Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2015

U TÔI- 3

Nhân 10 năm ngày MẸ đi xa- 20.5 AL năm 2005

… Năm 1971, mùa đông hình như đến sớm. Mới đầu tháng 12 mà trời đã khá rét. Sáng sớm ngày 8 tháng 12, trời se se lạnh, có mưa lâm thâm. Tôi dậy sớm, u tôi đã nấu sẵn nồi cơm nếp. Cơm vừa chín, u phi hành mỡ lên rồi rưới lên trên làm mùi bốc lên thơm lừng. Đó là thứ tôi rất thích ăn nên chắc u muốn làm cho tôi ăn trước khi lên đường đi vào chốn vô định. Từ hôm tôi nhận lệnh nhập ngũ đến nay bà u tôi đã khóc rất nhiều- bà vốn là người mau nước mắt mà. Nhưng hôm nay U vẫn lặng im làm mọi việc. Tôi hơi yên tâm một chút. Nếu lúc mình đi u lại khóc thì xấu hổ chết. Càng về sau nghĩ lại càng thấy mình trẻ con.
Ba tháng sau tại Vĩnh Phúc- chúng tôi bỏ dở chương trình học lái xe để biên chế về đơn vị chiến đấu.Ngay ngày đầu tiên đã có ½ quân số đại đội vác ba lô lên đường. Trong 4 thằng cùng huyện thì Thu đã về d66, còn Đức đã về 244. Số còn lại chúng tôi tiếp tục chờ đợi.
… Chiều 11tháng Ba, tôi rủ Ký sang chơi với Thu bên d66 vì nếu đi tắt đồng thì khoảng cách từ chỗ c tôi ra đó không xa lắm. Sang đến nơi đã thấy thằng quê được phát trang bị đi B. Gớm! Một đống tướng. Đủ cả quần áo, tăng võng, mũ tai bèo, dao găm, bi đông, hăng- gô, túi đựng cơm vắt, hộp thuốc B2 v.v… Lại còn đường sữa với lương khô nữa chứ. Mặc dù là cơ số đi B nhưng ngay lập tức nó đem ra đãi chúng tôi. Thu được phân công làm lái phụ cho xe ct Tiến Tùng ở đây. Qua Thu chúng tôi cũng biết Đức cũng chỉ làm lái phụ thôi.
Mấy thằng còn đang ngồi tán gẫu thì thằng Điểm hơt hơ hớt hải chạy tới. Nó vừa thở vừa bảo tôi: “Về ngay! Bố mày lên đấy!”. Thế là tôi tức tốc phi về. Về đến nhà thấy bố tôi và thằng em út đang ở đấy. Nhưng không phải chỉ có thế. Còn u tôi và bác Ba gái ngày mai sẽ đi tàu lên Hương Canh (bác Ba là mẹ Tiếu, cùng phố Ngái với tôi và cùng nhập ngũ một ngày, lúc ấy nó ở trung đội Phòng Hóa của trung đoàn. Bố nó với bố tôi đạp xe đi trước, còn hai bà mẹ đi tàu lên sau).

Thật sự tôi không cảm thấy vui mà chỉ thấy bối rối, nhất là trong tình hình “nước sôi, lửa bỏng” lúc ấy. Thế này mà lại phải về đơn vị chiến đấu ngay hôm nay hoặc ngày mai thì biết làm sao. Mà u tôi thì hay khóc lắm. Còn tôi thì cũng sợ nước mắt của u lắm lắm. Từ hôm tôi nhận quyết định nhập ngũ u tôi đã mất bao nhiêu nước mắt rồi.
Nỗi lo của tôi đâm ra thành sự thật! Sáng hôm sau, lại báo động. Tôi hồi hộp mong sao mình đừng có tên trong đợt này. Nhưng không! Tôi có quyết định bổ sung cho c quân y! Mà chỉ có mỗi mình tôi về bên đó, 12 giờ trưa phải có mặt. Sau khi báo cáo lại tình hình với bố tôi quyết định đạp xe sang đơn vị mới xin phép được lùi lại 1 ngày. Cũng may, bên ấy các thủ trưởng đồng ý. Thế là ngay sau đó tôi đạp xe ra Hương Canh đón u tôi.
Đối với bố mẹ tôi có thể coi như gặp may vì chỉ chậm một vài ngày nữa có lên cũng không gặp được tôi. Còn tôi vẫn lo ngay ngáy, không biết mẹ mình có chịu đựng được cuộc chia ly này không? Gặp mẹ rồi tôi cũng chưa thông báo gì cả nên mẹ tôi cũng bình thường, lại còn có vẻ phấn khởi vì thấy con trai khỏe mạnh và rắn rỏi hơn. Đón được mẹ về rồi tôi còn đưa thằng em út đi xem xe tăng, nó thích lắm.
Nhưng rồi thì cũng phải cho u tôi biết. Có lẽ vì giữ ý với chủ nhà nên u tôi không khóc lóc gì. Thấy vậy tôi cũng yên tâm hơn. Bố mẹ tôi mang lên khá nhiều quà, hình như có ý cho tôi ăn Tết muộn nên có cả giò, bánh chưng và một con gà. Trưa hôm đó các thứ được bỏ ra hết làm một bữa liên hoan với nhà cụ Tư và các đồng đội còn ở lại.
Và rồi cũng đến lúc tôi phải đi. Sau bữa cơm trưa bố mẹ tôi tiễn tôi ra đầu làng- nơi có con đường đi tắt sang Gia Du chỗ cQY của tôi đóng quân. Trời lây phây mưa bụi và khá rét. Gió căm căm thổi từ cánh đồng trống trước mặt vào làm cho cảnh vật thêm não nùng và thê lương hết sức.
Dường như đã nhìn thấy những gian khổ, hy sinh mà con trai mình sắp dấn thân vào, lại không phải giữ ý với ai nữa nên lúc tôi khoác ba- lô lên vai định đi thì u tôi bật khóc. Bà khóc như mưa như gió. Thằng em út tôi chẳng biết gì cũng khóc theo. Bố tôi vẫn lặng im nhưng đôi mắt ầng ậc nước. Tôi thì bối rối vô cùng, dỗ mẹ, dỗ em mãi chẳng được. Thật may, lúc đó có anh Triều- một trợ giáo của cHL cũng sang Gia Du đi tới. Anh động viên, an ủi u giúp tôi. Bà vừa ngớt khóc là tôi và anh Triều cất bước đi liền. Nhưng tôi chỉ đi được vài bước bà lại vật vã khóc. Thời gian không còn nữa. Tôi không dám ngoảnh lại mà nghiến răng rảo bước vượt lên. Mắt tôi cũng rơm rớm ướt.
Có thể nói không ngoa: tôi lên đường ra chiến trường trong tiếng khóc xé lòng của mẹ tôi!
Suốt những năm tháng ở chiến trường và cả bây giờ nữa, và có lẽ cả mai sau nữa không bao giờ tôi quên được tiếng khóc não nùng buổi trưa giá rét ấy. Và tôi cũng biết rằng đâu chỉ có một mẹ tôi khóc tiễn con ra trận. Đất nước này không chỉ thấm đẫm máu xương những người chiến sĩ ở chiến trường mà còn thấm đẫm bao nước mắt những mẹ già, em nhỏ đang mòn mỏi trông chờ ở hậu phương.
(Còn nữa)


Ảnh: U và con cháu. Thằng cu mà chị áo đỏ bế ngồi hàng đầu năm nay đang thi ĐH ở Thái Nguyên. Cầu mong bà phù hộ độ trì cho cháu đạt kết quả tốt.



2 nhận xét:

  1. Ảnh bên dưới có phải Khắc Nguyệt hồi trẻ không? Đẹp như diễn viên Hàn Quốc ấy nhỉ

    Trả lờiXóa
  2. Không phải cô ạ! Đây là thằng cháu lớn con chú ba, năm nay cháu vừa học hết 12 và đang thi ở cụm thi Thái Nguyên.
    NKN

    Trả lờiXóa