Thành viên xón TriAn kính viếng thân mẫu ông Nguyenx Văn Nhã

- CẢM ƠN ĐỜI MỖI SÁNG MAI THỨC DẬY. TA CÓ THÊM NGÀY NỮA ĐỂ YÊU THƯƠNG -

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

U TÔI- 5

Nhân 10 năm ngày MẸ đi xa- 20.5 AL năm 2005

Những năm 80, cả nước rơi vào khó khăn. Nhà tôi cũng không tránh khỏi cơn lũ đó. Gay go nhất là cái sổ gạo của dân thủ công nghiệp và tiểu thương bị cắt mất. Lực lượng lao động chính thì lại xa nhà: tôi và chú hai đang ở bộ đội, chú ba thì đi học ĐH, chỉ còn chú út ở nhà đang học cấp 3. Bố tôi lúc này mắt đã kém, với lại các cửa hàng may mặc giờ mọc lên như nấm, toàn thợ trẻ chạy theo mod mới rất nhanh... nên không thể cạnh tranh được. Vậy là đôi bồ hàng xén của u tôi lại phải gánh cả gia đình. Có điều so với trước u tôi vất vả hơn nhiều. Chả là thời chiến tranh phá hoại chợ Ngái phải đi sơ tán rồi sau đó chia thành 2 chợ: Sao Đỏ và Đại Tân; phố Ngái cũng mất đi vị trí trung tâm của huyện nên tiêu điều dần. Vì vậy, u tôi không còn được đi chợ nhà nữa mà phải đi chợ xa. Và vì vẫn chưa đi được xe đạp nên người càng vất vả hơn. Hồi đó tôi cũng mới lập gia đình và ra ở riêng tại TT Sao Đỏ cách nhà chừng 3 km. Nhớ cháu, sau buổi chợ sáng u tôi vẫn lội bộ lên chơi với cháu vài ba lần mỗi tuần. Cứ tưởng tượng ra cái dáng tất tả của u những buổi chợ trưa tôi lại liên tưởng tới hình tượng bà vợ cụ Tú Xương: “Quanh năm lặn lội ở mom sông...” . Trước tình hình đó, đã có lúc tôi định xin ra quân về giúp đỡ bố mẹ nhưng cả bố, cả u tôi đều không cho.
Cũng may, tình hình dần dần ổn định trở lại. Chú hai nhà tôi ra quân về nhà. Chú ba cũng ra trường. Chú út thì thi vào SQPB. Mấy anh em lần lượt lập gia đình và kinh tế cũng không đến nỗi nào. Từ lúc đó đại gia đình tôi mới được dễ thở hơn. Đúng lúc đó bố tôi ngã bệnh và ra đi năm 1988. Đó là một cú sốc lớn đối với anh em tôi song tôi tin rằng ông cũng sẽ ngậm cười nơi chín suối bởi anh em tôi đã trưởng thành, đã nên người và cũng đã thực hiện được nhiều nguyện ước của ông. Vượt qua cú sốc đó, chúng tôi đã đứng lên và dường như mạnh mẽ hơn lên. Cả u tôi cũng vậy. Trở thành chỗ dựa của chúng tôi, bà tỏ ra rất quyết đoán và chúng tôi đều chấp hành nghiêm chỉnh mọi quyết định của bà. Càng về sau, kinh tế các gia đình càng ổn định hơn và u tôi đã có những năm tháng khá nhàn nhã cuối đời. Đặc biệt bà vô cùng quý các cháu- lúc này bà đã có 8 cháu- 5 gái và 3 trai. Các cháu cũng quý bà lắm. Nhìn cảnh bà cháu quây quần với nhau tôi biết bà mãn nguyện lắm. Bà có mấy chỉ vàng giắt túi và công khai tuyên bố: “Sau này sẽ cho mấy đứa cháu gái làm của hồi môn”. Tất nhiên là mấy đứa cháu trai chẳng đứa nào ghen tỵ cả.
Tuy nhiên, có một chuyện không mấy vui đã ám ảnh những năm tuổi già của u tôi. Ấy là chuyện chú hai. Đang học dở lớp 8/10 đã đi bộ đội. Ra quân rồi lại không chịu đi học thêm, ở nhà hết làm mộc lại làm hàn, làm lốp song tay nghề thì không cao, lại không chí thú lắm nên gặp nhiều khó khăn. Tự ti, mặc cảm sinh buồn chán rồi nghiện rượu và mắc tiểu đường lúc nào không biết. Lúc phát hiện ra đã khá nặng, phải tiêm in- su- lin hàng ngày song cũng chỉ kéo dài đến cuối năm 2004 thì mất. Có thể nói đây là một đòn nặng giáng xuống đầu u tôi- một bà già đã gần 80 tuổi. Những ngày đó, hầu như khi nào về nhà tôi cũng thấy bà kê cái ghế ở cửa ngồi như hóa đá nhìn về phía nhà chú nó. Cũng chỉ biết động viên bà: “Số chú ấy thế thôi, u ạ!”- chuyện này ông tôi cũng đã có nói đến từ lâu rồi.


Tháng 3 năm 2003
Tôi đi công tác miền Nam, vừa chân ướt chân ráo về đến cơ quan thì nghe anh em cùng phòng thông báo: “Mẹ anh ốm nặng, đang nằm viện rồi!”- hồi ấy chưa có nhiều điện thoại di động như bây giờ. Tôi vội vàng xin phép nghỉ rồi lấy xe máy chạy về nhà ngay. Dọc đường, tôi vượt tất cả các loại xe và chỉ hơn tiếng sau tôi đã về đến Sao Đỏ. Vào viện thì u tôi đã nằm ở khoa cấp cứu với chẩn đoán: “Tai biến mạch máu não”. Vì cả ông ngoại, bà ngoại tôi đều bị căn bệnh này sau khi qua tuổi 70 nên thực tình là chúng tôi cũng rất lo cho mẹ, chỉ không ngờ nó đến sớm quá. Trước hôm tôi đi công tác có ghé qua nhà, thấy u tôi rất khỏe mạnh, hồng hào… không ngờ chỉ có hơn tuần đã phát bệnh.
Với tất cả sự cố gắng của bệnh viện và gia đình u tôi đã qua khỏi song bị liệt nửa người. Chúng tôi đưa u về nhà với một hy vọng nhỏ nhoi về sự bình phục nhờ tiếp tục điều trị bằng đông tây y kết hợp luyện tập. Cũng may, thím út nhà tôi sau khi xuất ngũ tiếp quản gánh hang xén của u tôi nên không bị ràng buộc vào cơ quan nào cả. Chúng tôi thống nhất đề nghị thím nghỉ chợ ở nhà chăm sóc u tôi, còn anh em chúng tôi sẽ bù đắp một phần thu nhập cho thím nó. Vốn hiểu thảo nên chú thím út đồng ý ngay và hơn 2 năm trời ròng rã u tôi không thiếu thốn cái gì và cũng không có gì phàn nàn cả. Bà chỉ bực không thể đi lại được để đi thăm mấy bà bạn chợ. Nghe bà phàn nàn, các em tôi mua ngay một cái xe lăn về đẩy bà đi chơi. Bà vui lắm. Còn chúng tôi cứ cuối tuần là về, các con tôi, con của chú ba cũng hay về thăm bà. Bà nằm đấy nhưng hoàn toàn tỉnh táo, nói chuyện rôm rả như người bình thường- nhất là khi có mấy bà bạn già sang chơi. Nếu có chút buồn thì chỉ là các con của chú hai (đã mất) hơi ít qua lại thăm bà.
Tuy nhiên, có lẽ do số phận đã an bài. Mặc cho mọi loại thuốc men, mọi loại thày thuốc, mọi bài xoa bóp, luyện tập… u tôi cũng không thể hồi phục được. Và ngày 20.5 AL năm 2005, bà đã vĩnh viễn ra đi. Chúng tôi chính thức mồ côi từ ngày đó.







2 nhận xét:

  1. Những ký ức về mẹ thật cảm động anh NKN ơi! gia đình nào cũng đều có những điều không được như ý, nhưng trước khi mẹ anh ra đi cũng đã được nhìn thấy các con mình thành đạt, ổn định cuộc sống, vậy là bà có thể ngậm cười nơi chín suối rồi.

    Trả lờiXóa
  2. Chân thực và cảm động vô cùng! Tình cảm mẹ con, bà cháu thật đầm ấm và đầy ắp yêu thương.
    Dẫu chưa phải là trọn vẹn hết thảy nhưng cụ ra đi như thế cũng sẽ ngậm cười nơi chín suối.Có lẽ chú hai sẽ trả nghĩa cụ ở thế giới bên kia đấy.

    Trả lờiXóa