạc vàng lễ mọn, nhờ một khu đất đẹp chênh vênh, xin Hậu thổ tới qua chứng giám, giúp vong linh nhờ được yên lành, dòng dõi hưởng hòa bình phúc trạch, cháu con nên khanh tướng hiển vinh, truyền nối được nghiệp nhà, lâu dài phúc khánh; ra vào cùng làm tướng, từ đó phát sinh. Thực là nhờ phúc lớn của ngài cho phúc”
Văn tế viết xong dâng lên, cha và anh xem xong không chữa được chữ nào. Ấy tài học của ông như vậy.
Lúc ông 14 tuổi, thi một lần đỗ Hương cống, cùng khoa với cha, tên ông lại ở trên. Ngày vào ăn yến, ông đứng mà không ngồi, quan trường lấy làm lạ hỏi, ông đem sự thực trình bày, liền cho đổi chỗ ngồi. Lúc lớn lên, ông thích chơi non nước, ở trong làng có 12 ngọn núi, ngọn nào cũng có nốt chân của ông. Ông làm bài thơ Yêu núi là:
Dịch âm:
Ngô hà ái, ái duy san
Bất viễn yên hà viễn thế gian
Cử mục hữu thiên vân sắc ngũ
Đài đầu mãn địa thảo hoa nhàn
Mai trào tuyết hiểu tri xuân noãn
Bách lập đông phong mậu tuế hàn
Phong vũ bất mê điền hải chí
Diệp chu ninh đãi phiếm tràng lan.
Dịch nghĩa:
Ta thích gì? Chỉ thích núi thôi,
Không xa mây khói mà xa cõi đời
Ngước mắt trông trời có mây năm sắc
Ngẩng đầu nhìn đất hoa cỏ xanh tươi
Hoa mai cười tuyết, biết khí xuân ấm đã đến
Cây bách tươi tốt lúc gió đông chịu được khí lạnh
Mưa gió không làm nản chí định lấp bể
Thuyền lá dành chơi khoảng sông dài.
Tạm dịch thơ:
Ta yêu gì chỉ yêu núi thôi
Chẳng xa mây khói xa cõi đời
Ngước mắt trông trời mây sặc sỡ
Ngẩng đàu nhìn đất hoa cỏ xanh tươi
Mai cười tuyết sớm xuân về đó
Bách dãi trời đông rét đến rồi
Mưa sấm chẳng sờn gan lấp bể
Trên sông âu thả chiếc thuyền chơi.
Năm ông 23 tuổi đậu TiẾN sĩ khoa Mậu Thìn năm thứ 7 niên hiệu Thuần Phúc triều Mạc, lại trúng hạng ưu ở điện Đông các. Văn của ông chép trong tập hàn uyển nay còn thể xét được. làm quan với nhà mạc đến chức Lại bộ thượng thư tả thị lang, được phong tước Phúc Gián bá. Khi nhà mạc mất, ông cùng ông Nghiêm Sơn hầu Nguyễn Doãn Khâm, ẩn ở trong núi Huyền Đinh, dân địa phương sợ bị liên lụy, ông làm bài thơ quốc ngữ tự than rằng:
Ta muốn yên thân lánh chốn nghèo
Chỉ là ẩn dật há rặng phèo
Rồi phá gai góc làm nhà ở đó. Một hôm ông cùng Nguyễn Doãn Khâm, lên ngắm núi Báo Đức, Doãn Khâm ngâm luôn rằng:
Cõi ta ta mở thiên hoan dã
Nữa nữa con em nối gót theo
Ông liền họa nguyên vận mà ngâm rằng:
Bước cõi thanh vân ta mới mở
Nữa nữa con em sẽ bước theo.
Quả nhiên về sau cháu 5 đời của Nguyễn Doãn Khâm lại đậu tiến sĩ mà con cháu của ông thì chưa có tiếng tăm gì. Người ta cho là ý câu thơ của hai ông chầy chóng khác nhau linh nghiệm là ở đó.
Lại khi hai ông cùng ẩn dật, thương xướng họa với nhau: thơ Đường, thơ Nôm làm rất nhiều tập, nhưng đến nay thất truyền.
Đến năm thứ 16 niên hiệu Quang Hưng triều Lê, năm Khang Hựu nhà Mạc chiếm giữ thành Phao Sơn, vua ngự giá thân chinh (7) bắt được tôn thất triều nhà Mạc không kể xiết. Ông hiện đang ở núi ẩn dật, quan Thái tể Vân Điềm là Nguyễn Thực tiến ông lên vua, và cho người đến núi vời ông về kinh, ông bất đắc dĩ phải về. Triều đình thấy ông là người văn học, nhân lúc dùng ông cho nguyên chức quan cũ
Năm Thận Đức thứ 16, cho chức Hình bộ thượng thư. Viêm Khê hầu là quan triều cũ. Khi ông tại chức nhân lúc thiên tai, trình bầy 10 điều thời sự, vua nhận lời, thưởng cho rất hậu. Dần sau vì mới khôi phục được nước, việc sứ nặng nề, liền sai ông ra cửa quan đón tiếp sứ thần.Khi xong việc về, tuổi già xin hưu. Ông về mở đám hát chèo làm vui, lại đào ở sau vườn đào một cái hồ, giữa đắp hòn đảo cây cối rậm rạp, dựng lên một cái am nhỏ, khi chơi ngắm cảnh đề bài thơ rằng :
Dịch âm :
Nhất hồ sơn thủy nhất mao am
Thảo mộc ngư long nhất nhị tam
Thiên hạ hữu thiên xuân bất lão
Song tiền thượng ký giảng Hà nam (8)
Tạm dịch thơ :
Một khoảnh nước non một nếp nhà
Cỏ cây tôm cá cảnh vài ba
Dưới trời lại có trời xuân mãi
Cửa sổ sách trình nhớ đọc qua.
Ông làm đến chứ Lễ bộ thượng thư, kiêm Đông các đại học sĩ, làm chức Tế hữu trường Quốc tử giám, khi về hư được gia phong chức Thái Bảo Tuyển Quận công thọ được 85 tuổi.
Ông văn học có dư,mà vẫn ham đọc sách, người lúc ấy có câu ; « Ông Triền, ông Dọc còn học làm gì ? ». (Ông Triền tức ông Đồng Hãng, Ông Dọc tứ là ông Nguyễn Phong).Ông làm văn phút chốc là xong, bút thao thao không dứt. Phú 2 thiên, thơ 10 thiên, dùng chữ dồi dào, học trò rất nhiều. Ông từ kinh đô về, đi đường nói về văn học, thấy cảnh ở bên đường ông bèn đọc thơ ngay. Có một người học trò xin ông làm bài phú « Quang Vũ rược mã » (9) Ông đã làm một bài rất bình thường, nhưng không có ý khởi đề, lại làm thể nữa mới là khởi đề hay. Ngày gần đây hai thể phú đó hãy còn nhưng hiện nay thì đều đã mất cả. Ông ngày thường hay làm nhiều bài văn. Có làm bài văn tế tế 30 vần, mối câu 4 chữ, mối bài văn một thể khác, lời ý rất hay. Các ông danh công đời sau ở trong làng cũng không sửa được một chữ nào. Đến nay những bài văn đó không còn.
Ôi ! Ông đáng gọi là một bậc danh nho của một thời ! Xét về sự tích của ông trước có gia phả, sau khi loạn lạc mất hết. Nay chỉ kể đại lược họa may còn một phần mười đó thôi.

Ghi chú:
(1) Hương cống:đỗ khoa thi hương, sau gọi là cử nhân
(2) Bảng xuân: Bảng thi mùa xuân, tức là thi hội đậu tiến sĩ
(3) Thiên quan: Quan thượng thư bộ Lại
(4) Vi thu: Thi hương dậu cử nhân
(5) Hậu thổ: Thần đất ở một địa phương
(6) Đoài khí: Linh khí về phương tây
(7) Ngự giá thân chinh: Xe vua đi đánh giặc
(8) Hà nam: Quê hai ông Trình Di, Trình Hiệu, hai nhà danh nho Trung Quốc.
(9) Phú và sách: hai thể văn ngày xưa.
13/1/2014
Đỗ Đình Tuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét