Để tạo ra một chiếc "ô" cho mình, Bộ đội Tăng - Thiết giáp đã có một sáng kiến khá độc đáo là đưa pháo cao xạ lên xe thiết giáp làm cao xạ tự hành.
Đầu xuôi đuôi lọt
Ngày 18 tháng 11 năm 1971, Bộ Quốc phòng ra quyết định chuyển Trung đoàn xe tăng 202 thành Trung đoàn Bộ binh cơ giới 202. Sự thay đổi không chỉ ở cái tên mà kéo theo rất nhiều thay đổi, từ trang bị vũ khí cho đến tổ chức biên chế và nghệ thuật tác chiến...
Với sự đa dạng của trang bị và mức độ cơ giới hóa cao, cấp trên hy vọng trung đoàn Bộ binh cơ giới (BBCG) có khả năng tác chiến độc lập, dài ngày trên một hướng của chiến dịch.
Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra làm đau đầu tất cả các cấp là làm sao có được chiếc ô phòng không an toàn cho binh đội BBCG này khi tác chiến độc lập. Thực tế lúc đó ở chiến trường miền Nam thì Không quân Mỹ đang làm chủ bầu trời.
Trong khi đó lực lượng phòng không của ta còn rất mỏng yếu, chủ yếu là các phân đội cao xạ 12,7 mm và 14,5 mm. Vì vậy, hầu hết các trận đánh của ta đều bị Không quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) ngăn chặn, gây nhiều thiệt hại.
Với Bộ đội Tăng - Thiết giáp (TTG) cũng vậy, vũ khí phòng không tự thân cũng chỉ có đến 12,7 mm là cùng, mà lại là vũ khí "phụ" nữa vì ở xe tăng thì nhiệm vụ chính của pháo thủ số 2 là nạp đạn, chỉ khi nào cần tự bảo vệ hoặc không phải nạp đạn mới lên bắn 12,7 mm mà thôi.
Một số xe cao xạ tự hành ZSU-37 và ZSU-57-2 còn lại sau thời kỳ chống chiến tranh phá hoại hầu hết đã đưa vào chiến trường nhưng số lượng cũng rất hạn chế. Do đó, vấn đề đánh máy bay, tạo chiếc ô an toàn cho TTG là hết sức cần thiết.
Sau vài cuộc trao đổi giữa Bộ tư lệnh TTG và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, hai bên đã thống nhất sẽ nghiên cứu đặt các khẩu đội pháo cao xạ lên xe thiết giáp để tăng cường sức mạnh phòng không cho TTG.
Loại xe được lựa chọn là BTR-50PK. Còn loại pháo được lựa chọn là pháo phòng không ZU-23-2. Ngay lập tức, sáng kiến được đưa vào thực nghiệm và kết quả thu được tương đối tốt. Và một loạt xe "cao xạ tự hành cải tiến" đã ra đời.
BTR-50PK (tiếng Nga: БТР- Бронетранспортер) là một loại xe bọc thép chở quân lội nước của Liên Xô dựa trên khung gầm xe tăng hạng nhẹ PT-76, được trang bị 1 khẩu đại liên 7, 62 mm. Xe có trọng lượng 14,5 tấn, kíp xe 3 người và có khả năng chở được đến 20 lính bộ binh.
Trên nóc xe, khi đóng cửa BB xuống hoặc nóc buồng động cơ là những tấm thép phẳng nên khá thuận lợi cho việc gá lắp các trang bị khác.
Còn ZU-23-2 (Tiếng Nga: Зенитная Установка - nghĩa là pháo phòng không) là một loại pháo phòng không bán cố định, nòng đôi cỡ nòng 23 mm do Liên Xô nghiên cứu và chế tạo. Trong trạng thái cố định, mâm pháo có một trục quay giúp xạ thủ có thể quay pháo xung quanh 360 độ.
Pháo được ngắm và bắn hoàn toàn bằng thủ công, trang bị một kính ngắm quang học ZAP-23 cùng một thước ngắm cơ khí. Nó cũng được lắp đặt một ống ngắm thẳng T-3 sử dụng trong trường hợp tấn công bộ binh hoặc xe thiết giáp ở mặt đất.
Đạn pháo được đặt trong các thùng đạn và được nạp qua hai băng tải ở hai bên. Mỗi thùng đạn chứa 50 viên và cung cấp cho 2 nòng riêng biệt của khẩu pháo. Tốc độ bắn của pháo theo lý thuyết là 2000 viên/phút. nòng, thực tế 400 viên/ phút. nòng.
Pháo nặng 0,95 tấn và có 2 bánh lốp để cơ động. Khi tác chiến mâm pháo được hạ xuống và 2 bánh được kéo lên. Pháo có 2 loại đạn chính là xuyên cháy và nổ phá, sơ tốc đầu đạn đạt xấp xỉ 1000 mét/ giây, tầm bắn hiệu quả đến 2500 mét.
Với lợi thế nóc xe BTR50PK khá bằng phẳng nên việc gá lắp pháo ZU-23-2 lên đó tương đối thuận lợi. Người ta đã hàn thêm 3 bu-lông để cố định mâm pháo lên đó, đồng thời bỏ 2 bánh đi. Việc đưa pháo lên cũng không mấy khó khăn, chỉ cần "cẩu" của xe công trình là được.
Lúc này, buồng chở bộ binh trở thành kho chứa đạn và nơi lắp đạn, khi cần vẫn có thể chở được 1 tiểu đội bộ binh.
Sau khi hàn đặt pháo lên nóc, xe được đem bắn thử và kết quả rất ổn định. Chỉ có điều 2 pháo thủ ngồi ngoài đó khá nguy hiểm nên cấp trên quyết định trang bị cho mỗi xe 2 bộ áo giáp và 2 mũ sắt. Ngay sau đó nó được thực hiện đồng loạt trên một số xe và biên chế thành Đại đội cao xạ của Trung đoàn BBCG 202.
Máy bay cũng bắn mà xe tăng, bộ binh cũng chơi
Do được đưa vào chiến trường muộn hơn so với toàn trung đoàn nên Đại đội cao xạ tự hành này không được tham gia trong đợt 1 của chiến dịch.
Bước vào đợt 2, các xe cao xạ này đã thực sự trở thành cái ô phòng không che đỡ trên đầu Trung đoàn BBCG 202 trong suốt cuộc tiến công trong hành tiến trên cánh đông của chiến dịch. Họ đã bắn rơi 3 máy bay địch, yểm trợ cho trung đoàn cùng với bộ binh giải phóng 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị.
Đáng chú ý, trong quá trình chiến đấu nhiều lần các pháo thủ đã hạ nòng bắn vào quân địch trên mặt đất và đạt được hiệu quả rất cao.
Đặc biệt, trong trận phản công đánh địch lấn chiếm Cửa Việt đêm 27, rạng ngày 28.01.1973 trước giờ Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, các xe thiết giáp lắp pháo cao xạ đã lập công lớn khi cùng với đội hình TTG và bộ binh bảo vệ vững chắc vùng giải phóng trước sức tấn công dữ dội của quân địch.
Trong trận này, đối tượng tác chiến của họ không phải là máy bay mà là xe tăng, thiết giáp và bộ binh địch với số lượng vượt trội (tỷ lệ so sánh địch/ ta về TTG là 20/1).
Với sơ tốc đạt 1000 mét/ giây, các đầu đạn xuyên cháy của cao xạ 23 mm đủ sức "xơi tái" M113 và M41, đồng thời cũng làm cho M48 phải chùn bước nếu bắn vào sườn xe. Còn với đầu đạn nổ phá khi bắn bộ binh đạt hiệu quả sát thương rất cao, mỗi đầu đạn đó không khác gì một viên đạn phóng lựu.
Với sơ tốc lớn, tốc độ bắn cao, uy lực đầu đạn mạnh, lại cơ động nhanh trên mọi địa hình... pháo cao xạ tự hành 23 mm lắp trên xe thiết giáp BTR50PK thật sự là một thứ vũ khí lợi hại.
Vì vậy, khi địch mở hướng tiến công thứ hai nhằm đánh vào sườn đội hình phòng ngự của ta, 2 khẩu đội cao xạ tự hành bố trí tại Vĩnh Hòa Phường đã bất ngờ đánh vào sườn đội hình cơ động của địch làm chúng phải rút chạy và bỏ ý định mở hướng vu hồi.
Còn khi cảng Mỹ bị một bộ phận bộ binh và TTG địch xâm nhập, theo lệnh trên tất cả các xe cao xạ tự hành còn lại đã cơ động về để phản kích và chính hỏa lực 4 khẩu đội cao xạ này là nhân tố chính đẩy lùi lực lượng địch được xe tăng, thiết giáp yểm trợ ra khỏi khu vực cảng trước giờ Hiệp định Pa-ri có hiệu lực.
Tiếp đó, các xe cao xạ tự hành này còn tham gia chiến đấu trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, làm nghĩa vụ quốc tế và ở đâu nó cũng chứng tỏ được hiệu quả của mình.
Sáng kiến đặt pháo cao xạ lên xe thiết giáp đã đạt được những thành công nhất định, để lại nhiều bài học kinh nghiệm về sử dụng phòng không trong tác chiến của TTG, đồng thời cũng thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm và tư duy sáng tạo trong sử dụng trang bị vũ khí của bộ đội ta.
Nguồn: http://soha.vn/vn-dua-phao-zu-23-2-len-xe-thiet-giap-btr-50-may-bay-xe-tang-bo-binh-diet-tuot-20161222173051648.htm
Khắc Nguyệt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét