Lửa - tác nhân nguy hiểm gây cháy nổ, tiêu diệt phá hủy phương tiện chiến đấu, kể cả những xe tăng hiện đại như M1 Abrams Mỹ cũng có thể bị thiêu cháy như bó đuốc!
Trong lịch sử nhân loại, việc tìm ra lửa và ứng dụng lửa vào phục vụ cuộc sống của con người được xem như là một phát minh vĩ đại. Tuy nhiên, bên cạnh những tác dụng to lớn không thể không nhắc tới những tác hại ghê gớm mà lửa đã gây ra cho con người như hỏa hoạn, ô nhiễm môi trường v.v...
Còn trong chiến tranh, lửa cũng là một loại vũ khí có uy lực rất lớn. Bên cạnh đó, nó cũng là một tác nhân mà các vũ khí khác sinh ra để tiêu diệt sinh lực cũng như các loại phương tiện chiến đấu của đối phương.
Ngay cả xe tăng - loại phương tiện chiến đấu có khả năng phòng hộ cao như T-90 của Nga hay M1 Abrams của Mỹ cũng không thể tránh khỏi bị lửa đe dọa. Vì vậy, nghiên cứu chế tạo thiết bị chữa cháy cho các phương tiện chiến đấu hiện đại là một yêu cầu tất yếu đối với các nhà sản xuất.
Vỏ thép dày cũng vẫn cháy như thường
Bản chất của lửa là quá trình ô-xy hóa nhanh chóng của một vật liệu trong phản ứng cháy, giải phóng ra nhiệt, ánh sáng và một số sản phẩm khác. Vì vậy, để tạo ra lửa phải cần đủ 3 yếu tố là: chất cháy, ô-xy và nguồn nhiệt. Trong đó, chất cháy và ô xy là điều kiện cần và nguồn nhiệt là điều kiện đủ.
Là một phương tiện chiến đấu hiện đại nên chủng loại các chất cháy có trong xe tăng tương đối phong phú như: nhiên liệu (xăng hoặc diesel), dầu mỡ cho động cơ và các cụm máy; thuốc phóng, thuốc nổ trong đạn dược; các loại đệm cao su, nhựa tổng hợp v.v...
Cộng với ô-xy trong không khí là các điều kiện cần đã sẵn sàng. Chỉ cần một nguồn nhiệt đủ tạo ra một nhiệt độ cao hơn nhiệt độ phát lửa của các loại chất cháy nêu trên là ngọn lửa sẽ bùng lên. Nguồn nhiệt này thường được tạo ra khi xe tăng trúng đạn của đối phương.
Trong thực tế, không phải bất cứ viên đạn nào trúng vào xe tăng cũng có thể gây cháy. Đã có rất nhiều xe tăng bị trúng đạn - kể cả đạn xuyên động năng, đạn xuyên lõm hay đạn xuyên dưới cỡ... nhưng không hề bị cháy.
Sở dĩ như vậy là bởi các viên đạn này xuyên vào những vị trí không nguy hiểm của xe. Còn khi đạn trúng vào các vị trí nguy hiểm như tổ nhiên liệu, buồng chứa đạn... thì nhiệt độ do vụ nổ đầu đạn hoặc luồng xuyên sinh ra sẽ đốt cháy các chất cháy ở đó (nhiên liệu, thuốc phóng...).
Ngọn lửa sẽ nhanh chóng lan ra toàn xe nếu không được dập kịp thời và đến lượt nó - chính ngọn lửa này là nguồn cung cấp nhiệt năng để duy trì ngọn lửa ngày một to hơn.
Khi đạt đến một nhiệt độ nhất định, ngọn lửa sẽ kích nổ cho các đầu đạn và sẽ tạo nên một vụ nổ tập trung có sức phá hủy kinh hoàng, thậm chí hất tung được cả tháp pháo nặng hàng chục tấn ra khỏi thân xe.
Qua phân tích các tình huống trúng đạn của xe tăng người ta đã đúc rút ra một thực tế là: khi xe tăng trúng đạn, có khá nhiều trường hợp kíp xe không bị chết ngay mà chỉ bị ngất đi do sức ép của vụ nổ của đầu đạn xuyên.
Trong lúc đó xe bốc cháy và ngọn lửa dần lan ra toàn xe. Nếu không tỉnh dậy kịp thời để thoát ra khỏi xe thì các thành viên kíp xe sẽ bị chết do lửa thiêu hoặc đạn trong xe nổ. Vì vậy, việc dập lửa lúc này càng có ý nghĩa đặc biệt đối với sự sống còn của kíp xe.
Không chỉ trong chiến đấu, việc chấp hành không nghiêm các quy tắc an toàn trong quá trình khai thác, sử dụng và bảo quản, bảo dưỡng trang bị cũng có thể gây nên cháy nổ cho xe tăng. Thực tế đã có những tai nạn đau lòng xảy ra vì nguyên nhân này.
Tóm lại, lửa rất cần thiết song cũng rất nguy hiểm. Chả thế mà từ xưa người ta đã lưu truyền câu ngạn ngữ: "Chớ có đùa với lửa!"- kể cả đó là xe tăng, một loại phương tiện chiến đấu hiện đại được đánh giá là có khả năng tự bảo vệ tốt nhất.
Chế ngự lửa như thế nào?
Như đã nói trên, để lửa cháy được cần phải có đủ 3 yếu tố. Vì vậy, để chế ngự - dập tắt được ngọn lửa thì cần phải loại trừ được một trong ba yếu tố đó. Thông thường, khi dập lửa người ta sử dụng một hoặc vài trong các phương pháp sau:
- Loại bỏ nguồn nhiên liệu. Chẳng hạn nếu cháy do khí đốt thì có thể khóa van khí đốt lại.
- Cách ly hoàn toàn ngọn lửa bằng cách bao bọc nó bởi các vật dụng như bạt, chăn... hoặc chất không cháy như bọt, khí CO2... Sở dĩ cách này dập được lửa vì nó đã cách ly ngọn lửa với nguồn ô- xy trong không khí.
- Xịt nước vào ngọn lửa. Cách này dập được lửa vì nó hạ nhiệt của ngọn lửa. Tất nhiên, nó chỉ dập được lửa khi tốc độ hạ nhiệt của nó lớn hơn tốc độ tăng nhiệt của ngọn lửa.
- Xịt hóa chất chống cháy vào ngọn lửa. Chất này làm giảm tốc độ của các phản ứng hóa học làm ngừng phản ứng dây chuyền.
Đối với xe tăng là loại phương tiện chiến đấu thường xuyên đối mặt với nguy cơ cháy nổ nên từ các xe tăng thế hệ 2 trở đi đã được người ta nghiên cứu lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động. Hệ thống này ngày càng được hoàn thiện trong các xe tăng ra đời gần đây và trong nhiều trường hợp đã chứng tỏ được hiệu quả của nó.
Một hệ thống chữa cháy trên xe tăng thường bao gồm các bộ phận chính sau:
- Các cảm biến cháy - Đó là các phần tử nhạy cảm về nhiệt, được lắp ở những vị trí dễ phát cháy trên xe (tổ nhiên liệu, buồng động lực v.v...). Khi có đám cháy ở gần đó, các cảm biến sẽ biến tín hiệu nhiệt thành tín hiệu điện điều khiển hệ thống chữa cháy làm việc nếu ở chế độ tự động.
Trường hợp hệ thống đặt ở chế độ bán tự động nó sẽ báo động cho thành viên kíp xe biết để kịp thời xử trí.
- Các bình chữa cháy - Đó là các bình thép chứa các chất chữa cháy. Tùy theo kinh nghiệm của nhà sản xuất mà người ta lựa chọn loại hóa chất này nhưng đều có chung một đặc điểm là phải đạt được mức độ an toàn cao nhất với người (về phương diện hóa học) vì xe tăng là không gian kín có người hoạt động trong đó.
Mỗi xe có 3- 4 bình chữa cháy, mỗi bình khoảng 1,5- 2 kg hóa chất. Điểm đặc biệt của các bình chữa cháy này là được bịt kín bằng 1 màng ngăn, trên đó có 1 kíp nổ điện. Khi có dòng điện chạy qua kíp này sẽ nổ và làm thủng màng ngăn, giải phóng các hóa chất ra khỏi bình.
- Ống dẫn và đầu phun chất chữa cháy - Để dẫn hóa chất chữa cháy đến đúng vị trí cần thiết.
- Thiết bị điều khiển (TBĐK)- Có tác dụng điều khiển hệ thống chữa cháy hoạt động ở 2 chế độ: tự động và bán tự động.
Ở chế độ tự động: khi có cháy và có tín hiệu báo cháy từ cảm biến đưa về, TBĐK sẽ tự động đóng điện cho nổ kíp điện bình chữa cháy, đồng thời tắt động cơ và mở van để chất chữa cháy được dẫn đến đúng vị trí đám cháy.
Trường hợp vẫn chưa dập được cháy, TBĐK sẽ cho nổ tiếp kíp điện ở bình thứ 2, thứ 3. Trong trường hợp đặt ở chế độ bán tự động, TBĐK sẽ báo động cho kíp xe thông qua đèn tín hiệu và còi báo cháy. Khi thành viên kíp xe xử trí bằng cách ấn nút chữa cháy bằng tay thì TBĐK sẽ chuyển mạch sang sẵn sàng sử dụng bình chữa cháy tiếp theo.
Vì buồng chiến đấu xe tăng là một không gian kín rất chật chội, khi các hóa chất phun ra để chữa cháy ở đây sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình hô hấp của con người nên lúc này tốt nhất là các thành viên kíp xe rời khỏi xe một thời gian chờ dập tắt đám cháy rồi mới trở lại xe.
Trường hợp đang chiến đấu không thể ra khỏi xe các thành viên trưởng xe và nạp đạn phải mở hoặc mở hé cửa xe, lái xe thở qua lỗ bắn súng tín hiệu trên nắp cửa. Khi đám cháy đã được dập phải mở cửa an toàn (đáy xe) và bật quạt thông gió 2- 3 phút để thổi sạch các hóa chất ra khỏi buồng chiến đấu.
Nhìn chung, hệ thống chữa cháy tự động đã hoạt động rất hiệu quả và đã có rất nhiều trường hợp đã cứu được xe tăng và các thành viên kíp xe khỏi ngọn lửa. Tuy vậy, cũng có những trường hợp do đám cháy quá lớn, hệ thống đã huy động hết khả năng của mình song do chỉ có lượng hóa chất hạn chế nên vẫn không thể dập nổi đám cháy.
Nhưng dù sao đi chăng nữa, việc thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và định kỳ thay thế, bổ sung các bình chữa cháy trong hệ thống là một công việc hết sức cần thiết.
Nguồn: http://soha.vn/cho-dua-voi-lua-xe-tang-hien-dai-nhu-m1-abrams-my-cung-chay-nhu-bo-duoc-20161111102449795.htm
Khắc Nguyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét